Chân trời tìm Pháp: Minh sơn hoằng tuyền (2)



Tác giả: Thạch Phương Hành

[ChanhKien.org]

Bởi vì âm thanh hoan hô của các vị thần ban nãy vô cùng lớn nên đã khiến cả các vị thần ở cảnh giới khác đều cảm nhận được, họ đều đến xem xét sự tình, sau khi biết được căn nguyên của sự việc họ đã cùng lưu lại nơi này để chờ đợi sự xuất hiện của Sáng Thế Chủ. Tại đây chúng ta nói tóm gọn một chút: cứ như vậy lại trải qua một đoạn thời gian, cuối cùng Sáng Thế Chủ đã đến nơi này. Chỉ nhìn thấy trên bầu trời xuất hiện một đường hầm ánh sáng vô cùng rộng lớn, bên trong đó có một đoàn tiên nữ và phượng hoàng bay phía trước, phía sau là kim long mở đường, phía sau nữa là rất nhiều các thần hộ pháp cùng các Phật, Đạo, Thần quần tụ đông đủ từ trên trời mà hạ xuống! Đây chính là:

Thiên hoa loạn trụy pháp quanh xán
Tiên âm diểu diểu phật quang mạn
Chủ Phật quy nghiêm trấn thập phương
Tầng tầng hạ tổ cự vũ hoán

Dịch nghĩa:

Thiên hoa từ trên trời giáng hạ, Pháp quang phổ chiếu rực rỡ
Âm nhạc thiên giới hòa quyện cùng ánh Phật quang
Phật Chủ uy nghiêm trấn thủ thập phương
Tầng tầng hạ xuống thay mới cựu vũ trụ

Chứng kiến cảnh tượng này, các vị thần đều vội quỳ xuống nghênh tiếp Sáng Thế Chủ. Vị Long Vương trong hình dạng của đứa trẻ kia lúc quỳ xuống còn đưa mắt “nhìn trộm” Kim Long (rồng vàng) bên cạnh Sáng Thế Chủ, vừa hay đúng lúc vị Kim Long cũng hướng mắt nhìn tới, vị “tiểu Long Vương” này của chúng ta lập tức cảm nhận được uy lực vô tỷ của Kim Long. Khi nhìn thấy Sáng Thế Chủ, cả nam thần và nữ thần đều cảm thấy rất quen, dường như đã từng gặp qua ở đâu. Một lúc sau, cả hai đều đưa mắt nhìn nhau ngỡ ngàng, họ lập tức nhận ra năm xưa trong khu rừng kỳ ảo kia, chính Sáng Thế Chủ đã đưa tay vuốt lên lưng Thạch Đầu một cái, rồi đưa họ đến cảnh giới đặc thù ấy, chính vì vậy hai người họ mới có thể có được Thần thể và trí huệ cùng năng lực vô lượng của Thần.

Lúc này, Sáng Thế Chủ nói một cách đầy từ bi và uy nghiêm rằng: “Từ rất nhiều tầng vũ trụ đã phát sinh vấn đề, chỉ khi ta tầng tầng hạ thế tới tận tầng cuối cùng là thế gian con người thì mới có thể từ căn bản giải quyết vấn đề này. Nếu chư vị nguyện ý cùng ta đi xuống, thì hãy cùng ta đến thế gian con người, khi ta hồng truyền Đại Pháp sẽ trở thành đệ tử của ta, lúc đó hãy triển hiện năng lực của chư vị, vì chính pháp vũ trụ và góp một phần trách nhiệm; cho dù khi đó không làm được đệ tử Đại Pháp, nhưng cũng hãy vì việc truyền Đại Pháp của ta mà đặt định cơ sở và đặt định văn hóa, như thế thì công đức vô lượng, nếu làm được tốt cũng sẽ viên mãn hồi thiên”. Khi nghe xong những điều này, vị nam Thần, nữ Thần cùng các vị thần khác đều biểu thị mong muốn cùng Sáng Thế Chủ hạ thế. Hải Long Vương cũng không ngoại lệ.

Bởi vì Hải Long Vương cùng Nam thần và Nữ thần có duyên phận rất lớn, nên trong quá trình hạ thế ba người họ đều gắn bó với nhau như hình với bóng. Sau này, ba người đến kịp thời khắc khi vị Thần quản lý tam giới đang kiến tạo địa cầu. Lúc đó có rất nhiều núi non sông biển cùng các dạng hình địa mạo khác đã có các Thần khác nhau phân chia coi giữ, họ cũng không tranh giành với ai. Sau này, thời gian dần trôi qua, phần đất trên địa cầu nơi đông thổ liên tục biến chuyển khi màn đại kịch chuẩn bị khai diễn, lúc này số lượng Thần quản lý địa mạo (bề mặt trái đất) dần trở nên thiếu hụt, vậy nên ba người họ mới có cơ hội tham dự vào trong đó.

