Chân trời tìm Pháp: Thanh vận Trường Thành (2)
Tác giả: Thạch Phương Hành
[ChanhKien.org]
(Ảnh 7: Miếu Mạnh Khương Nữ)
Lúc này là vào nửa đêm, khi họ chuẩn bị nghỉ ngơi, thì thấy một cô gái rất xinh đẹp mặc trang phục triều Tần xuất hiện, cô gái khi nhìn thấy họ thì tỏ ra vô cùng vui vẻ. Lão nhân khi này mới gạn hỏi cô gái kia rằng: “Bà phải chăng chính là Mạnh Khương Nữ (1)?” Cô gái liền đáp rằng: “Đúng vậy, tôi chính là Mạnh Khương Nữ, tôi đã ở nơi này từ thời Tần đến nay, vẫn chưa hề rời đi.” Thông Nhi nghe vậy thì cảm thấy rất thú vị liền hỏi: “Vậy xin hỏi sự tích “Mạnh Khương Nữ khóc Trường Thành” rốt cuộc là như thế nào?” Mạnh Khương Nữ trả lời: “Kỳ thực ta là tiên nữ trên trời hạ phàm, ý nghĩa của câu chuyện “Mạnh Khương Nữ khóc Trường Thành” là để muốn nói với triều đại đương thời khi đó và cả những hoàng đế đời sau rằng: nếu như triều đình đối với bách tính không tốt thì sự than khóc bi ai của bách tính là có thể khiến cho Trường Thành sụp đổ, nội tình {quốc gia} sẽ nguy nan, đương nhiên đây là năng lực do ta là sinh mệnh trên thiên giới mới có được, người thường than khóc thì không thể khiến thành lũy sụp đổ được. Nhưng phải biết rằng ý nguyện của dân chính là thuận theo thiên ý.” Lúc này nữ hộ pháp nói: “Câu chuyện bà khóc Trường Thành, đã trở thành truyền thuyết lưu truyền từ thời Tần cho đến tận ngày nay. Tuy nhiên thế nhân chỉ biết được rằng sự tích của bà là nhằm lên án người đương quyền vì xây đắp thành lũy mà khiến dân chúng lâm vào cảnh thê lương”. Cậu bé mù nghe vậy liền nói với Mạnh Khương Nữ: “Vốn dĩ bà là tiên nữ hạ phàm, vậy tại sao không trở về thượng giới đi? Nơi này không tốt để ở lại.” Mạnh Khương Nữ đáp: “Ta cũng biết nhân gian này tuy rằng bất hảo, nhưng thông qua tu hành thì tầng thứ sẽ thăng hoa rất nhanh. Vào thời nhà Tống, cũng chính tại nơi này, ta có gặp được một vị thần tiên, ông ấy nói với ta rằng nhất định phải ở lại đây chờ mấy người đang trên đường tìm Pháp đi ngang qua. Tuy rằng lúc gặp được họ có lẽ cũng không thể cùng theo họ bước đi trên con đường tìm Pháp, nhưng cũng thông qua đó mà kết duyên được cùng họ, trong tương lai sẽ có được duyên phận cùng Sáng Thế Chủ, sau cùng sẽ được cứu độ. Vì thế ta đã nhất mực ở lại nơi này chờ đợi. Cuối cùng thì hôm nay đã gặp được các vị. Chuyện các vị đi đến long cung gặp Long vương ta cũng đều biết cả, lúc mọi người đi đến nơi đây, ta liền hiện ra để nói cho các vị biết những điều này.” Sau khi nghe xong những lời tự thuật của Mạnh Khương Nữ, mọi người trong đoàn có thêm những lý giải sâu sắc hơn về cuộc hành trình tìm Pháp sắp tới của họ.
Mấy ngày sau vì để xử lý một số sự tình khác mà họ nán lại nơi này thêm hai, ba ngày nữa rồi mới rời đi. Khi lão nhân dẫn theo cả đoàn cùng với Tiểu Long Tử quay trở lại ngôi đạo quán ở ải Cư Dung trước kia để gặp đạo cô, thì mới biết Nhâm Dũng đã qua đời. (Việc này vốn dĩ đã nằm trong dự liệu của lão nhân, theo lẽ thường thì khi bằng hữu thọ mệnh sắp hết thì những người khác không nên rời đi, tuy nhiên vì để tranh thủ thời gian lên đường và nắm chắc cơ duyên, đồng thời lại không muốn trong luân hồi gặp lại nhau sẽ bị nhân tố Tình tác động quá nhiều nên lão nhân đã đem theo Thông Nhi và cậu bé mù rời đi trước thời điểm Nhâm Dũng qua đời.)
