Chân trời tìm Pháp: Thần Vận Đôn Hoàng



Tác giả: Thạch Phương Hành

[ChanhKien.org]

Có thơ rằng:

Thiên quốc Thần vận tụ Đôn Hoàng
Vô hạn uy nghi Phật quang rạng
Ngưng mâu hàm tiếu từ bi triển
Hoán tỉnh chúng sinh thoát vô thường.

Tạm dịch:

Vẻ đẹp của Thiên quốc đều tập trung tại Đôn Hoàng
Vô hạn uy nghi Phật quang tràn đầy
Chăm chú ngậm cười từ bi triển hiện
Thức tỉnh chúng sinh thoát vô thường.

Những người từng đặt chân đến Đôn Hoàng đều bị chấn động trước những bức bích họa và tượng màu trong các hang động, điều đó khiến cho các nhà nghiên cứu khi ấy sau khi đến nơi này (từ những năm 1940 trở lại đây), mặc dù phải đối mặt với những khó khăn khó có thể tưởng tượng được, vẫn đều không lung lạc quyết tâm bảo vệ Đôn Hoàng. Điều này ngoài cảm giác trách nhiệm và sứ mệnh ra, thì nguyên nhân lớn nhất chính là bản thân những bức bích họa và tượng màu nơi đây có thể khiến cho những người có ngộ tính vứt bỏ hết tất cả các tạp niệm, tình nguyện “quy y” tại nơi này.

Dựa trên những suy tư như trên mới có bài viết với tựa đề “Thần Vận Đôn Hoàng” này.

Nếu muốn nói về bích họa và tượng màu Đôn Hoàng, vậy thì chúng ta trước tiên hãy nói sơ qua về trạng thái nơi Thiên quốc.

(Ảnh 01: Di Lặc kinh biến, động số 202, Trung Đường)

Từ trong bức ảnh này, chúng ta có thể thấy được trạng thái phong phú và trang nghiêm của Phật quốc. Bởi vì ngôn ngữ của con người là cực kỳ hữu hạn, hơn nữa văn tự tại các không gian khác nhau đều triển hiện những ý nghĩa khác nhau của nó, vậy nên tại đây tôi chỉ có thể nói rằng mình đã vận dụng đến giới hạn cao nhất của ngôn ngữ kết hợp với tư duy của con người để hình dung mà thôi, và đây không phải hoàn toàn là chân tướng của thế giới Phật quốc. Bởi vì rất nhiều chân tướng và trạng thái là dùng ngôn ngữ của con người không thể hình dung được.

Tại nhân gian khi chúng ta sinh sống một thời gian dài sẽ cảm giác rằng rất nhiều sự tình đều rất tự nhiên, ví dụ: đường là để đi, nhà là để ở, hoa quả là để ăn. Nhưng trong thế giới Phật quốc thì hoàn toàn không đơn giản như vậy.

Mọi thứ trên Thiên thượng đều rất mỹ hảo, trên đó cũng có đường, hoa quả và nhà cửa, nhưng “tính sử dụng” của chúng không thật sự lớn, cũng là nói rằng tác dụng chủ yếu không giống như con người suy nghĩ về việc đi lại, ăn uống hay cư trú. Lấy con đường làm ví dụ, bởi vì sinh mệnh trong tầng ấy bất luận tầng thứ thế nào cũng đều biết bay, bao gồm những sinh mệnh thông thường, có sinh mệnh còn có thể xuyên việt qua đường hầm thời không. Vậy thì tính sử dụng của con đường đã hạ thấp xuống. Cũng chính là nói rằng trong khi sinh mệnh di chuyển, rất nhiều khi không cần dùng đến đường đi mà vẫn có thể đến được nơi cần đến.

Lại nói về bản thân của đường xá, trong cõi người có đường đất, đường đá, đường nhựa, đường bê tông cùng các loại đường khác; trên trời bởi vì tất cả đều rất mỹ hảo và thần kỳ, nên đường núi, đường thủy, đường trên mặt đất đều hoàn toàn có thể thay đổi lẫn nhau, kỳ thực tại đây bản thân “đạo lộ” (con đường) cũng là một sinh mệnh, có khả năng thiên biến vạn hóa. Điều đó khiến cho những sinh mệnh đi trên đó có thể cảm nhận được sự từ bi và thần thánh của Phật Pháp.

Trong nhân gian con người, chúng ta biết rằng hoa quả có rất nhiều loại, mỗi loại hoa quả đều có thành phần dinh dưỡng khác nhau, ngoại hình cũng có khác biệt rất lớn. Các loại hoa quả trên trời còn phong phú hơn nhiều, bởi vì bản thân hoa quả ngoài việc làm phong phú trạng thái sinh mệnh trong thế giới Thiên quốc, còn có một tác dụng là làm thức ăn cho chúng sinh. Đối với con người mà nói, đồ ăn là nguyên tố tất yếu đối với sự sinh tồn, mà đối với Thần thì ăn đồ không chỉ vì cần tồn tại, mà là còn để triển hiện trạng thái sinh mệnh trong tầng thứ đó, là một phương thức câu thông tuần hoàn giữa Thần với các sinh mệnh khác.

