Nguồn gốc của trà (Phần 4): Sự phát triển của trà vào thời nhà Hạ Thương



Tác giả: Thạch Phương Hành

Tiếp theo Phần 3

[ChanhKien.org] Sau thời kỳ Viêm Hoàng, trà tiếp tục phát triển qua các thời kỳ Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang, trong quá trình đó, nhận thức của con người đối với trà ngày càng sâu sắc hơn, tầm ảnh hưởng của trà cũng ngày càng rộng hơn. Mặc dù sự phát triển của trà vào thời kỳ này không được ghi chép rõ ràng trong sử sách, nhưng thực tế đây cũng là thời kỳ quan trọng đối với sự phát triển của trà.

Con người hiện đại luôn cho rằng sau khi có chữ viết thì con người mới biết đến việc uống trà, rằng chỉ sau khi đời sống vật chất trở nên phong phú thì con người mới bắt đầu biết thưởng thức trà. Kỳ thực không phải vậy.

Chúng tôi lấy một ví dụ đơn giản: Chúng ta đều biết vào giữa thế kỷ trước, người Ngạc Luân Xuân cư trú lâu dài trong khu rừng rậm nguyên thủy ở phía đông bắc núi Đại Hưng An Lĩnh, họ thuộc xã hội thị tộc nguyên thủy, dù vậy họ vẫn có thói quen “ngâm lá hoàng cần, á cách làm đồ uống”. Mà nền văn minh Hoàng Hà thời kỳ đầu (giai đoạn từ thời kỳ Viêm Hoàng đến Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang) có trình độ văn minh còn cao hơn so với trình độ văn minh của bộ tộc này, vậy thì trà hẳn phải được phổ biến rộng rãi hơn. Vào thời đó, trà được dùng làm thuốc nhiều hơn làm thức uống, bởi vì con người lúc đó đầu tiên cần phải sống sót, nên người ta đa phần nhai trà để làm thuốc, rất ít thấy dùng trà để thưởng thức, giải trí hay giao thương.

Giai đoạn này các vị Thần cũng dùng những phương thức khác nhau để giáo hóa dân chúng, dạy cho dân chúng biết một số phương pháp canh tác, du mục và biết cách xử lý một số vấn đề gặp phải.

Trong nhân gian có lý tương sinh tương khắc. Còn nhớ hồi nhỏ tôi từng đọc một cuốn sách viết rằng: năm xưa Lỗ Ban vì tay bị gai đâm trầy xước mà phát minh ra cái cưa. Rất nhiều hiện tượng tưởng chừng ngẫu nhiên nhưng lại hoàn toàn tất nhiên.

Chúng tôi xin kể về hai câu chuyện không được ghi chép trong lịch sử, cũng không được truyền miệng trong dân gian.

Câu chuyện thứ nhất xảy ra vào triều nhà Hạ.

Có một lần quốc vương triều nhà Hạ dẫn thị vệ lên núi đi săn, khi đi vào núi thì bị lạc đường, lại cảm thấy rất khát nước. Thật không may, xung quanh đó lại không có suối, làm thế nào đây? Hai thị vệ khát quá không chịu nổi, thấy xung quanh có cây liền vội hái lá cây để nhai, nhai xong cả hai đều ngã lăn ra đất bất tỉnh. Nhà vua hoảng sợ, thấy mặt trời sắp xuống núi, nếu cứ thế này không khéo mình và các thị vệ còn lại sẽ bị thú dữ ăn thịt mất!

Lúc đó ông nghĩ đến chuyện Hiên Viên Hoàng Đế đại chiến Si Vưu và chuyện Nghiêu, Thuấn, Vũ đợi Thánh vương, khi họ gặp nạn đều cầu cứu Thần đến giúp. Nhà vua bèn quỳ xuống cầu xin trời giúp đỡ.

Một lát sau, không biết từ đâu một thiếu nữ chừng 16, 17 tuổi bước tới, trên đầu cài một chiếc lá màu xanh, mặc y phục màu hồng, tay cầm phất trần, đến trước mặt vua nhẹ nhàng nói: “Tôi nghe nói nhà vua gặp nguy ở đây nên đến giúp”. Nói rồi gỡ chiếc lá xanh trên đầu xuống, vung cây phất trần lên, nước trong chiếc lá liền chảy ra từng giọt. Nhà vua vội vàng bước tới kề miệng đón từng giọt nước. Sau khi uống xong lập tức cảm thấy tinh thần phấn chấn gấp bội, liền xin thiếu nữ lần lượt cho các thị vệ còn lại uống nước và dùng nước chảy ra từ chiếc lá để giúp hai thị vệ bất tỉnh vì nhai lá cây tỉnh lại.

