Trang chủ Right arrow Văn hóa Right arrow Văn hóa truyền thống

Giáo dục hạnh phúc (25): Đệ Tử Quy bản mới

06-07-2025

Tác giả: Đồng Hân

[ChanhKien.org]

Chương 3: Thánh Hiền Tất Thành

Mục 1: Đệ Tử Quy bản mới

Xin được nói trước, ba chữ “Đệ Tử Quy” được nhắc đến trong bài, sẽ không sử dụng ký hiệu trích dẫn sách (“ ”), vì trong bài sẽ đề cập đến là một Đệ Tử Quy hoàn toàn mới, tuy số lượng 1080 chữ không thay đổi, nhưng bài viết này sẽ kết hợp rất nhiều tri thức cơ bản và câu chuyện thánh hiền trong văn hóa truyền thống, để truyền tải càng nhiều vẻ đẹp tuyệt vời của văn hóa chính thống Trung Quốc hơn nữa.

“Ngọc bất trác, bất thành khí; nhân bất học, bất tri đạo” (Diễn nghĩa: Ngọc thô không mài thì không thể trở thành đồ quý. Con người không học thì không thể hiểu đạo). Thời xưa, “tri”(知) và “tri đạo” (知道) có ý nghĩa khác nhau. Ngày nay chúng ta nói “biết rồi” (tri đạo: 知道) rất tùy tiện, ấy là không chính xác, ví như hỏi tối nay ăn gì, hoặc buổi tối mấy giờ học bài? Chúng ta đều sẽ trả lời rằng “biết rồi” (tri đạo: 知道), trên thực tế, thời xưa chỉ nói là “biết” (tri: 知), chứ không cần nói “biết rồi” (tri đạo: 知道), điều này đồng nghĩa rằng việc dùng từ ngày nay đã bị dài dòng, nói thừa từ. Người xưa vì sao cần nói “tri đạo”? Chủ yếu là thông qua một sự việc để hiểu về đạo lý, nên mới gọi là “tri đạo”. Ngày nay có rất nhiều từ vựng đã mất đi nghĩa gốc của nó, trong đó có từ “thành công” (成功), đều đã bị hạ thấp giá trị vốn có để sử dụng, từ “tri đạo” này là biểu hiện rõ nhất.

Hy vọng tất cả các thầy cô giáo chúng ta tại đây sau này cũng đều có thể dạy được Đệ Tử Quy. Việc dạy như thế nào thì sau đây chúng tôi sẽ tận sức chia sẻ cùng quý thầy cô. Bởi vì việc dạy cũng quan trọng như chữ “tri đạo” này vậy, chính là phải hiểu về “đạo”. Thật ra hiện nay chúng ta đang dùng chỉ là ý nghĩa của từ “tri”, chứ không còn nội hàm của “đạo”. Ngay cả các môn khoa học mà chúng ta dạy, vì chúng ta có sự cạnh tranh giáo dục, việc dự giờ của các ngành học chủ yếu là để các giáo viên giao lưu với nhau về cách dạy, kỹ thuật dạy, nhưng thật ra điều chân chính cần dạy là đạo làm người, hoặc những đạo lý lớn hơn. Vì “đạo sinh vạn vật”, kỹ thuật của bất kỳ môn nào cũng đều sinh ra từ Đạo, không thể xa rời Đạo, vậy nên từ “tri đạo” này không hề đơn giản, mà thậm chí cực kỳ sâu sắc.

Nói về người mẹ nấu cơm ở nhà, muốn nấu được ngon hơn, muốn được thế thì hãy để ý rằng các đầu bếp khi nấu ăn đều xem trọng hỏa hầu (độ lửa), vậy hỏa hầu là gì? Đó chính là Đạo, là khi nào thức ăn sẽ chín. Nói về tri đạo, ví như một người trời sinh đã nấu ăn ngon, ấy gọi là “thuận đạo”, chứ không nói là “tri đạo”. Người đầu bếp mổ bò, nếu đầu bếp ấy vừa tri đạo, lại vừa thuận đạo, thì sẽ làm được cực kỳ tốt, người ấy giết bò để nó chết nhẹ nhàng, làm ra được những món ngon, người này lại cũng có thể làm thầy của quân vương trị quốc, vì người ấy đã hiểu về “Đạo”.

