Chân trời tìm Pháp: Cao nguyên Thanh Tạng



Tác giả: Thạch Phương Hành

[ChanhKien.org]

Có bài thơ rằng:

Bàn Cổ hạo mang khai thiên địa

Chư thần tạo nhân háo tâm lực

Phong vũ nhân gian thiên vạn tái

Đại hí lạc mạc phá mê đề

Diễn nghĩa:

Bàn Cổ khai mở trời đất mênh mông

Chư Thần tạo ra con người hao tổn tâm trí

Trải qua gian khổ hàng nghìn vạn năm nơi nhân gian

Màn kịch lớn kết thúc phá cõi mê

Nếu đi trên cao nguyên Thanh Tạng, chúng ta có thể bắt gặp rất nhiều người dân tộc Tạng đi hành hương với lòng thành kính vô hạn. Họ cặm cụi bước từng bước hướng tới miền đất Thánh. Khi màn đêm buông xuống, họ đánh dấu bước chân cuối cùng đi trong ngày ở nơi mà họ đến rồi mới đi tìm chỗ nghỉ, ngày hôm sau họ lại bắt đầu bước đi từ nơi đã đánh dấu bước chân. Họ đi như vậy ngày này qua ngày khác cho đến khi đến được vùng đất hành hương.

Theo sử sách ghi chép, cách đây 40.000 năm người ta đã phát hiện di chỉ thời đại đồ đá, còn ở khu vực Thanh Hải, các nhà khảo cổ hiện đại đã phát hiện di chỉ văn hóa công xã thị tộc vào hơn 4000 năm trước, thị tộc này được thống nhất vào thế kỷ thứ 7, dựng lên vương triều Thổ Phồn, tích cực giao lưu văn hóa với Trung Nguyên.

Danh lam thắng cảnh nơi đây có: cung điện Potala ở Lhasa, chùa Tashi Lhunpo ở Shigatse, chùa Kumbum ở Thanh Hải v.v. Đặc sản có lúa mì Thanh Khoa, bơ, bò Tây Tạng, tuyết liên (vị thuốc đông y), đông trùng hạ thảo, xạ hương v.v.

Ở Tây Tạng từng lưu truyền một câu chuyện thần thoại như sau: trong lịch sử rất xa xưa, nơi đây có một vùng biển rộng lớn, sản vật phong phú, các loại hoa thơm cỏ lạ đua nhau khoe sắc, các loài chim muông cầm thú đông đúc, con người sống cuộc sống an cư lạc nghiệp. Nhưng một ngày, khu vực này xuất hiện năm con ác long, chúng gây ra đủ chuyện xấu xa, phá vỡ hoàn toàn bầu không khí an vui, hạnh phúc nơi đây. Các loài chim muông cầm thú đều cảm thấy kiếp nạn đã đến, đúng vào lúc nguy nan thì trên trời có năm đám mây lành bay đến, những đám mây bay đến gần biến thành năm nàng tiên nữ trí huệ (người dân tộc Tạng gọi là “Không Hành Mẫu”). Năm nàng tiên nữ trí huệ này dùng pháp lực hàng phục năm con ác long, sau đó họ phải trở về trời, nhưng tất cả người dân đều khẩn khoản cầu xin các tiên nữ đừng rời đi. Năm nàng tiên nữ mang lòng từ bi đã đồng ý ở lại, họ dùng pháp lực thần thông làm nước biển rút về phía nam, phía đông trở thành rừng rậm, phía tây biến thành những đồng lúa xanh tốt, phía nam biến thành khu vườn hoa cỏ tươi tốt, phía bắc là nông trường rộng mênh mông. Năm nàng tiên nữ biến thành năm đỉnh núi chính trên dãy Hymalaya tên là: đỉnh Trường Thọ Tiên Nữ, đỉnh Thúy Nhan Tiên Nữ, đỉnh Trinh Tuệ Tiên Nữ, đỉnh Quan Vịnh Tiên Nữ, đỉnh Thi Nhân Tiên Nữ, sừng sững đứng ở biên giới tây nam bảo vệ cho vùng đất yên bình này, đỉnh Thúy Nhan Tiên Nữ đứng đầu chính là Châu Mục Lãng Mã (Chomolungma), đỉnh núi cao nhất thế giới ngày nay, người dân trong vùng đều gọi đỉnh núi này với cái tên thân mật “đỉnh Nữ Thần”.