Phòng ốc trong nhân gian dùng để ở hoặc làm nơi chứa đồ, còn trên trời thì ngoài giá trị sử dụng, nó còn dùng để triển hiện trí huệ của Thần Phật và làm phong phú trạng thái của thế giới Thiên quốc.

(Ảnh 02: Thiền Định Phật. Động số 259, Bắc Ngụy, nguồn: internet)

(Ảnh 03: Quan Âm bán thân. Động số 25. Thời Tùy)

(Ảnh 04: Tượng màu. Động số 25. Thời thịnh Đường)

Nói đến Thần Phật, tại thế giới Thiên quốc, ngoài Pháp Vương, còn có rất nhiều Phật, Bồ Tát, các loại La Hán Thiên Vương, là một thế giới vô cùng phong phú. Từ các bức bích họa và tượng màu Đôn Hoàng (từ ảnh 01 đến 04) có thể nhận thấy, trên phương diện phục sức thì sự khác biệt giữa các Thần Phật là rất lớn, cho dù trong cùng một tầng thế giới thiên quốc cũng là như vậy. Bởi vì chỉ có như vậy thì mới triển hiện ra được sự mỹ hảo và thần thánh của thế giới Phật quốc. Đối với trang sức trên phần đầu của Thần trong thế giới Phật quốc mà nói, đặc biệt là Bồ Tát, một phương diện là để triển hiện sự uy nghiêm của Thần, một phương diện khác là để triển hiện sự khác biệt giữa các Thần với nhau. Hơn nữa rất nhiều trang sức trên phần đầu đều được gọi là “Pháp khí”, dạng Pháp khí này so với các loại Pháp khí trong các tình huống thông thường là có sự khác biệt, khi chưa đến tình huống cực hạn thì nó sẽ không ly khai khỏi thân thể của Thần Phật.

Nói về phục sức, nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp đã từng nói rằng:

“Còn người ở thế giới Phật quốc đều mặc y phục do tấm vải vàng quấn thành. Tóc cũng không giống nhau, khác nhau lớn nhất là sự khác biệt về tóc, Đạo gia là tóc búi; Phật gia La Hán là đầu trọc; Bồ Tát là kiểu tóc của nữ giới thời cổ đại Trung Quốc. Tại sao thế? Trang phục cổ đại của Trung Quốc giống với trang phục của thiên nhân. Trên thực tế là giống với cách trang điểm của người trên thế giới thiên quốc. Còn người Tây phương cũng vậy, đó chính là cách trang điểm của thế giới thiên quốc của Ông. Người chính là như thế này”. (*)

Chúng ta hãy cùng nhau quan sát kỹ lưỡng bức tranh số 02 đến số 04, có thể phát hiện ra rằng, phương thức triển hiện sự từ bi của những giác giả khác nhau là khác nhau, nhưng nếu đứng từ dung mạo mà quan sát thì từ trong bức tranh số 02 phản ánh ra phần mặt, con mắt, lông mày, mũi và phần quai hàm của vị Thần đều đang trong trạng thái cười; trên bề mặt thì nụ cười của vị Bồ Tát trong bức tranh số 03 không được lớn như vị Bồ Tát trong bức tranh số 02, nhưng khi quan sát kỹ thì từ dáng vẻ, ánh mắt cùng khuôn miệng của vị Thần này đều có thể cảm nhận được trái tim từ bi của vị ấy; bức tượng màu trong bức tranh số 04 cũng được tạo hình một cách đầy tính truyền thần, phần trán đầy nhu hòa mỹ hảo triển hiện ra một sự uy nghiêm, đồng thời lại khiến người quan sát cảm nhận được năng lượng của Thiện và từ bi. Bài viết này sẽ viết câu chuyện tìm Pháp của một họa sĩ tên là Khôn Du.

Vị họa sĩ này là một Pháp vương đầy từ bi và trí huệ trên Thiên quốc, nụ cười của vị ấy thường triển hiện trên vầng trán, nhưng gương mặt của vị Pháp vương này lại giống với bức tranh số 03 (không phải giống về ngoại hình, mà nói về phương diện khí chất mà thôi), đối với những chúng sinh không hiểu được trạng thái sinh mệnh của vị Pháp vương này thì không có cách nào lãnh hội được năng lượng từ bi của vị ấy.

Có một lần, có vài vị Thần Phật đến từ các thế giới Thiên quốc khác trong cùng tầng thứ thiên thể cùng đến nơi này, mọi người cùng đàm luận với nhau về việc làm thế nào để đối đãi từ bi hơn với chúng sinh và quản lý tốt các sự việc ở cảnh giới này. Trong lúc mọi người đang đàm luận thì trên đỉnh của Phật điện truyền đến một tiếng thở dài khe khẽ. Chúng Thần đều đưa mắt nhìn lên thì chỉ thấy đôi mắt của vị Thần thú trên đỉnh Phật điện đang ngân ngấn lệ. Mọi người thấy vậy đều nhận thức được tính nghiêm trọng của vấn đề, bởi vì trước nay chưa từng phát sinh sự việc như thế này. Pháp vương trong thế giới này (Khôn Du) dùng thần thông để hỏi vị Thần thú cùng các vị Thần quản lý Phật điện, rút cục đã phát sinh sự việc gì? Thần thú chỉ nói rằng bên trong thân thể mình đang cảm thấy có chút yếu đi, ánh quang của Thần thể cũng nhạt đi phần nào. Thần quản lý Phật điện cũng nói, ngài ấy cũng cảm thấy Phật điện dường như cũng đang từ từ biến đổi, ánh kim quang không còn được rạng rỡ chiếu khắp bốn phương như trước nữa.