Địa mạo nơi nhân gian con người có quan hệ đến rất nhiều sự tình nơi thiên giới cho nên cho dù là một sự tình nhỏ đến đâu cũng cần rất nhiều Thần cùng thương lượng. Khi thiên giới muốn an bài để Đôn Hoàng trở thành nơi hội tụ văn hóa Trung Nguyên, Trung Á cùng văn hóa Âu Châu thì liền căn cứ theo đặc điểm của họ (chỉ Nam Thần, Nữ thần, Hải Long Vương), để an bài Minh Sa Sơn, Nguyện Nha Tuyền và nước ngọt của Đôn Hoàng với những đặc điểm nhất định.

Vì đã từng được Sáng Thế Chủ vuốt lên lưng (khi còn là Thạch Đầu) nên trên thân Nam thần có triển hiện ra năm màu sắc, vì thế tại nhân gian cát có năm màu sắc khác nhau. Còn nói về việc âm thanh phát ra giữa các khe núi thì đây chính là Nam Thần đang dùng biểu hiện này nơi nhân gian con người để triển hiện ra tạo hóa của Thần, hy vọng có thể thức tỉnh được lòng hướng Thần trong tâm khảm của con người nơi nhân thế. Nữ Thần với vẻ đẹp mỹ lệ cùng thần thông và sự từ bi vĩ đại đã hóa thành Nguyệt Nha Tuyền, uốn mình uyển chuyển phía chân núi. Long Vương thì trở thành vị thần tổng quản nguồn nước ngọt ở địa khu Đôn Hoàng. Bởi vì Long Vương nhận được ân huệ rất lớn từ Nữ Thần, nên đã trở thành chủ quản dòng nước có quan hệ mật thiết với Nguyệt Nha Tuyền.

Khi du khách leo lên đồi cát Minh Sa Sơn, toàn thân ướt đẫm mồ hôi, dưới chân giày dính đầy cát, cơ thể có chút mệt mỏi, đứng tại đỉnh núi hướng mắt nhìn ra bốn phía sẽ phát hiện ra ba mặt của núi (vì có một mặt có khu vực bị khuyết sâu vào bên trong nên chỉ còn tính là ba mặt) như đang như “ôm trọn” lấy dòng suối Nguyệt Nha Tuyền trong xanh uốn lượn bên dưới, lúc đó ý nghĩ đầu tiên sẽ xuất hiện xuất hiện trong đầu du khách thường là lời “quở trách” nhẹ nhàng: “Tiên tử à, nàng không nên đến nơi này, đây không phải nơi dành cho nàng!” Lúc này thì ý cảnh của Nguyệt Nha Tuyền sẽ giống như bức tranh bên dưới:

Tranh số 05: Tiên tử hái sen, minh họa: Tẩm Hương

Vẻ đẹp tú lệ và thanh tịnh của Nguyệt Nha Tuyền cùng với vẻ hùng vĩ và tráng lệ của đồi cát Minh Sa Sơn vừa hay là một cặp so sánh rất tương xứng. Vậy nên đa số du khách sau khi bộ hành lên đỉnh núi đều bị hình ảnh này làm cho chấn động, trong lúc cảm thán về vẻ thần tú và tinh mỹ của tạo hóa thì tâm khảm của du khách dường như đều chìm đắm trong những suy tư về mục đích cuối cùng của nhân sinh…

Câu chuyện cần kể đến thời Xuân Thu nhà Đông Chu, tại thành Lạc Dương có vị công tử con nhà giàu tên là A Khắc. Mặc dù sinh ra trong một gia đình giàu có hiển hách nhưng A Khắc là một người có phẩm đức cao quý, rất lương thiện và khiêm tốn, thường thích kết bạn giao lưu với bên ngoài. A Khắc thông thạo tri thức và lễ nghi nhưng cậu lại không biết chút gì về võ nghệ. Một lần nọ, công tử đem theo hai người tùy tùng ra ngoài, thấy phía trước có người đang biểu diễn ảo thuật liền tiến tới xem, không ngờ lại bị một kẻ trộm giật mất túi tiền rồi bỏ chạy. A Khắc và hai người tùy tùng ra sức truy đuổi nhưng mãi vẫn không bắt được kẻ gian. Người này chạy tới nơi bán đồ ăn vội vàng mua mấy thứ rồi tiếp tục bỏ chạy thục mạng đến một ngôi nhà cỏ cách đó không xa. Đám người của A Khắc cũng vừa hay đuổi tới. Khi đẩy cửa lao vào trong lều cỏ, cảnh tượng đập vào mắt A Khắc là hình ảnh tên trộm khi nãy (người này tên là A Lượng) đang đút thức ăn cho hai người già và một cô gái nhỏ (tên A Thanh) đang nằm trên giường bệnh. Ba người họ nhìn rất ốm yếu gầy guộc, xem ra đã mấy ngày liền không được ăn uống gì. A Khắc sinh lòng thương xót, cậu hỏi hai tùy tùng xem họ có mang tiền trong người không. Hai người tùy tùng bèn đem hết số tiền trong người giao cho A Khắc. Thấy vậy, A Lượng liền gọi em gái A Thanh đang nằm trên giường bệnh cố gượng dậy đến dập đầu cảm tạ A Khắc cùng hai người tùy tùng.