Trong nấu ăn người ta rất quan trọng độ lửa. Khi xào rau cần hoặc rau chân vịt, thì nên xào như thế nào mới ngon nhất? Nên xào đến khi món ăn vừa chín tới, rồi xào thêm một lát thì món ăn sẽ ngon nhất. Nếu độ lửa chưa đủ già mà đã bỏ ra đĩa thì thức ăn còn sống, chưa chín. Thế nhưng nếu qua điểm lửa kia thì nó lại bắt đầu chín quá, thời gian càng lâu thì càng nhừ. Nhiều lúc nếu thời gian xào ngắn thì món ăn chưa kịp chín, còn dài thì bị quá lửa. Thật ra “Đạo” của việc xào rau chính là cần nắm rõ được lửa kia, người đầu bếp sẽ dựa vào kinh nghiệm để phán đoán xem có bị quá lửa hay không. Đa số mọi người xào rau đều sợ không chín, thường để lâu hơn chút, nhưng lại bị quá lửa. Dù là quá lửa hay chưa chín, đều là vấn đề về Đạo.

Mọi người đều biết việc điều chỉnh “độ lửa nấu nướng” này rất quan trọng. Nói về việc chiên thịt viên, cần đảm bảo hai bước, đầu tiên là thịt phải được chiên sâu, chiên chín trên lửa nhỏ. Nếu mới bắt đầu đã dùng lửa lớn, nhiệt độ dầu quá cao sẽ làm bên ngoài nhanh khét nhưng bên trong vẫn còn sống, đó là do nhiệt độ dầu quá cao. Đồ ăn chiên lửa nhỏ sẽ không bị khét, đó là tác dụng của nhiệt độ lửa. Khi thịt đã chín, ta mới chiên lửa lớn, như thế bên ngoài vàng giòn, bên trong mềm mại, màu sắc lại đẹp, thật ngon. Cần phải rất để ý, nắm vững độ lửa mới có thể nấu được cao lương mỹ vị có phẩm vị khác nhau.

Vì sao ở đây chúng tôi lại nói đến việc nấu cơm? Vì đây là một việc rất quen thuộc trong sinh hoạt hằng ngày của mọi người, nhưng lại có những điểm tương đồng với việc dạy học của thầy cô giáo chúng ta, có thể gợi mở cho chúng ta khi giáo dục học sinh. Dạy dỗ học sinh cần nặng, cần nhẹ, khi nào đó cần nói hay không, nói nhiều nói ít, đều có “độ lửa”, nắm vững được nó thì sẽ thành công. Nếu bài học này bạn đã dạy một thời gian rồi, vừa hay gần đạt đến độ lửa này, thế nhưng chỉ thiếu một câu nói học sinh có lẽ sẽ chưa hiểu bài; còn nếu học sinh đã hiểu, bạn lại nói nhiều thì đều là dư thừa, nói hay đến mấy cũng vô ích tốn thời gian. Thật ra câu nói quyết định độ lửa ấy là do rất nhiều câu trước đó liên kết tạo thành, giống như một chùm nho vậy. Ví dụ như những hạt ngọc được xâu thành chuỗi thì sẽ không còn là từng hạt ngọc nữa, mà là một chuỗi ngọc tuyệt đẹp. Vậy nên, việc nghiên cứu “độ lửa” trong giảng dạy là vô cùng quan trọng, nếu độ lửa không đủ sẽ bị sống, nếu độ lửa quá đi sẽ làm lãng phí nhiên liệu và thời gian. Thật ra, hiệu trưởng và giáo viên cần nói cho học sinh cách làm, chứ không phải làm thay chúng, đây chính là Đạo.