Khôn Du ý thức được rằng toàn bộ thiên thể khẳng định là đã xuất hiện một số vấn đề nhất định nào đó, vậy nên ngài ấy đã cùng các Pháp Vương trong cảnh giới ấy cùng nhau dùng thần thông quan sát, thông qua việc quan sát kỹ lưỡng đã phát hiện ra rằng toàn bộ thiên thể này đã phát sinh một sự sai khác và biến đổi vô cùng to lớn, không còn được thuần tịnh nữa. Vì sự việc này mà chúng Thần đã cùng nhau bàn thảo biện pháp giải quyết, kết quả là thông qua thực hiện các biện pháp khác nhau đều không được. Sau đó các vị Thần này đều cùng nhau tập trung lại, hướng đến Thần ở tầng thứ cao hơn mà nói ra sự tình nơi đây, hy vọng có được khải thị và biện pháp giải quyết vấn đề. Họ đã trình bày rất nhiều lần, nhưng đều không có kết quả gì. Trong sự bất lực cuối cùng, Pháp vương Khôn Du liền muốn đem tất cả trạng thái tốt đẹp và thần thái (gương mặt) lưu giữ lại, vậy nên đã từ trong thiên không mà tập trung trí huệ và năng lực của các vị Thần, đem trạng thái ở cảnh giới đó cho đến rất nhiều dung mạo và thần thái của các vị Phật, Bồ Tát, La Hán cùng các chư Thần dùng thần thông “cố định” lại trong một không gian nhất định. Rất nhiều Thần Phật trong các thế giới thiên quốc khác cũng phối hợp với Pháp Vương Khôn Du làm sự việc thần thánh này. Sau khi hoàn thành sự việc, có rất nhiều Phật quốc đã phát sinh biến dị và bại hoại rất nghiêm trọng.

Một thời gian sau, Khôn Du dẫn theo mấy vị Thần Tiên đến không gian đó để xem thần thái của các vị chư Thần đã được “cố định” lại như thế nào thì liền phát hiện ra đã không còn gì tại đó nữa. Thậm chí đến Thần trông giữ nơi này cũng biết mất không dấu vết.

Điều này đã khiến cho Pháp vương Khôn Du cảm thấy vô cùng đau lòng, bởi vì ngài ấy cảm thấy từ nay sẽ không cách nào có thể tìm lại được vẻ mỹ lệ và thần thánh vốn có trước đó nữa. Trong lúc Pháp vương Khôn Du cảm thấy vô vọng và bi thương cực độ chỉ nhìn thấy từ cảnh giới cao hơn có một vị Thần vô cùng vĩ đại tiến tới, trên tay phải của vị Thần này cầm theo một quả cầu đang phát sáng. Khi tiến lại gần, vị Thần nói với Pháp vương Khôn Du: “Ngươi xem những thần thái mà trước đây ngươi “cố định hóa” lại đều nằm ở nơi này (chỉ quả cầu phát quang trên tay), không những tất cả đều nằm ở đây mà ta còn cấp thêm lên những thần thái ấy tất cả những gì tối nguyên thủy và mỹ hảo nhất. Bởi vì nơi đây còn rất nhiều rất nhiều những nhân tố không đủ thuần tịnh, vậy nên tạm thời ta không thể trả những điều này về vị trí cũ, ta sẽ đem những điều này lưu giữ tại một không gian vô cùng đặc biệt. Để quảng độ chúng sinh trong thương vũ, ta đã đi qua vô số tầng thứ, các ngươi ở đây chỉ là một tầng thứ nhỏ bé trong thương vũ mênh mang mà thôi, nếu muốn giải quyết triệt để tất cả những biến dị và bất thuần thì phải Chính Pháp. Vậy nên ta là đến để quy chính tất cả các nhân tố không đủ chính trong toàn bộ vũ trụ. Ta sẽ còn tiếp tục hạ xuống, hạ đến mãi tam giới và nhân gian, tại nơi đó ta sẽ dùng phương thức hồng truyền Đại Pháp vũ trụ để dẫn dắt chúng sinh bước trên con đường hồi quy chân chính, đồng thời ta sẽ bắt đầu quy chính tất cả những điều bất thuần. Nếu đến lúc đó ngươi muốn làm đệ tử của ta, thì hãy ký thệ ước cùng ta hạ xuống”. Pháp vương Khôn Du nghe xong liền vội vã hỏi: “Xin hỏi con xưng hô với Ngài như thế nào?” Vị Thần vĩ đại nói: “Chúng Thần đều gọi ta là ‘Sáng Thế Chủ'”. Pháp Vương Khôn Du lập tức đem sự việc ngài ấy gặp được Sáng Thế Chủ nói với tất cả các vị Thần trong thiên thể. Một lúc sau rất nhiều chúng Thần và chúng sinh lần lượt tìm đến nơi này, Sáng Thế Chủ lại một lần nữa nói một cách kỹ lưỡng với họ về hiện thực trước mắt và phương pháp giải quyết vấn đề. Lúc đó rất nhiều Thần đã cùng ký thệ ước hạ thế cùng Sáng Thế Chủ. Lúc ấy, những Phi Thiên trong cảnh giới này đã cùng tổ chức một buổi biểu diễn long trọng nhất, dùng tấm lòng thành kính nhất cung nghênh sự giáng lâm và từ bi cứu độ của Sáng Thế Chủ.

