Luân hồi ký sự: Bạc ẩn Quế Lâm



Tác giả: Thạch Phương Hành

[ChanhKien.org]

Năm Gia Thái thứ nhất triều Nam Tống (năm 1201), nhân khi kỳ thi hương vừa kết thúc, một quan viên địa phương của tỉnh Quế Lâm là Vương Chính Công cảm thấy học trò của mình làm bài rất tốt bèn cùng đám học trò đối ẩm tại phủ, cũng là để khích lệ và khuyên nhủ mọi người tận sức vì triều đình. Lúc cao hứng nhất ông đã huơ bút làm một bài thơ thất ngôn như sau:

Bách chướng thiên phong cổ Quế Châu,
Hướng lai nhân vật cố nan trù.
Nga quan cộng ứng hiền năng chiếu,
Sách túc thùy phi đạo nghệ lưu.
Kinh tế tài du kỳ viễn khí,
Tung hoành lễ nhạc đối tiền lưu.
Tam quân bát tuấn cụ hương tú,
Ổn bộ thiên tân tối thượng đầu.
Quế Lâm sơn thủy giáp thiên hạ,
Ngọc bích la thanh ý khả tham.
Sĩ khí vị nhiêu quân khí chấn,
Văn tràng đoan tự chiến tràng hàm.
Cửu quan hổ báo khán kình địch,
Vạn lí côn bằng trữ kịch đàm.
Lão nhãn ma sa đốn tăng sảng,
Chư quân đoan thị đấu chi nam.

Tạm dịch:

Trăm núi ngàn non cổ Quế Châu
Xưa nay danh sĩ vẫn hay nhiều
Mũ cao đáp lại lời chư thánh
Kế hay ai chẳng đạo nghệ đầu?
Kinh bang tế thế mưu chí lớn
Lễ nhạc tung hoành sáng sánh ngọc châu
Ba quân anh tuấn, quê hương thắm
Thiên Tân bình ổn xếp hạng đầu
Quế Lâm sơn thủy nhất thiên hạ
Ngọc bích xanh điều quyện thơ câu
Sĩ khí đương cao quân khí giục
Khoa văn chẳng khác chiến trường bao!
Chín ải báo hùm lườm quân địch
Vạn lý chim bằng lặng hồi lâu
Mắt già như được thêm phần sáng
Trăm quân tề chỉnh phía Nam Đầu

Xuất xứ sớm nhất của câu nói “Quế Lâm sơn thủy giáp thiên hạ” (non nước Quế Lâm đẹp nhất thiên hạ) lấy từ bài thơ này, và cũng từ đó cách nói này đã được lan truyền rộng rãi, không lâu sau nó đã truyền ra khắp một vùng rộng lớn, nhà nhà đều biết.

Vào thời điểm đó, một người tên là Trương Thứ Lương đã khắc hai bài thơ của Vương Công Chính lên tảng đá trên đỉnh Độc Tú ở Nam Lộc. Về sau do Vương Công Chính bị đồng liêu vu cáo hãm hại nên mọi người đã giấu bài thơ được khắc đi, giấu một mạch 800 năm, mãi đến năm 1983 nó mới được tìm thấy.

Tương truyền rằng từ thời Đường, cái tên Quế Lâm đã nổi danh khắp thiên hạ; đến ngày nay dân gian vẫn còn lưu truyền rất nhiều truyền thuyết về câu thơ: “Kim thị đình chi thắng giáp vu thiên hạ” mà Liễu Tông Nguyên viết trong thời gian làm quan thái thú ở Quế Lâm. Tất cả đã được kế thừa qua mấy ngàn năm, để người đời sau có thể cảm nhận được sự quan tâm săn sóc từ bi của các vị Thần tiên đối với nơi này.

Vùng đất Lĩnh Nam cổ đại nói chung là nơi lưu đày, và đa phần các điều kiện ở đó đều không tốt, ngoại trừ Quế Lâm. Nếu một người được phái đi hoặc bị giáng chức mà có thể đến được Quế Lâm thì đó là một điều may mắn.

