Chân trời tìm Pháp: Núi Vũ Di xinh đẹp



Tác giả: Thạch Phương Hành

[ChanhKien.org]

Tôi nhớ tầm 20 năm trước khi tôi còn bán trái cây ở quê nhà, tôi nhớ cam của vùng Vĩnh Xuân và Chương Châu có mùi vị rất ngon, rất được khách hàng ưa chuộng. Sau này tôi đến các tỉnh khác, tình cờ hữu duyên được uống trà Đại Hồng Bào, mùi vị thực sự rất tuyệt, cũng chính tại đây lần đầu tiên tôi nghe được câu chuyện về trà Đại Hồng Bào. Có lần tôi đến thăm nhà một người bạn và thật trùng hợp là gia đình ấy đang xem bộ phim truyền hình “Truyền thuyết Ma Tổ”, tôi đã liễu giải được những thần tích cứu người trên biển của Lâm Mặc Nương tại vùng lân cận vịnh Mi Châu.

Tôi được trực tiếp nghe đến hai từ Phúc Châu này từ một người gốc Giang Tô, anh ấy từng đến Phúc Châu làm đầu bếp, anh ấy nói những món anh ấy nấu rất được thực khách ưa chuộng.

Trong thiên Vũ Cống (sách Thượng Thư) thì Phúc Kiến thuộc về Dương Châu, còn vào thời Chu thì nó thuộc về vùng đất “Thất Mân”. Vào năm Khai Nguyên thứ 21 triều Đường, triều đình vì để tăng cường lực lượng vũ trang biên phòng đã đặt ra chức quan đốc quân kinh lược sứ, từ tên gọi của hai thành Phúc Châu và Kiến Châu lấy hai từ Phúc và Kiến, đặt ra chức Phúc Kiến kinh lược sứ, đó là khởi nguồn của tên gọi Phúc Kiến (nguồn tư liệu: Tập bản đồ phân chia các tỉnh Trung Quốc, P3). Học giả Chu Hi cũng từng trú chân tại núi Vũ Di để dạy học, tại nơi này văn hoá người Khách Gia (người Hẹ), văn hoá trà và văn hoá Ma Tổ rất phát triển.

Bài viết này nói về câu chuyện tìm Pháp của cô gái xinh đẹp Lâm Nhân ở Phúc Kiến, diễn ra vào đầu thời Thanh.

Vài ngày trước khi Lâm Nhân ra đời, mẹ cô đã có một giấc mộng, trong mộng bà thấy các vị Thần Tiên đang sống rất tốt trên Thiên thượng, về sau không biết vì lý do gì mà tại cảnh giới ấy phát sinh rất nhiều biến hoá, các vị Thần Tiên cũng lần lượt hạ xuống đây. Từng có một vị Thần Tiên chỉ vào một nữ Thần và nói: “Cô ấy sẽ đến với ngài, ngài nhất định phải giúp đỡ cô ấy”. Người mẹ đang tự hỏi làm cách nào để có thể giúp cô ấy hoặc trong lai cô ấy sẽ đạt được thành tựu gì ở một số phương diện nào, thì những vị Thần kia lại ẩn đi mất. Bà vội choàng tỉnh. Vài ngày sau bà sinh hạ Lâm Nhân.

Sinh ra và lớn lên tại vùng núi Vũ Di, miền núi sông xinh đẹp nơi đây đã góp phần hun đúc nên tính cách lương thiện, lanh lợi hoạt bát của Lâm Nhân. Mặc dù lúc sinh ra gia cảnh nhà Lâm Nhân rất bần hàn nhưng cha mẹ cô đã cố gắng hết sức để tìm thầy giáo ở trường tư và những người có học vấn đến dạy Lâm Nhân đọc viết. Họ hy vọng tương lai cô bé sẽ có được chút thành tựu. Trong hoàn cảnh xem trọng con trai vào thời ấy, việc để một bé gái đọc sách là chuyện hết sức khó khăn.

Vì vùng núi Vũ Di là một khu vực tập trung đa dạng các loại sinh vật nên Lâm Nhân có thể được thoả mắt nhìn các thứ quý hiếm khó thấy. Đồng thời đây cũng là điều kiện giúp cho khả năng nhận thức của cô trở nên rất phong phú.

