Giáo dục hạnh phúc (14): Học tập chân chính (Kỳ 2)



Tác giả: Đồng Hân

[ChanhKien.org]

Chương 2: Tự cường bất tức

Mục 1: Cương kiện pháp Thiên – Ngọc trác thành khí

2. Học tập chân chính

2.2. Sự tốt đẹp của giáo dục

Việc học tập của chúng ta ngày nay có vấn đề hay không? Cách học của cổ nhân khác với của chúng ta, cụ thể khác nhau điểm nào? Khác ở điểm nội dung chủ yếu mà người xưa học. Mọi người xem một đoạn văn này trong “Đệ tử quy”, đây là đoạn đầu tiên, là đoạn khái quát, trên thực tế là xoay quanh lời dạy của Khổng Tử, chúng ta cùng nhau đọc giống như các bạn nhỏ ở trường mẫu giáo, mọi người cùng đọc nhé: “Đệ tử quy, thánh nhân huấn: thủ hiếu đễ, thứ cẩn tín; phiếm ái chúng, nhi thân nhân; hữu dư lực, tắc học văn.” (Phép người con, Thánh nhân dạy: hiếu đễ trước, rồi cẩn tín; yêu rộng khắp, gần người nhân; có dư sức, thì học văn).

Chúng ta nói rằng học tập ngày nay khác với học tập thời cổ đại. “Đệ tử quy” là lời dạy của thánh nhân, cũng tức là lời dạy của Khổng Tử. Sau đó, vào thời nhà Thanh, Lý Dục Tú đã chỉnh lý nó thành văn bản, trong đó còn có công lao của Chu Hy. Vậy Khổng Tử nói “Đệ tử nhập tắc hiếu, xuất thì đễ, cẩn nhi tín, phiếm ái chúng, nhi thân nhân, hành hữu dư lực, tắc dĩ học văn” là ý nghĩa gì? Mọi người xem, trước hết cần phải hiếu thuận, làm người thì điều đầu tiên cần phải hiếu, chúng ta giảng hậu đức tải vật nói về lòng biết ơn. Đễ 悌 là chữ đệ 弟 trong từ đệ đệ (弟弟: em trai) thêm một chữ tâm đứng 忄, “đệ đệ” và “đễ” là từ đồng âm, chữ đệ thêm bộ tâm sẽ trở nên vô cùng tốt đẹp. Trong lòng em trai có anh trai, tôn kính anh trai, đây gọi là đễ. Tất nhiên, trong lòng anh trai cũng có em trai, quan tâm đến em trai, đó cũng là đễ. Bạn thấy văn hóa Trung Quốc có tốt đẹp hay không? Ở đây đầu tiên là hiếu thuận, anh em yêu thương nhau. Khi lớn lên, làm việc phải cẩn thận, nghiêm túc, làm người phải thành thật, thủ tín. Kế đến là yêu thương mọi người, phạm vi của chữ yêu mở rộng đến yêu thương tất cả mọi người, không chỉ ở trường học của chúng ta, không chỉ ở quê hương của chúng ta, không chỉ ở quốc gia của chúng ta, mà là yêu thương tất cả mọi người trong thiên hạ. Mọi người hãy nghĩ xem, nếu thực sự là yêu thương mọi người, Ấn Độ và Pakistan vẫn còn đánh nhau sao?

“Phiếm ái chúng, nhi thân nhân”, điều vô cùng quan trọng là gần gũi với người nhân đức. Giáo viên của bạn có chuẩn mực đạo đức cao, thì đạo đức của bạn cũng sẽ cao. Điều chúng tôi nhấn mạnh ở đây là chuẩn mực đạo đức. Hiện nay có rất nhiều giáo sư cũng rất tệ hại, quá khứ giảng rằng: “Sư giả, truyền đạo, thụ nghiệp, giải hoặc”, nói về truyền Đạo, giáo viên hiện nay có còn truyền đạo không? Mọi người có biết trường đại học Chính trị và Pháp luật Trung Quốc có thầy giáo bị học sinh chém chết, sau khi chém chết thầy giáo, học sinh đó vẫn rất thản nhiên, bạn nghĩ xem, người thầy đó đã dạy cho học sinh những gì? Thực sự là dạy những điều tốt đẹp? Nếu thực sự truyền đạo, thì sẽ mang đến toàn những điều tốt đẹp, bình yên.