A Khắc nói với A Lượng: “Bất cứ khi nào thiếu tiền đều có thể đến phủ tìm ta”, nói xong liền đem theo tùy tùng rời đi. Khoảng hai tháng sau, vào một ngày nọ, A Lượng và A Thanh đã thực sự tới tìm A Khắc. Đúng lúc A Khắc chuẩn bị đi ra ngoài thì bắt gặp hai người, A Khắc bèn mời họ vào bên trong và lệnh cho người hầu đem cơm thịt lên khoản đãi. A Khắc còn lựa ra những bộ quần áo cũ cho họ mặc. Đợi đến khi ăn cơm và thay y phục xong, A Lượng mới nói với A Khắc rằng: “Đa tạ huynh đài khoản đãi, mấy ngày trước bệnh tình của cha mẹ tôi bỗng trở nặng, ông bà cứ nhất quyết phải về quê, nói rằng dù chết cũng mong được chôn ở quê nhà. Hai anh em tôi cũng không còn cách nào khác, chỉ còn cách qua đây tìm công tử giúp đỡ”. Nghe vậy, A Khắc hiểu ý ôm quyền hỏi: “Xin hỏi lần này hai anh em huynh đài đây cần bao nhiêu quan tiền?”. A Lượng đáp lời: “Nếu như có thể chỉ xin thiếu gia sắp xếp cho một chuyến xe để ba mẹ tôi về quê, nếu lỡ như họ có qua đời cũng xin thiếu gia giúp mua một chiếc quan tài là được, chúng tôi không cần tiền”. A Khắc xem thấy huynh muội A Lượng không phải là người tham lam nên đã đồng thuận theo yêu cầu này của họ.

Ba năm sau, huynh muội A Lượng lại tìm tới nói với A Khắc: “Huynh muội chúng tôi đã thủ hiếu cho cha mẹ đủ ba năm. Đến nay thời hạn ba năm đã kết thúc, chúng tôi chỉ có thể quay lại nơi đây tìm công tử, hy vọng công tử có thể cho chúng tôi ở lại làm công cho ngài, thuận tiện đền trả ân tình mà ngài dành cho chúng tôi”. A Khắc nghe vậy cũng đồng ý nhận lời. Lúc nhàn rỗi A Khắc thường hay qua lại trò chuyện với họ, hóa ra A Lượng vốn là người có võ nghệ cao cường, chỉ do không gặp thời thế mà lâm cảnh khốn cùng phải đi cướp giật như vậy. Từ đó, A Khắc bèn để A Lượng làm vệ sĩ bên cạnh mình. Sau này khi A Thanh trưởng thành, cô cũng trở thành nha đầu thân cận luôn theo sát bên A Khắc, giúp công tử xử lý các việc nội vụ trong phủ.

Cứ như vậy lại năm năm nữa trôi qua. Có một lần ba người ra ngoài mua sắm. Giữa chợ họ bắt gặp một thầy tướng số, vị thầy này khi vừa nhìn thấy ba người thì cứ mãi nắm chặt lấy tay A Khắc không buông, nói rằng có chuyện quan trọng cần nói. Vừa hay cũng đúng giờ trưa, A Khắc bèn đưa thầy tướng số đến một tửu lầu, tìm một chỗ ngồi thanh nhã rồi để A Thanh đi gọi món. Kết quả là A Thanh gọi lên một bàn đầy thức ăn và thêm một bình rượu ngon đặt bên cạnh.