Đây đúng là:

Vạn bán a na thiên bán lượng
Cầm hồ quản huyền âm luật tường
Cực độ khôi hoằng vị tằng hữu
Trùng sinh hỷ duyệt tẩm thiên hương!

Tạm dịch:

Ngàn vạn vẻ thướt tha trăm ngàn sự kiều diễm
Âm luật đàn sáo thanh âm cát tường
Vô cùng hùng tráng chưa từng thấy
Làm sống lại sự tươi vui thấm đẫm tận sâu vào Thiên quốc

Sau khi buổi biểu diễn kết thúc, rất nhiều Thần giao phó trách nhiệm và an bài các sự tình trong cảnh giới của mình xong đều cùng Sáng Thế Chủ bắt đầu đi xuống. Sau đó, khi đến một nơi cách Tam giới không xa, vì trước đây Pháp Vương Khôn Du đã từng thực hiện việc cố định thần thái của tầng thứ nơi ấy, vậy nên Sáng Thế Chủ liền an bài cho ngài ấy tại thời điểm Đôn Hoàng bắt đầu tạo các hang động và tạc tượng, thì sẽ ở nơi ấy dùng phương thức của ngài để triển hiện ra Thần và phong thái của Thần. Phụ thân của Khôn Du là một họa sĩ danh tiếng trong thời Đường trong thời kỳ Đôn Hoàng được kiến tạo, Khôn Du đã theo phụ thân học hội họa mười mấy năm, sau đó có một lần phụ thân nói với anh rằng: “Đêm qua, có một vị Thần nhân nói với cha rằng, tài nghệ này của ta vẫn chưa đạt đến đỉnh cao, con thích hợp để vẽ ra những bức họa Thần Phật tuyệt mỹ hơn để lưu lại cho thế nhân. Con hãy đi đến Trung Nguyên tìm minh sư để cầu học đi”. Sau khi nói xong, phụ thân liền đem hành lý đã chuẩn bị trước đó giao cho Khôn Du. Nghe thấy vậy, Khôn Du vô cùng cảm động, anh nhận thức rằng cần phải đưa tài nghệ này của phụ thân lên một tầng cao mới, vậy nên anh đã đem theo chút hành lý đơn giản lên đường tiến về hướng Trung Nguyên.

Đôn Hoàng cách Trường An và Lạc Dương rất xa, trên đường đi Khôn Du phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất, khi chỉ còn cách Trường An năm ngày đường, một buổi sáng nọ Khôn Du phát hiện ra chút lộ phí còn lại đã không thấy đâu nữa, anh tìm khắp nơi cũng không thấy. Không biết nên làm thế nào, anh bèn thương lượng với chủ quán trọ, có cần vẽ tranh hay không, anh có thể dùng phương thức này để trả tiền phòng tại đây.

Chủ quán xem thấy anh này rất đỗi thành thực, không giống như dáng vẻ của kẻ lừa gạt, bèn để anh ta vẽ cho mình một bức tranh chân dung, Khôn Du vẽ vô cùng đẹp mắt. Chủ tiệm rất hài lòng, liền cho anh thêm mấy đồng bạc nữa rồi để anh đi.

Khi Khôn Du đến Trường An, anh đã nhìn thấy cảnh tượng một thế giới rộng lớn, dường như đôi mắt lúc này đã không còn đủ dùng nữa, anh thấy những người đến từ các quốc gia khác nhau, trang phục và khẩu âm đều không giống nhau. Sau khi đến nơi này, anh đi khắp nơi dò hỏi xem ai là người có tài hội họa ở nơi đây để cầu học, lúc này có mấy vị tiên sinh thấy anh liền cùng anh đàm luận một chút về công phu hội họa, sau khi nói chuyện, mấy người nói rằng: “Chúng tôi sợ rằng không dạy nổi anh”, rồi khuyên anh nên đi tìm cao nhân nhân khác… Thời gian dần trôi qua, phút chốc đã ba năm qua đi, vậy nhưng Khôn Du vẫn chưa tìm được người có thể dạy mình.

Khôn Du vốn dĩ chuẩn bị rời Trường An đi nơi khác tìm cao nhân, nhưng trong mộng có một vị Thần nhân nói với anh rằng, vị cao nhân chỉ dạy hội họa cho anh chính ở tại Trường An, chỉ là cơ duyên chưa tới, nói anh hãy kiên nhẫn đợi thêm, ngoài ra bất luận thế nào cũng đều phải bảo trì một trái tim thiện lương.