Một hôm có một vị hòa thượng đi đến nơi này, tay gõ gõ vào con cá gỗ, vừa đi ông vừa tuyên giảng những lời khuyên thế nhân nên hành thiện. Lúc đó Lâm Nhân đang ở bên ngoài chơi đùa với những đứa trẻ khác. Nhìn thấy vị tăng nhân cô bé chạy đến nói: “Ống có đói không? Cháu về nhà lấy chút đồ ăn cho ông nhé”. Nói xong cô bé quay người chạy vào nhà lấy ít đồ ăn đưa cho vị hoà thượng. Kết quả là vị hoà thượng không những không rời đi mà còn bước vào nhà. Ông nói với cha mẹ của Lâm Nhân rằng: “Đứa bé này có duyên với Thần Phật. Sắp tới nếu người lớn các vị có đi đến Cửu Long Khoa thì hãy đưa cô bé đi cùng”. Nói xong chẳng đợi cha mẹ Lâm Nhân trả lời vị hòa thượng đã vội vã cất bước.

Khoảng một tháng sau, thật trùng hợp là có người đề nghị đi Cửu Long Khoa hái trà. Cha mẹ Lâm Nhân bèn mang cô bé theo. Cô kết thân với một nhóm người lớn đi hái trà và cùng nhau đi đến Cửu Long Khoa, trên vách đá của Cửu Long Khoa họ nhìn thấy mấy cây trà. Tại đây cô nghe người lớn bảo rằng giống trà này là trà Đại Hồng Bào, tương truyền rằng vào triều Minh có một người học trò muốn lên kinh đô ứng thí, nhưng đi đến nơi này thì đổ bệnh, tình cờ được một vị tăng nhân lấy những lá trà dự trữ của ông ra pha cho anh ta uống, uống xong liền khỏi bệnh. Người học trò sau khi đỗ trạng nguyên đã quay lại cảm tạ vị tăng nhân và hỏi về nguồn gốc của lá trà, khi biết được đây là những chiếc lá trên mấy cây trà kia, anh đã cởi chiếc áo choàng lớn màu đỏ của mình đi vòng quanh mấy cây trà ba vòng, rồi khoác chiếc áo choàng đỏ (đại hồng bào) lên mấy cây trà, vì thế mà giống trà này có tên như vậy. Người ta còn bảo rằng những cây trà này đã có lịch sử trên nghìn năm. Sau đó do người lớn bận rộn các việc ở nơi khác nên đã để cô cùng một cô gái lớn hơn ở lại đây một lúc. Lâm Nhân ngồi đó ngẩn người nhìn mấy cây trà, lúc này cô gái lớn tuổi hơn hưng phấn nói: “Lâm Nhân em nhìn xem, sao mấy cây trà lại biến thành hình người, chúng từ từ rời khỏi chỗ ban đầu và đang bay về phía chúng ta!” Nghe cô gái nhắc Lâm Nhân mới phát hiện ra mọi chuyện thật sự là như vậy: Đằng sau mấy cây trà này là hình dáng của những con người ở nhiều độ tuổi khác nhau, nhưng họ đều mang theo tiên khí, trên đầu mỗi người đều có một lá trà. Họ chầm chậm bay về phía hai cô gái.