Ban đầu tôi nghĩ vẻ đẹp của non nước Quế Lâm nằm ở chỗ hữu tình của nó. Đến khi tôi thực sự đến sống ở Quế Lâm và trải nghiệm qua hoàn cảnh nơi đây tôi mới thấy từ trước đến giờ ấn tượng của mình về Quế Lâm quả thật chỉ là ở bề mặt.

Chuyến này chúng tôi đi xe suốt một hành trình dài 8.000 dặm, trên đường đi qua rất nhiều thành phố, nhưng tôi cho rằng nơi quyến rũ nhất chỉ có thể là Quế Lâm. Những thành phố khác cũng rất đẹp, rất mãn nhãn, nhưng tôi có cảm giác là mình chỉ như đang “ngắm nhìn” và thưởng ngoạn phong cảnh; riêng khi đến Quế Lâm, sức hấp dẫn của nơi đây ở chỗ nó khiến những ai đặt chân đến đây thực sự hòa mình vào vùng non nước này! Nó khiến người ta khó phân biệt rõ đâu là chính mình, đâu là non nước.

Khi nhóm người chúng tôi đến nơi thì trời đã tối, chúng tôi tìm chỗ nghỉ trước rồi sau đó thưởng thức món cháo hải sản ở đây, đồng thời còn gặp một nhóm người nước ngoài đến du lịch, sau đó đến hồ Cổ Dung thưởng ngoạn, nhân tiện chúng tôi cũng thăm thú cảnh phố thị và các cửa hiệu mang tính đặc sắc dân tộc. Mặc dù chúng tôi lên đường vào sáng sớm hôm sau nhưng sức hấp dẫn độc đáo của nơi đây đã để lại cho nhóm chúng tôi một ấn tượng vô cùng sâu sắc!

Hôm nay nhân cơ hội này tôi xin viết về hành trình luân hồi gắn liền với Quế Lâm, xin được gửi tặng bài viết đến vùng cảnh quan mà Thần ban cho nơi đây cũng như những du khách đến nơi này thưởng ngoạn.

Để có được tiếng nói chung với nhiều người hơn, trong những bài viết về luân hồi sau này tôi sẽ giảm thiểu việc viết về những trải nghiệm của riêng mình, viết nhiều hơn về trải nghiệm của những người mà tôi biết, những người mà tôi chưa gặp qua trong đời này, thậm chí những người bạn mà tôi không quen biết, có thể nhân vật chính là một hoặc một số vị độc giả nào đó yêu thích thể loại bài viết này.

Sau giữa thời nhà Minh, tại thành Tô Châu, ngành dệt may rất phát triển nhưng nó cũng trở thành một nơi bị quan phủ bóc lột nặng nề. Đặc biệt ở hai xưởng dệt may do thái giám dựng nên thì càng vô pháp vô thiên hơn. Lý, Vương, Khổng, Tôn là những hộ dệt may lớn ở đây bị bóc lột hết sức ghê gớm, quản gia của họ đều bị tống vào đại lao, người nhà họ suýt nữa thì tán gia bại sản do phải nộp những thuế má không hợp lý và phải hối lộ cho quan phủ thì mới có thể chuộc họ ra ngoài.

Bốn người họ sau khi ra khỏi đại lao quả thực không muốn bị những kẻ ác kia ngược đãi và bắt nạt nữa, nên họ đã quyết định bán hết gia sản, mang theo gia quyến rời thành Tô Châu. Ban đầu họ muốn đến huyện Phổ Nhĩ tỉnh Vân Nam buôn trà, giữa đường thì đi đến Quế Lâm.

Khi nhìn thấy cảnh vật xinh đẹp của Quế Lâm họ quyết định ở tạm lại đây ít lâu, vận dụng khả năng kinh doanh thiên bẩm của mình, bắt đầu làm một số việc giao thương nhỏ, rồi sau đó đem đặc sản vùng này bán ra khắp nơi, và dần theo thời gian họ đã tích lũy được một khối tài sản đáng kể.

