Chân trời tìm Pháp: Minh sơn hoằng tuyền (3)
Tác giả: Thạch Phương Hành
[ChanhKien.org]
Cuối cùng ba người họ đã cải trang thành những người nghèo khổ rồi cùng nhau lên đường. Trên đường đi, người ngoài đều phát hiện ra một điều kỳ lạ: dù trang phục trên người bọn họ là của người nghèo nhưng trông họ lại rất có khí chất (ngay cả A Lượng và A Thanh sau một thời gian ở tại phủ của A Khắc thì khí chất cũng đã cao hơn rất nhiều), mặc dù là một “đám nghèo khổ” nhưng lại họ lại tiêu không hết tiền, chỉ là bọn họ không thể hiện sự giàu có ra bên ngoài mà thôi.
Chặng đường từ Lạc Dương qua hành lang Hà Tây để đi đến sa mạc không hề dễ dàng. Chỉ tính riêng chuyện bị cướp bóc thì họ đã gặp đến ba lần. Lần thứ nhất, đám cướp bị A Lượng đánh cho bỏ chạy. Lần thứ hai gặp cướp trong lúc tình cờ cả ba người họ đều đang lâm bệnh, đám cướp không những không cướp bóc gì mà còn hộ tống họ thêm một đoạn đường. Không lâu sau đó họ lại gặp toán cướp thứ ba. Lần này A Lượng vừa ốm dậy nên không đánh trả nổi, cả ba đã bị bắt đi, tiền bạc trên thân cũng bị cướp sạch. Chẳng ngờ, sau đó đám cướp này lại vô tình đụng độ với một đám cướp khác. Kết quả là chúng bị đánh bại nên đành đem theo ba người cùng tháo chạy. Khi chạy đến đồi cát Minh Sa Sơn thì toán cướp kiệt sức chịu không nổi, chúng toan đem ba người ra giết rồi tiếp tục tháo chạy.
Trong thời khắc cuối cùng ấy, A Thanh bỗng trở nên cương nghị đến khó tin, cô tiến tới trước mặt đám cường đạo cứng cỏi nói: “Trước khi chết xin cho ta nói với A Khắc đôi lời được chứ?”. Đám cướp đồng ý. A Thanh chậm rãi tiến tới trước mặt A Khắc thổ lộ: “Đời này ân tình mà huynh dành cho gia đình muội thật không cách nào báo đáp cho đặng. Vốn dĩ muội cũng chỉ muốn một đời làm a hoàn để báo đáp huynh, thế nhưng tiếp xúc lâu dần, muội phát hiện ra mình rất thích huynh, có thể là do duyên phận tiền định của chúng ta chăng? Muội biết rằng thân phận của mình thấp kém, nên mãi giữ chặt điều này trong lòng. Hôm nay trước lúc lâm chung, muội muốn bộc bạch với huynh, cũng xem như tâm nguyện của muội được hoàn thành vậy!”. Nói xong, A Thanh từ từ nhắm hai mắt lại, bình thản chờ chết. Chẳng ngờ, đúng lúc này một tên trong đám cướp hét lớn: “Bão cát đang ập đến, mau chạy thôi anh em ơi!”. Sát thủ cầm đao định hành quyết ba người nghe vậy cũng vội vàng vứt đao xuống đất tháo chạy thục mạng. Ba người họ cũng hô hào nhau bỏ chạy hỗn loạn trong bão cát sa mạc. Khi vừa lên đến đỉnh đồi cát thì sự mệt mỏi tích tụ từ bao ngày đói khổ và khủng hoảng đã khiến họ trở nên kiệt sức, cả ba khuỵu chân té xỉu lăn từ đỉnh đồi xuống như ba cái lu nước, hôn mê bất tỉnh.
Không biết trải qua thời gian bao lâu, họ dần dần tỉnh lại. Chỉ nhìn thấy trước mắt có một vị Nữ Thần vô cùng mỹ lệ, một vị Nam Thần thanh tú cùng một vị thần trên đầu có hai chiếc sừng rồng đang nhìn họ mỉm cười. Cả ba từ từ mở mắt, ấp úng nói: “Đây…đây là nơi nào vậy, có phải chúng tôi đang nằm mơ không?”. Nữ Thần xinh đẹp bật cười nói: “Các vị đang ở nhân gian, không phải đang nằm mộng”. Lúc này, vị Nam Thần liền nói: “Có một số người không nên đến nơi này, đợi ta đi xử lý một chút rồi sẽ quay lại”, nói xong Nam Thần liền rời đi. Một lúc sau, chỉ nghe thấy bên ngoài có tiếng gió rít nghe có phần ớn lạnh, bầu trời bỗng trở nên tối sầm lại. Nhưng cả ba người bọn họ ở trong này đều an nhiên vô sự.