Một vị Thần trà trông giống như một ông lão bay tới chỗ họ và ân cần nói: “Các con, chúng ta là những sứ giả được Thiên thượng phái tới, tại nơi đây dùng phương thức trà để điểm hóa thế nhân rằng chớ trầm mê trong nhân gian, phải thực sự hiểu được ý nghĩa của việc quý tiếc sinh mệnh”. Hai người Lâm Nhân nghe vậy cảm thấy hết sức kinh ngạc, hỏi: “Lão bá bá, nhóm các ngài thật sự là đến từ đảo Bồng Lai sao?” (ghi chú: tương truyền rằng nguồn gốc của giống trà Đại Hồng Bào là do tiên hạc cắp hạt giống từ đảo Bồng Lai mang về đây, thả xuống rồi chúng sinh trưởng tại đây, nên Lâm Nhân mới hỏi như vậy). Ông lão nghe cô bé hỏi vậy thì cười ha hả đáp: “Bọn ta được Thần Tiên ở cảnh giới cao hơn cho phép bén rễ và lớn lên ở đây. Sau này danh tiếng của bọn ta sẽ còn vang xa hơn nữa”. Cô gái lớn tuổi hơn nói: “Vậy tại sao Thần lại để các vị tới đây?” Một vị Thần trà trông dáng vẻ trẻ tuổi nói: “Trà có thể khiến con người thế gian, trong trạng thái thanh tịnh, nhận ra được ý nghĩa thực sự của kiếp nhân sinh. Hãy khắc ghi đạo lý rằng sinh mệnh là đến từ Thiên thượng, và cuối cùng sẽ trở về với Thiên thượng”. Lâm Nhân suy nghĩ một lúc rồi nói: “Sinh mệnh nếu thực sự muốn trở về Thiên thượng, thì cần có một số phương pháp mới có thể quay về. Uống trà có thể giúp quay trở lại sao?” Vị Thần trà trẻ tuổi nhìn khuôn mặt đầy vẻ ngây thơ của Lâm cũng bật cười: “Khi đến lúc, con người sẽ làm những gì họ nên làm trong nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau, nếu làm tốt thì tự nhiên sẽ có thể quay trở về. Nhưng tình huống đó hiện giờ không được, phải đợi cho đến khi có một vị Thánh giả hồng truyền Đại Pháp trong tương lai thì mới được”. Cô gái lớn hơn sốt ruột nói: “Vậy chúng ta phải đi đến đâu để tìm thấy vị Thánh giả truyền Đại Pháp trong tương lai ấy?” Vị Thần trà trông như một ông lão nói: “Theo chúng tôi được biết, khi giống trà nguyên sinh của chúng tôi trở nên cực kỳ quý hiếm, vị Thánh giả ấy sẽ bắt đầu hồng truyền Đại Pháp, hơn nữa sau khi bị đối đãi bất công ở đây, tại bờ bên kia (Đài Loan) Đại Pháp sẽ được truyền bá hết sức rộng rãi”. “Vậy làm thế nào chúng tôi có thể tìm thấy Đại Pháp?”, Lâm Nhân hỏi.

Lúc này, một tiểu Thần trà (trông như một đứa trẻ bốn, năm tuổi) trầm mặc hồi lâu rồi nói: “Các bạn hãy đi đến một vài chỗ quanh vùng sông Mân Giang hỏi thử xem, đặc biệt là ra biển xem thử, có thể sẽ có thu hoạch”. Nói xong mấy vị Thần trà đồng loạt ẩn đi mất.

Cô gái lớn nói với Lâm Nhân: “Những gì chúng ta gặp hôm nay em chớ nói cho người lớn nghe, nếu không họ sẽ hiểu lầm chúng ta. Họ có thể cho rằng chúng ta đã gặp phải yêu quái”. Lâm Nhân gật đầu đồng ý.

Một lúc sau những người lớn đi hái trà đã trở về. Hai cô gái cùng theo người lớn quay về nhà.

Qua năm, sáu năm sau, một hôm nọ cô gái lớn nằm mộng, trong mộng cô thấy lão trà thần nói: “Chẳng phải các cô cần đi tìm vị Thánh giả sẽ hồng truyền Đại Pháp ở nhân gian trong tương lai sao? Bây giờ đã đến lúc lên đường rồi đó”. Sau đó cô gái lớn đi tìm Lâm Nhân và nói về giấc mộng của mình. Lâm Nhân cũng nói với cha mẹ rằng sẽ cùng cô gái lớn bắt đầu hành trình đi tìm Pháp.

Họ lần lượt đi qua các huyện Nam Bình, Mân Hầu, cuối cùng thì đến Phúc Châu. Tại đây vì để tạm an thân hai cô gái chọn cách làm việc trong một tiệm trà, cũng là để thuận tiện cho việc nghe ngóng tin tức về vị Thánh giả sẽ hồng truyền Đại Pháp trong tương lai.