Vì tất cả bọn họ đều cảm thấy phong cảnh nơi đây quá đỗi xinh đẹp nên không muốn rời đi nữa. Cũng có người từng mời họ đi nơi khác làm ăn để kiếm được nhiều tiền hơn nhưng họ đều từ chối.

Khi nhàn rỗi không có việc gì làm, họ thường thích đến bên bờ sông Ly ngồi lại cùng nhau, vừa tính chuyện làm ăn vừa thưởng thức phong cảnh xinh đẹp nơi này.

Nói chung, Tô Châu cũng là một nơi xinh đẹp, nhưng vẻ đẹp của nó hoàn toàn không giống với vẻ đẹp của Quế Lâm. Cái đẹp của Tô Châu nằm ở sự tinh tế, tỉ mỉ, khéo léo, chẳng hạn như kiến ​​trúc lâm viên của Tô Châu; còn vẻ đẹp của Quế Lâm nằm ở chỗ trời đất, nước non hòa quyện thành một thể, một vẻ đẹp tự nhiên, trong lành đến thế, một vẻ đẹp hùng tráng mà không phô trương, tao nhã mà không kém phần thanh tú…

Một hôm, mấy người họ đến đây ngồi chơi như thường lệ, bỗng một lúc sau trời bắt đầu đổ mưa phùn, họ thấy quang cảnh thực sự mỹ lệ tuyệt vời, hệt như trong tiên cảnh, chẳng ai muốn rời đi.

Trong khi mọi người đang cùng nhau chiêm ngưỡng cảnh đẹp, thì Tôn lão tiên sinh, người trẻ nhất và có thị lực tốt nhất trong số họ đột nhiên kêu lên: “Nhìn kìa, có những tiên nữ đang múa!” Mấy người họ định thần nhìn một lúc, phát hiện bên sườn núi cách đó không xa quả nhiên có tám vị tiên nữ đang nhẹ nhàng khiêu vũ. Đó thực là:

Mông lung Ly giang sơn thủy mỹ
Tiên nữ phiên phiên tư nhược thủy
Thần tạo mỹ cảnh vi a thùy
Tẩy tịnh phàm trần khoái hồi quy!

Tạm dịch:

Sông Ly mịt mờ, nước non tuyệt sắc
Tiên nữ dịu dàng, dung nhan như nước
Thần tạo mỹ cảnh cũng bởi vì ai
Tẩy tịnh phàm trần, mau trở về thôi!

Điệu múa của họ đặc biệt diễm tuyệt, điệu múa ấy cùng với non, với nước, với đất trời hoà thành một bức tranh đẹp hoàn mỹ.

Lý lão tiên sinh, người lớn tuổi nhất, sau khi xem xong màn diễn này đã nói một cách đầy ẩn ý rằng: “Người ta đều bảo rằng non nước Quế Lâm là do Thần hữu ý tạo nên, xem ra đó không phải là hư truyền!”

Vương tiên sinh, người nhỏ tuổi hơn một chút, trầm ngâm nói: “Hôm nay chúng ta có thể xem tám vị tiên nữ khiêu vũ dưới cơn mưa phùn, đây quả là phúc phận tu từ kiếp trước! Non nước nơi này thật sự rất có linh tính, nơi này thật khác biệt với những nơi khác!”

Tôn lão tiên sinh, người đã từng đọc qua rất nhiều sách, nói: “Thần đã tạo ra khung cảnh tuyệt đẹp này, còn có thể khiến các vị tiên nữ đến đây khiêu vũ, lẽ nào chỉ để cho chúng ta thưởng lãm thôi sao?” Lời này của Tôn lão tiên sinh khiến mọi người đều phải trầm tư suy nghĩ.

Sau này vào một đêm trăng tròn rằm tháng tám, mấy lão nhân cùng nhau chèo bè đến thượng du sông Ly Giang dạo chơi, đó quả đúng là một trải nghiệm vô cùng thanh thản dễ chịu, khi họ đang du lãm tại nơi này đột nhiên có một tiên nữ vô cùng khả ái từ trên cung trăng chầm chậm bay xuống.