Trong việc dạy học tồn tại một “Đạo” như sau, chính là học sinh hiểu bài, phần còn lại buộc học sinh phải tự ngộ và làm. Nếu giáo viên làm thay hết cho học sinh thì sẽ không đạt hiệu quả tốt, điểm lửa cũng không đạt độ được đến. Có rất nhiều giáo viên nắm chắc được “độ lửa” này, họ chỉ cần nhẹ nhàng nói một câu, không khí lập tức trở nên sôi động; chỉ cần một biểu cảm nhỏ, học sinh lập tức yên lặng. Nếu nắm vững “độ lửa”, công việc giáo dục sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

Việc ăn cơm cũng có “Đạo”. Chúng ta phải thông qua việc nấu ăn để nắm vững cái “Đạo” này. Vậy thì, qua việc dạy học cũng khiến chúng ta nắm chắc được nhân sinh, đây mới là điều quan trọng thật sự. Qua đó muốn nói rằng, bạn có thể không phải là giáo viên, nhưng bạn không thể không hạnh phúc. Ai trong chúng ta cũng muốn được hạnh phúc, nếu bạn muốn hạnh phúc thì phải nắm vững “Đạo” của hạnh phúc, nhất định phải nắm được Đạo của nhân sinh. Giao tiếp với người thân, bạn bè cũng cần Đạo, quá nhiệt tình cũng không được, lạnh nhạt quá cũng không nên, thật ra cũng có một “độ lửa”. Nếu thái quá, sẽ phiền phức; mà quá lạnh nhạt thì sẽ xa cách.

Đệ Tử Quy chú trọng về “Đạo làm người”, nếu trẻ nhỏ học hiểu thì chính là đã “tri đạo”. Mục đích của việc học Đệ Tử Quy gồm ba điểm sau, một là đạo đức, tri đạo; hai là sự dưỡng thành, cũng gọi là “tập quán”; ba là “tri thức” căn bản của văn hóa truyền thống. Ba đặc điểm là đạo đức, tập quán, tri thức được hợp nhất thành một trong Đệ Tử Quy. Ví như nói “phụ mẫu giáo, tu kính thính” (cha mẹ dạy, phải kính nghe), những lời bố mẹ dặn, chúng ta phải kính trọng lắng nghe, đây vốn dĩ là Đạo, lại là dưỡng thành một tập quán, cũng là một tri thức.

Ở đây chúng tôi bàn về Đệ Tử Quy chính là muốn dung hợp ba việc là tăng trưởng tri thức, dưỡng thành thói quen và thăng hoa đạo đức lại cùng nhau. Đệ Tử Quy không hoàn toàn giống với “Tam Tự Kinh”, Tam Tự Kinh chủ yếu là nói về tri thức, như “tứ thư ngũ kinh”. Đương nhiên trong “tứ thư ngũ kinh” cũng có phản ánh của Đạo, nhưng bên trong đó có kiến thức về văn hóa truyền thống, bản thân kiến thức bốn phương và ngũ cốc không phải là Đạo, nhưng nó lại có liên quan với Đạo. Đệ Tử Quy thì khác, trong Đệ Tử Quy có rất nhiều tri thức, vừa có tri thức, lại vừa là phương pháp, là Đạo, cũng là một hành vi tập quán tốt. Chúng tôi hy vọng con trẻ thật sự hiểu về “Đạo”, chứ không phải chỉ là ý nghĩa đơn giản trên bề mặt con chữ. Nếu chỉ biết câu nói này, thì gọi là “tri thức”, nhưng tri “đạo” mới là tốt, mới là hiểu rõ “Đạo làm người”.

Chúng ta thấy thời xưa có rất nhiều từ vựng mà hiện nay không còn dùng nữa, thật ra văn hóa truyền thống Trung Quốc rất bác đại tinh thâm. Vậy nên hai chữ “tri đạo” có nội hàm rất sâu. Chúng ta không nói rằng mình đã biết hết những đồ vật gì đó hoặc sự việc gì đó trong thời cổ đại, mà với tư cách con người, một sinh mệnh vĩ đại sánh ngang thiên và địa trong tam tài, thì nội tâm ắt phải có “Đạo”; là con dân Trung Hoa, con cháu Viêm Hoàng, ngay từ thủa nhỏ ta nên bắt đầu học Đạo, tri Đạo.

