Chân trời tìm Pháp: Sông Cám hồ Bà Dương (1)
Tác giả: Thạch Phương Hành
[ChanhKien.org]
Câu chuyện này kể về hành trình tìm Pháp của hai nhân vật Lý Hạo và Cao Húc ở Giang Tây vào thời Nam Tống.
Nhà của Lý Hạo nằm dưới chân núi Lư Sơn, còn nhà của Cao Húc thì ở khu vực Cửu Liên Sơn thuộc huyện Long Nam ở phía Nam tỉnh Giang Tây. Hai người đều rất thông minh. Năm 23 tuổi, mỗi người họ đều nghe rằng đồ gốm sứ của Cảnh Đức Trấn rất nổi tiếng và quý giá, đều muốn đến đó đem một ít gốm sứ về bán kiếm chút tiền. Thế là mỗi người tự khởi hành từ quê hương của mình, không hẹn mà cùng đến Cảnh Đức Trấn. Khi đi mua đồ gốm sứ ở đây họ đã gặp được nhau.
Lúc nói chuyện với nhau họ cảm thấy rất hợp ý, dần dà đã trở thành đôi bạn tâm giao. Có một lần khi đến tham quan lò gốm sứ, ông chủ họ Mạnh đã nói với họ rằng: “Mấy ngày trước có một vị tăng nhân đi ngang qua đây và nói với tôi, rằng gần đây có hai người từ Lư Sơn và Cửu Liên Sơn đến nơi này, ông hãy giữ họ ở đây vài bữa, ta có chút việc cần làm, các vị gắng đợi ta quay lại, ta có chuyện muốn nói với họ”. Hai người nghe xong cảm thấy thật kỳ lạ: “Một vị tăng nhân thì có gì để nói với những người buôn bán như chúng ta chứ?” Tuy vậy họ vẫn ở lại chỗ ông chủ Mạnh mấy hôm. Trong mấy hôm ấy, họ đến thăm khắp các lò gốm ở Cảnh Đức Trấn và cũng đã có được cái nhìn toàn diện về văn hoá gốm sứ.
Thời Nam Tống, giao thông đường biển rất phát triển, rất nhiều đồ gốm sứ từ Cảnh Đức Trấn được xuất ra nước ngoài; thông qua tiếp xúc với những thương nhân đến đây buôn bán, họ biết được khá nhiều về tình huống ở hải ngoại.
Vào hôm họ trở lại lò nung, ông chủ Mạnh nói: “Ngày hôm qua, vị tăng nhân ấy đã quay lại, thấy các cậu không có ở đây, ông đã để lại một câu, rằng vào một dịp nguyệt viên chi nhật nào đó sẽ gặp nhau trên đỉnh Cổ Lĩnh ở Lư Sơn”. Hai người nghe xong liền nghĩ, nguyệt viên là chỉ buổi tối, còn chi nhật là ban ngày, nghĩa là vào thời điểm nào đó trong ngày trước hoặc ngày sau của đêm trăng tròn nhất. Phải chăng vị tăng nhân kia đang khảo nghiệm họ? Nhớ lại năm xưa thời Tần Hán, Trương Lương khi còn trẻ cũng đã được “đối đãi” như vậy, về sau thì có được trí huệ. Hai người tính toán thời gian, ngày nguyệt viên chi nhật gần nhất là gần 10 ngày nữa, liền vội mang theo một ít đồ sứ đến đỉnh Cổ Lĩnh trên Lư Sơn.
Khi đến đỉnh Cổ Lĩnh núi Lư Sơn, vào ngày trước và sau ngày nguyệt viên chi nhật họ không gặp được vị tăng nhân nào cả, thế là họ lại đợi thêm mấy dịp nguyệt viên chi nhật nữa. Vào buổi sáng sớm trước một ngày nguyệt viên chi nhật khác, trời bỗng đổ cơn mưa rất to. Mưa vùng núi không giống như mưa vùng đồng bằng, nhất là khi mưa to, cơn mưa quả thật khiến người ta phải rùng mình kinh hãi. Túp lều tranh mà họ dựng tạm bị gió thổi mất, chỉ đành tìm một chỗ hõm trong vách núi để ở.