Rất nhiều nhà dân tộc học đều hiểu rằng trong các câu chuyện thần thoại thường ẩn chứa sự thật lịch sử. Từ câu chuyện thần thoại này, chúng ta có thể thấy ít nhất hai điểm: 1) khu vực cao nguyên Thanh Tạng trước đây vốn là đại dương, 2) Khi gặp khó khăn sẽ có Thần đến giúp đỡ. Điểm thứ nhất, khảo cổ học và địa chất học hiện nay đã chứng minh được điều này. Điểm thứ hai, từ câu chuyện được lưu truyền lại và những ghi chép trong lịch sử đều đã nói rõ điều này. Phần sau chúng ta sẽ nói rõ về vấn đề này, ở đây không đề cập chi tiết.

Chúng ta nói về vùng đất phía nam Tây Tạng, sau khi trận đại hồng thủy rút đi, những dòng sông lớn cũng dần dần hình thành, các loại chim muông cầm thú cũng dần phong phú lên, lại thêm nguồn sinh vật biển phong phú từ Ấn Độ dương, tạo nên một cảnh tượng phồn vinh ở vùng phía nam Tây Tạng, nền văn minh sông Ấn cũng từ đó sinh sôi phát triển, tạo nên một nền văn minh huy hoàng.

Vào thời kỳ này xuất hiện một loại tín ngưỡng là Bà La Môn giáo. Theo ghi chép tại “Cương yếu lịch sử văn minh thế giới (phần cổ đại)”, từ thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên nơi đây đã xuất hiện các văn tự viết bằng chữ Phạn. Theo thời gian, Bà La Môn giáo bị các tín đồ phát triển thành những giáo nghĩa bất bình đẳng giữa các “dòng tộc” và những nghi thức rườm rà, khiến một số người thuộc dòng tộc “Sát Đế Lợi” (địa chủ, vương tộc) cũng cảm thấy đây là một tội lỗi không thể tha thứ được. Trước khi Phật giáo hưng thịnh đã có rất nhiều quý tộc bất mãn với thực tại, họ tự nguyện buông bỏ cuộc sống vinh hoa phú quý, sống ẩn dật trong thâm sơn cùng cốc để tu đạo (đây là những ghi chép trích dẫn trong chương 4 của cuốn sách nói trên) điều này cho thấy Bà La Môn giáo đã bắt đầu biến dị rồi. Những người có đầu óc suy nghĩ đã cảm thấy nếu còn tín ngưỡng vào tôn giáo này thì không thể thực sự đạt đến sinh mệnh hồi thăng về trời nữa. Điều này cũng đặt bước đệm cho việc Phật Thích Ca Mâu Ni truyền Pháp sau này.

Trong cuốn sách này có một tình tiết rất thú vị, lẽ ra các nghi thức tế tự trong tôn giáo dù có phức tạp thế nào cũng không thể khiến các tín đồ nảy sinh cảm giác tội lỗi, nhưng tại sao trong văn tự lại nói: “…khiến một số người trong dòng tộc Sát Đế Lợi cũng cảm thấy đây là một loại tội lỗi không thể dễ dàng tha thứ”, và một số quý tộc đã chạy vào trong núi sâu rừng già để tìm phương pháp giải thoát cho sinh mệnh. Người viết ẩn giấu điều gì sau những câu chữ này? Vì tác giả của quyển sách này là một người vô thần, mà lại được coi là người khuôn vàng thước ngọc, vậy chúng ta cũng không hi vọng tác giả cho chúng ta đáp án. Ngài Lý Hồng Chí, người sáng lập Pháp Luân Đại Pháp trong bài “Phật Pháp và Phật giáo – Tinh Tấn Yếu Chỉ” đã đưa ra câu trả lời cho vấn đề này:

Kỳ thực, Bà La Môn giáo lúc bắt đầu tín phụng là Phật, là kế thừa từ Phật mà người thượng cổ Hy Lạp tín phụng, đương thời họ gọi Phật là Thần. Trải qua ước chừng một nghìn năm, Bà La Môn giáo bắt đầu cải tổ, tựa như cải tổ trong Đại Thừa Phật giáo của Phật giáo hiện đại, cải tổ trong Phật giáo Tây Tạng, cũng như cải tổ trong Phật giáo Nhật Bản, v.v. Trải qua hơn một nghìn năm cho đến cổ Ấn Độ, là thời Bà La Môn giáo tiến nhập sang thời kỳ mạt pháp, người ta bắt đầu là tín phụng tạp loạn những gì ngoài Phật, lúc đó Bà La Môn giáo không còn người tin Phật nữa, mà điều tin theo đều là ma rồi, xuất hiện tình huống sát sinh cúng tế. Đến thời mà Phật Thích Ca Mâu Ni xuất thế, thì Bà La Môn giáo đã hoàn toàn biến thành tà giáo. Không phải nói là Phật như thế nào, mà là tôn giáo biến thành tà rồi.

Một số người duy hộ cho Bà La Môn giáo đã làm những điều đi ngược lại với bản tính lương thiện của con người, cho nên những người có đầu óc suy nghĩ và lương tâm mới có cảm giác tội lỗi, không muốn thông đồng làm bậy với họ, mới đi tìm con đường khác.

Vào thời kỳ này, rất nhiều người có suy nghĩ đã bắt đầu trăn trở rốt cuộc lối thoát cho sinh mệnh nằm ở đâu. Lúc đó Phật Thích Ca Mâu Ni vẫn chưa xuất thế. Ở đây tôi xin đưa ra dẫn chứng về cuộc đời của một người để chứng minh điều này.

Người này tên là Mạc Đa, khi 13 tuổi, một lần anh nhìn thấy ở nơi tế tự người ta đang giết một con vật để cúng tế “thần linh”, nhưng tượng thần lúc đó đã không còn là hình tượng một vị Thần đường hoàng, vĩ đại, từ bi nữa mà trông giống một con quái vật, lễ tế tự kết thúc, người ta ở đó nhảy múa ca hát như điên, anh liền cảm thấy có điều gì không đúng.

Lại một lần khác, gần nhà anh có người bị bệnh, người nhà bèn tìm người trong tôn giáo đến khám bệnh, người này khám xong nói, nếu muốn khỏi bệnh thì phải cúng tế đồng tử (bé trai) cho thần linh mới được. Nhà người này rất nghèo, trong nhà cũng không có tiền mua đồng tử nên đành thôi. Sau đó người bệnh kia qua đời. Qua việc này Mạc Đa nghĩ, lấy mạng của người khác để đổi lấy mạng của mình, loại tín ngưỡng này có vẻ như rất không đúng. Nhưng anh hiểu rằng nếu nói ra suy nghĩ này thì bản thân mình sẽ gặp nguy hiểm, nên anh đã không nói với ai.

Năm 23 tuổi, anh rời khỏi nhà, một mình đi qua Kashmir, men theo sông Ấn Độ mà đi lên, đến núi Hymalaya để tìm vị Thần thực sự từ bi, giữa rừng núi bao la, rậm rạp, biết đi đâu để tìm đây? Mấy lần anh bị rơi xuống núi thiếu chút nữa thì mất mạng, nhưng dù gặp gian khổ nào anh đều tâm niệm, mình nhất định không cùng hội cùng thuyền với những tôn giáo bất chính kia, mình nhất định phải tìm được tín ngưỡng vào Thần chân chính, nếu không thì dù có chết mình cũng không hối tiếc.