Mọi người hãy xem “Đệ tử quy” giảng thế nào, thứ nhất là “Hiếu”, thứ hai là “Đễ”, thứ ba là “Cẩn”, thứ tư là “Tín”, thứ năm là “Phiếm ái chúng”, thứ sáu là “Thân nhân”, mọi người có thấy ở đây nói đến học tập tri thức không? Không có, cuối cùng là câu nói của Khổng Tử: “Hành hữu dư lực, tắc dĩ học văn”, bạn làm được việc hành rồi, sau đó có dư sức bạn mới có thể đi học tri thức, kĩ năng. Mọi người nghĩ xem đây chính là trí huệ của cổ nhân. Những thứ họ học là khác, nếu như chúng ta ngày nay học những điều này, trước hết là hiếu thuận: “Thân hữu thương, di thân ưu; đức hữu thương, di thân tu” (thân tổn thương, cha mẹ lo; đức tổn thương, cha mẹ tủi), vậy như nếu chúng ta đánh nhau thì chính về phương diện này ta làm chưa đủ tốt. Trên người bạn có một chút thương tổn thì mẹ bạn đã lo lắng, vậy nếu phải vào tù thì mẹ sẽ mất mặt biết bao? Nếu mọi người đều suy xét kỹ những điều này, thì việc chúng ta làm cũng sẽ cẩn trọng hơn. Trong “Đệ tử quy” còn giảng: “Niên phương thiếu, vật ẩm tửu; ẩm tửu túy, tối vi xú” (Tuổi còn nhỏ, chớ uống rượu; uống rượu say, rất là xấu). Hiện nay, rất nhiều vấn đề của sinh viên đại học chẳng phải đều xuất phát từ đây sao? Nếu bạn có ấn tượng sâu sắc với những điều này, thì với lời dạy “Phiếm ái chúng” bạn có thể đánh người khác không? Bạn có thể không học hành tử tế sao? Bạn xem, nếu vi phạm những đạo lý làm người này, bạn sẽ gặp phải rất nhiều chuyện không tốt hoặc rắc rối lớn.

Do vậy những thứ mọi người xem và học là vô cùng quan trọng, mà việc học của cổ nhân lại khác với việc học của chúng ta ngày nay, với người xưa họ chủ yếu học về đạo lý làm người. Chúng ta lại nói về chữ “tập” 习, chữ tập chính thể thời cổ đại viết là 習, phía trên chữ “tập” là chữ vũ 羽 trong từ lông vũ, phía dưới là chữ bạch 白, vậy chữ tập chính là chú chim nhỏ tập bay vào ban ngày, vậy thì con người chúng ta tập điều gì? Khi chúng ta học là học đạo lý làm người, vậy thì chúng ta tập chính là làm được nó. Bạn học được đạo lý làm người là điều tốt đẹp; khi bạn làm được rồi thì đây lại là một loại tốt đẹp, vậy nên quá trình học tập là một niềm hạnh phúc.

“Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc nhạc hồ” (Có bạn từ phương xa đến, chẳng phải vui lắm sao), chữ bằng “朋” này, trong quá khứ những người có chung chí hướng gọi là bằng hữu (朋友: bạn bè), còn bạn nhậu ngày nay không phải là bằng hữu thực sự. Giữa những bạn học chúng ta, nếu như nói đánh nhau, một người thì cũng không có gan đánh nhau thế đâu? Đôi khi tụ tập cùng nhau ngược lại còn tổn thất, vì vậy kết giao với bạn bè như thế nào là rất quan trọng. “Đạo hợp” trong câu “chí đồng đạo hợp” (cùng chung chí hướng) là ở cách làm người, là ở việc theo đuổi chân lý thực sự, như vậy mới là người bạn tốt chính trực. Vì vậy, “Quân tử chu nhi bất tỉ, tiểu nhân tỉ nhi bất chu” (Quân tử đoàn kết rộng rãi mọi người chứ không kéo bè cánh. Tiểu nhân kéo bè kết cánh mà không đoàn kết). Người quân tử thân thiết với mọi người, nhưng họ sẽ không làm thành một nhóm nhỏ. Thời xưa gọi kết bè kết phái, hùa nhau làm việc xấu, là chỉ việc một số ít người tụ tập lại vì lợi ích riêng, những người kết bè kết phái, hùa nhau làm việc xấu không phải là bằng hữu thực sự.

