Tác giả: Đồng Hân
[ChanhKien.org]
Chương 3: Thánh Hiền Tất Thành
Mục 3: Thánh Hiền Tất Thành
Bản tổng quan của Đệ Tử Quy đã cho chúng ta biết kết cấu và nội dung của Đệ Tử Quy, trên thực tế là một con đường từng bước trở thành thánh hiền.
Thứ nhất là bảy nội dung của Đệ Tử Quy được phân chia rất rõ ràng. Bảy phần ấy lần lượt là Hiếu, Đễ, Cẩn, Tín, Phiếm Ái Chúng, Thân Nhân và Dư Lực Học Văn. Trong nguyên tác, “Hiếu” là phần một, Đễ là phần hai, Cẩn là phần ba, Tín là phần bốn, Phiếm Ái Chúng là phần năm, Thân Nhân là phần sáu, Dư Lực Học Văn là phần bảy. Ta có thể hướng dẫn học sinh dùng tay đếm như thế, sẽ giúp học sinh khắc sâu ấn tượng. Dưới góc nhìn của tác giả, tác phẩm này được chia làm bảy phần; nhưng nếu từ góc nhìn của người đọc, nó có thể chia làm tám phần, phần đầu tiên là tổng quan, nội dung gồm bảy phần, đây là điều chúng ta cần nắm rõ.
Thứ hai là mối quan hệ tương hỗ giữa bảy phần này. Từ mở đầu đến kết thúc, “khả tuần chí” (dần làm được), gọi là tiến hành tuần tự. Bàn về hai chữ “tiến” (進) được viết ra tại đây. Chữ “tiến” giản thể (进) là đi vào trong cái giếng (井: cái giếng), còn chữ “tiến” chính thể (進), là đang đi về hướng tốt đẹp (“佳”: tốt đẹp, âm Hán Việt là giai), càng đi càng “giai”, càng đi càng tốt. Giống như ngôi trường của chúng ta, càng đi càng tốt, càng tốt lại càng phải đi tiếp.
Văn hóa truyền thống của Trung Quốc cực kỳ tốt đẹp, và ở trong Đệ Tử Quy lại càng được nêu ra cụ thể hơn nữa, thật ra chính là con đường từ yêu thương nhỏ đến yêu thương lớn. Yêu thương nhỏ là gì? Chính là hiếu, “thủ hiếu đễ” (hiếu đễ trước), chính là hiếu thuận với song thân. Đương nhiên là, người hiếu thuận còn có ông, bà, v.v, nhưng nói đơn giản thì là hiếu thuận với cha mẹ. “Đễ” bao gồm anh chị em, những người được yêu thương đã mở rộng hơn, hiện giờ là một gia đình nhỏ. Lại nói “Sự chư phụ, như sự phụ; sự chư huynh, như sự huynh” (Việc chú bác, như việc cha; việc anh họ, như anh ruột). Từ điểm này mà nói, là đang nhấn mạnh về gia tộc lớn, trong đó có những người họ hàng khác như chú, bác, dượng, chị em họ v.v.. Cho đến xử lý sự việc cần thận trọng nghiêm túc, rồi mới nói đến chữ tín giữa bạn bè, phạm vi những người được yêu thương sẽ càng lớn hơn nữa. Cuối cùng mới đến “phiếm ái chúng”, là yêu thương tất cả mọi người, yêu thương không chỉ người cùng quê hương, yêu thương toàn bộ người Trung Quốc, mà không chỉ yêu thương người Trung Quốc, còn có người Mỹ, người Anh, người Châu Phi, tất cả con người trên toàn thế giới, ấy mới chân chính là “phiếm ái chúng”, cũng gọi là “nhân”, là tấm lòng của thánh nhân.