Khôn Du chiểu theo lời của Thần nên tiếp tục ở nơi đây để chờ đợi, để có thêm chi phí duy trì cuộc sống ở nơi này, anh bắt đầu đi đến các hộ gia đình có điều kiện hỏi xem có cần vẽ gì không, có những lúc nhà chủ có hỷ sự cưới hỏi anh liền đến vẽ vài bức họa trang trí cho họ, nhờ đó anh có thêm được chút tiền sinh hoạt. Thuận theo việc anh ở đây càng lâu thì mức độ nổi tiếng của anh càng cao, có những lúc có người chủ động tìm đến để nhờ vẽ. Một ngày nọ có một người giàu có ôm theo một con mèo Ba Tư đến yêu cầu anh vẽ, hơn nữa người này nói rằng cần vẽ cho mèo một thần thái trông thật uy vũ. Khôn Du quan sát và suy tư, liền vẽ thành bức tranh một chú mèo trông vô cùng sống động, dường như đang đuổi bắt một vật gì đó. Sau khi vẽ xong, vị chủ nhân kia vô cùng cao hứng. Còn có một người mà mẫu thân lâm bệnh trọng, có thể không lâu nữa sẽ rời xa nhân thế, người con vì hiếu thuận muốn vẽ cho mẹ một bức chân dung, liền tìm đến nhờ Khôn Du. Sau khi đến nhà của người ấy, Khôn Du nhìn quanh nhà chỉ thấy bốn bức tường, biết rằng gia cảnh người này rất đỗi nghèo khó, anh liền vẽ cho mẹ của chàng trai một bức tranh ký họa, sau đó anh liền rời đi, chàng trai muốn gửi tiền cho anh nhưng anh nói rằng không cần gì cả…

Sau khi biết được Khôn Du có chút danh tiếng, có một số kẻ có tiền lại tò mò liền tìm đến làm khó anh. Ví dụ có một người họ Trương muốn anh vẽ một con heo, yêu cầu rằng con heo này trông còn phải đẹp hơn cả người. Đây thực sự là cố ý kiếm chuyện làm khó người khác. Khôn Du suy nghĩ một hồi lâu, cuối cùng liền vẽ ra rất nhiều người vì trúng độc mà chết đang nằm la liệt bên con heo, gương mặt và thân hình của những người này đều đã trở nên biến dạng. Họ Trương kia nhìn thấy bức họa như vậy liền vô cùng tức giận nhưng không nói ra được lý lẽ gì để bắt bẻ anh, chỉ còn biết trả tiền rồi vội vã rời đi. Còn có một lần, có một người ôm một con gà trống đến, yêu cầu Khôn Du phải vẽ ra một con gà đang hát. Khôn Du suy nghĩ một lát rồi liền vẽ ra một cây đàn đặt bên cạnh con gà, những sợi dây trên cây đàn này đang rung động còn chú gà đang trong tư thế rướn cao cổ để hát, phía đằng xa Khôn Du liền vẽ ra rất nhiều trẻ nhỏ đang trong trạng thái lắng tai nghe. Người kia nhìn thấy vậy thì tâm phục khẩu phục, lấy ra 20 lạng bạc đưa cho Khôn Du.

Ngày tháng cứ qua đi trong lúc Khôn Du vừa giải quyết các công việc đời thường lẫn cả các việc oái oăm phiền phức khác, mãi cho đến khi Khôn Du gặp được vị nữ nhân mù ấy thì vận mệnh mới đột nhiên phát sinh cải biến.

Một ngày nọ, có một vị nữ nhân mù tìm đến nơi này, cô ấy nói rằng cô là Nam Cung Thông Nhi, là một người vô cùng thông minh, mặc dù từ nhỏ mắt đã không nhìn được nhưng cô vẫn luôn muốn biết được dáng vẻ của mình khi có thể nhìn thấy thế gian vạn vật là như thế nào. Nghe nói công phu hội họa của Khôn Du bất phàm nên muốn đến thử tài nghệ một chút. Khôn Du nghe vậy liền cảm thấy rằng vì sao kiểu người kỳ quái nào cũng gặp phải, rõ ràng là không nhìn được mà còn bắt mình vẽ, giờ mình vẽ gì cho cô ta đây? Vậy nên Khôn Du bèn thuận tay vẽ ra một bức phác họa, vẽ ra cô gái mù tuy đôi mắt không nhìn thấy nhưng đang nở một nụ cười rạng rỡ. Sau khi vẽ xong, Khôn Du đưa cho cô gái mù xem. Cô gái dùng tay sờ qua một chút rồi nói: “Đây không phải thứ ta cần, hãy vẽ lại cho ta bức khác”. Khôn Du nghe vậy chỉ còn biết dằn lòng vẽ lại một bức khác, lần này anh vẽ ra khung cảnh một ngày mùa xuân, bên dòng sông nọ có một đám thiếu nữ đang chơi đùa. Sau khi vẽ xong anh lại đưa cho thiếu nữ mù. Nữ nhân này lại dùng tay sờ qua một chút rồi lại nói: “Đây cũng không phải thứ ta cần, hãy vẽ lại một bức khác”. Khôn Du nghe vậy trong lòng cảm thấy rất khó chịu, nghĩ rằng nữ nhân này đã không nhìn thấy gì còn thật lắm chuyện, lúc này anh nhớ lại cảnh tượng khi còn ở Đôn Hoàng cùng phụ thân học hội họa, anh cùng phụ thân vẽ cảnh các tiên nữ Phi thiên. Nghĩ vậy anh liền đem nữ nhân mù vẽ thành dáng vẻ của một Phi thiên đang ở trên cao mà quan sát lê dân bá tánh ở bên dưới mặt đất, nhưng đôi mắt của Phi thiên này là một đôi mắt mù. Sau khi vẽ xong, anh nghĩ: “Dường như ta đã phạm tội bất kính với Thần. Nhưng nữ nhân mù này đang cố ý làm khó ta, ta thực sự cũng hết cách mất rồi”. Ý của Khôn Du là đang muốn thỉnh Thần khoan thứ cho anh ấy một lần.