Có một câu chuyện từ thời Chiến Quốc kể về một người tên là Lâm Hồi. Có một lần gặp phải giặc cướp, ông ôm theo đứa con nhảy qua cửa sổ bỏ chạy, không màng mang theo bất cứ thứ gì. Trong nhà ông có một viên ngọc bích đáng giá ngàn vàng. Ông ôm theo đứa con chạy trốn, không màng mang theo viên ngọc bích này. Sau đó có người hỏi ông: vì sao ông chỉ ôm theo đứa con chạy trốn mà lại không mang theo viên ngọc bích của ông? Lâm Hồi trả lời: “Tôi và viên ngọc bích là sự kết hợp vì lợi, tôi và con tôi là sự kết hợp vì nghĩa, đối với loại kết hợp vì nghĩa này, khi gặp hoạn nạn sẽ càng thêm trân quý, khi vượt qua khó khăn, nguy hiểm chúng tôi sẽ càng thêm thân thiết. Khi người ta dựa vào lợi mà kết hợp thì sẽ vì lợi mà hợp, càng sẽ vì lợi mà phân, càng gặp khó khăn, nguy hiểm thì sẽ phân ly càng nhanh, càng mạnh”. Cho nên ông đã cam lòng từ bỏ viên ngọc bích trị giá ngàn vàng, rất có đạo lý.

Mọi người biết rằng nếu bạn có một bảo vật, nó có thể rước đến rắc rối, có đúng không? Trong Hồng Lâu Mộng, có một ví dụ như vậy. Trong nhà có bảo vật quý hiếm, khi có người mưu tính đoạt lấy bảo vật, có thể khiến bạn mất mạng, đúng không? Đó là sự kết hợp của lợi ích, tất nhiên không thể lâu dài, vì vậy người xưa rất có trí huệ, nhìn sự việc luôn nhìn xa trông rộng. Chúng ta nói bằng hữu là người có cùng chí hướng, khi những người bạn có cùng chí hướng ở bên nhau, giống như chúng ta hôm nay thành tâm chân thành giao tiếp với nhau thì sẽ vượt qua tiền bạc. Mọi người cùng nhau uống một tách trà cũng được, cùng nhau ăn một bát mì cũng được, khi đó cảm giác còn tốt hơn và ấn tượng sâu sắc hơn so với cảm giác ăn một bữa thịnh soạn. Đây chính là bằng hữu thật sự, như vậy ở bên nhau sẽ vô cùng vui vẻ, những bằng hữu như vậy có càng nhiều sẽ càng tốt. Khổng Tử còn nói một câu, đó là tiêu chuẩn thấp hơn: “Nhân bất tri nhi bất uấn, bất diệc quân tử hồ?” (Người không hiểu ta mà ta không giận họ, thì chẳng phải là quân tử sao?) Không sợ là không tức giận, không nổi giận, người ta không biết, không hiểu tôi, tôi cũng không tức giận. Hôm nay tôi làm một việc tốt, người ta còn mắng tôi một trận, có người đã tức giận rồi. Trong cuộc sống thường gặp phải những chuyện như vậy, mọi người thử nghĩ xem bạn có thể không tức giận không? Vị học sinh đó nói không thể không tức giận.

Khoa học hiện đại đã nghiên cứu chứng minh: khi con người tức giận, cơ thể sẽ sản sinh ra những thứ không tốt, là một loại độc tố, khiến cơ thể không thoải mái và dẫn đến bệnh tật, nghĩa là trên thực tế khi bạn giận dữ thì đó là điều không tốt cho chính cơ thể bạn. Có người là kẻ tiểu nhân, có người là bậc quân tử. Kẻ tiểu nhân luôn giận dữ, đó là cho hắn một viên kẹo thì hắn vui vẻ, lấy đi một viên kẹo thì hắn lại giận dữ, đây chẳng phải là trẻ con sao? Người lớn chúng ta đôi khi cũng vậy, cho tôi thêm 200 đồng là tôi vui vẻ, thiếu tôi 200 đồng sẽ khiến tôi giận dữ, đây chính là kẻ tiểu nhân! Chúng tôi không có ý coi thường kẻ tiểu nhân, chỉ là muốn giảng đạo lý với mọi người, kẻ tiểu nhân có niềm vui của kẻ tiểu nhân, nhưng cũng có thống khổ và phiền não của họ. Khổng Tử nói, bậc quân tử sẽ không tức giận, ít nhất chúng ta biết rằng làm người là có cảnh giới, nghĩa là chúng ta có thể lựa chọn tức giận hoặc không tức giận. Người lựa chọn không tức giận chính là bậc quân tử, đây là lời Khổng Tử nói: “Nhân bất tri nhi bất uẩn, bất diệc quân tử hồ?” (Người không hiểu ta mà ta lại không giận họ, thì chẳng phải là quân tử sao?), người như thế chẳng phải cũng là bậc quân tử sao? Nhưng ở tiêu chuẩn cao hơn thì không chỉ không tức giận mà còn vui vẻ. Khi bạn gặp phải những chuyện phiền não thông thường của con người, bạn không phiền não mà còn đặc biệt vui vẻ, bạn chính là bậc quân tử ở cảnh giới cao hơn. Không tức giận và vui vẻ có giống nhau không? Không giống, vui vẻ là không bị ảnh hưởng bởi bên ngoài, luôn giữ được vui vẻ.