Lão Khổng nói với mấy người bên cạnh: “Vị ấy từ hướng cung trăng bay tới, lẽ nào là Hằng Nga?” Mọi người đều biết vị trí quan trọng của Hằng Nga tiên nữ trong Thần thoại và truyền thuyết nơi vùng Quế Lâm này, vậy nên mọi người đều nhận định không chút nghi ngờ đây chính là Hằng Nga hạ phàm.

“Hằng Nga” đứng trên mặt nước cách thuyền của họ chừng mười mét mỉm cười nói: “Mấy vị lão nhân du lãm Ly Giang quả thật là vui!” Một trong bốn vị đức cao vọng trọng – Lý tiên sinh đáp lời: “Đúng thế! Bao năm nay chúng tôi sống ở nơi này đều cảm thấy rất vui”.

“Hằng Nga” lại một lần nữa mỉm cười: “Thần tạo tác cảnh đẹp nơi nhân gian các vị cứ tận sức thưởng thức điều đó cũng không có gì đáng trách, nhưng các vị cần biết rằng mục đích căn bản của việc này không chỉ có vậy đâu!”

Lời này của “Hằng Nga” đều khiến mọi người cảm thấy nghi hoặc, thay nhau ôm quyền mời “Hằng Nga” khai thị. “Hằng Nga” vẫn dịu dàng mỉm cười đáp: “Thuở đương sơ Thần là án chiếu theo phong cảnh nơi Thiên thượng mà dùng Pháp lực tạo tác nên sơn thủy nơi nhân gian. Đó là để con người có thể ghi nhớ mỹ cảnh nơi Thiên thượng và lực lượng từ bi của Thần. Mục đích căn bản của việc này là…” Lời vừa nói đến đây, mấy vị lão nhân đều đang dụng tâm lắng nghe thì chỉ thấy “Hằng Nga” chuyển hướng nói: “Một lát nữa sẽ có vị Thần khác đến nói cho các vị. Không còn sớm nữa, ta phải về đây”, nói xong liền biến mất. Mấy vị lão nhân chỉ biết ngơ ngác nhìn nhau, không biết phải làm thế nào.

Mấy người họ chỉ biết đứng đợi, trông ngóng sẽ có một vị Thần khác đến nói cho họ mục đích căn bản của mỹ cảnh nhân gian là gì, thế nhưng đợi mãi mà không có chút động tĩnh. Họ đã đợi cả một đêm dài, tới tận khi trời sáng cũng không thấy vị Thần nào đi tới, vậy nên họ liền chuẩn bị cập thuyền vào bờ để về nhà. Lúc này, có một vị lão nhân đầu đội nón chèo trên một chiếc bè bơi tới gần họ, không may lão nhân bị ngã xuống nước. Thấy vậy, mấy người họ liền bơi thuyền tới ứng cứu vị lão nhân kia.

Thật không dễ dàng mới cứu được lão nhân lên bờ. Sau khi tỉnh dậy lão nhân cứ nhất quyết đòi trở lại chiếc bè của mình, đến một câu cảm ơn cũng không có, lên bè bơi đi.

Vào lúc bốn người họ chuẩn bị rời đi, chỉ nghe thấy từ xa có tiếng của lão nhân khi nãy nói vọng lại, âm thanh của lão vừa giống như tiếng đọc kinh của một vị cao tăng nào đó lại vừa như âm hiệu của người cá: Thần tạo tác — mỹ cảnh, là để — cứu người về tiên giới; đến lúc đó, Phật chủ — hạ thế — sẽ có hình dạng giống như chúng ta — khi đó đừng vì — đắm chìm trong mỹ cảnh — của nhân gian mà bỏ lỡ mất cơ duyên thực sự có thể — hồi thiên — (Bởi vì khi lão nhân nói âm thanh trầm bổng du dương có âm điệu, vậy nên ở đây dùng ký hiệu “—” để biểu thị những âm điệu khác nhau khi lão nhân nói).