Vị thần trên đầu có hai chiếc sừng rồng lấy cho họ một chút nước uống. Một lúc sau, họ từ từ hồi tỉnh lại. Trước mắt họ một bên là dòng nước mát lành nơi Nguyệt Nha Tuyền, một bên là đồi cát Sa Sơn hùng vĩ uy nghi. A Thanh thuận tay với lấy một nắm cát dưới chân, phát hiện ra rằng cát ở đây có năm màu sắc khác nhau. Cô bất giác quay sang A Khắc hét lớn: “Chúng ta tìm ra rồi, tìm ra rồi, đây chính là nơi chúng ta cần đến”. Khi hai ánh mắt vừa chạm nhau, sực nhớ lại mấy lời đã nói với A Khắc trước lúc suýt “lâm chung” khi nãy, A Thanh cảm thấy ngượng ngùng quá đỗi liền lấy tay bưng mặt rồi bỏ chạy. Thấy vậy, Nữ Thần liền đến bên A Thanh gạn hỏi: “Vậy rốt cuộc cô có muốn gả cho A Khắc hay không?” A Thanh ngượng nghịu gật đầu tỏ vẻ đồng ý. Nữ Thần trả lời: “Tiếc là các vị đã đến được nơi này thì sẽ có một đoạn duyên phận thần thánh đang đợi chư vị ở phía trước. Tạm thời đừng nghĩ đến những chuyện nam nữ thường tình đó nữa nhé!” A Thanh hiếu kỳ hỏi: “Vậy rốt cuộc là có kỳ duyên gì đang đợi chúng tôi vậy?”. “Điều này còn phụ thuộc vào nhân duyên…”, Nữ Thần đáp. A Thanh cúi mặt nói lúng búng trong miệng: “Lại là…nhân duyên…” Chúng ta tạm thời gác chuyện của Nữ Thần và A Thanh sang một bên để cùng nói về vị thần trên đầu có hai chiếc sừng rồng kia. Vị Thần này nói với A Khắc và A Lượng rằng: “Kỳ thực ta chính là Long Vương, còn Nữ Thần chính là Tuyền Thần (Nguyệt Nha Tuyền), vị Nam Thần vừa rời đi kia chính là Sơn Thần của đồi cát Đại Sa Sơn này. Chúng ta được an bài thủ giữ ở đây với mục đích là để cho con người thế gian có thể minh bạch một đạo lý rằng: khi sinh mệnh lâm vào hoàn cảnh cùng cực nhất thì chỉ cần bảo trì được thiện lương sẽ nhận được sự bảo hộ của Thần. Trong tương lai nơi này sẽ trở thành con đường giao hội giữa phương Đông và phương Tây. Những con người trong hành trình về phía Tây khi nhìn thấy bố cục của đồi cát Sa Sơn và Nguyệt Nha Đàm sẽ có được sự cổ vũ rất lớn, ngoài ra tiếng gió vi vu len lỏi trong đồi cát tựa như tiếng trống rạo rực thúc giục người ta cất bước tiếp tục cuộc hành trình. Dòng suối uốn lượn dưới chân núi giữa sa mạc triển hiện một thần tích làm mê hoặc lòng người. Những người trong tâm mang thiện niệm sẽ đứng trước cảnh tượng thiên nhiên kỳ vĩ đó mà khẽ nghiêng mình hoặc thậm chí khấu bái, cảm phục ân đức và sự từ bi của mẹ thiên nhiên đã tạo tác ra khung cảnh tuyệt mỹ này. Đương nhiên ta cũng đứng phía sau khởi tác dụng rất lớn, tại đây không cần nói chi tiết. Trong tương lai vùng Đông Thổ sẽ trở thành nơi “Vạn quốc lai triều”, rất nhiều quốc gia phương Tây sẽ thông qua các con đường tiếp giáp với sa mạc tìm đến Đông thổ, trên biểu hiện là tiến hành giao lưu văn hóa, kinh tế nhưng thực chất còn có mục đích căn bản hơn nằm trong đó…” Đương lúc A Khắc và A Lượng đang chăm chú nghe từng lời thì bất giác vị thần này liền nói lái sang chuyện khác: “Tương lai những người đến vùng Đông thổ sau một chặng đường thập phần vất vả gian nan khi bắt gặp Sa Sơn và Nguyện Nha Tuyền sẽ vô cùng mừng rỡ, họ sẽ cảm thấy rằng lần này đã đến được một quốc gia thần kỳ. Một đồi cát sừng sững đến vậy, trải qua thời gian lâu dài đến thế nhưng không chỉ không thể vùi lấp được dòng suối Nguyệt Nha Tuyền mà dòng suối này còn cuồn cuộn sinh cơ! Đây không chỉ là kỳ quan của tạo hóa mà còn là kỳ quan của sinh mệnh! Tất cả điều này đều là bởi vì…” Nói đến đây, Long Vương ngẩng đầu nhìn lên trời rồi quay lại nói: “Không còn sớm nữa, chư vị hãy đến bên chiếc lều đằng kia nghỉ ngơi đi, hôm khác chúng ta lại nói chuyện”.