Đạo cô kể lại cho mọi người về những nguy hiểm trước đây mà Vận Thi và Điền Thư đã trải qua cùng Nhâm Dũng. Mọi người đều vô cùng bội phục trước dũng khí và sự nhân nghĩa của Nhâm Dũng. Thông Nhi khi ấy cảm khái nói: “Đáng tiếc cho anh ấy, nếu như anh ấy có thể cùng đi với chúng ta trên đường tìm Pháp thì chúng ta đã có thêm một người trợ thủ đắc lực rồi.” Lão nhân nói: “Chớ suy nghĩ quá nhiều, mặc dù anh ấy đã rời khỏi thế gian, nhưng tâm anh ấy nhất định sẽ đồng tại cùng chúng ta.” Nghe lão nhân nói như vậy, mọi người ít nhiều được an ủi trở lại.
Lúc này vị đạo cô nói: “Trong lúc sắp xếp đồ đạc của Nhâm Dũng, tôi có phát hiện một phong thư, chắc đây là phong thư mà vị đại quan Triều Tiên kia muốn gửi đến cho người quen của ông ấy đang ở gần đây. Vì tôn trọng chủ nhân của bức thư nên tôi đã không mở ra xem. Có lẽ chúng ta nên đem phong thư này giao cho người kia. Đồng thời nói cho ông ấy biết rằng chúng ta muốn dẫn hai đứa trẻ này đi dọc theo Trường Thành (xây sửa dưới triều Minh) tới Gia Dục quan để tìm Sáng Thế Chủ.”
Lão nhân bèn đem phong thư giao cho Thông Nhi để cô tìm đến vào gửi cho người bạn của vị đại quan. Lúc Thông Nhi đi giao thư, thì những người còn lại ở trong đạo quán sắp xếp hành trang, thức ăn và đồ dùng để chuẩn bị lên đường. Khi Thông Nhi đến địa điểm được ghi trên phong thư, thông qua hỏi thăm thì mới biết rằng người cần tìm ấy đã chuyển đi từ năm trước. Vì để hoàn thành tâm nguyện của phụ thân Vận Thi, Thông Nhi bèn đứng ngay tại nơi đó, chắp tay thành khẩn, hướng lên không trung mà nói rằng: “Phụ thân Vận Thi ở trên trời có linh thiêng xin hãy nghe tôi nói: gia nhân Nhâm Dũng của ngài đã hộ tống an toàn hai đứa bé đến đây. Giờ đây chúng tôi sẽ cùng nhau bước trên hành trình tìm Pháp dọc theo Trường Thành, tuy rằng người quen của ngài hiện tại không còn ở đây nữa, nhưng ngài cũng có thể yên tâm rằng chúng tôi sẽ chăm sóc tốt cho hai đứa bé, kiếp này chúng tôi nhất định sẽ kết duyên phận cùng Sáng Thế Chủ, đặt định cơ sở tốt đẹp để chờ đợi đến khi Sáng Thế Chủ hồng truyền Đại Pháp tại nhân gian trong tương lai!” Lạ thay, khi Thông Nhi vừa nói xong những lời này thì bức thư vốn đã cháy hết, đột nhiên lại bay lên không trung, xếp thành từng chữ từng chữ mà hiện ra, trong thư viết rằng: “Lão đệ, sáng nay nhà tôi gặp đại nạn, khi xem thư này xin hãy chăm sóc tốt cho hai đứa trẻ. Kỳ thực tôi sớm có dự cảm về chuyện này. Vào lúc tôi còn nhỏ, có một vị tu đạo đã từng nhắc nhở tôi rằng: trong mệnh của tôi sẽ gặp phải đại nạn, nếu muốn thoát khỏi điều đó thì nhất định phải tìm đến Trung Thổ xuất gia tu hành. Tiếc rằng sau khi lớn lên, tôi thấy mình nên vì quốc gia và bách tính mà bước ra làm quan, làm vài việc tốt, bởi vậy nên tôi đã không làm theo lời của người tu đạo ấy. Giờ đây, cũng trong tình cảnh cùng cực này tôi cho người đem hai đứa trẻ ủy thác cho ông, cũng là hy vọng sau này chúng có thể kết duyên cùng cao nhân Trung Thổ [mà] tu hành, thoát khỏi luân hồi sinh tử, đạt được mục đích tối hậu của đời người.” Thông Nhi xem xong cũng rất cảm khái và càng thêm kiên định tín tâm mà đi dọc theo Trường Thành tìm Pháp.