Một lần anh lại bị rơi xuống từ lưng chừng núi, chân bị thương, không biết phải làm gì anh bèn ngồi trên một tảng đá lớn. Lúc đó trời đổ mưa to. Vì chân bị thương không đi lại được, anh bị mưa làm ướt sũng, anh cảm thấy toàn thân phát sốt, liên tục run rẩy. Chẳng bao lâu anh trở nên mê man vì sốt cao. Trong cơn mê anh vẫn nghĩ rằng mình phải tìm một vị Thần chân chính.

Không lâu sau khi tỉnh lại, anh nghe thấy tiếng khỉ kêu, có mấy con khỉ đang vây quanh anh, chúng mang lá thuốc đến cho anh nhai, sau đó lại mang những lá thuốc khác đến giúp anh đắp vào chỗ chân đau. Những con khỉ cũng thường xuyên mang đồ ăn đến chia sẻ với anh.

Nhờ sự chăm sóc tận tình của những con khỉ, sức khỏe Mạc Đa dần dần hồi phục. Thời gian dài tiếp xúc với những con khỉ, anh đã trở thành bạn của chúng, anh cũng dần dần hiểu được ngôn ngữ và cử chỉ của loài khỉ.

Một lần khi đang cùng mấy con khỉ ngồi ở một nơi rất rộng rãi, anh thử nói với chúng nỗi khổ tâm và ước nguyện của mình. Anh vốn không nghĩ rằng sẽ tìm được câu trả lời hay gợi ý nào, nhưng những con khỉ sau khi nghe xong liền chạy ra một chỗ bàn bạc một lát, rồi kéo tay anh đi đến một nơi, đó là một vách núi sâu hun hút không nhìn thấy đáy. Những con khỉ dừng lại trước một cái cây lớn trên bờ vực, dặn dò anh không được mở mắt, sau đó một con khỉ lớn ôm lấy anh cùng một con khỉ khác hộ tống leo xuống vách đá, nó đặt anh xuống trước một cửa động, chúng bảo anh mở mắt ra nhưng dặn anh dù nhìn thấy gì cũng không được kinh ngạc. Khi anh được con khỉ dẫn vào trong động, thì thấy:

Tử khí hoàn thất nhiễu

Phạm âm văn phiêu miểu

Cự nhân trung đoan tọa

Tĩnh đãi duyên giả đáo

Diễn nghĩa:

Mây tím luẩn quẩn trong động

Nghe thấy âm thanh tiếng Phạn văng vẳng

Một người khổng lồ ngồi ngay ngắn

Tĩnh tại chờ đợi người hữu duyên

Những con khỉ bước vào trong động như vào nhà mình vậy, chúng nhảy nhót rất vui mừng. Mạc Đa bước tới trước hành lễ, chào hỏi người khổng lồ. Người này nói với Mạc Đa: “Nhìn thấy bộ dạng của ta, ngươi không sợ hãi sao? Ta cũng là một chủng người do Thần ban đầu tạo ra, cũng tín ngưỡng Thần linh. Bởi vì ta không muốn cùng hội với những tôn giáo biến dị kia, nên được Thần điểm hóa, ta tìm được nơi ẩn cư này. Mấy hôm trước ta thi triển pháp lực thấy ngươi cũng không muốn trộn lẫn với những tôn giáo thế tục kia, mà đến nơi thâm sơn tìm vị Thần chân chính, mặc dù trải qua mấy lần nguy hiểm nhưng ý chí không đổi, nhất là trong trận mưa lớn, trong lúc mê man vẫn muốn tìm kiếm vị Thần, điều này là trân quý nhất. Do vậy ta đã phái những con khỉ này tiếp cận ngươi, giúp ngươi chữa trị vết thương, tìm hiểu về ngươi, khi cơ duyên chín muồi thì nhờ những con khỉ đưa ngươi đến chỗ ta. Nơi đây người thường không thể tìm thấy, cũng không đến được”.

Sau đó người khổng lồ liền lần lượt nói cho Mạc Đa nghe những điều về tu hành và câu chuyện về con đường trở về nhà mà ông biết. Ông cũng kể cho Mạc Đa những ký ức về việc người khổng lồ đã đến nhân gian thế nào.