Hai người họ chỉ còn cách qua chiếc lều bên đó nghỉ ngơi. Thấy trong lều có chút lương khô và nước uống, họ liền gọi A Thanh qua cùng ăn, xong xuôi mọi người cùng đi nghỉ.
Hai ngày sau, vị Nam Thần trở lại đem đến cho họ một chút đồ ăn và nước uống, kèm theo đó là không ít tiền bạc, nói rằng số tiền này là của họ và một phần nữa là của đám cướp đánh rơi trên đồi cát. Đúng lúc mấy người họ định hỏi về điều mà Long Vương và Nữ Thần còn chưa nói rõ thì Nam Thần đã rời đi, không cho họ có cơ hội mở lời. Thời gian sau này, câu “tùy duyên” đã tự nhiên trở thành câu cửa miệng của ba người.
Bởi vì trước đây Nữ Thần đã từng nhắc khéo A Thanh về chuyện tình cảm với A Khắc nên A Thanh chỉ còn cách đem chuyện này giấu chặt trong đáy lòng, không nói ra nữa. Về sau, để tiện cho sinh hoạt, họ đã làm thêm một căn gác nhỏ bên trên chiếc lều để A Thanh sống trên đó. Thời gian về sau này, vị Nam Thần cũng nhiều lần đem thức ăn đến nhưng chỉ để bên ngoài lều rồi rời đi, không nói chuyện qua lại với họ.
Tám năm sau, một ngày nọ có một chú chim màu xanh bị thương rơi xuống gần nơi họ sống, A Thanh lượm chú chim về băng bó vết thương và chăm sóc. Sau mấy ngày được chăm sóc, chú chim đã khỏe lại, A Thanh lại đem chú ra bên ngoài thả đi. Sau khi tung cánh bay lên bầu trời, điều làm cho ba người không ngờ được đó chính là việc chú chim biết nói tiếng người: “Ba hôm nữa sẽ có một vị Thần đến nơi này, các vị hãy cùng nhau chuẩn bị nghênh tiếp nhé!”. Nghe vậy, ba người tỏ ra vô cùng mừng rỡ nên liền cùng nhau dạo quanh Sa Sơn và Nguyệt Nha Đàm đến mấy lần. Lúc này, cả ba đã hiểu được ý nghĩa của sự “tùy duyên”, đó chính là: trong lúc thành tâm và kiên định mà đợi chờ một cơ duyên chuẩn bị đến, không cầu mong điều gì mà chỉ quan tâm làm tốt những gì bản thân cần làm là được rồi.
Ba ngày sau, để biểu đạt sự thành kính của mình, ba người họ từ sáng sớm tinh mơ đã cùng nhau leo lên đỉnh đồi cát Minh Sa Sơn. Khi trời vừa hửng sáng, họ lại bắt gặp chú chim xanh, sau đó là Long Vương, vị Nam Thần khi xưa cùng vị Nữ Thần Nguyệt Nha Đàm xinh đẹp đều cùng xuất hiện. Một lúc sau, trên bầu trời bỗng xuất hiện một con thuyền lấp lánh ánh vàng kim, vây quanh là rất nhiều vị Thần với vẻ kiều diễm và trang nghiêm vô tỷ. Phía trước mạn thuyền là một vị Đại Phật to lớn ngồi giữa. Cho rằng đây nhất định là vị Thần đến tiếp duyên cho mình nên họ liền quỳ xuống khấu bái, chờ đợi Thần chỉ dạy.
Vị cự Phật cất lời nói với họ rằng: “Đây là một nơi thần kỳ, tất cả những an bài này đều là để trải đường cho tương lai khi ta một lần nữa đến nhân gian để hồng truyền Đại Pháp chân chính có thể thực sự khiến cho sinh mệnh được đắc độ”. Sau đó, vị Đại Phật quay sang nói với ba vị Thần kia (Long Vương, Nam Thần và Nữ Thần) rằng: “Ba vị nhất định phải coi giữ Thần tích này cho thật tốt, trong tương lai sẽ có rất nhiều người tìm đến nơi này, nhất định phải dùng trí huệ của mình để thức tỉnh lương tri đang trầm mê của họ, để họ phải cảm thán trước tuyệt tác do Thần tạo tác này”. Lúc này, chú chim xanh cất tiếng hỏi: “Vậy lúc đó con cũng muốn được đắc Pháp có được không ạ?”. Vị cự Phật xem thấy liền bật cười nói: “Được, đến lúc đó con sẽ đắc Pháp từ khi còn rất nhỏ, hơn nữa con xinh đẹp như vậy nên ta sẽ để cho con nắm giữ một kỹ năng thủ công đặc biệt nhé!” Lời này của vị đại Phật khiến cho chú chim xanh vô cùng mừng rỡ đến nỗi cứ lăn tròn trên cát mãi không thôi. Lúc đó, A Khắc đứng bên cạnh liền hỏi: “Chúng con nên xưng hô với Ngài như thế nào ạ? Và đến lúc đó làm sao để chúng con có thể tìm ra Ngài?”
