Nguồn gốc của trà (Phần 7): Duyên nợ trần thế của cây Kỷ Tử
Tác giả: Thạch Phương Hành
[ChanhKien.org] Tiếp theo phần 6
Nói đến cây Kỷ Tử, người Hoa trên toàn thế giới đều rất quen thuộc, đều biết rằng nó là loài cây mọc thành bụi, chịu được lạnh, dễ sinh trưởng; quả, lá và rễ của nó đều có thể dùng làm thuốc. Trong cuốn sách y học thời cổ đại Tân Bản Thảo Bị Yếu có ghi: lá non của cây Kỷ Tử được gọi là ‘Thiên Tinh Thảo’, hoa gọi là ‘Trường Sinh Thảo’, quả gọi là ‘Sơn Địa Quả’, rễ gọi là ‘Địa Cốt Bì’, đều có công dụng bồi bổ sức khỏe. Trong đó, quả có thể làm thức ăn, lá có thể pha trà, đều là những vị thuốc bổ hàng đầu. Hơn nữa, từ phương diện khảo cổ mà nói thì cây Kỷ Tử đã từng xuất hiện nhiều lần trong những quẻ bói viết bằng chữ Giáp cốt vào thời nhà Thương. Có thể thấy rằng tổ tiên của chúng ta vào thời kỳ đầu của nền văn minh đã biết về cây Kỷ Tử rồi.
Trong những cuốn sách y học như Thần Nông Bản Thảo Kinh, Bản Thảo Cương Mục, Tân Bản Thảo Bị Yếu v.v. đều ghi chép rõ về dược tính của nó.
Kỳ thực trong Kinh Thi, tác phẩm văn học đầu tiên của lịch sử Trung Hoa cũng có ghi chép về cây Kỷ Tử: Trong Tiểu Nhã – Trượng Đỗ viết: “Lên dốc núi phía bắc, hái Kỷ Tử, việc quân bộn bề, lo lắng cho phụ mẫu của ta”.
Tể tướng Phòng Huyền Linh và Đỗ Như Hối đời nhà Đường, do trợ giúp Đường Thái Tông Lý Thế Dân cai quản thiên hạ, cuối cùng vì quá vất vả mà thân thể gầy yếu, hay chóng mặt hoa mắt, nhờ uống “Kỷ Tử Ngân Nhĩ Canh” mà phục hồi sức khỏe.
Trên mạng Internet còn có đăng một truyền thuyết như sau vào đời nhà Đường:
Ở Nhuận Châu có chùa Khai Nguyên, trong chùa có một cái giếng, cạnh giếng mọc rất nhiều cây Kỷ Tử, cao khoảng 1-2 trượng (1,7-3,4m), rễ cây chằng chịt, to khỏe, người trong chùa uống nước giếng này sắc mặt ai ai cũng hồng hào, thậm chí người 80 tuổi mà tóc không bạc, răng không rụng. Nhà thơ đời Đường Lưu Vũ Tích một lần đến thăm quan chùa Khai Nguyên, sau khi nghe lão hòa thượng kể về tác dụng thần kỳ của nước giếng Kỷ Tử, liền làm một bài thơ có tựa đề “Giếng Kỷ Tử”: “Cây thuốc ở phòng của hòa thượng dựa vào giếng lạnh, giếng có nước trong, thuốc có linh. Lá xanh biếc rủ xuống giếng đá, quả đỏ tươi soi xuống bình đồng. Cành cây vốn là cây gậy chống của tiên nhân, rễ cây có thể kết thành hình chú chó. Công dụng sản phẩm vị cam lộ, được biết uống một thìa có thể kéo dài tuổi thọ”.
“Tiên nhân trượng” trong bài thơ thực ra chỉ thân cây Kỷ Tử, dân gian truyền rằng thân cây Kỷ Tử là cây gậy chống của Thần Tiên. Trong Đạo Thư nói: “Kỷ Tử ngàn năm, rễ của nó có hình dạng như chú chó, người cầu Đạo gọi là gậy Tây Vương Mẫu”, Bạch Cư Dị có câu thơ: “Không biết có phải rễ của cây linh dược biến thành chó không, mà ban đêm lại nghe tiếng chó sủa”.
Đời nhà Tống còn xuất hiện cháo Kỷ Tử, trong Thái Bình Thánh Huệ Phương và Thánh Tế Tổng Lục đều có ghi chép.
Thời cổ đại, thái hậu nước Liêu thường dùng hoa sen vàng và Kỷ Tử ngâm nước uống, nhờ đó giữ được nhan sắc trẻ trung, xinh đẹp ngay cả khi đã ở tuổi trung niên.
Thời cận đại cũng có những câu chuyện về ăn Kỷ Tử mà trường thọ. Trong Trung Ngoại Thư có ghi chép: Vào năm thứ 50 Dân Quốc đã từng đưa tin về kỳ tích một ông lão tên là Lý Thanh Vân ở tỉnh Tứ Xuyên thọ 250 tuổi (qua đời vào năm thứ 19 Dân Quốc). Có một đoạn tự thuật của Lý Thanh Vân như sau: … Năm đó tôi 50 tuổi, một lần lên núi hái thuốc gặp một vị lão nhân, dường như là người không ăn đồ ăn chín trên trần gian. Ông đi như bay trên những mỏm đá trong rừng; tôi co chân chạy thục mạng mà vẫn không đuổi kịp ông ấy. Một lúc sau tôi lại gặp ông, liền quỳ xuống xin ông chỉ giáo, vị lão nhân đó lấy mấy quả dại đưa cho tôi nói: “Chẳng qua chỉ là ta thường ăn mấy thứ này mà thôi”. Tôi cầm lên xem, thì ra đó là quả Kỷ Tử. Từ đó mỗi ngày tôi ăn ba xâu, lâu dần thân thể nhẹ nhàng, bước chân khỏe mạnh, đi trăm dặm đường cũng không mệt mỏi, mà sức lực cũng hơn người thường.
Trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi không nói chi tiết về công dụng của cây Kỷ Tử, chúng tôi chỉ bàn một chút về “duyên nợ trần thế ban đầu” của cây Kỷ Tử.
Nói về Bàn Cổ sau khi khai thiên tịch địa, trải qua lịch sử rất lâu dài, các nhân tố trên địa cầu mới dần dần ổn định, vạn vật bắt đầu xuất hiện.
Kỷ Tử vốn là cây Thần trên thiên giới, hội tụ tinh hoa của trời đất, nàng (bởi vì bản thân cây Kỷ Tử rất có linh khí, toàn thân đều rất quý, cho nên người viết nhân cách hóa gọi là “nàng”) sống vui vẻ, mộc mạc trong khu vườn tiên của mình. Chỉ vì Đấng Tạo Hóa thấy rằng “con người” đáng được trân trọng, cho nên mong muốn cây Kỷ Tử có thể giúp con người cải thiện sức khỏe để chống chọi lại những nhân tố xấu bên ngoài, cuối cùng tìm ra con đường thực sự quay trở về, do vậy đã đem cây Kỷ Tử trồng xuống nhân gian. Sáng Thế Chủ bảo nàng phải chờ đợi con người phát hiện ra nàng, hiểu được nàng, thì lúc đó nàng mới hoàn thành trách nhiệm và sứ mệnh của mình.
Khi mới đến nhân gian, cây Kỷ Tử tràn ngập niềm vui, cảm giác tươi mới, được nuôi dưỡng dưới ánh nắng và những cơn mưa, nàng bắt đầu đội đất nhô lên, uyển chuyển vươn mình trong gió mát, ở những vùng thổ nhưỡng khác nhau nở rộ thành từng chuỗi hoa nhỏ mang vẻ đẹp tự nhiên, mộc mạc. Cành cây trông có vẻ mềm yếu nhưng thân cây lại có gai, khiến các loài khác đều hiểu rõ sự uy nghiêm của nàng!
Vào thời điểm đó, thế giới rất vắng vẻ, khắp nơi đầy các loài chim thú, mãi không thấy bóng dáng “con người”. Năm tháng trôi đi, nàng lặng lẽ chờ đợi đến một ngày “con người” hiểu được giá trị sự tồn tại của nàng. Khi già đi, nàng truyền lại sự ủy thác của Đấng Tạo hóa cho đời sau, chấm dứt duyên trần và nguyện vọng xa xưa trong kiếp luân hồi này….
Cứ như thế, các nàng chờ đợi từ đời này qua đời khác, cuối cùng đến một ngày tổ tiên của chúng ta có người tình cờ đi ngang qua, các nàng làm cho quả mọc sai trĩu, lá xanh hơn, cành cây càng trở nên thướt tha, uyển chuyển hơn trong gió mát. Cơ duyên “xuất thế” của các nàng đã đến. Dự ngôn và sự ủy thác của tổ tiên cuối cùng đã được thực hiện.
Dưới sự an bài có trật tự của Đấng Tạo Hóa, tổ tiên của chúng ta vì khát nước hoặc đói bụng hoặc gai trên thân nàng vô tình mắc vào cánh tay người nào đó khiến họ chú ý, thế là họ tiện tay hái quả hoặc lá đưa vào miệng, phát hiện có vị ngọt hơi đắng, rất ngon. Chỉ có điều trên thân nàng có nhiều gai, mỗi lần hái không được nhiều quả và lá nên phải hái nhiều lần, kết quả phát hiện ra lâu dần thân thể trở nên nhẹ nhàng, khỏe mạnh, mắt tinh, tai thính.
Các nàng thở phào nhẹ nhõm, cuối cùng cũng có thể báo cáo với Đấng Tạo Hóa và tổ tiên rằng mình rốt cuộc đã được con người biết đến, đã có thể dâng hiến tất cả cho con người!
Cây Kỷ Tử mộc mạc, không kiêu sa, có thể thích ứng với mọi điều kiện sống, mọi người ở các tầng lớp khác nhau trong xã hội đều có thể dùng được, người giàu thì bỏ tiền mua, người nghèo thì hái ngoài đồng.
Con người thật trân quý biết bao! Để giúp con người có thân thể khỏe mạnh, Đấng Tạo Hóa đã an bài rất nhiều loài thực vật có dược tính thần kỳ xuống trần. Vì vậy, chúng ta phải luôn biết cảm ân Đấng Tạo Hóa, tận dụng thật tốt những loài thực vật thần kỳ này.
Vạn vật đều có linh, chỉ khi thực sự hiểu được sinh mệnh và giá trị của loài khác mới có thể đồng cảm lẫn nhau, mới có thể cùng nhau phát huy ưu thế và sức mạnh tiềm tại, từ đó đạt được lợi ích lớn nhất. Từ góc độ dược lý mà nói, chỉ khi dược tính (của cây Kỷ Tử) được phát huy cao nhất, thì người dùng mới có thể khỏe mạnh hơn. Đây cũng được coi là cách lý giải khác đối với câu nói của người xưa về “Thiên nhân hợp nhất”.
Xem tiếp phần 8.
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/245113
Ngày đăng: 15-07-2019
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.