Rồi trời dần trong, ráng chiều hiện lên đẹp vô cùng, nhìn xa xa dòng Trường Giang đang cuồn cuộn chảy về Đông, nhìn gần thấy mây mù lượn lờ trên đỉnh núi Lư Sơn, trong lòng Lý Hạo có chút xúc động: “Kiếm được bao nhiêu tiền ấy cũng là để chăm lo cho gia đình, nhưng mọi sự lại biến đổi thật khôn lường”. Cao Húc nói: “Quê nhà chúng tôi ở thượng nguồn sông Cám, lúc nhỏ tôi nghe người lớn bảo rằng nếu thả một chiếc thuyền gỗ nhỏ đồ chơi ở đó, nó sẽ trôi theo dòng sông đến hồ Bà Dương, vào sông Trường Giang và cuối cùng trôi ra biển. Lúc đó, tôi cảm thấy thế giới thật rộng lớn, và luôn muốn ra ngoài đi dạo, nhìn ngắm thế giới và thử xem liệu tôi có thể gặp vị tăng nhân ấy không. Có lẽ vừa rồi trời mưa to quá, ông ấy sẽ không đến đâu”.
Vừa dứt lời thì hai người bỗng nghe bên cạnh mình có giọng nói: “Ai bảo các ngươi là ta không đến?” Hai người nhìn ngó xung quanh tìm xem giọng nói đến từ đâu thì chỉ thấy một vị lão tăng đang đứng ở đó. Lý Hạo và Cao Húc vội đến hành lễ, lão tăng nói: “Hai người các vị đều rất thông minh, đời này nếu làm nghề buôn bán gốm sứ sẽ kiếm được rất nhiều tiền, nhưng cũng chính vì có tiền mà sẽ gặp phải một số tai ách”. Lý Hạo nói: “Vậy chúng con nên làm thế nào? Xin ngày hãy chỉ dạy”. Lão tăng đáp: “Có nhiều cách để sinh sống, các vị có thể chọn cách học nghề nung gốm sứ rồi dạy lại đồ đệ để kiếm tiền, như thế có thể bảo đảm được cuộc sống mà đồng thời cũng tránh được tai ách trong tương lai. Chỉ là làm như vậy sẽ không kiếm được nhiều tiền”. Cao Húc nói: “Như thế cũng thật tốt, nhưng sao ngài lại bảo cho chúng con những điều này?” Lão tăng tay lần tràng hạt, trầm ngâm một lúc rồi nói: “Ta bảo các vị làm thế là vì để kết rộng thiện duyên, đồng thời cũng là để chờ đợi cơ duyên được đắc độ thực sự. Các sinh mệnh cũng vì cảnh giới ban đầu của họ đã trở nên bất hảo mà dần hạ xuống nhân gian. Vị Chủ Thần Sáng Thế không nỡ để các sinh mệnh ở trong cảnh giới bất hảo như vậy nên tương lai sẽ đến nhân gian bảo cho con người làm thế nào để thực sự bước trên con đường hồi quy. Các vị đã từng kết mối duyên phận với vị Chủ Thần Sáng Thế, đời này các vị cần thông qua nỗ lực mà khiến cơ duyên ấy trở nên vững chắc hơn. Ta từng đồng ý với các vị ở trong một cảnh giới, tương lai sẽ còn giúp các vị đi tìm vị Chủ Thần Sáng Thế. Vậy nên chỉ khi duyên phận đến thì ta mới xuất hiện. Trận mưa lớn ấy đã giúp thanh tẩy đi rất nhiều nghiệp lực mà các vị tích lại từ trước, và giúp các vị sau này khi gặp vấn đề thì sẽ có nhiều trí huệ hơn. Các vị phải ghi nhớ: chỉ dạy người ta học nghề, chớ tham gia vào việc buôn bán gốm sứ, nếu không thì dẫu kiếm được đồng tiền nhưng tính mệnh khó bảo toàn”. Nói xong lão tăng cùng bọn họ dạo chơi Lư Sơn mấy hôm rồi cáo từ rời đi.
Hai người suy ngẫm lời lão tăng nói, cảm thấy nửa tin nửa ngờ; nhưng nghĩ lại, đời này họ với lão tăng bèo nước gặp nhau, ông ấy đâu có lý do gì để lừa họ. Thế là hai người quay về Cảnh Đức Trấn và đến lò gốm của ông chủ Mạnh. Họ kể lại rõ mọi chuyện từ đầu đến cuối, ông chủ Mạnh nghe xong rất vui vẻ và đã đi tìm một người thầy để dạy hai người họ kỹ thuật làm đồ gốm sứ.
Vì họ từng có hiểu biết cặn kẽ về gốm sứ, có thể xem là có chút nền tảng, cùng với việc được sư phụ truyền dạy tỉ mỉ nên kỹ năng nung gốm của họ tiến bộ nhanh chóng. Trong quá trình nung gốm họ cũng trở nên thông thuộc hơn về các đặc điểm khác nhau của gốm sứ.