Khi Thông Nhi trở về, cô đã đem chuyện này kể lại cho mọi người trong đoàn, mọi người nghe vậy đều vô cùng kinh ngạc. Sau đó Thông Nhi chuẩn bị cho mình một chút hành lý đơn giản rồi cùng mọi người bắt đầu khởi hành. Tới đây, lão nhân tạm thời cáo biệt với mọi người. Trước khi chia tay, lão nhân căn dặn mọi người rằng: Bất kể ở trên đường gặp phải gian nan khốn khó gì đều phải gắng sức chịu đựng mà vượt qua. Đồng thời lão nhân còn hứa rằng sẽ có mặt khi mọi người gặp phải khó nạn.
(Ảnh 8: Tử Kinh quan)
(Ảnh 9: Cảnh vật xung quanh Đảo Mã quan)
Khi lão nhân rời đi, đạo cô và Thông Nhi trở thành người dẫn dắt cả đoàn. Họ đi dọc theo Trường Thành từ Tử Kinh quan, Đảo Mã quan, Bình Hình quan, đến Nhạn Môn quan. Khi ở giữa Tử Kinh quan và Đảo Mã Quan, họ gặp phải mấy kẻ ngoại đạo đến từ Trung Á, mấy kẻ này có tục ăn thịt trẻ em và thờ thần lửa. Khi chúng thấy trong đoàn có dẫn theo mấy đứa bé, thì nghĩ hết biện pháp để đoạt được mấy đứa bé về tay mình. Tuy rằng Thông Nhi đã ra sức bảo vệ nhưng ba đứa bé vẫn không thoát khỏi sự săn đuổi của chúng và đều lần lượt bị bắt đi.
Lúc này Thông Nhi tỏ ra vô cùng chán nản, cô thấy bản thân mình có lỗi với cha mẹ Vận Thi và cả Bột Hải Long Vương nữa. Thấy vậy cậu bé mù đi tới và nói rằng: “Chị không nên chán nản, em biết tụi nhỏ ở đang ở đâu.” Thông Nhi nói: “Mắt em nhìn không thấy, làm sao em biết tụi nhỏ ở đâu?” Cậu bé mù trả lời: “Em tuy rằng nhìn không thấy, nhưng em có thể nghe. Một chút âm thanh cực nhỏ em cũng đều có thể nghe được.” Thông Nhi nghe vậy liền lập tức lấy lại tinh thần, bèn dẫn theo nữ hộ pháp mà Nam Hải Long Vương phái tới để bảo hộ Tiểu Long Tử cùng cậu bé mù lập tức lên đường tìm kiếm đám trẻ. Chẳng bao lâu sau họ đã phát hiện được tung tích của chúng. Thông Nhi và nữ hộ pháp xách kiếm đi tới quyết chiến một trận sống còn với đám ngoại đạo kia. Cậu bé mù thừa lúc mọi người không để ý, liền ôm 3 đứa trẻ vào lòng, đem chúng chạy như bay về nơi trú chân của mọi người và giao cho đạo cô rồi lập tức quay trở lại chỗ Thông Nhi và nữ hộ pháp đang giao đấu với đám ngoại đạo. Khi trở lại cậu cố ý ngồi đúng vào vị trí cũ khi nãy và vờ như không có chuyện gì xảy ra, để người khác chú ý đến mình. Lúc này Thông Nhi và nữ hộ pháp đã cùng những kẻ ngoại đạo giao tranh đến mức cả hai bên đều sức cùng lực kiệt. Khi đó chỉ thấy một trong số bọn chúng dùng một loại ám khí cực kỳ bí hiểm bắn về hướng Thông Nhi, xem chừng chỉ trong tích tắc là sẽ đánh trúng cô. Thấy vậy, cậu bé mù liền thuận tay ném đi một viên đá nhỏ đánh văng ám khí kia ra ngoài. Một lát sau đến lượt nữ hộ pháp cũng lâm vào tình cảnh nguy hiểm tương tự, cậu bé mù lại thuận tay giúp bà tránh được nạn đó. Đám ngoại đạo trông thấy vậy thì bèn chuyển hướng tấn công về phía cậu bé. Tuy nhiên, cậu bé mù làm ra vẻ không biết chuyện gì, cứ nằm thẳng đơ đơ ra nơi đó, để mặc cho chúng mặc sức đâm chém. Cứ như vậy được một lúc, đám ngoại đạo cảm thấy lạ rằng tại sao cậu ta lại không phản ứng gì, sau đó chúng bất ngờ phát hiện rằng bất kể chúng có động thủ hiểm ác đến đâu đi chăng nữa thì thân thể cậu bé mù cũng không hề bị thương tích. Ngược lại trên người bản thân chúng lại đầy thương tích do thương đao gây ra. Có kẻ dùng bảo kiếm muốn chặt đầu cậu bé thì kỳ lạ thay chính đầu của kẻ ấy bị rớt ra, trong khi cậu bé vẫn toàn vẹn không chút thương tổn. Đám ngoại đạo trông thấy vậy thì vô cùng sự hãi, vội vàng buông kiếm xuống khấu đầu tạ tội, rồi bỏ chạy không còn tung tích.