Quá trình từ “hiếu, đễ” đến “phiếm ái chúng”, chính là con đường từ yêu thương nhỏ đến yêu thương lớn, điểm tốt của nó là gì? Vì mục tiêu của người này là trở thành thánh nhân, nên nó có thể giúp họ dần đạt đến mục tiêu ấy. Vậy nên, rất nhiều khi điều được nhấn mạnh trong Đệ Tử Quy không chỉ là hiếu, mà còn là sự yêu thương to lớn hơn, bác ái hơn. Điều đầu tiên Đệ Tử Quy nói đến là hiếu, nhấn mạnh tính quan trọng của hiếu, người xưa nói: Bách thiện hiếu vi tiên (trăm điều thiện hiếu là đầu tiên). Nó là cơ sở, là khởi điểm, ví như ta lấy ngôi trường ngập tràn yêu thương này là nơi xuất phát, lan truyền hạnh phúc tốt đẹp đến khắp chân trời góc biển. Trường học không phải mục tiêu của chúng ta, nó là nơi cắm rễ, nơi ta làm dồi dào chính mình, mục tiêu của ta là tại các nơi khác nhau trên toàn thế giới này, nhưng chúng ta cần bắt đầu với những người xung quanh mình, ví như hiện tại cần làm người học sinh tốt nhất, tương lai chính là vị giáo viên giỏi nhất.
Muốn thực hiện được mục tiêu to lớn “phiếm ái chúng”, chúng ta cần làm tốt bắt đầu từ những việc nhỏ. Nếu bạn thật sự làm được tốt, thì người ta chỉ cần đến ngôi trường tham quan thì đã bị bạn cảm hóa. Khi trở về, ngôi trường của họ sẽ tự điều chỉnh, tự thay đổi, chẳng phải bạn đã lan tỏa những điều tốt đẹp? Đó chẳng phải là bạn đã truyền bá những điều tốt đẹp sao? Đây không phải là xâm lược, mà là điểm vĩ đại vô cùng của dân tộc Trung Hoa. Dù là dân tộc Mông Cổ triều Nguyên, dân tộc Mãn triều Thanh, thì họ đều đã được dung hợp trong văn hóa truyền thống Trung Hoa. Dân tộc Trung Hoa không hề xâm lược, cưỡng chế họ, mà chính họ cảm thấy thế là tốt, nguyện ý làm theo. Nội dung học tập của Đệ Tử Quy là con đường từ yêu thương nhỏ đến yêu thương lớn, và đó là một quá trình có tuần tự từng bước. Một điều khá quan trọng khi các giáo viên nghiên cứu phương pháp dạy học, chính là “tiến hành tuần tự”.
Vậy nên, chúng ta khi học Đệ Tử Quy cần làm được hai điểm, điểm thứ nhất là lập chí cao xa, điểm thứ hai là tiến hành tuần tự, hai điều này đều không thể thiếu. Nếu bạn lập chí không đủ cao, không đủ xa, cảnh giới sẽ thấp, thì khi gặp những chuyện có độ khó lớn bạn sẽ lùi bước. Đại sư Đường Huyền Trang đã nói một câu rất có sức nặng, ông nói: “Không lấy được chân kinh, quyết không lùi về đông một bước!”, lấy được chân kinh, cứu chúng sinh là mục tiêu của ông, dùng ý chí kiên định để biểu đạt rõ cần làm như thế. Nhưng thực tiến hành tuần tự ở nơi trường học cần có một quá trình, đầu tiên bạn phải dạy con trẻ cách làm, không thể mới bắt đầu đã xem con trẻ như thánh nhân, rất không thực tế. Thật ra việc đấm lưng giúp mẹ, thì đã là thể hiện được chữ hiếu. Chữ hiếu này là yêu thương, dùng từ rộng lớn hơn nữa chính là “phiếm ái chúng”, chính là thiện. Dù ở vị trí này, vị trí kia, hay bất kỳ vị trí nào đều nghĩ đến người khác, thì chính là đang hiện thực hóa cái đại thiện này, tại vị trí nào cũng nghĩ đến người khác, bao gồm thực vật, động vật, bàn, ghế,… gồm cả vạn sự vạn vật.