Khôn Du đưa bức họa đã vẽ xong cho nữ nhân mù, nữ nhân dùng tay sờ qua sờ lại một hồi lâu rồi nói: “Tại sao anh không vẽ ra những áng mây có màu sắc vậy? Bố cục chỉnh thể của bức họa này có chút trống rỗng. Còn nữa, anh từng nhìn thấy Thần Tiên có mắt bị mù hay sao?” Chỉ mấy lời này đã khiến cho Khôn Du hoàn toàn bị thất kinh không biết nói gì. Không đợi cho Khôn Du định thần trở lại, nữ nhân lại tiếp tục nói: “Trên bức họa này hãy vẽ thêm mấy đám mây, vẽ thêm đôi mắt cho Phi thiên, nhưng vẫn phải thể hiện ra rằng Phi thiên không nhìn thấy, tuy nhiên cô ấy có thể thấu hiểu tất cả. Anh hãy suy nghĩ cho kỹ đi nhé”. Khôn Du thấy rằng để làm được điều này thực sự rất khó, nên anh không dám đáp lời. Ngược lại nữ nhân mù lại rất rộng lượng nói tiếp: “Anh hãy suy nghĩ thật kĩ, mười ngày sau ta sẽ quay lại lấy tranh”. Nói xong, nữ nhân mù liền rời đi. Khôn Du nhìn theo bóng nữ nhân và bắt đầu cảm thấy con người này thật sự quá oái oăm; sau đó anh lại suy nghĩ: mắt của cô ấy không nhìn thấy gì nhưng tại sao lại có thể tự đi đến đây một mình, hơn nữa lại có thể dùng tay sờ qua một chút là có thể biết được bức tranh vẽ gì, có thể người này cũng có đôi chút lai lịch. Vì để hoàn thành bức họa cho nữ nhân mù, Khôn Du đã dứt khoát đóng cửa không tiếp khách, ai tìm đến nhờ vẽ cũng không tiếp, tập trung tinh lực suy nghĩ làm sao có thể đáp ứng được yêu cầu của nữ nhân mù.

Khôn Du suy tư trong nhiều ngày liền vẫn không tìm ra cách, đến buổi tối ngày thứ chín, đột nhiên có một suy nghĩ lóe lên trong đầu anh rằng: hãy vẽ thêm cho tiên nữ Phi thiên một tấm voan che mặt, vẽ thêm đôi mắt, nhưng sẽ vẽ đôi mắt ẩn sâu dưới lớp giấy vẽ, quan sát thật kỹ mới có thể nhận ra, nhưng tấm voan sẽ che kín cả khuôn mặt, mặc dù như vậy nhưng Phi thiên có thể dùng ánh quang phát ra từ đôi mắt triển hiện trạng thái từ bi uy nghiêm cho đến trí huệ của nàng. Vừa nghĩ đến đây, Khôn Du liền cầm bút lên vẽ trước một bức, không thật sự vừa ý, anh bèn vẽ bức thứ hai, sau khi vẽ xong vẫn cảm thấy có một số chỗ vẫn chưa thật sự hài lòng,… tổng cộng anh đã vẽ đến bốn năm bức. Đợi cho đến khi anh cảm thấy thực sự vừa ý thì bên ngoài có tiếng người tìm đến gõ cửa, vừa nghe thấy liền biết rằng đây là tiếng của nữ nhân mù. Thì ra Khôn Du đã ở đó vẽ hết một đêm. Anh tiến đến mở cửa nhìn thấy bên cạnh nữ nhân mù là một ông lão tóc bạc, dáng vẻ tiên phong đạo cốt. Nữ nhân mù nói rằng đây là sư phụ của cô ấy, hôm nay sư phụ cùng cô đến xem tranh. Khôn Du lập tức đem tranh đã vẽ xong đưa ra đồng thời nói rằng anh đã vẽ rất nhiều bức. Lão nhân tóc bạc cầm tranh lên và quan sát kỹ lưỡng từng bức một, đột nhiên ông chọn lấy bức tranh mà Khôn Du cảm thấy hoàn mỹ nhất, rồi từ trên bức tranh đó mà vẽ thêm dáng vẻ của Khôn Du đang vẽ tranh tại hang Đôn Hoàng. Sau đó, lão nhân vẽ thêm vài cơn gió nhẹ, tất cả đều như đang sống vậy, điều này khiến cho Khôn Du ngẩn người tròn xoe mắt không nói lên lời.