Thông Nhi và nữ hộ pháp ở bên cạnh đều ngây người ra xem, họ chưa từng thấy qua loại pháp thuật này. Thấy đám ngoại đạo đã rời đi, hai người họ vội chạy đến nâng cậu bé dậy và hỏi: “Rốt cuộc là em đã dùng loại công phu gì vậy?” Cậu bé mù thấy thế liền nói: chờ khi trở về gặp ba đứa bé và đạo cô rồi sẽ nói.
Sau đó họ vui vẻ quay trở lại chỗ đạo cô cùng đám trẻ. Đạo cô thấy họ bình an trở về thì rất đỗi vui mừng. Thông Nhi kể lại tất cả những gì mà cô và nữ hộ pháp đã chứng kiến cho vị đạo cô nghe. Đạo cô nghe xong liền dùng nét mặt nghiêm túc hỏi cậu bé mù: “Rốt cuộc con là ai? Tại sao lại có loại công phu này?” Cậu bé mù bình tĩnh trả lời: “Năm ấy con 10 tuổi, có một lần ra ngoài chơi đùa với đám bạn thì gặp một vị lão nhân ăn xin, ông ấy nói với con rằng: “Tương lai cậu sẽ có một đại nạn lớn nhưng không chết, tuy nhiên sẽ vì thế mà bị mù, từ đó về sau bất kể ai đánh cậu, cũng bằng như đánh chính họ vậy.” Lúc đó con thắc mắc rằng tại sao con có loại năng lực ấy mà vẫn phải chịu cảnh bị mù. Vị lão nhân ăn xin khi đó mới nói rằng: “Bởi vì trước đây cậu đã vài lần xem trộm thiên thư của thiên thượng. Cho nên tương lai sẽ phải chịu trách phạt như thế. Nhưng thiên thượng thấy rằng cậu có sứ mệnh rất lớn, cho nên đã an bài Thần đến cứu lúc nguy nan và còn nói cho biết làm sao để bảo vệ bản thân mình.” Lúc đó con bèn hỏi: “Cháu làm sao có thể khiến thương tích mà người khác gây ra cho cháu chuyển sang thân thể đối phương được?” Sau đó lão nhân kia liền nói cho con biết phương pháp thực hiện việc đó”. Nghe xong những lời ấy mọi người trong đoàn bỗng nhiên tỉnh ngộ!
Đạo cô lúc ấy mới nói rằng: “Vào lúc ta nhìn thấy cậu dưới chân Trường Thành trong lòng ta cũng không suy nghĩ gì nhiều, chỉ cảm thấy rằng cậu rất đỗi thân quen, bởi thế liền ra tay cứu cậu. Trong sự việc này khẳng định là có nguyên nhân sâu xa ẩn chứa đằng sau, có lẽ điều này cũng là sự chuẩn bị để cho chúng ta ngày hôm nay vượt qua khó nạn trên con đường cùng nhau tìm Pháp.”
Thông Nhi nghe vậy bèn nói: “Nếu đã như vậy thì trước tiên chúng ta hãy cùng nghỉ ngơi thật tốt, phía trước nhất định sẽ còn nhiều ma nạn lớn hơn đang chờ đợi.”
Vì vậy mọi người đã dừng tại nơi đó nghỉ ngơi thêm hai ngày nữa. Việc bảo vệ ba đứa trẻ cũng được tăng cường thêm.
(Ảnh 10: Nhạn Môn quan)
Hai ngày sau, mọi người cùng nhau di chuyển về hướng Nhạn Môn quan. Khi đi đến gần Nhạn Môn, họ gặp phải một đám “cường đạo” rất đặc biệt. Cầm đầu đám người này là hai chị em một trai một gái. Tuy rằng tất cả bọn chúng đều hóa trang thành người trong giới võ lâm, nhưng nhìn kỹ thì trang phục lại có vẻ hào hoa phú quý hơn. Trong lúc mọi người còn đang chưa hết bất ngờ thì đám “cường đạo” này vội tiến lại và bao vây lấy họ, tất cả bọn chúng trong tay đều cầm đao sắc, nhưng ánh mắt lại tỏ ra không hề hung ác như những tên cướp thông thường.
Lúc này nữ “cường đạo” cầm đầu mới cao giọng nói: “Ta cần các người cùng chúng ta đi Gia Dục quan, nếu như các người đi, ta sẽ cho các người ngân lượng, nếu như không đi theo ta thì giết ngay tại chỗ!” Ngay trong lúc nữ “cường đạo” nói, em trai của cô ta huơ tay ra hiệu liền có mấy người ném rất nhiều ngân lượng xuống đất, ngoài ra còn có cả đồ ăn.