Một lần nọ nhìn mẻ gốm tinh xảo mới được nung ra, cả hai đều thấy rất vui mừng. Trong lúc họ đang phấn khởi thì từ lò nung dường như có một âm thanh êm tai phát ra: “Chúng tôi trông rất tinh mỹ, bởi đây đều là tạo hoá của Thần”. Lúc đầu họ rất ngạc nhiên, nhưng sau khi suy ngẫm thì thấy quả thật mọi thứ đều là do Thần tạo nên. Vì là do Thần tạo, nên chúng ta càng phải trân trọng chúng; và trong những ngày sau đó họ dùng tấm lòng tôn kính Thần để học nung gốm, cứ như thế trí huệ của họ dần được đả khai và chỉ trong một thời gian ngắn đã học xong kỹ thuật nung gốm sứ.
Sau khi học xong họ lại đi luyện tập nung gốm tại nhiều lò gốm lân cận để tiếp tục trau dồi kinh nghiệm và làm phong phú trải nghiệm của mình, đồng thời qua đó cũng kết giao được với rất nhiều bè bạn, trong đó có cả thợ nung và các thương gia buôn gốm sứ. Không ít người rủ Lý Hạo và Cao Húc cùng đi buôn bán đồ gốm sứ nhưng thảy đều bị họ từ chối.
Về sau hai người bắt đầu mở lớp dạy nung gốm; bởi rất nhiều người đã nghe và ngưỡng mộ danh tiếng về kỹ thuật nung của họ nên ùn ùn kéo đến học.
Một người học trò của họ nói rằng mình sống ở Long Hổ Sơn, phong cảnh nơi ấy rất hữu tình, hy vọng khi có thời gian hai vị sư phụ sẽ đến du ngoạn một chuyến; một người học trò khác nói rằng người thân của cậu ấy sống ở Mai Lĩnh, phong cảnh nơi đó cũng rất đẹp… Những khi rảnh rỗi, Lý Hạo và Cao Húc theo chân học trò đến các nơi. Mỗi khi đến từng địa phương, họ đều thấy những chốn ấy thảy là tạo hoá của Thần, rất nhiều nơi quả thật đẹp như là tác phẩm từ một bàn tay siêu nhiên.
Có lần họ ngao du đến Tam Thanh Sơn, khi đến Long Hổ Sơn, Lý Hạo nói: “Biết đâu chúng ta lại có duyên gặp được những người tu hành ẩn cư tại đây!” Lần ấy hai người dẫn theo ba học trò đi cùng, ba người học trò nghe họ nói vậy đều cười xoà, ngụ ý là “Làm sao có thể gặp được cơ chứ”?
Lát sau có một đứa bé đến, nó vừa đi vừa hát một bài giống như đồng dao rằng: “Đi tới đi lui, núi này tốt nhất; ẩn thân ẩn thân, nơi đây diệu nhất; lấy nước lấy nước, là tiêu dao nhất…” Hai người nghe vậy liền vội chạy đến hỏi: “Cháu có biết nơi này có vị ẩn sĩ tu hành nào không? Có thể dẫn chúng ta đến gặp họ không?” Đứa bé nói: “Cháu có sư phụ, sư thúc, sư bá và sư cô, không biết các vị muốn gặp ai?” Một người học trò của họ nói: “Đương nhiên là muốn gặp sư bá của cháu rồi”. Đứa bé nói: “Thật không may hôm qua sư bá mới ra ngoài đi dạo”. Cao Húc hỏi: “Vậy hãy dẫn bọn ta đến gặp sư phụ của cháu được không?” Đứa bé vẫn lắc đầu, đáp: “Sư phụ cháu đang bế quan tu hành”. Một người học trò khác hỏi: “Vậy chúng ta đi gặp sư thúc của cháu nhé?” Đứa bé trả lời: “Cũng không được, sư thúc và sư cô của cháu đang đàm đạo với nhau, không được quấy rầy họ”.
Lý Hạo cảm thấy đứa trẻ trước mắt tựa hồ cố ý làm khó bọn họ, liền nói: “Vậy chúng ta đợi ở đây nhé. Khi nào các vị trưởng bối của cháu có thời gian thì làm phiền cháu thông báo với họ một tiếng, dẫu bao lâu chúng ta cũng có thể đợi được”. “Vậy thật tốt ạ, cháu sẽ về thưa lại với các vị trưởng bối”, nói đoạn đứa bé lấy nước rồi quay về, vừa đi vừa hát bài đồng dao như cũ. Họ ở đấy bắt đầu chờ đợi.
(Còn tiếp)
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/274219
Ngày đăng: 11-01-2023
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.