Nhất định cần học thuộc các nguyên tác kinh điển. Chữ kinh trong kinh điển, cũng có khi được dùng bằng chữ “tinh”, thật ra hai chữ này là khác nhau. Vốn chữ “kinh” này nếu cảnh giới không đủ thì sẽ không được dùng, trong quá khứ những điều Phật giảng mới được gọi là “kinh”, hoặc như cuốn sách thật sự nói về Đạo như “Đạo đức kinh”, hay những cuốn sách chỉ dẫn người tu luyện, tu hành, thật sự có thể giúp cảnh giới sinh mệnh con người thăng hoa lên trên, mới được gọi là “kinh”. Phật giảng Phật pháp, Đạo giảng Đạo pháp, đây là phân tích một cách nghiêm túc từ ý nghĩa của từ. Nhưng trong lịch sử cùng với quá trình trượt dốc đạo đức của con người, đã có người dùng từ “kinh” với ý nghĩa thấp kém, dùng chung cho kinh điển với nghĩa rộng, gồm cả thập tam kinh của Nho gia v.v..

Thật ra “Tam Tự Kinh” có ảnh hưởng rất lớn, văn phong cũng khá hay, nhưng nghiêm túc mà nói thì nó không nên, cũng không thể được gọi là “kinh”, vậy nhưng lại có người gọi nó là “kinh”, khiến người đời sau đã mở rộng phạm vi sử dụng của từ này. Tứ đại danh tác cũng có thể gọi là “danh tác tinh điển”, “tinh” nghĩa là gì? Ta có từ “thô tháo”, khi lựa bỏ cái xấu đi, gạn lọc bỏ đi những phần “thô”, phần “tháo”, thì sẽ còn lại sản phẩm tinh. Người xưa chọn những hạt gạo tốt gọi là “tinh mễ”. Thật ra đối với tứ đại danh tác cũng có người gọi là “văn học kinh điển”, nhưng gọi “tinh điển” thì thích hợp hơn, người hiện nay đều dùng rộng rãi như thế. Ngày nay ý nghĩa chữ “kinh điển” được biết đến rộng rãi để chỉ những điển tích tinh hoa văn hóa được lưu truyền trong dân tộc Trung Hoa, đúng ra đều là tinh điển, là những điều cực kỳ tốt, nhưng trong đó đã có nhiều điều bị tạp lẫn, có điều thậm chí đã bị tạp lẫn vô cùng nghiêm trọng. Đệ Tử Quy là tinh điển vỡ lòng truyền thống tương đối tốt.

Khi dạy Đệ Tử Quy cho con trẻ, cần lựa chọn dạy cùng những câu chuyện truyền thống thì mới có hiệu quả tốt. Câu chuyện truyền thống xem có vẻ đơn giản, nhưng lại rất sinh động, dễ khiến người ta cảm động, có thu hoạch về tâm hồn. Rất nhiều câu chuyện xưa kể về thánh hiền có bao hàm những đạo lý rất sâu sắc, thế nên rất đáng để chúng ta học tập. Câu chuyện Mạnh mẫu ba lần chuyển nhà dạy con đã truyền động lực rất lớn cho chúng ta, là một người mẹ tốt, cũng là một người thầy tốt, chúng ta cần học theo những câu chuyện về thánh hiền thế này. “Câu chuyện truyền thống” không giống với “câu chuyện hiện đại”, người hiện đại tạo ra các câu chuyện “trí tuệ” xem như một cuốn sách mang tính kỹ thuật, sách về trí tuệ nhân sinh, thật ra không phải thế.

Điểm tốt nhất trong các câu chuyện xưa là đều kể về thánh hiền, qua đó để giảng về “đạo đức”. Tiêu chuẩn lựa chọn sách nên dựa vào đạo đức cao hay thấp, những loại không đủ tiêu chuẩn sẽ có những thứ phụ diện ảnh hưởng con người, ảnh hưởng trẻ nhỏ thì không nên mua, “phi thánh thư, bính vật thị” (Diễn nghĩa: Không phải sách của bậc thánh hiền, thì chớ đọc). Hiện nay những thứ thuần tịnh cực kỳ ít, ngay cả trường học, đơn vị, các tổ nhóm đều đưa chữ “tranh” lên đầu. Nếu xét vấn đề từ phạm vi rộng lớn hơn, xem thời gian lâu thì những thứ phụ diện sẽ kéo đến, nhưng quan niệm hiện đại khiến con người không hiểu được điều này, hơn nữa càng tiến về trước lại càng phát hiện thêm các vấn đề phụ diện, mà nguy hiểm là, những thứ phụ diện khi bị phát hiện thì đã quá muộn, không thể thay đổi được nữa.