Thông Nhi, nữ hộ pháp cùng đạo cô ba người quay sang nhìn nhau, ngơ ngác không biết làm sao. Theo lẽ thường thì cường đạo đều là những kẻ giết người không chớp mắt, nào có ai lại đem tiền cho người khác và còn hộ tống người ta nữa! Tiểu Long Tử nói: “Các vị muốn chúng tôi cùng đi Gia Dục quan làm gì?” Nữ “cường đạo” trả lời: “Trước đây đã từng có một lão nhân nói cho bọn ta biết, ở Gia Dục quan có một người đặc biệt đang chờ bọn ta đến. Nhưng do bọn ta là “cường đạo” (ý nói rằng tính khí bọn họ có chút hung hãn), người đó có thể sẽ không nhận ra chúng ta, chỉ khi chúng ta gặp được một đoàn người trong đó có một nữ đạo sĩ và những đứa trẻ, thì cần phải dẫn theo bọn họ cùng đi thì đại sự mới thành. Không biết các người đang muốn đi về hướng nào? Nếu như không phải đi Gia Dục quan, thì nơi đây bằng như chính là chỗ mộ phần của các người vậy!” Nói xong nữ “cường đạo” liền cười phá lên.
Vừa lúc ấy thì từ phía Nhạn Môn quan có một lão nhân sắc diện hồng hào tươi tắn chầm chậm bước tới phía họ. Khi tiến đến gần và nhìn thấy Thông Nhi lão nhân bèn nói lớn: “Em dâu, quên ca ca rồi sao?” Thông Nhi tỏ ra rất bối rối không hiểu chuyện gì đang diễn ra. Lúc này cậu bé mù đi về phía trước, nắm chặt lấy tay của lão nhân ấy mà khóc nấc lên không thành tiếng. Mọi người lại bối rối hơn nữa: Lại là chuyện gì nữa đây?
Lão nhân khi ấy nói rằng: “Hình dạng của ta lúc này là cố ý biến hóa ra như vậy, mục đích là để thể hiện rằng trong lịch sử ta đã từng là một người canh giữ biên ải. Cậu bé mù và Thông Nhi đời ấy đều đã từng là thân nhân của ta. Thông Nhi là người nước Liêu. Mặc dù nước Liêu là địch quốc của nước ta khi ấy, nhưng do nhân duyên sắp đặt nên trong đời ấy Thông Nhi đã cùng em trai ta kết thành vợ chồng.” Đến lúc này mọi người mới hiểu ra mọi sự. Một lát sau, lão nhân đột nhiên chuyển hướng câu chuyện: “Các vị xem quan khẩu này, thấy rằng nó rất quan trọng, kỳ thực ở trong cảnh giới khác nó cũng là một thông đạo, là sợi dây kết nối giữa văn hóa thần truyền chủ lưu với các nền văn hóa phụ trợ khác. Sơn Hải quan cũng là như vậy. Các người đã từng nghĩ tới chưa? Vì sao năm đó Dương Lục Lang (2) đóng giữ ở nơi này, mà không phải ở chỗ khác? Ở đây không có bất kỳ sự ngẫu nhiên nào. Bởi vì Bắc Nhạc Hằng Sơn (3) ở chỗ này. Hằng Sơn từ bề mặt mà thấy thì có ý tứ là vĩnh hằng. (đương nhiên trong đó còn có nội hàm và nguyên nhân sâu xa hơn)”
Nói xong lão nhân liền tiếp tục: “Hai vị chị em nhìn như cường đạo kia, nguyên là con của một gia đình lớn ở đây, từ nhỏ đã thích luyện võ, chị tên là Nhã Ngọc, em trai tên là Nhã Lượng. Sau này, bởi vì nơi này thường xuyên bị ngoại tộc quấy phá nên hai người họ đã triệu tập một số người khác cùng đứng lên bảo vệ cho dân làng, sau này còn trở thành người bảo hộ dẫn đường. Nhưng về sau vì một số nguyên nhân nên vai trò đó không tồn tại nữa, nhưng những huynh đệ này đều rất tốt. Hai chị em họ cùng những người còn lại trở thành những binh sĩ tình nguyện của dân làng, bảo vệ người dân trong vùng trước sự quấy rối của những kẻ đạo tặc và ngoại tộc.”
Lúc này Thông Nhi có vẻ thắc mắc liền hỏi: “Vậy tại sao họ lại hành động như đạo tặc vậy?” Nghe thấy vậy Nhã Ngọc liền bước lên phía trước cười to mà nói rằng: “Ở đâu lại có kiểu đạo tặc đem ngân lượng dâng cấp cho các vị chứ?” Sau khi mọi điều được giải khai, tất cả mọi người đều rất vui mừng. Bọn họ đến thăm viếng Văn Thù viện trên Ngũ Đài Sơn gần đó, thông qua việc này mà có thêm nhận thức đối với việc tu luyện.