Quá khứ có câu chuyện như thế này: có một ông lão bán mì hoành thánh bên bờ Tây Hồ, hoành thánh bát nhỏ giá năm đồng một bát, hoành thánh bát lớn giá một đồng một bát, nguyên liệu và chế biến giống nhau. Kết quả là mọi người đều đến mua hoành thánh bát lớn một đồng một bát, những bát lớn đều bán hết, chỉ còn lại những bát nhỏ, vừa đắt vừa ít, bát nhỏ năm đồng không ai mua. Thực ra ông lão là một vị Thần tiên đang tìm đồ đệ ở nhân gian, ban phúc cho những người lương thiện, vậy điều mà vị Thần tiên này coi trọng là gì? Điều ông coi trọng không phải lợi ích, mà là những người có thể vứt bỏ lợi ích. Nghĩa là, khi bạn mất đi lợi ích nhưng vẫn có thể vui vẻ, đây là bậc quân tử, ông trời nhất định sẽ phù hộ những người tốt bụng như vậy.

Vẫn còn một cảnh giới cao hơn, đó là “Học nhi thời tập chi bất diệc duyệt hồ” https://chanhkien.org/2023/10/tinh-giai-luan-ngu-3-hoc-ma-thuong-xuyen-on-tap-thuc-hanh-chang-phai-vui-lam-sao.html. Chữ duyệt 說 này là chữ duyệt trong từ hỷ duyệt (喜悅) (vui mừng), chữ duyệt này có chỗ khác biệt với chữ lạc 樂, lạc 樂 biểu hiện phần lớn ở bên ngoài, còn duyệt 說 biểu hiện nhiều ở nội tâm, hiện nay 說 viết thành chữ 悅 có bộ tâm đứng, sự mỹ hảo nội tâm này người khác có thể áp đặt lên bạn không? Không thể. Lạc 樂, người khác có thể chọc cho bạn vui lên, nhưng sự mỹ hảo nội tâm không cần phải dựa dẫm vào người khác hay mượn nhờ ngoại lực, chỉ có bạn mới có thể cảm nhận được. Mặc dù người khác không thể cho bạn, nhưng cũng có một chỗ tốt là người khác cũng không thể cướp đi điều tuyệt vời này. Vì vậy điều mà những bậc Thánh hiền thời cổ đại thực sự theo đuổi chính là vẻ đẹp nội tâm, đó chính là duyệt 悅.

2.3. Mục đích thực sự của cạnh tranh lành mạnh

Tiếp theo lại nói về việc cắt (thiết) – gọt (tha) – khắc (trác) – mài (ma), chúng tôi sẽ từ một góc độ khác để bàn về việc học tập. Tiêu chuẩn làm người có những cảnh giới nhất định, trong chương đầu tiên “Học Nhi” của Luận Ngữ, có một đoạn đối thoại rất thú vị:

Tử Cống hỏi: “Bần vô siểm, phú vô kiêu, hà như?” (Nghèo khổ mà không nịnh bợ, giàu có mà không kiêu ngạo, như vậy được chưa?).

Khổng Tử đáp: “Khả dã, vị nhược bần nhi nhạc, phú nhi hiếu lễ giả dã” (Như vậy là được, nhưng không bằng nghèo mà lạc quan, giàu mà chuộng học lễ nghĩa).

Tử Cống hỏi: “Thi vân: ‘Như thiết như tha, như trác như ma’ kỳ tư chi vị dữ?” (Kinh Thi viết: như cắt như gọt, như khắc như mài để tạo ra vật quý, là nói điều này chăng?).