Tiên hiền thánh tổ của dân tộc Trung Hoa, khi bắt đầu suy xét một việc gì đã suy xét cực kỳ sâu sắc, cực kỳ xa rộng, ví như về việc người xưa tạo chữ Hán, mỗi từng chữ đều thần thánh mà lại có nội hàm phong phú, cực kỳ cao thâm. Thật ra Đạo là điều con người không nhìn thấy được, nhưng nội hàm vô cùng thâm sâu, tác dụng của Đạo lại cực kỳ to lớn. Bao gồm cả từ “tri đạo” này, nói rằng người xưa Trung Quốc thật quá trí tuệ, người Trung Quốc ngày nay nói “tri đạo”, thật ra cũng không phải không có tác dụng, ấy là để nhắc nhở bạn, “Đạo” không đâu không có, chúng ta vừa mở miệng liền nhắc đến, đây là phúc khí của người Trung Quốc. Thánh nhân là người truyền Đạo, hiền giả là người tuân tòng Đạo làm người, thánh hiền trong các câu chuyện truyền thống đều là thầy, là hình mẫu cho hậu nhân.

Học tập văn hóa truyền thống, chúng ta nhất định cần dụng tâm suy nghĩ, nếu không dụng tâm thì dù có học cũng không có tác dụng. Chữ “ái” (爱) hôm nay không phải “ái” (愛) của người xưa, thiếu mất một trái tim, yêu mà không có tâm thì có còn là yêu nữa chăng? Chính như con người hiện nay, một mặt nói yêu thương, một mặt lại làm tổn thương nhau ngay được. Từ điểm này mà nói, chúng ta làm việc gì cũng đều cần phải dụng tâm. Cái tâm mà chúng ta cần dùng là tình yêu thương, là thiện tâm, với cái tâm như thế mới có thể ngộ được đạo lý chân chính, mới có thể thật sự giải quyết được tốt các sự việc. Ngoài ra còn cần phải chuyên tâm, một lòng suy nghĩ, làm việc thì mới thành công.

Học tập Đệ Tử Quy thì ngoài việc học để biết, còn cần nhấn mạnh việc thực hành; không những làm được, mà còn phải làm tốt. Thật ra cũng rất đơn giản, ví như khi người mẹ bảo tắt tivi, đứa con liền tắt ngay. Như thế chẳng phải rất đơn giản sao? Nhưng trong các học sinh của chúng ta hiện nay, khi người mẹ nói tắt tivi, mà đứa trẻ cứ muốn xem tiếp, thì hỏi người mẹ nên làm thế nào? Việc học được đạo lý làm người, thật ra chính là học để “làm được”. Khi xem tivi, đến lúc mẹ gọi đi ăn cơm, đi ngủ, phải lập tức tắt ngay. Như thế, các bạn nhỏ sẽ dưỡng thành một thói quen tốt. Nếu hiện giờ các bạn nhỏ làm được thế, người mẹ sẽ thấy ngạc nhiên, đứa trẻ này sao lại nghe lời thế. Thật ra làm được những chuyện nhỏ thế này rất đơn giản, nếu kiên trì được một năm, hai năm, mười năm, cứ thế mà tích lũy, thì sẽ dưỡng thành một thói quen tốt. Trên các phương diện khác cũng tích lũy như thế, thì sẽ là “Thánh dữ hiền, khả tuần chí” (Diễn nghĩa: Thánh và hiền, dần làm được). Trong thời đại truy cầu vật chất, phù phiếm mãnh liệt này, mọi người có thể tĩnh tâm lại học văn hóa Trung Hoa chính thống, thật sự đúng là hạnh phúc.

Hơn nữa, từng ngôn hành cử chỉ của giáo viên cũng cần chú ý, người xưa không có loại ngạo mạn như người hiện đại, cũng không hề buông lơi. Trong quá khứ ở nông thôn những ông lão đã hơn 80 tuổi, sáng sớm đều lấy sọt đi nhặt phân, ấy là trạng thái siêng năng, cần cù của người xưa. Từng ngôn hành cử chỉ của chúng ta rất quan trọng, việc đầu tiên khi các thầy cô giáo đến những thành phố lớn, đến trường mẫu giáo làm việc là cúi đầu chào mọi người, thật ra bản thân cái cúi đầu này khiến người ta cảm thấy rất kinh ngạc. Những giáo viên như thế chính là một thương hiệu, đại diện cho dáng vẻ tinh thần của cả một ngôi trường, sự chân thành của họ sẽ giúp cho ngôi trường kia có được vinh hạnh cực kỳ lớn, họ xứng đáng nhận được lời cảm ơn!

