Nguồn gốc của trà (Phần 3): Trà giúp Hiên Viên



Tác giả: Thạch Phương Hành

Tiếp theo Phần 2

[ChanhKien.org] Sau thời kỳ Thần Nông, sự phát triển của nhân loại cũng trải qua rất nhiều biến cố kinh thiên động địa, thậm chí là những trận đại quyết chiến chưa từng có trong lịch sử, mục đích là để lưu lại cho nhân loại tương lai cách thức chiến tranh. Các phe phái giao tranh rất lâu, cuối cùng mới định phương thức phát triển của nền văn minh lần này mà chúng ta có thể nhận biết được.

Thời kỳ lịch sử từ thời Hiên Viên Hoàng Đế đến Hạ Vũ (Đại Vũ) có thể nói là màn cuối của những trận đại quyết chiến kinh thiên động địa đó. Sự kiện Hoàng Đế chiến thắng Si Vưu chính là quét sạch văn hóa truyền thừa mà những vị Thần khác đại biểu. Nếu như Si Vưu đại thắng thì văn hóa truyền thừa sẽ không thể như hiện tại, nó sẽ là một thể hệ văn hóa khác. Còn thời đại Nghiêu, Thuấn, Vũ sau này, rất nhiều những trận thiên tai hoặc những khiếm khuyết trong xã hội cũng đều là do ảnh hưởng kéo dài của các cuộc đại chiến do bất đồng về thể hệ văn hóa trên thiên thượng.

Rất nhiều người sẽ hỏi tại sao phải như vậy? Lẽ nào nền văn minh và nhân loại lần này có gì đặc biệt? Trong “Phần mở đầu” tôi đã nhắc đến việc khi Thần quay trở lại thì phải cùng Thần quay về. Hiên Viên Hoàng Đế cuối cùng tu thành đạo và phi thăng về trời tại núi Hoàng Sơn chính là một ví dụ điển hình lưu lại cho chúng ta. Bởi vì nền văn minh và nhân loại lần này vào cuối cùng vẫn cần phải truyền ra một phương pháp tu luyện có thể khiến con người chân chính quay trở về, cho nên để an bài những sự việc này, các sinh mệnh khác nhau trên Thiên thượng đều muốn an bài nền văn minh theo cách nghĩ của bản thân mình. Có vị muốn lấy thể hệ văn hóa của mình làm chủ đạo, muốn thế này, muốn thế kia, vì vậy đã xảy ra tranh chấp rất lớn, phản ánh tại nhân gian chính là xuất hiện những trận đại quyết chiến kinh thiên động địa mà tôi đã nói ở trên, đương nhiên tình huống cụ thể tạm thời không thể tiết lộ. Qua các nghiên cứu khảo cổ và các tài liệu lịch sử còn lưu lại đến nay, có thể tìm thấy một vài bằng chứng vụn vặt về những cuộc chiến tranh hạt nhân thời tiền sử và cuộc chiến với người ngoài hành tinh. Phương diện này chúng tôi không bàn đến nhiều, nội dung bài viết này chỉ tập trung nói về trà.

Sau khi trà được Thần Nông phát hiện, ông cũng phải mất một thời gian dài tìm tòi mới dần dần nhận thức được tác dụng của trà đối với sức khỏe con người. Sau này, đến thời kỳ Hiên Viên Hoàng Đế – thủy tổ của nền văn minh lần này, thói quen uống trà mới bắt đầu được lưu truyền rộng rãi.

Có một câu chuyện thú vị từng được lưu truyền trong dân gian như sau: Một lần Hoàng Đế dẫn tùy tùng vào núi săn bắn, ông bỗng cảm thấy khát nước bèn bảo quân lính đun nước cho ông uống. Khi nước đang sôi sùng sục thì một vài lá trà bị gió thổi rơi vào trong nước khiến nước biến màu. Anh lính kia kinh sợ định đổ nước đi, nhưng vì Hoàng Đế sai người đến giục, anh lính nếm thử, cảm thấy hương vị rất thơm ngon liền dâng lên Hoàng Đế. Hoàng Đế uống xong cũng cảm thấy rất ngon. Lúc này anh lính mới kể đầu đuôi sự việc. Hoàng Đế không trách tội anh ta, trái lại còn bảo anh ta tìm một ít lá cây đó mang về để Hoàng Đế dùng. Từ đó, tập tục dùng nước sôi để pha trà uống đã được lưu truyền trong dân gian.

Nói đến Viên Đế (Hiên Viên Hoàng Đế), người ngày nay thường đánh đồng Thần Nông và Viên Đế là một, kỳ thực rất dễ phân biệt. Thời kỳ Thần Nông nếm thử bách thảo là thời đại mà con người hầu như chưa có nhận thức gì về thế giới tự nhiên, còn thời đại Viên Đế có sự kiện Thương Hiệt tạo ra chữ viết cùng với việc bắt đầu hình thành các yếu tố cơ bản của một nền văn minh như: nuôi tằm, dệt vải, âm luật, cung điện, thuyền bè, xe cộ v.v .. Điều này cho thấy từ thời đại Thần Nông đến thời đại Viên Đế cần một khoảng thời gian gián cách rất lớn. Từ góc độ này mà nói thì Viên Đế và Thần Nông không thể là một người. Nếu như nói “Thần Nông” là tên gọi của một bộ lạc thì “Viên Đế” là vị Thần hoặc biểu tượng mà bộ lạc này sùng bái, vậy còn có thể chấp nhận được. Vậy thì có thể có rất nhiều người người mang danh hiệu “Viên Đế Thần Nông”. Viên Đế Thần Nông được chôn cất tại Trà Lĩnh – quê hương của trà ở Trường Sa, Hồ Nam, Trung Quốc. Vị thủ lĩnh bộ lạc mang danh hiệu “Viên Đế Thần Nông” này được chôn cất tại đó, cũng cho thấy duyên phận của ông với trà.

Kỳ thực vào thời thượng cổ, trà chủ yếu dùng để làm thuốc. Bởi vì lúc đó rừng rậm rất nhiều, cây cối lại rất cao lớn. Khi các loài cây khác nhau trao đổi tuần hoàn không khí với thiên nhiên thì một số vật chất của chúng hòa tan trong không khí khiến trong rừng sâu khí độc ngút trời, mà con người lúc đó vừa mới bước vào giai đoạn khai hóa, khả năng thích ứng với thế giới bên ngoài rất yếu, hơn nữa còn phải đánh trận (như đại chiến Si Vưu). Trong hoàn cảnh đó, lá trà trở thành dược liệu vô cùng quan trọng. Nhờ tác dụng giải độc và giúp đầu óc tỉnh táo của lá trà mà tổ tiên của chúng ta mới có thể chiến thắng trong các trận chiến, đặt cơ sở cho nền văn minh hiện nay. Chủ đề của bài viết này chính là mang hàm ý đó.

(Còn tiếp)

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/245108



Ngày đăng: 16-10-2018

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.