Vị đại Phật trả lời: “Các con gọi ta là Sáng Thế Chủ là được rồi. Tuy nhiên đến lúc đó ta sẽ xuất hiện dưới thân phận của một người thường, điều ta giảng ra thì người khác giảng không được, hãy nhớ kỹ Đại Pháp mà ta truyền xuất ra so với các công pháp khác có sự khác biệt căn bản, điều ta truyền sẽ liên quan đến lịch sử rất sâu xa và những sự tình của hoàn cảnh xã hội đương thời khi đó. Bởi vì rất nhiều người trong số các con khi đó đều sẽ chịu nhận ảnh hưởng của sự giáo dục đương thời”. Nói xong, dưới sự gia hộ của chúng Thần, Sáng Thế Chủ chầm chậm cưỡi thuyền rồng rời đi.
Sau khi Sáng Thế Chủ rời đi, ba người họ cùng ba vị Thần kia đã cùng nhau trò chuyện một hồi lâu. Lần trò chuyện này đã giúp họ minh bạch ra rằng: tại nhân gian có rất nhiều sự tình dù trên biểu hiện có sự khác biệt ra sao thì mục đích cuối cùng cũng chính là: trải đường cho Sáng Thế Chủ đến thời điểm đó sẽ hồng truyền Đại Pháp.
Ba người họ đã gặp được Sáng Thế Chủ tại nơi này nên đã quyết định ở lại nơi đây mà không rời đi nữa. Họ đem sự tình này nói cho những người có dịp ngang qua nơi này. Sau này, A Khắc đã tìm người trở về thành Lạc Dương đem câu chuyện của họ những năm qua nói cho cha mẹ của mình. Phụ mẫu nơi thành Lạc Dương rất thấu hiểu cho A Khắc nên đã đem theo rất nhiều gia nhân và tiền bạc tìm đến. Nơi Nguyệt Nha Tuyền rất hoang vu và hẻo lánh nên ba người họ đã tìm đến một nơi cách nơi này không xa (sau này chính là Đôn Hoàng) để ở lại, như thế bọn họ cũng có thể nương tựa vào nhau.
Ngày nay, nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp – Ngài Lý Hồng Chí – bắt đầu hồng truyền Đại Pháp từ tháng 5 năm 1992. Người hữu duyên được nghe Ngài giảng Pháp hoặc đọc các trước tác của Ngài đều nhận thấy rằng điều mà Đại Sư Lý giảng thì những người khác giảng không được, hơn nữa Ngài còn kết hợp với tình huống thực tế của con người hiện đại mà giảng, Đại Pháp mà Ngài truyền xuất thực sự có thể khiến con người được hồi quy. Ba người họ trong đời này đều đang ở Mỹ quốc. A Khắc trước đây từng tốt nghiệp đại học Bắc Kinh, A Lượng từng sống ở châu Âu một thời gian, sau này đã chuyển đến sống ở Mỹ. Sự tình của A Thanh thì không thể nói chi tiết, người hữu duyên hiểu được là được rồi. Tại đây hy vọng họ cùng nhau làm được tốt hơn nữa. Chú chim xanh trong đời này chuyển sinh tại vùng Đông Bắc, chú đã được đắc Pháp từ khi còn rất nhỏ đúng như mong muốn của mình, ngoài ra chú còn sở hữu một kỹ năng thủ công vô cùng độc đáo.
Đây chính là:
Minh Sa hoằng tuyền dục kỳ duyên
Lạc Dương tử đệ ngộ Thần điểm
Trang cùng tây tẩu cường đạo lan
Khải liệu Thần ý xảo đoái hiện
Dịch nghĩa:
Nơi núi Minh Sa và suối Nguyệt Nha thai nghén kỳ duyên
Tử đệ Lạc Dương được Thần điểm hóa
Giả nghèo đi về hướng Tây bị cường đạo chặn lại
Ai ngờ được rằng ý chỉ của Thần đã được đoái hiện một cách thần kỳ.
(Hết)
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/273284
Ngày đăng: 24-09-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.