Thời xưa nói “Hiền thần khả dĩ sử quân an” (Diễn nghĩa: Bậc hiền thần có thể giúp vua an tâm), chính là giáo viên hiền đức có thể khiến lãnh đạo yên tâm, trong mọi việc họ đều có được sự ổn định. “Thánh thần khả dĩ sử quân tôn” (Diễn nghĩa: Vị thần tử là thánh nhân có thể khiến quân vương tôn kính), người ta thấy những giáo viên cúi đầu chào viện trưởng, viện trưởng sẽ không xem nhẹ anh ta, ngược lại thấy rằng anh ta vô cùng tôn quý, vậy thì hiệu trưởng trường chúng ta sẽ lại càng tôn quý hơn nữa. Vị hiền thần khi sắp xếp ổn thỏa các phương diện, làm được rất tốt, thì các vị chính là hiền thần, có thể giúp quân vương an lòng. Làm giáo viên cũng thế. Một giáo viên hiền đức, lãnh đạo sắp xếp bạn đến đâu cũng đều yên tâm, không có chuyện phiền phức.

Các giáo viên trước hiệu trưởng thì là cấp dưới, trước trẻ nhỏ thì giống như “vương”. Các học sinh làm cán bộ lớp tốt có thể khiến giáo viên yên tâm, cán bộ lớp cực kỳ tốt có thể khiến giáo viên chủ nhiệm quý trọng và hãnh diện. Người xưa nói “Thượng thưởng thưởng đức, kỳ thứ thưởng tài, tái thứ thưởng công” (Diễn nghĩa: cao nhất là thưởng thức về đức, thứ đến thưởng thức về tài, rồi mới thưởng thức đến công trạng), vì tiền không thể đo được vinh dự, vậy nên nếu giáo viên nào có thể làm được đến mức ấy thì đều thuộc về “lập đức”. Thượng thưởng thưởng đức, theo lý mà nói họ nên được giải thưởng cao nhất, vì đức này là vô giá, là vinh dự. Đương nhiên còn có những giáo viên đã đặc biệt âm thầm làm những việc cực kỳ tốt cho trường học, cho đồng nghiệp, cho học sinh, hoặc cho người xa lạ nào đó, người ta không hề biết, người xưa gọi đây là “âm đức”. Làm được thế là rất tốt, làm việc tốt không nhất định cần người ta biết.

Nói đến từng ngôn hành cử chỉ, mỗi người đều có thể đem lại vinh dự cho trường học. Ví như những giáo viên tỉnh khác đến chỗ chúng ta để học tập, cảm nhận được sự tường hòa, khi quay về nhắc đến chúng ta, sẽ nói vô cùng tốt. Chúng ta chẳng phải đã làm rạng rỡ cho thành phố này? Thật ra có thể rất nhiều người tại nơi ấy không biết đến ngôi trường của chúng ta, nhưng thông qua sự nỗ lực chung của hiệu trưởng, giáo viên và toàn thể học sinh, bất tri bất giác đã trở thành một vùng “đất lành” sáng rực rỡ của thành phố, hình ảnh ấy không mua bằng tiền, đây là tôn quý, là hạnh phúc, là hòa hợp tốt đẹp, mọi người đều ở bên trong sự hạnh phúc này.

Chúng ta thường nói: Thánh hiền đang ở cạnh ta! Chúng ta học Đệ Tử Quy, trong khi giao lưu cùng nhau, trong quá trình kết nối tâm hồn với Mạnh mẫu, chúng ta sẽ cảm nhận được một loại mỹ hảo. Khi làm được như bà, chúng ta sẽ chính là tốt đẹp; khi nhiều người rời xa bạn, thì phiền phức của bạn sẽ nhiều lên, chúng tôi mong rằng mọi người đều tốt đẹp.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/149017

Ban Biên Tập Chánh Kiến

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.

Loạt bài