Sau khi tụ hội xong, đoàn người vốn nghĩ sẽ trực tiếp đi Gia Dục quan, tiếc rằng giữa đường xuất hiện sự can nhiễu, dẫn đến việc việc này bị chậm lại tới sáu bảy năm sau. Nguyên là, khi họ đi tới Định Biên (Thiểm Tây), thì các thành viên trong đoàn không hiểu vì sao lại đều xuất hiện trạng thái thân thể không thoải mái. Ngay cả bản thân Tiểu Long Tử cũng xuất hiện hiện tượng này, việc này khiến cho Thông Nhi và Nhã Ngọc không biết nên xử lý thế nào. Bởi vì chưa ai từng gặp phải tình huống như vậy trước đây. Về sau họ đã tìm lang y, tuy rằng lúc đó có thể trị khỏi, nhưng sau lại tái phát, chuyện này lặp đi lặp lại như vậy, khiến cho họ thế nào cũng không đi được, mọi người chỉ còn cách nghỉ ngơi tĩnh dưỡng ở đây. Qua thời gian một tháng sau, sự tình vẫn tiếp tục như vậy. Có một ngày cậu bé mù nói: “Các vị còn nhớ lão nhân đã cứu Nhâm Dũng, Vận Thi và Điền Thư lúc chia tay đã nói gì không?” Mọi người đều nói rằng có nhớ. Lúc này mọi người cùng đồng thanh mà nói rằng: “Chúng tôi giờ đây có nạn, lão nhân ông đang ở đâu, xin hãy tới giúp chúng tôi!” Tuy nhiên mặc dù mọi người liên tục nói mấy lần như vậy, cũng không thấy lão nhân kia xuất hiện. Về sau vị đạo cô nói: “Có lẽ là Thần đang xem chúng ta có thể kiên định ý chí đi Gia Dục quan tìm Pháp hay không.” Qua lời nhắc nhở của đạo cô, Nhã Lượng trầm tư nói: “Có lẽ mọi chuyện chúng ta gặp phải đều là một loại tu hành! Nếu lão nhân kia cũng không nói gì về thời điểm đến Gia Dục quan, vậy thì chúng ta hãy dùng tâm kiên định mà đi đến nơi đó, nên chăng chúng ta nên ở chỗ này mà đề cao thân tâm của mình, chẳng phải đó là rất tốt đó sao?! Hơn nữa tôi và Nhã Ngọc cùng với Thông Nhi còn đều biết võ công.” Nói xong quay qua nói với cậu bé mù: “Cậu cũng có thể dạy cho mọi người tuyệt kỹ mà vị lão gia gia ăn xin kia truyền cho cậu!” Cậu bé mù nói: “Không được, cái đó của tôi chính là phòng thân, không thể dùng để tu hành, hơn nữa không thể truyền ra ngoài được.”
Những ngày sau, Nhã Ngọc, Nhã Lượng và Thông Nhi đều đem công phu của mình dạy cho những người không biết võ công trong đoàn. Những người này, tuy rằng thông qua học chút võ nghệ thì thân thể có mạnh mẽ lên một chút, nhưng vẫn có những thời điểm nào đó trong ngày mà thân thể họ có phản ánh ra sự khó chịu và không thoải mái. Trong trạng thái như vậy, họ đi tới khu vực giữa Kim Xương và Võ Uy (đều ở tỉnh Cam Túc, Trung Quốc) (thời gian 6 – 7 năm chủ yếu là ở quá trình di chuyển này). Lúc này, tất cả mọi người trong đoàn đều ngã bệnh, có những bệnh còn rất nghiêm trọng. Có một ngày Tiểu Long Tử đột nhiên nói với mọi người rằng: “Tôi nghe phụ vương nói, ở hướng nam Võ Uy có một đoạn Trường Thành xây dựng vào thời kỳ triều Hán, về sau vào thời Đại Minh đoạn Trường Thành này đã được gia cố thêm một đoạn dài, hiện nay vị Thần bảo vệ đoạn Trường Thành này chính là một vị hộ pháp của Phật Đà trên trời, vị hộ pháp này có bản sự hết sức to lớn. Nên chăng chúng ta hãy cùng đến nơi đó xem sao?” Nghe Tiểu Long Tử nói như vậy, mọi người liền lấy lại tinh thần. Sau khi hỏi thăm người dân địa phương xung quanh thì họ biết được rằng vị trí của đoạn Trường Thành đó cách đây cũng không xa lắm. Vì vậy họ đã mướn một cỗ xe ngựa rồi dùng chút sức lực cuối cùng của mình mà đi tới nơi đó. Đêm hôm đó, trăng lên rất cao, gió thổi nhè nhẹ khiến cho mọi người cảm thấy rất thoải mái và có chút thi vị. Khi ấy Nhã Lượng dùng giọng nói yếu ớt của mình mà nói đùa rằng: “Cho dù trong kiếp này chúng ta có phải vùi thân nơi này, tôi nghĩ rằng chúng ta cũng sẽ không hối hận.” Mọi người nghe xong đều tỏ vẻ đồng ý.