Trong lúc Khôn Du còn đang đứng ngẩn ra không biết nói gì thì nữ nhân mù liền nói: “Ta đích thị là một người mù, đôi mắt của ta mặc dù không nhìn thấy bất kể thứ gì của nhân gian, nhưng đó là vì không muốn bị những sự vật nơi này làm cho ô nhiễm. Ngoại trừ những điều cơ bản để duy trì cuộc sống ra thì những điều khác ta đều không biết, cũng không đáng để ta tìm hiểu. Những gì ta nhìn thấy chính là những điều trong thế giới Thần Tiên. Khi ta được năm tuổi, phụ thân phát hiện ra ta có tố chất trên phương diện này. Sau đó sư phụ tìm đến rồi đem ta về núi và dạy cho ta một số phương thức tu hành trong thế giới Thần Tiên. Lần này sư phụ nói, tại Trường An ta có duyên phận với một vị họa sĩ đến từ Đôn Hoàng, vậy nên ta đã tìm đến anh. Lúc đầu, nhất định anh sẽ cảm thấy ta đến để làm khó anh, kỳ thực là ta đã nói cho anh phương thức để vẽ về Thần, làm thế nào mới vẽ ra được ‘Thần vận’ (phong vận, cốt cách của Thần)”. Chưa đợi cho Khôn Du kịp nói gì, lão nhân tóc bạc liền nói: “Đồ đệ của ta và con trước đây có duyên phận rất lớn, đời này có trọng trách cùng nhau vẽ nên những bức họa về Thần vận tại Đôn Hoàng. Hai người lúc đương sơ đều là theo chân Sáng Thế Chủ mà đến, vậy nên vào lúc này điều mà hai con nên làm chính là làm sao để triển hiện được trạng thái của Thần, một mặt khác là để khiến cho những con người trong tương lai sau khi xem thấy những điều này sẽ khởi sinh lòng kính ngưỡng và bắt đầu bước lên con đường kiếm tìm Thần Phật của họ. Tất cả đều là để đặt định cơ sở cho chúng sinh tương lai có thể minh bạch Đại Pháp khi Sáng Thế Chủ hồng truyền Đại Pháp tại nhân gian. Vừa rồi ta đã vẽ thêm lên bức tranh mà con ưng ý nhất, đó là dáng vẻ của chính con khi đang vẽ tranh trong hang động tại Đôn Hoàng, hơn nữa còn khiến cho bức tranh như đang “sống dậy” trước mắt, chính là để nói cho con về duyên phận và sứ mệnh đời này của con và Thông Nhi tại nhân gian”. Sau khi biết được về thân phận của lão nhân và nữ nhân mù, Khôn Du lập tức quỳ xuống hành lễ. Lão nhân đỡ anh đứng dậy rồi nói đùa rằng: “Sau này thì không cần quỳ trước Thông Nhi nữa đâu nhé…” Sau đó, lão nhân đã truyền dạy cho Khôn Du một cách tỉ mỉ quá trình làm sao để vẽ ra được phong vận của Thần. Sau khi nói xong, lão nhân quay sang nói với Nam Cung Thông Nhi: “Đoạn đường còn lại hai con hãy tự bước đi nhé, bậc làm sư phụ chỉ có thể dẫn dắt hai con đến bước này thôi”.

Vì muốn cho nữ nhân mù không phải quá vất vả trên quãng đường trở về Đôn Hoàng, Khôn Du đã quyết định lưu lại Trường An thêm nửa năm nữa để tích góp thêm chút lộ phí. Biết rằng Khôn Du sẽ đem theo nữ nhân mù đi đến Đôn Hoàng, nên những người thỉnh tranh trước đây lại tìm đến lần nữa, do đã tiếp xúc với nhau qua một thời gian nên mọi người đều trở thành bạn. Mọi người thấy rằng nữ nhân mù cũng vô cùng xinh đẹp và thảo hiền nên đã tổ chức hôn lễ cho họ, hơn nữa còn quyên góp được rất nhiều ngân lượng để tiễn chân họ trở về Đôn Hoàng.

Chúng ta cùng nói ngắn gọn một chút, khi Khôn Du và Nam Cung Thông Nhi trở về Đôn Hoàng mới được tin phụ thân ở quê nhà qua đời đã mấy năm rồi. Trước lúc lâm chung, phụ thân Khôn Du nói với những người bên cạnh rằng: “Con trai tôi sẽ còn vẽ đẹp hơn tôi nữa”. Khôn Du nhận lấy những bức họa của phụ thân lưu lại và bắt đầu quá trình vẽ tranh tại Đôn Hoàng.

Trong tình huống thông thường Nam Cung Thông Nhi đều không nói nhiều, chỉ âm thầm ở bên cạnh Khôn Du, dụng tâm cảm nhận những bức họa của anh. Đợi đến thời khắc quan trọng nhất, khi cần triển hiện cảnh giới của Thần Phật, Nam Cung Thông Nhi liền nói với Khôn Du: “Chàng hãy tĩnh tâm xuống một chút, sau đó cảm nhận sự từ bi, uy nghiêm, trí huệ cùng các phương diện khác của Thần Phật, rồi hãy xem trong từng bức tranh cụ thể chàng muốn biểu hiện ra phương diện nào trong đó (phương diện nào là chủ đạo)”. Trong lần đầu nghe Nam Cung Thông Nhi nói vậy, Khôn Du chỉ dừng lại ở sự liễu giải bề mặt, trong lúc vẽ vẫn không vẽ ra được phong vận của Thần. Sau này anh quan sát thấy Nam Cung Thông Nhi thường xuyên ngồi một bên tĩnh tọa, nên Khôn Du đã để cho Thông Nhi dạy mình phương pháp tu luyện, từ đó hai vợ chồng họ vừa vẽ tranh vừa cùng nhau tu luyện. Bởi vì Khôn Du có căn cơ tốt, lại thêm vốn dĩ anh ấy là người được Sáng Thế Chủ hữu ý an bài, là sinh mệnh triển hiện trạng thái của Thần, vậy nên anh rất nhanh chóng nắm vững được phương thức làm sao để vẽ ra được phong vận và phong thái của các bậc giác giả. Sau này, anh ấy đã rất nhanh hoàn thành các tác phẩm của mình, và chúng đã trở thành những kiệt tác.