Người lớn thường dạy phải yêu đồ vật, thời còn nhỏ mỗi khi tôi không cẩn thận đóng cửa hơi mạnh tay, mẹ sẽ luôn nói, cửa nhà người ta dùng được 20 năm, nhà mình xài như con chắc chỉ được hai, ba năm là hỏng, lúc ấy lại rất không thích nghe. Đây là một thói quen. Nói như sách học của chúng ta cũng thế, có những bạn nhỏ giữ sách rất sạch đẹp, nhưng có những bạn nhỏ lại để sách bị quăn góc, cuốn sách đi theo những bạn nhỏ này thật đáng buồn, không sạch sẽ tinh tươm như sách của người ta. Ví như nói đề thi, đề thi của người này viết rất gọn gàng sạch sẽ, nhìn xem thấy hệt như tác phẩm nghệ thuật vậy; nhưng có người lại bôi bôi vạch vạch vào đề thi, bị vò nát như giấy rác vậy. Cùng một sự việc, ở chỗ người này thì sẽ bị lăng mạ, đè nén, nhưng đến chỗ bạn lại là tốt đẹp, vinh quang, thế nên nói đến “phiếm ái chúng”, cái đại thiện này đã được thể hiện trong tất cả các phương diện, mà hiếu chỉ là một khởi điểm, trong lòng người ấy có người khác, bắt đầu từ bố mẹ, lại càng được khuếch đại to lớn hơn, cái thiện này hoàn toàn cân nhắc đến người khác, trưởng thành cùng người ấy, phạm vi yêu thương sẽ càng ngày càng rộng. Thật ra ấy chính là một quá trình tiến hành tuần tự, Đệ Tử Quy chính là một con đường tiến về hạnh phúc.
Chúng ta vừa rồi có nhắc đến từ yêu thương nhỏ đến yêu thương lớn, điều này được nhắc xuyên suốt từ phần một đến phần sáu trong Đệ Tử Quy, từ “thủ hiếu đễ”, đến “phiếm ái chúng, nhi thân nhân” (yêu mọi người, gần người nhân). Kề cận người nhân nghĩa là rất quan trọng, người nhân nghĩa chắc chắn sẽ dạy ta yêu thương mọi người, bạn ắt sẽ phải học để yêu thương tất cả mọi người. Thật ra các phần trong Đệ Tử Quy đều như thế, giúp ta quan tâm đến người khác, thế nên yêu thương mọi người, gần người nhân nghĩa là như nhau, muốn yêu thương được tất cả mọi người thì ắt phải nhân nghĩa, phải tiếp nhận giáo huấn của thánh nhân, nhân nghĩa cũng là một phần của yêu thương tất cả mọi người, là một biểu hiện của việc yêu thương tất cả mọi người, cuối cùng cả hai sẽ hợp nhất thành một. Nhắc đến Đệ Tử Quy, rất nhiều người sẽ nghĩ ngay đến chữ “hiếu”, nếu hỏi những người dạy và học Đệ Tử Quy tại Đại Lục, họ sẽ nói ngay chữ “hiếu”, nhưng ở đây chúng ta nói hạch tâm của Đệ Tử Quy chính là “phiếm ái chúng”, điều này có thể khiến họ thấy mới lạ, nhưng sẽ lại rất tán đồng.
Hiếu là phần cơ bản nhất của yêu thương mọi người, là điểm bắt đầu, mục đích là yêu thương mọi người, học Đệ Tử Quy sẽ giúp con trẻ dần dần đạt đến được. Nói về điểm tốt của việc tiến hành tuần tự, ví như một chiếc ô tô rất khỏe, nhưng nếu muốn lái nó lên một cái gờ cao ba thước, thì cơ bản là không thể được, thế nhưng chiếc xe này lại có thể chạy lên ngọn núi cao vạn trượng, vì sao thế? Chính vì nó tiến hành tuần tự, có độ dốc, sẽ chạy qua được. Khi dạy học cho con, ta cũng không thể tạo một cái hố, mà nên tạo một con dốc, giúp con trẻ từ từ bước qua, như thế đứa trẻ có thể tiến hành tuần tự. Tiến hành tuần tự chính là không nóng vội, bắt đầu từ việc nhỏ, bắt đầu từ chữ “Hiếu” then chốt này. Từ trong tâm của đứa trẻ ấy đã bắt đầu nghĩ đến mẹ mình, người mẹ ắt sẽ cảm nhận được. Làm thánh nhân có vẻ rất khó, nhưng chỉ cần kiên trì bền bỉ làm là đủ rồi, cuối cùng sẽ thành công.