Sáng sớm hôm sau, đạo cô nói: “Tối hôm qua tôi mơ thấy Nhâm Dũng, cậu ấy vẫn mang dáng hình uy vũ giống như ngày nào, Nhâm Dũng nói mọi người hãy bảo trọng, kiên trì thêm dăm ba ngày, sẽ có người tới cứu chúng ta.” Nghe vị đạo cô nói vậy, Vận Thi cũng lên tiếng: “Tối hôm qua cháu cũng mộng thấy ân nhân (Nhâm Dũng) đến thăm hỏi cháu và Điền Thư, nói cho chúng cháu biết, là chúng cháu từ trước đã mắc nợ Thần (không nói cụ thể là chuyện gì) và nói chúng ta cần kiên trì thêm, nạn này sẽ nhanh chóng qua đi.” Mọi người nghe vậy thì càng thêm kiên định, tiếp tục lên đường hướng về phía Gia Dục quan tìm Sáng Thế Chủ. Năm ngày sau đó, đối với họ mà nói thì thật rất gian nan, vào buổi tối ngày thứ năm, cậu bé mù hỏi mọi người: “Nếu như đoàn người chúng ta đến phút lâm chung cũng không có ai đến cứu, con muốn hỏi mọi người rằng: mọi người có hối hận không?” Không đợi mọi người trả lời, cậu liền quay sang hỏi Thông Nhi: “Kiếp này chị đồng hành cùng mọi người đã trải qua biết bao sóng gió, hao tận hết tuổi thanh xuân, cái gì cũng không đắc được, chị có hối hận không?” Thông Nhi không chút suy nghĩ nói: “Khi chị xuống núi, sư phụ là muốn chị hoàn thành đại sự, chị nghĩ rằng chính là chỉ sự việc này, kiếp này cho dù không cách nào đến được Gia Dục quan tìm Sáng Thế Chủ, thì chị cũng không hề hối tiếc.” Nói xong Thông Nhi dùng hết chút khí lực sau cùng của mình đem bảo kiếm trong tay cắm thẳng xuống đất, tỏ rõ vẻ quyết tâm. Mọi người đều cảm động trước dũng khí và ý chí kiên định không chút lay động của Thông Nhi. Nữ hộ pháp cũng tiếp lời mà nói: “Cho dù chúng ta đời này có vùi thân nơi đây, cũng tuyệt đối không hối hận!” Thanh âm của họ mặc dù đều không lớn lắm, nhưng xuyên qua tầng tầng thương vũ, chúng Thần nghe thấy đều cảm phục! Sáng sớm ngày thứ sáu, khi mọi người vừa tỉnh giấc thì nhìn thấy một lão ăn mày cùng mấy người mặc các loại trang phục khác nhau đang từ đằng xa đi về phía họ. Khi đoàn người tiến lại gần, cậu bé mù nhận ra trong số đó có ông lão ăn mày trước đây đã dạy cậu khẩu quyết thần thông. Thông Nhi nhận ra sư phụ của mình trong số ấy. Mọi người nhìn thấy những cao nhân này xuất hiện thì đều vô cùng vui mừng, cảm thấy mình nhất định được cứu rồi.