Lúc này, mấy vị lão nhân mới bỗng nhiên đại ngộ, thì ra “Hằng Nga” quả không gạt họ. Thần quả thực đã đến nói cho họ biết mục đích chân chính của việc Thần tạo ra mỹ cảnh là gì. Đồng thời việc này cũng khiến họ minh bạch ra một đạo lý: Thần sẽ không giống như dạng thức chúng ta tưởng tượng, có thể Thần sẽ trông rất bình thường, khi gặp được cũng là trong lúc rất tình cờ. Nếu như lúc nào cũng có thể bảo trì một trái tim thiện lương đến lúc đó nói không chừng sẽ gặp được cơ duyên đắc cứu này.

Sau khi đắc được khải thị này, bốn người họ cùng bàn luận với nhau đem công chuyện làm ăn giao lại cho con cháu quản lý, còn bản thân họ coi như sẽ ẩn cư tại vùng non nước hữu tình nơi đây, khi nhàn rỗi họ lại cùng nhau chèo bè du ngoạn trên dòng sông Ly Giang.

Bởi vì căn cơ của bốn người họ xác thực là rất tốt, nên đã lưu lại nơi này để từng bước gột sạch những bụi trần bất hảo trong hồng trần những năm qua, vì để sau này chân chính đắc được sự truyền độ của Sáng Thế Chủ mà đã tạo lập một cơ sở vô cùng vững chắc.

Thời gian lặng lẽ trôi, đã qua mấy trăm năm rồi, bốn vị lão nhân năm xưa trong quá trình chuyển sinh đã bao lần hợp hợp phân phân. Trong đời này họ lần lượt chuyển sinh tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Ukraine và Mexico. Thật may mắn là cả bốn người họ đều đã nhận được sự truyền thụ trực tiếp từ Phật chủ, ai cũng đang vững bước tinh tấn trên con đường tu luyện của mình. Phần lớn những thân nhân của họ trong thời nhà Minh đều được đắc thân người, mặc dù có một số người không đắc Pháp nhưng đều minh bạch chân tướng của Pháp Luân Đại Pháp. Điều này đã đặt định một cơ sở vô cùng tốt đẹp cho sinh mệnh tương lai của chính họ. Những sự tình này tại đây xin phép không nói chi tiết.

Đây chính là:

Bạc ẩn Quế Lâm thấm sơn thủy
Mê mông vũ trung tiên tư túy
Nguyệt hạ đãng phiệt thần khai thị
Thiện niệm trường lưu tùy Thần hồi!

Tạm dịch:

Tạm ở ẩn tại Quế Lâm đắm mình vào sơn thủy
Trong làn mưa mịt mùng say sưa vì điệu múa của tiên nữ
Khi chèo thuyền dưới trăng được Thần khai thị
Giữ thiện niệm cho bền lâu và theo Thần trở về!

Chú thích:

1.“Hằng Nga” xuất hiện trong bài viết không phải là vị Thần như trong truyền thuyết, vậy nên tại đây dùng ký hiệu trong ngoặc kép, bởi vì khi Thần điểm hóa cho con người cần phải căn cứ theo năng lực tiếp thụ của con người mà làm. Trong truyền thuyết địa phương, Hằng Nga rất nổi tiếng, nên vị Thần trong cảnh giới rất cao kia mới cố ý biến hóa ra hình dáng của Hằng Nga, từ trên cung trăng mà hạ phàm.

2.Trong Thần thoại lưu truyền tại Quế Lâm, có rất nhiều câu chuyện, truyền thuyết mà Thần cố ý lưu cấp lại cho hậu nhân đều ở trong trạng thái và cảnh giới mà con người có thể liễu giải được. Thực tế thì lịch sử chân thực là do rất nhiều Thần ở cảnh giới cao án chiếu theo cảnh sắc nơi Thiên giới mà hữu ý tạo tác nên hoàn cảnh môi trường tại nơi đây, tuyệt đối không chỉ hạn cuộc trong cảnh giới của tiên nữ và Quan Âm Bồ Tát.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/249049



Ngày đăng: 21-08-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.