Cuối cùng Mạc Đa đã hiểu ra rằng ngôi nhà của sinh mệnh thực sự ở trên trời, ở nhân gian không phải để hưởng thụ cuộc sống, tin Thần hay tin vào tôn giáo đều không phải là vấn đề quan trọng, không thể đem sự biến dị và bại hoại của tôn giáo quy tội cho Thần.

Sau đó Mạc Đa bày tỏ muốn theo người khổng lồ học tu hành, người khổng lồ nghĩ một lúc rồi nói: “Nơi đây sau một thời gian nữa sẽ xuất hiện một vị hoàng tử xuất gia, cuối cùng trở thành một Giác Giả truyền Pháp. Trước tiên ngươi hãy làm đệ tử của Ngài, nhưng ngươi nhất định phải nhớ rằng, làm đệ tử của Ngài chỉ để giúp ngươi tăng thêm cơ duyên tu hành trở về nhà, hết thảy điều này chỉ là trong vũ trụ ở nhân gian đặt định cơ sở cho con đường trở về nhà thực sự. Đến lúc đó sẽ có một vị Giác Giả sáng thế hạ thế truyền Pháp. Còn hiện nay ta sẽ truyền cho ngươi tất cả những thứ ta biết về tu hành. Sau này ngươi cần phải hiểu về những đặc điểm của chính Thần, phải vứt bỏ hết những tư tưởng bất hảo của con người đã hình thành ở thế gian mới được”…

Vậy là Mạc Đa ở lại nơi đây, anh đã hiểu được rất nhiều việc liên quan đến tu hành và chính Thần. Sau đó anh ở khu vực phía nam Tây Tạng, đi vân du ở quanh khu vực Kashmir, Butan, Sikkim, Nepal và Bắc Ấn Độ ngày nay, anh cũng đến khắp nơi tìm người hữu duyên, người có suy nghĩ sâu sắc, nói cho họ biết về Thần chân chính và tư tưởng cần phải thế nào. Như vậy cũng giúp một phần đặt nền móng để thế tôn Thích Ca Mâu Ni xuất gia, khổ tu, khai ngộ, truyền Pháp. Sau đó vào thời Phật Đà truyền Pháp, Mạc Đa chuyển sinh thành đệ tử của Phật Đà, hết đời này qua đời khác cũng từng tu hành tại Trung Thổ, dù trải qua bao nhiêu gian khổ, trong tâm anh đều khắc ghi, vào lúc cuối cùng trong lịch sử đừng quên con đường trở về nhà, Giác Giả chân chính độ nhân là từ bi, vô tư, nếu muốn chân chính trở về nhà thì phải vứt bỏ tất cả những tư tưởng bất hảo.

Đến đời này, khi anh mở cuốn sách “Chuyển Pháp Luân và đọc thấy:

Vậy Phật Pháp là gì? Đặc tính căn bản nhất trong vũ trụ này là Chân Thiện Nhẫn, Nó chính là thể hiện tối cao của Phật Pháp, Nó chính là Phật Pháp tối căn bản.

Anh lập tức hiểu ra cơ duyên trở về nhà cuối cùng đã đến rồi. Từ đó anh bắt đầu con đường tu luyện Đại Pháp trong đời này, mặc dù phải trải qua bức hại và đàn áp tàn khốc của ĐCSTQ gần 20 năm, anh vẫn không thay đổi ước nguyện. Mạc Đa hiện giờ sống ở bờ tây nước Mỹ.

Cuối cùng nói thêm rằng, tại sao bài viết này lại “thêm vào” hình ảnh bầy khỉ? Bởi vì khu vực Tạng lưu truyền câu chuyện truyền thuyết về bầy khỉ tu luyện và Bà La Sát được Quan Thế Âm Bồ Tát cho phép xuống trần cùng nhau phát triển thành dân tộc Tạng. Rất nhiều nơi ở vùng phía nam Tây Tạng đều có mối liên hệ vô cùng mật thiết với dân tộc Tạng, cho nên để viết ra đặc trưng của vùng này thì phải dùng câu chuyện có liên quan đến khỉ.

Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/250054



Ngày đăng: 24-08-2019

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.