Vừa nhìn thấy vậy, thầy tướng số tỏ ra rất vui vẻ, ông cảm thấy vị công tử ngồi đối diện quả thực là bậc quân tử. Sau ba hồi rượu, thầy mới từ từ nói với công tử rằng: “Xét tướng mạo thì công tử đây trong tương lai nhất định sẽ làm bậc vương hầu quý tộc, cậu rất thiện lương nên sẽ không tránh khỏi việc có kẻ sẽ tìm cách chơi xấu. Cậu không đấu nổi với lũ tiểu nhân đó đâu. Còn nếu như cậu không muốn làm vương hầu quý tộc thì sẽ có một duyên phận đặc biệt đang chờ đợi cậu và mọi người”. Nghe đến đây A Khắc liền hỏi: “Thưa thầy, là dạng duyên phận gì vậy?”. Thầy xem tướng tỏ vẻ trầm tư, chậm rãi uống nốt rượu còn trong ly rồi nói: “Các cậu cũng biết những người hành nghề thầy tướng số như ta có thể tính ra cát hung, phúc họa, sinh tử của một người nhưng lại không tính được vận mệnh của chính mình. Sư phụ của ta từng nói rằng, một người nếu thực sự muốn thoát ra khỏi sinh tử thì chỉ có cách bước lên con đường tu luyện mà thôi. Thời kỳ này mặc dù cũng có một số người xuất hiện giảng thuật về một số phương thức tu hành nhưng đó đều không phải là phương thức căn bản nhất”. Nghe đến đây A Lượng có chút sốt ruột nên liền vội hỏi: “Vậy thì phương thức tu hành chân chính đang ở nơi đâu, ngài mau nói cho chúng tôi biết”. A Thanh đứng bên cũng phối hợp rót cho thầy tướng một ly rượu đầy. Thầy tướng lúc này mới vén tay làm động tác bấm tay xem chừng như đang tính toán chuyện gì đó, một lúc sau mới trầm tư nói: “Cô cậu hãy ra khỏi thành Lạc Dương, theo hành lang Hà Tây đi về hướng tây tìm đến một thị trấn bên cạnh sa mạc (sau này nơi đây được gọi bằng cái tên “Đôn Hoàng”), hãy đến nơi đó để tìm nhé”. Vừa ngắt lời, thầy lại quay sang nói thêm: “Còn nữa, nơi đó có một đặc điểm: đó là cát có năm màu sắc”. Nói xong, thầy tướng đứng dậy, lấy tay quẹt qua bên mép một cái rồi cất bước rời đi. Thấy vậy, A Lượng vội vã nắm lấy túi nải của thầy tướng ngăn lại: “Thầy còn chưa nói hết mà, làm sao chúng tôi đi được đến nơi đó!” Thầy tướng tỏ bộ lấp lửng nói: “Còn nhiều việc lắm, lại phải còn tùy vào nhân duyên, không thể nói rõ hết được….”. Nói xong thầy liền tỏ ra có chút “nghênh ngang” đắc ý rồi rời đi.

Từ nãy tới giờ, A Khắc cứ tĩnh tĩnh ngồi tại đó không nói gì. Qua một lúc lâu, công tử mới nói với A Lượng và A Thanh rằng: “Chân nhân bất lộ tướng, người này khẳng định là một người có bản sự. Người như vậy rất biết “đóng kịch” để khảo nghiệm đối phương. Hiện nay trong các nước chư hầu quanh đây đều xuất hiện rất nhiều học thuyết, có những loại học thuyết còn đem bản thân mình nói rất huyền hoặc. Ta vẫn cảm thấy bọn họ đều không thể giải quyết vấn đề sinh tử từ căn bản, hoặc là do duyên phận của ta không đủ lớn. Hay là chúng ta cứ đi đến nơi mà thầy tướng nhắc tới du ngoạn một chuyến xem sao, biết đâu sẽ gặp được điều gì ly kỳ đang chờ đợi chúng ta!”.

Nghe vậy, A Thanh thận trọng nói: “Chúng ta đi đến đâu để tìm thị trấn bên sa mạc kia đây? Hơn nữa đường đi đến đó rất xa, nơi đó thuộc về vùng đất hoang vu vắng bóng người, chuyện này xem ra lành ít dữ nhiều”. A Lượng lại nghĩ khác, cậu cho rằng nếu bọn họ cải trang thành những người nghèo khổ, thêm nữa bản thân cũng biết võ nghệ phòng thân thì cũng không có chuyện gì. Nghĩ vậy, A Lượng liền ám thị cho A Thanh đừng bàn lùi nữa. (Cần chú thích thêm rằng: A Lượng sớm đã nhận thấy em gái mình rất cảm mến A Khắc nên anh muốn nhân cơ hội ngao du này để thúc đẩy cho muội muội. Gia thế của A Khắc tại thành Lạc Dương khá lớn, cứ mãi ở cảnh xa hoa nơi phủ đệ này, thì A Thanh không có cơ hội nào để bộc bạch nỗi lòng).

(Còn tiếp)

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/273230



Ngày đăng: 19-09-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.