Một hôm, có một nhóm người trông giống như thủy thủ đến tiệm trà, vừa ngồi xuống thì một người nói: “Ngày hôm ấy ra biển, nếu như không có Ma Tổ hiển thánh thì chúng ta đã sớm vùi thây nơi đáy biển rồi”. Một người khác nói: “Việc như vậy tôi đã gặp qua ba, bốn lần rồi. Đều là nhờ Ma Tổ cứu chúng ta cả”. Hai người họ (cô gái lớn và Lâm Nhân) đi tới và hỏi chuyện gì đã xảy ra. Mọi người lần lượt kể cho hai cô gái nghe câu chuyện về Ma Tổ đến từ Mi Châu.

Sau khi nghe xong hai cô gái cảm thấy rất phấn chấn, lập tức quyết định đi đến đảo Mi Châu, xem xem bản thân có cơ duyên gặp được Ma Tổ hay không.

Khi đến đảo Mi Châu, họ bắt đầu nghe ngóng những câu chuyện liên quan đến Ma Tổ (Lâm Mặc Nương, thời Tống) và đến thăm nơi ở cũ của Ma Tổ. Khi nghe những câu chuyện Ma Tổ cứu người trong lúc nguy nan, họ nghĩ: “Ngoài việc cứu tính mệnh ra, Ma Tổ còn có thể cho chúng ta chút khải thị nào không?” Qua mấy ngày nấn ná trên đảo Mi Châu, có một hôm có mấy cô gái địa phương rủ họ cùng ra biển chơi. Lúc ban đầu thì thuyền thuận nước ra khơi an lành, về sau thì trời bỗng nổi gió, sức gió càng ngày càng mạnh. Mọi người bắt đầu khấn cầu Ma Tổ hiển linh cứu giúp. Vào thời khắc nguy hiểm nhất, Ma Tổ đã hiển hiện ra trên bầu trời, bà lấy tay chỉ vào những ngọn sóng đang cuồn cuộn dâng cao thì dần dần trời êm biển lặng trở lại. Các cô gái khác đều vui mừng lạy tạ. Riêng Lâm Nhân sau khi cảm tạ ân cứu mạng của Ma Tổ xong đã hỏi Ma Tổ rằng: “Ngoài việc cứu người trên biển ra, ngài còn có thể lưu lại cho chúng con chút gì khác không?” Ma Tổ đáp: “Tất cả những việc ta làm, ngoài biểu hiện trên bề mặt là cứu người khi họ gặp nạn thì còn có một phương diện khác là để con người tin vào sự tồn tại chân thực của Thần. Người lương thiện khi gặp nguy hiểm thì tự nhiên sẽ được cứu độ”. Cô gái lớn nói thêm: “Hai người chúng con khi ở núi Vũ Di đã nghe mấy vị Thần trà bảo nên mới ra biển đi tìm vị Thánh giả sẽ hồng truyền Đại Pháp trong tương lai, ngài có biết tin tức gì liên quan đến vị Thánh ấy không?”

Ma Tổ nói: “Theo ta được biết, vị Thánh ấy trong tương lai sẽ xuất sinh ở vùng Đông Bắc và đến lúc sẽ dùng phương ngữ vùng Đông Bắc để giảng Pháp. Nếu như tương lai các ngươi đi đến vùng Đông Bắc thì cơ hội đắc Pháp khi ấy sẽ cao hơn”. Nói xong Ma Tổ liền biến mất.