Khổng Tử đáp: “Tứ dã, thủy khả dữ ngôn thi dĩ hĩ, cáo chư vãng nhi tri lai giả” (Tử Cống à, có thể bắt đầu bàn luận Kinh Thi được rồi, bởi vì nói cho con việc quá khứ, con đã hiểu việc tương lai).

Đây là một cuộc trò chuyện vô cùng thú vị, mọi người có hiểu không? Tử Cống nói ông đã nhận ra một đạo lý làm người, liền nói cho thầy nghe: “Khi nghèo khổ, con không nịnh bợ, khi giàu có, con cũng không kiêu ngạo, cũng không coi thường người nghèo, thầy thấy điều này thế nào?” Ông hỏi thầy của mình xem điều ông ngộ được thế nào, con làm tốt không? Ông nhận ra một đạo lý, thực ra ông muốn nói để thầy xem mình làm có tốt không? Khổng Tử quả thực là một bậc Thánh nhân, một người thầy tốt, rất nhân hậu và trí huệ, nên câu trả lời của ông ấy là: “Khả dã, vị nhược bần nhi lạc, phú nhi hảo lễ giả dã”. “Khả dã”( 可也) nghĩa là gì? tức là cũng được, con làm như vậy rất tốt, chẳng phải là thiện ý sao? Người có thiện ý như vậy, chúng ta đều muốn gần gũi họ. Liệu chúng ta có muốn gần gũi người hay tức giận, hay nổi nóng không? Chúng ta không muốn gần gũi những người động một chút là nổi giận này. Chúng ta muốn gần gũi người thường xuyên vui vẻ và mang lại niềm vui cho chúng ta. Khi chúng tôi nói đến điều này, hẳn là bạn đã biết ý nghĩa là gì, đó là bạn nên làm một người vui vẻ, nếu bạn muốn làm một người thường xuyên tức giận, mọi người sẽ không thích bạn. Bạn làm một người vui vẻ, hơn nữa bạn lan tỏa sự vui vẻ cho người khác, sẽ có rất nhiều người kính trọng và yêu quý bạn, vì vậy cuộc sống thật tươi đẹp, bạn có việc gì thì sẽ có rất nhiều người giúp đỡ bạn.

Khổng Tử là một người thầy hòa ái như vậy. Ông nói: “Được, nhưng…” Mọi người đều biết “nhưng” có nghĩa là gì, nghĩa là bạn như vậy vẫn chưa đủ. “Vị nhược bần nhi lạc, phú nhi hảo lễ giả dã”. “Bần nhi lạc” thật ra nên thêm một chữ “Đạo”, “Bần nhi lạc Đạo, phú nhi hiếu lễ” (nghèo mà vui với Đạo, giàu mà chuộng học lễ nghĩa). Khi nghèo khó mà chúng ta vẫn duy trì được nội tâm an hòa và mỹ hảo. Giàu có mà chuộng lễ nghĩa, tôi giàu có thì tôi cũng tôn trọng người khác. Mọi người xem, loại cảnh giới này có giống với “Bần nhi vô siểm, phú nhi vô kiêu” (Nghèo không nịnh bợ, giàu không kiêu ngạo) không? Giống như một đứa trẻ nói với bạn: Thưa thầy, con không muốn làm người xấu, được không? Tất nhiên rồi, không phải là người xấu cũng không tệ, thế không phải là người xấu thì có phải là người tốt không? Không phải, cho nên Tử Cống cũng nói “Thưa thầy, con trở thành người không xấu, làm thế có được không?” Tất nhiên không xấu cũng được, nhưng không xấu lại không đồng nghĩa là tốt.

Cho nên Khổng Tử đã nói với ông thế nào là tốt, “Ồ” Tử Cống đã hiểu được rồi, Tử Cống liền nói Kinh Thi có câu: “Như cắt, như gọt, như giũa, như mài, chẳng phải là thế ư?” Cắt, gọt, mài, giũa bây giờ đều đã trở thành thành ngữ. Đó là lời trong Kinh Thi, Kinh Thi là bộ sách rất hay, như cắt, như gọt, như mài, như giũa.

