Giáo dục hạnh phúc (21): Kiên trì bền bỉ



Tác giả: Đồng Hân

[ChanhKien.org]

Chương 2: Tự cường bất tức

Mục 3: Tinh tấn chính đạo – Tự cường bất tức

3. Kiên trì bền bỉ

Mạnh Tử có câu nói: “Khả dục chi vị thiện, hữu chư kỷ chi vị tín” (Tạm dịch: Con người trong tâm theo đuổi thiện, bản thân làm được thiện gọi là tín), ý nói “thiện” là điều con người cần theo đuổi nhất, trong nội tâm có chữ thiện này, ấy chính là “tín”. Câu tiếp theo “Sung thực chi vị vi mỹ, sung thực nhi hữu quang huy chi vị đại, đại nhi hóa chi chi vị thánh, thánh nhi bất khả trắc chi chi vị Thần” (Tạm dịch: Làm được thiện một cách đầy đủ không thiếu sót gọi là mỹ, làm được thiện một cách đầy đủ và còn hiển lộ hào quang gọi là đại, hào quang của thiện có thể giáo hoá dân chúng gọi là thánh, thiện đạt đến cảnh giới bất khả tư nghị gọi là thần). “Sung thực chi vị mỹ”, thiện chính là tốt đẹp, không ngừng bồi dưỡng cái thiện của bản thân. Cũng giống như việc chúng ta đọc cuốn sách này, nghiêm túc suy ngẫm và không ngừng bồi dưỡng nội tâm thì thật sự sẽ có thu hoạch rất lớn. Từ thời Khuất Nguyên trở đi đến trước đời nhà Tấn, người ta đều gọi những người có đạo đức cao thượng dù là nam hay nữ đều là “mỹ nhân”. Sự lương thiện trong nội tâm qua quá trình bồi dưỡng không ngừng sẽ giúp ta lan tỏa sự tường hòa và tốt đẹp ấy từ trong ra ngoài, vậy nên đạo đức cao thượng mới đúng là tốt đẹp thật sự.

“Sung thực nhi hữu quang huy chi vị đại” một cảnh giới khác cao đẹp hơn, phong phú hơn, rực rỡ hơn, chính là Đại, những vị thánh hiền này đang toả sáng. Có câu “Có chí không ở tuổi cao”, “Hương cửu linh, năng ôn độ” (Diễn nghĩa: Hoàng Hương chín tuổi, biết giữ ấm giường cho cha mẹ ngủ), Hoàng Hương mới chín tuổi lại hiếu thuận với bố mẹ được như thế, chẳng đúng là thánh hiền sao? Khổng Dung bốn tuổi biết nhường quả lê, lưu danh thiên cổ. Chúng ta có thể không biết đến những sự tích hoặc thành tựu của Khổng Dung, nhưng không thể không biết câu chuyện Khổng Dung nhường lê, câu chuyện này vô cùng ý nghĩa. Có một cuốn sách viết về thổ phỉ ở vùng Đông Bắc, người mới nhập hội thổ phỉ phải tuyên thệ những lời thề độc, sau khi hoàn tất nghi thức thì đến phòng tổng quản lấy đồ dùng, hãy đoán xem câu đầu tiên tổng quản nói gì? “Có biết chuyện Khổng Dung nhường lê không? Hãy đi học từ mọi người!” Thổ phỉ trước tiên phải học chuyện Khổng Dung nhường lê, ý nói là khi ra ngoài có đồ ăn ngon thì nhường người khác một ít, đừng chỉ nghĩ đến bản thân mà không quan tâm đến người khác. Bài học đầu tiên của thổ phỉ là Khổng Dung nhường lê, Khổng Dung bốn tuổi đã biết nhường lê, thổ phỉ còn phải học theo. Thế nên là thánh hiền thì dù chuyện lớn chuyện nhỏ đều phải làm tốt, đặc biệt là trong xã hội phức tạp ngày nay, làm được tốt dù chỉ một việc nhỏ thì đã rất tốt rồi. Hôm qua khi tôi đi xe bus, thấy một cậu trai trẻ đang loay hoay tìm tiền. Một chị gái chợt nói: “Để tôi quẹt thẻ cho cậu”, trông cô ấy rất thản nhiên, trong lòng tôi lại vô cùng kính phục. Kỳ thực cho đi chính là hạnh phúc và tốt đẹp. Sự cho đi này lại quả là lấp lánh ánh hào quang, đây chính là cảnh giới của chữ “đại”.

Còn có một cảnh giới khác lớn hơn chính là “Đại nhi hóa chi”, chính là ánh hào quang này lớn đến mức có thể cảm hóa vạn vật. Trong 24 tấm gương hiếu thảo, người có lòng hiếu thảo nhất là vua Thuấn, lòng hiếu thảo của ông cảm động tận trời xanh. Đến voi còn đến giúp ông trồng trọt, chim còn đến giúp ông nhổ cỏ, đây chính là thánh, đại nhi hóa chi, chi vị thánh. Nơi vua Thuấn sống, sau một năm trở thành thôn làng, hai năm trở thành thị trấn, ba năm đã thành đô thị lớn. Đây chính là cảnh giới của “thánh”.

Vậy nên “Đức bất cô, tất hữu lân” (dịch nghĩa: Người có đức không cô quạnh, tất có hàng xóm), khi bạn bồi dưỡng đức hạnh của mình thì chắc chắn sẽ tìm được công việc. Bạn đi đến bất kỳ nơi nào, mọi người đều sẽ đón chào bạn. Đại nhi hóa chi, chính là thánh. Đương nhiên vẫn còn cảnh giới cao hơn nữa là “thánh nhi bất khả trắc chi, chi vị thần”, một thánh nhân như Khổng Tử, sau khi gặp Lão Tử, trở về nhà ba ngày không nói nên lời, chấn động quá lớn, thu hoạch quá nhiều. Thần long xem đầu không xem đuôi, ngoài trời vẫn còn trời cao xa hơn, vẫn còn cảnh giới cao hơn cao hơn nữa, vẫn còn tốt đẹp lớn hơn lớn hơn nữa. Vậy nên Mạnh Tử nói phải tu dưỡng bốn cảnh giới của bản thân: Thần, thánh, đại, mỹ.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/149017



Ngày đăng: 02-05-2025

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.