Có một lần Khôn Du và Thông Nhi cùng nhau nói chuyện về việc trong tương lai những bức họa của họ sẽ đặt định văn hóa và lưu lại kiến chứng cho việc Sáng Thế Chủ hồng truyền Đại Pháp tại nhân gian. Khôn Du nói: “Nàng có biết được những bức họa này sẽ lưu lại kiến chứng như thế nào không?” Nam Cung Thông Nhi nói: “Theo những điều thiếp được biết vào lúc đó cũng sẽ có người dùng phương thức hội họa để khiến con người nhân gian biết được về sự mỹ hảo và thần thánh của việc Sáng Thế Chủ hồng truyền Đại Pháp tại nhân gian. Bởi vì đây là tu Phật nên khẳng định sẽ có nhân tố của Phật gia nhưng con người vào lúc đó có mức độ tín Thần rất thấp, họ sẽ dựa vào những sở thích của mình để biểu hiện ra”. (Giống như bức họa số 05)

(Ảnh 05: Ngũ phúc lâm môn; thiết kế: Tẩm Hương, năm 2010)

Vào đúng lúc hai người họ đang nói chuyện cao hứng nhất thì Sáng Thế Chủ giáng lâm đến nơi này, chỉ nhìn thấy Sáng Thế Chủ huơ tay một cái đôi mắt của Nam Cung Thông Nhi bèn được trị khỏi. Sau đó Sáng Thế Chủ nói với Khôn Du: “Tương lai con sẽ trở thành một họa sĩ, đến lúc đó con nhất định phải làm những sự việc con nên làm”. Sau đó Ngài quay sang nói với Nam Cung Thông Nhi: “Vào lúc đó con sẽ đắc Pháp từ khi còn rất nhỏ, con nhất định phải trong hoàn cảnh của mình mà làm tốt những việc con nên làm”. Trước khi rời đi, Sáng Thế Chủ dặn dò hai người họ cần phải đem kỹ thuật hội họa này truyền thụ cho nhiều người hơn nữa. Vậy nên hai vợ chồng Khôn Du và Thông Nhi đã cùng nhau tìm kiếm những người có duyên hội họa, đồng thời tập hợp họ lại, rồi đem hết tất cả những sở học mà mình có, không cất giữ bất cứ điều gì mà truyền thụ hết cho họ. Những người này đã làm phong phú thêm kho tàng của những bức bích họa và tượng màu trong hang Mạc Cao. Những điều này chúng ta không nói kỹ ở đây.

Trong đời này, Khôn Du vốn dĩ là một giáo sư, bởi vì tu luyện Pháp Luân Đại Pháp mà chịu nhận bức hại, sau này nhờ có chính phủ một quốc gia phương Tây đã tận lực giúp đỡ và cứu viện nên đã ra được hải ngoại, trên đất nước tự do ấy mà thực hiện thệ ước trước đây của mình. Nam Cung Thông Nhi đời này chuyển sinh tại Trung Quốc đại lục, cô đắc Pháp từ khi còn rất nhỏ, bản thân cô có công việc kinh doanh của riêng mình, trong môi trường công việc của mình cô cũng đang tận lực làm tốt những gì bản thân cần làm.

Đây chính là:

Thần truyền kỹ nghệ Đôn Hoàng triển
Phật quốc quang hoa đại thụ lãm
Thệ ước tại tiền động quật lý
Kim triều họa bút tái điểm nhiễm.

Tạm dịch:

Kỹ nghệ Thần truyền triển hiện tại Đôn Hoàng
Ánh sáng của Phật quốc đều được thu gọn trong từng bức họa
Thệ ước khi xưa đã phủ khắp hang động
Cây bút đời này tiếp tục được vẽ nên.

Tái bút: Căn cứ theo những tư liệu mà tôi biết được, thì tên tuổi của những vị họa sĩ và nhà tạc tượng trong hang Mạc Cao được ghi chép bằng văn tự thật không có mấy người, phần lớn đều không có ghi chép về họ, để bổ khuyết cho điều này, tôi đã viết ra bài viết này để dâng tặng cho những người họa sĩ và những người đắp tượng vô danh tại hang Mạc Cao. Dẫu rằng những người này trong đời này đã chuyển sinh sang các lĩnh vực khác, nhưng tại đây vẫn hy vọng những người chưa đắc Pháp có thể minh bạch được chân tướng, những người đã đắc Pháp lại càng thêm nỗ lực hoàn thành trách nhiệm và sứ mệnh mà lịch sử đã giao phó cho các bạn.

Chú thích: (*) Trích: Giảng pháp tại Pháp hội Sydney [1996]

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/263595



Ngày đăng: 16-07-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.