Hai thầy trò Khổng Tử đang trò chuyện, sao đột nhiên lại nhắc đến “Kinh Thi”? Mọi người có thể hiểu là ý nghĩa gì không? Tử Cống là một học trò giỏi, ông lập tức hiểu ra điều mà Khổng Tử giảng mang ý nghĩa gì. Khổng Tử đang giảng về “Đạo”, đạo lý làm người. Hai câu thơ trong “Kinh Thi” này chính là nói về đạo lý làm người. Tại sao gọi là Kinh Thi? Gọi một chữ “Thi” là được rồi, tại sao phải thêm một chữ “Kinh”? Bởi vì có “Đạo” ở trong đó. Cắt có nghĩa là gì? Làm tượng Phật, trước tiên phải cắt ngọc, tức là cắt thành từng khối lớn. Khối lớn sau đó tiếp tục được gia công gọi là gọt. Làm ngọc cần một quá trình, trước tiên cắt thành từng khối lớn, sau đó gọt khối lớn thành hình. Sau khi gọt khối lớn thành hình thì làm gì tiếp? Tiếp là điêu khắc thành tượng, như vậy mới có thể trở thành một vật hữu dụng. Nếu không có quá trình cắt, gọt, điêu khắc thì một khối ngọc thô tự nhiên không thể trở thành một vật hữu dụng. Cắt là bước đầu tiên, gọt là bước thứ hai, điêu khắc là bước thứ ba, mài là bước thứ tư. Hình khối lớn đã làm xong, vậy bước cuối cùng là gì, đó chính là mài, chỉ khi qua mài giũa mới có thể sáng bóng, nhẵn nhụi, tinh xảo.

Mọi người xem, làm một vật dụng bằng ngọc, nó phải trải qua bốn bước: cắt, gọt, khắc, mài, thật không dễ dàng chút nào. Vậy ý của Tử Cống là gì? Tử Cống nói: A, cảm ơn thầy, con hiểu rồi, con cho rằng cắt là được rồi, nhưng hóa ra còn có gọt, gọt càng khiến người ta yêu thích hơn. Ý của ông là tôi không chỉ biết đến cắt gọt, mà bên trên còn có cảnh giới cao hơn, tốt đẹp hơn. Tử Cống nói một cảnh giới, thầy của ông nói cảnh giới thứ hai, Tử Cống lập tức biết rằng làm người là có cảnh giới, và còn có những cảnh giới cao hơn. Đây chính là “cạnh tranh lành mạnh”, chỉ có sau khi mài giũa xong mới có thể khiến người ta yêu thích hơn, mới có thể trở thành một vật phẩm đẹp. Khi ông hiểu được đạo lý này, ông đương nhiên sẽ tốt đẹp, có phải đạo lý này không!

Mọi người nghĩ xem, Tử Cống lúc này còn có tâm kiêu ngạo sao? Khi ông ta nói “nghèo không siểm nịnh, giàu không kiêu ngạo, thầy thấy thế nào” thì vẫn còn cảm thấy bản thân rất khá, cho rằng mình đã làm rất hoàn hảo. “Thầy xem con rất hoàn hảo”, khi thầy nói cho ông, bản thân ông đã biết không những bây giờ mình chưa đủ hoàn hảo, mà sau này khi đạt đến cảnh giới rất cao, tại cảnh giới cao hơn đó có lẽ còn càng hoàn hảo hơn nữa. Như vậy Khổng Tử rất vui mừng, nói: “Tử Cống à, có thể bắt đầu bàn luận Kinh Thi được rồi”. Ta có thể cùng con bàn luận Kinh Thi rồi. Mọi người thử nghĩ xem, trước đó, thầy còn không thể dạy Kinh Thi cho Tử Cống, có dạy thì ông cũng không hiểu được, lúc này có thể cùng ông nói về Kinh Thi rồi, bởi vì ông có thể “nói chuyện quá khứ, đã hiểu việc tương lai”, ông đã có thể từ lời thầy giảng mà lĩnh hội được ý mà thầy chưa nói đến. Chính là lấy một suy ra ba, hoặc lấy một suy ra mười, chỉ có như vậy mới có thể đạt “Đạo”. “Đạo sinh vi nhất, đạo sinh vi nhị, đạo sinh vi tam, đạo sinh vi vạn vật”. Chúng ta nắm giữ được “Đạo” thì sẽ nắm giữ được tất cả, như vậy có thể bàn luận Kinh Thi rồi, bởi vì trong Kinh Thi có những đạo lý tốt đẹp. Cho nên làm người và học tập là có cảnh giới khác nhau.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/149017



Ngày đăng: 01-09-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.