Sau khi trở lại bờ, hai cô gái nghe nói rằng trà Thiết Quan Âm của vùng An Khê rất nổi tiếng nên đã đến An Khê. Tại đây, họ gặp một người phụ nữ khoảng 50 tuổi, khi đi đường bà ấy đội một lá trà Thiết Quan Âm trên đầu. Cả hai đều cảm thấy người phụ nữ này dường như có mối liên hệ nào đó với các vị Thần trà. Họ bèn bước tới hỏi người đó xem đã từng thấy Thần trà của giống trà này chưa. Người phụ nữ nhìn họ rồi nói: “Lá trà này là người khác tặng cho ta, ta thấy nó rất thơm nên cài lên tóc. Còn về việc người tặng lá trà cho ta có phải là Thần trà hay không thì ta cũng không biết”. Lâm Nhân sốt ruột hỏi: “Vậy người tặng lá trà ấy giờ đang ở đâu ạ?” Người phụ nữ đưa cả hai đến một tiệm trà. Bà tìm ông chủ tiệm và bảo: “Chính là ông ấy đã tặng lá trà cho ta”. Hai cô gái thấy ông chủ trông có vẻ rất phúc hậu nên đã đem những trải nghiệm của mình nhất nhất kể cho ông nghe. Cuối cùng Lâm Nhân hỏi: “Có phải các giống trà khác nhau sẽ có các vị Thần trà đối ứng khác nhau?” Ông chủ nói: “Theo tổ tiên của ta được biết, các loại trà khác nhau sẽ có hương vị khác nhau, đặc điểm và hình dáng của Thần trà đương nhiên cũng khác nhau”. Cô gái lớn bảo: “Các vị Thần trà đại hồng bào trên núi Vũ Di của chúng cháu bảo chúng cháu đi tìm vị Thánh giả sẽ hồng truyền Đại Pháp tại nhân gian trong tương lai. Vậy Thần trà Thiết Quan Âm sẽ cho chúng cháu biết điều gì?” Ông chủ chợt nín lặng một lúc, không biết phải trả lời cô bé ra sao. Chính vào lúc này bỗng đâu có một vị hoà thượng tay cầm trái quýt bước tới, ông vừa đi vừa ngâm nga: “Lô cam lô cam chân cam điềm, nhập trần bất nhiễm triển tiếu nhan, nhân sinh chung cứu hà xử khứ, Vũ Di sơn thượng ngộ tiên duyên!” (tạm dịch: Quýt ngọt quýt ngọt quýt thật ngọt lành, Nhập trần không ô nhiễm lộ nét mặt cười, Đời người rốt cuộc đâu là phương hướng, Trên núi Vũ Di gặp được tiên duyên!). Lâm Nhân nhìn kỹ vị hòa thượng, thấy ông ấy có chút quen thuộc. Vị hòa thượng tự mình ngồi xuống, nhìn Lâm Nhân bảo: “Tiểu cô nương, những việc gặp ở Cửu Long Khoa cô đã minh bạch ra chưa?” Lâm Nhân liền nhớ ra ngay, vị hoà thượng trước mắt cô chính là người mà năm xưa từng bảo cô có duyên với Thần Phật. Cô bé lập tức hỏi ông: “Nhiều năm trôi qua như vậy ông đã đi đâu? Ông đã gặp được vị Thánh giả sẽ hồng truyền Đại Pháp tại nhân gian trong tương lai chưa?” Vị hoà thượng cười đáp: “Chẳng phải Ma Tổ đã nói cho các cháu biết tình huống của vị Thánh giả sẽ hồng truyền Đại Pháp trong tương lai sao? Chẳng phải các cháu cũng muốn biết một chút thông tin về Thần trà Thiết Quan Âm sao?” Cả hai đồng thanh đáp phải. Ông bảo vậy thì hai cô bé hãy đi theo ông. Nói xong vị hòa thượng đứng dậy bước ra ngoài. Lâm Nhân, cô gái lớn tuổi hơn, ông chủ tiệm trà, người phụ nữ tầm 50 tuổi kia và có cả mấy vị khách hiếu kỳ nữa cùng đi đến bên một cây trà Thiết Quan Âm. Vị hoà thượng cũng đứng cạnh cây trà, miệng niệm một tràng: “Thần trà Thần trà mau hiện thân, đời này đã gặp người có duyên, hãy nói những lời chân thật của ngài, đợi đến ngày sau còn bảo với thế nhân”. Trong phút chốc một vị Thần trà có hình dáng của một nữ tử xuất hiện. Sau khi hai cô gái thi lễ với nữ Thần xong, Lâm Nhân hỏi: “Thần trà ơi, các vị Thần trà đại hồng bào đã giúp chúng cháu hiểu được ý nghĩa của sinh mệnh và điểm hoá cho chúng cháu rằng hãy đi tìm vị Thánh giả sẽ hồng truyền Đại Pháp trong tương lai ở nhân gian. Còn ngài có khuyên bảo chúng cháu điều gì không ạ?” Nữ Thần trà đáp: “Loại trà này của chúng ta sau khi uống vào sẽ cho con người cảm giác hương thơm nồng đậm được lưu lại rất lâu, âm vị rõ ràng, có mang theo mùi hương của hoa lan và mùi vị của quả dừa. Điều ta muốn khuyên các cô là hãy triển hiện sự bền tâm và những thành quả trong tu hành trong tương lai (biểu hiện của Thiện cũng là một trong số đó) cho thế tục thời ấy”. Nữ Thần trà nói xong liền biến mất. Vị hoà thượng cũng rời đi. Mọi người đều cảm thấy bản thân vô cùng may mắn, đặc biệt là Lâm Nhân và cô gái lớn đều biểu thị rằng sau này nếu thật sự đắc được Đại Pháp mà vị Thánh giả hồng truyền sẽ hết lòng trân quý Pháp.