Sư phụ của Thông Nhi thấy mọi người cũng vô cùng mừng rỡ, từ trong hồ lô rót ra một ít nước thuốc chia cho mọi người. Mấy vị cao nhân khác thì tìm đồ ăn và dược chất để cho họ bồi bổ thân thể. Ông lão ăn mày trong đoàn thì chỉ dạy mọi người khẩu quyết làm thế nào để tránh khỏi ngoại tà quấy nhiễu (phong hàn thấp nhiệt v.v.). Cứ như vậy qua năm sáu ngày, sức khỏe của mọi người được khôi phục rất nhiều, sư phụ Thông Nhi gọi Tiểu Long Tử và mọi người đến gần, nói: “Hai người quen của các vị sắp tới. Chúng ta sẽ ở chỗ này cùng nghênh tiếp họ.” Một lát sau, một vị hộ pháp thiên thần từ trên trời giáng xuống, chỉ thấy khi ông đưa tay ra, một đoạn thành lũy lớn đều xuất hiện ở trong lòng bàn tay của ông, hình ảnh được triển hiện ra là từ lúc đoạn thành lũy này mới bắt đầu được xây dựng. Vị hộ pháp dùng phương thức tua nhanh thời gian để triển hiện tất cả những điều đó. Thần hộ pháp nói với mọi người rằng: “Tôi chính là hộ pháp đoạn Trường Thành mà Tiểu Long Tử nói đến, bởi vì đoạn Trường Thành này là được xây dựng từ thời nhà Hán, cho nên tôi triển hiện cho các vị từ lúc bắt đầu kiến tạo, những chuyện đã qua trong năm tháng đằng đẵng từ xưa cho tới hôm nay, mục đích là để cho các vị khắc sâu hơn và lý giải được nội hàm của Trường Thành trong lịch sử văn hóa Trung Hoa.” Đúng vào lúc đó thì lão nhân lúc trước đã cứu Nhâm Dũng, Vận Thi và Điền Thư ở Hổ Sơn Trường Thành liền xuất hiện. Lão nhân lúc này xuất hiện trong trang phục của một thương phú ngoại tộc. Mọi người vừa nhìn thấy lão nhân thì đều trách cứ lão không giữ lời hứa. (Ở bài lần trước, lão nhân giao hẹn khi bọn họ gặp nạn thì sẽ xuất hiện, nhưng trong thời đoạn họ khó khăn nhất thì lão nhân đều đã không xuất hiện.) Sư phụ của Thông Nhi hiểu được tâm trạng này của mọi người nên bèn nói: “Tôi và mấy vị thế ngoại cao nhân kia, gồm cả vị hộ pháp đoạn Trường Thành này đều là do lão nhân này triệu tập đến.” Mọi người nghe thấy vậy đều rất lấy làm bất ngờ. Lúc này đạo cô mới đưa mắt quan sát lão nhân một lượt rồi nghiêm nghị nói: “Hãy nói mau, lai lịch của ông rốt cuộc là như thế nào?” Lão nhân nghe vậy liền cười mà đáp rằng: “Về điều này thì đợi khi các vị đến Gia Dục quan, tôi sẽ nói luôn một thể với hai cô con gái của tôi.” Cậu bé mù nói: “Vậy có thể cho chúng tôi biết nguyên nhân của những khổ nạn mà chúng tôi gặp phải trên đường bây giờ không?” Lão nhân nói: “Đến gần Gia Dục quan tự nhiên sẽ có người nói cho các vị biết. Các vị hãy lên đường đi đi.”
Lão nhân và sư phụ của Thông Nhi đều nói, ở Gia Dục quan có việc chờ các vị, trước tiên các vị hãy lên đường đi đến đó. Đoàn người lại trải qua rất nhiều sương gió dọc theo Trường Thành đi về phía Gia Dục quan.
Chú thích:
(1) Mạnh Khương Nữ (chữ Hán: 孟姜女), hay Mạnh Khương Nữ khóc Trường Thành (孟姜女哭长城) là một câu chuyện cổ tích, truyền thuyết dân gian rất nổi tiếng của Trung Quốc. Câu chuyện kể về một người vợ vì chồng mất khi xây dựng Vạn Lý Trường Thành đã than khóc và làm sụp đổ một góc thành. (Theo Wikipedia tiếng Việt)
(2) Dương Diên Chiêu (chữ Hán: 杨延昭; 958 – 1014), còn được gọi là Dương Lục Lang (楊六郎), là một nhà quân sự đầu thời Bắc Tống. Ông là con trai của danh tướng Dương Nghiệp và là người lãnh đạo thứ hai của Dương gia tướng. (Theo Wikipedia tiếng Việt)
(3) Hằng Sơn (tiếng Trung phồn thể: 恆山; giản thể: 恒山; bính âm: Héng Shān) còn gọi là Nguyên Nhạc hay Thường Sơn, nằm ở huyện Hồn Nguyên tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc, là một núi trong “Ngũ Nhạc”, nên còn gọi là Bắc Nhạc. Đỉnh cao nhất của Hằng Sơn là Thiên Phong Lĩnh cao 2.016,1 m, miếu thờ chính là miếu Bắc Nhạc, thờ thần Hằng Sơn (Bắc Nhạc đại đế). Tương truyền rằng vua Thuấn khi đi tuần thú tới đây đã phong Hằng Sơn là Bắc Nhạc. Theo Đạo giáo, một trong bát tiên là Trương Quả Lão cũng tu tiên tại đây, và sau cùng, tại đỉnh Hằng Sơn, ông đã cưỡi một chiếc lông bay lên trời. (Theo Wikipedia tiếng Việt)
(Còn tiếp)
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/266438
Ngày đăng: 24-05-2021
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.