Nhà vua vô cùng cảm kích, bèn hỏi thiếu nữ từ đâu đến. Thiếu nữ cười nói: “Tôi là thị nữ của Thần trà. Thần trà bảo tôi tới giúp các vị. Các vị từ nay phải nhớ kỹ: không phải lá nào cũng có thể nhai được. Năm xưa, mục đích Thần Nông nếm bách thảo là để nhận biết dược tính và thực tính của các loài thực vật khác nhau. Các vị cần phải lưu ý những kinh nghiệm mà Thần Nông để lại. Nếu như ăn nhầm loại lá có hại cho cơ thể thì sẽ không tốt. Hơn nữa, triều đại của các vị trong tương lai sẽ phải chuyển sinh đến những nơi rất xa, ở đó cũng phải học cách sinh tồn mới được”. Nói xong thiếu nữ đưa họ ra khỏi rừng rậm, rồi biến mất.

Câu chuyện thứ hai xảy ra vào triều nhà Thương.

Thời kỳ Hạ, Thương, Chu được gọi là thời đại đồ đồng. Thời nhà Hạ là thời kỳ khởi đầu, thời nhà Thương là thời kỳ phát triển, thời nhà Chu là thời kỳ cường thịnh. Vào thời nhà Thương đồ đồng rất phát triển, việc luyện đồng hao tổn rất nhiều sức người sức của, cũng có rất nhiều người vì thế mà bỏ mạng.

Một lần, có một thanh niên trẻ đến từ vùng Ba Thục muốn học kỹ năng luyện kim. Để lấy lòng thầy dạy, anh ta đã mang một ít lá trà ở quê nhà đến tặng riêng cho thầy. Nhưng ông thầy này vốn lơ đễnh, chỉ nghe nói uống trà tốt mà không hỏi rõ uống vào lúc nào tốt nhất. Một lần ông đang luyện kim, mồ hôi túa ra khắp người, cảm thấy rất khát bèn lấy trà ngâm vào nước sôi một lúc rồi uống, kết quả là một lúc sau cảm thấy chóng mặt, ngã lăn ra bất tỉnh. Thật không may đúng lúc đốc công đi qua thấy ông nằm ở đó, tưởng ông lười biếng, liền dùng roi đánh và lấy nước dội cho ông tỉnh lại. Cho rằng chàng thanh niên cố ý hại mình, ông trút hết oán giận lên anh ta, đánh anh ta một trận rồi đuổi đi.

Chàng thanh niên cảm thấy vô cùng oan uổng nhưng lại không biết nói sao, đành trở về Ba Thục. Đi đến nửa đường, càng nghĩ càng thấy tủi thân, nhất thời nghĩ không thông bèn tìm một cái cây để treo cổ, muốn chết quách đi cho xong. Nhưng cành cây nhỏ không chắc nên bị gãy, anh ta ngã xuống đất và không đứng dậy được. Lúc này anh ta càng thêm buồn phiền, cảm thấy vì trà mà rước họa vào thân, bèn ném chỗ trà còn lại xuống chân. Điều thú vị là không lâu sau trời đổ cơn mưa nhỏ. Thân thể anh ta lúc này dường như đã có thể cử động được, vô tình anh ta ngửi thấy một mùi hương thơm ngát xung quanh, nước dưới chân chuyển màu. Anh cầm lá trà lên và ngửi, bỗng cảm thấy tinh thần tốt hơn rất nhiều. Lúc này anh ta hiểu ra thì ra uống trà phải đúng giờ và đúng lúc, không phải giờ nào, lúc nào cũng có thể uống. Lúc đó một ông lão đi qua, nhìn bộ dạng anh ta liền hỏi nguyên do, anh ta kể lại sự tình cho ông lão, rồi hỏi ông lão những nghi hoặc trong lòng: “Tại sao cùng một loại trà đó mà vị sư phụ uống trà lại say còn tôi ngửi trà lại cảm thấy tinh thần tốt hơn?”. Ông lão liền nói với anh ta uống trà trong những trường hợp nào thì tốt và uống vào lúc nào có hại đối với con người. Anh ta ghi nhớ trong lòng. Ông lão thấy anh ta đã hiểu liền cáo từ rời đi.

Sau khi đã hiểu ra, anh ta quay lại tìm ông thầy dạy luyện kim và nói với ông những điều đó, thầy anh ta cũng làm theo, sau đó uống trà thật sự cảm thấy tinh thần sảng khoái. Ông rất vui mừng, dần dần đem hết những kỹ năng mà ông nắm được truyền dạy cho anh ta. Cuối cùng anh ta trở thành một người thợ luyện kim rất nổi tiếng.

Xem tiếp phần 5

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/245109



Ngày đăng: 16-11-2018

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.