Đời này Lâm Nhân sinh ra ở Phúc Kiến, sau đó đến phương Bắc học đại học, tại nơi đây cô đã gặp lại cô gái lớn tuổi hơn năm xưa. Lúc bấy giờ cô gái lớn tuổi hơn đã sớm đắc Pháp. Về sau Lâm Nhân đã mua cho cô ấy một bộ ấm trà tinh xảo, đây cũng được xem như họ đang tiếp nối mối duyên phận từ tiền kiếp.

Đời này do nhiều nguyên nhân nên Lâm Nhân vẫn chưa đắc Pháp, nhưng tính cách vẫn rất lương thiện và hoạt bát, đối với Đại Pháp vẫn có ấn tượng tốt và chính niệm.

Đây chính là:

Vũ Di sơn trung trà Thần điểm
Đông khứ hải biên tầm Thần Tiên
Ma Tổ hải thượng hiển thần tích
Kim triều loạn thế trì chính niệm!

Diễn nghĩa:

Trên núi Vũ Di Thần trà điểm hoá
Đi về hướng Đông ra biển tìm Thần Tiên
Ma Tổ hiển hiện thần tích trên biển
Đời này trong loạn thế bảo trì chính niệm!

Ghi chú:

1. Tuổi của cây trà không tương ứng với tuổi của hình người mà Thần trà biểu hiện ra. Trạng thái hình tượng Thần trà chỉ là triển hiện cho con người một loại hình tượng mà thôi. Nói một cách chặt chẽ thì nó không liên quan gì đến tuổi tác lớn nhỏ.

2. Những ngọn núi, dòng sông, danh lam thắng cảnh và những đặc sản độc đáo (trà, tơ lụa, đồ gốm sứ, v.v..) được đề cập trong loạt bài này đều là để giải thích cho ý nghĩa của chúng trong việc đặt định nền văn hóa giúp chúng sinh đắc Pháp, chứ không phải là cái cớ cho chấp trước của những người hiếu kỳ. Tác giả không chịu trách nhiệm về bất kỳ chấp trước nào vào núi, sông, danh lam thắng cảnh và các sản vật đặc biệt do đọc bài viết này mà dẫn khởi, xin độc giả tự có trách nhiệm với chính mình, bản thân tác giả cũng sẽ không chịu bất kỳ trách nhiệm liên đới nào. Đây không phải là chủ ý của tác giả. Xin được nói rõ ở đây.

Chú thích của người dịch:

Theo trang Wiki Ma Tổ (媽祖) hay còn được gọi là Thiên Hậu Thánh Mẫu (chữ Hán: 天后聖母) hay bà Thiên Hậu, còn gọi là Mẫu Tổ (母祖), hay là Thiên Thượng Thánh Mẫu (天上聖母) hoặc Thiên Hậu Nguyên quân (天后元君); là một vị Thần quan trọng trong tín ngưỡng của người Trung Hoa và người Việt gốc Hoa.

Bà được xem như vị Thần bảo trợ của ngư phủ và người đi biển, được tôn kính đặc biệt cả trong Phật giáo và Đạo giáo ở các quốc gia Đông Á, và nhất là tại Đài Loan.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/255037



Ngày đăng: 17-12-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.