Trang chủ Right arrow Văn hóa Right arrow Văn hóa truyền thống

Thập nhị kinh giản lược (Phần 3): Tóm lược về “Kinh Dịch”

14-07-2025

Tác giả: Quý Đại

[ChanhKien.org]

Nguồn gốc của “Kinh Dịch”

Trong sách Chu Lễ có chép rằng quan thái bốc (chức quan bói toán thời xưa) nắm giữ ba Kinh Dịch, theo chú giải của Trịnh Huyền, ba Kinh Dịch đó là: “Thời nhà Hạ gọi là ‘Liên Sơn’, lấy quẻ Cấn làm đầu; Liên Sơn có nghĩa là những ngọn núi tiếp nối nhau, như mây bay ra từ núi, liên miên bất tuyệt. Thời Ân Thương gọi là ‘Quy Tàng’, lấy quẻ Khôn làm đầu, Quy Tàng nghĩa là vạn vật không có vật nào không trở về và ẩn tàng trong đất. Thời nhà Chu gọi là ‘Chu Dịch’, lấy quẻ Càn làm đầu; ý nói đạo lý của Kinh Dịch phổ quát khắp nơi, không có chỗ nào là không chu toàn”. Ba loại Dịch này chính là “Liên Sơn”, “Quy Tàng” và “Chu Dịch”. Ngày nay, Liên Sơn và Quy Tàng đều đã thất truyền, chỉ còn Chu Dịch được lưu truyền mà thôi.

Người đời sau có người cho rằng Thần Nông có biệt hiệu là Liên Sơn thị, Hoàng Đế có biệt hiệu là Quy Tàng dân; vì vậy cái gọi là “Liên Sơn” và “Quy Tàng” có lẽ không phải là văn vật của nhà Hạ và nhà Ân Thương. Tuy nhiên, do thời đại quá xa xưa, cũng không thể khảo chứng rõ ràng. Cũng có người cho rằng “Liên Sơn” và “Quy Tàng” vốn chỉ là các quẻ tượng, chứ không hề tồn tại Hạ Dịch hay Ân Dịch. Tuy có nhiều quan điểm khác nhau, nhưng việc Chu Dịch được lưu hành rộng rãi và được cả triều đình lẫn dân gian từ thời nhà Chu tôn sùng, đồng thời là cội nguồn của tư tưởng học thuật và triết lý nhân sinh lâu đời nhất của Trung Hoa, thì đã là điều được công nhận rộng rãi. “Kinh Dịch” mà người đời sau thường gọi chính là chỉ “Chu Dịch” mà thôi, điều này không có tranh cãi.

Hàm nghĩa của “Kinh Dịch”

Tên gọi Chu Dịch có ba ý nghĩa:

Thứ nhất: “Giản Dịch”. Dựa theo Hệ Từ có câu: “Càn (nhờ đức cương kiện mà động nên) dễ dàng, không tốn sức mà làm chủ tác động lúc mới đầu; Khôn (nhờ đức nhu thuận mà) đơn giản, không rối ren mà tác thành vạn vật. Dịch (người ta nếu bắt chước Càn, xử thế một cách) bình dị thì (lòng mình) người khác dễ biết; Giản (nếu bắt chước Khôn mà xử sự một cách) đơn giản thì người khác dễ theo mình”. Ý là nói: Người thuận theo đất, đất thuận theo trời, thiên lý tồn tại trong nhân đạo, nhân đạo bắt nguồn từ thiên lý. Vạn vật trong vũ trụ sinh trưởng, hưng thịnh, suy tàn, con người gặp họa phúc, dữ lành, tuy có muôn vàn phức tạp nhưng lý cốt lõi của nó là một. Chẳng phải cũng vừa giản dị vừa dễ hiểu hay sao! Đây chính là “Giản Dịch”.

Thứ hai: “Biến Dịch”. Theo Hệ Truyền có nói: “Dịch là thường xuyên biến đổi. Vận động không ngừng, các Hào quải của Dịch cũng như thiên hình vạn trạng của Trời đất, luôn biến thiên không ngừng nghỉ, không thể lập thành quy chuẩn cố định, chỉ có biến hóa mới là đạo lý”. Nhật nguyệt đầy rồi lại khuyết, phàm vật cực thịnh tất suy; bác cực tất phục, bĩ cực thái lai, không có gì không nằm trong dòng chảy biến động tuần hoàn. Giống như bước chân vào dòng nước trong, rút chân ra rồi lại bước vào thì đã không còn là dòng nước trước đó nữa. Vạn sự vạn vật, thế gian con người bãi bể nương dâu, không vật nào là không nằm trong sự biến động, do vậy cực thịnh không nên kiêu ngạo, bĩ cực cũng không cần lo lắng, chính là cái lý này. Vì thế nên gọi là “Biến Dịch”.

Thứ ba: “Bất Dịch”. Bất dịch có nghĩa là không biến đổi. Lý lẽ chí giản chí dị thì bất biến, nguyên lý vạn vật tất sẽ biến đổi cũng bất biến. Trong Hệ Từ có nói: “Thiên tôn địa ti, Càn Khôn phân định rồi; cao thấp bày rõ, sang hèn có vị trí rồi; động tĩnh có quy luật, cương nhu được phân ra rồi”. Thiên Đạo có quy luật, thiên lý trường tồn, như câu nói: “Trời vận động không ngừng, người quân tử nên tự cường không nghỉ”. Chính là trong sự biến dịch luôn tồn tại những nguyên tắc bất biến, lý lẽ không thay đổi vẫn hiện hữu. Chẳng phải đó chính là “Bất Dịch” sao?

Nội dung của “Kinh Dịch”

Quái:

“Kinh Dịch” là từ Bát Quái mà diễn dịch ra, tương truyền Bát Quái do Phục Hy sáng tạo. Hệ Từ có nói: “Ngẩng lên trời quan sát thiên tượng, nhìn xuống quan sát quy luật vận hành của đất, lại kết hợp với văn tự hình chim thú, thuận theo đó, gần thì lấy từ thân thể, xa thì lấy từ vạn vật, thế là sáng tạo ra Bát Quái”. Theo khảo cứu phát hiện những văn bản giáp cốt thời Thanh mạt, thì từ trước thời nhà Chu người ta đã dùng Bát Quái trong bói toán. Người bói dùng xương trâu và mai rùa, người xem bói dùng thảo mộc. Điều này cho thấy Bát Quái đã thịnh hành trong thời Tam Đại, không phải bắt đầu từ thời nhà Chu.

Lại có một thuyết khác cho rằng, Bát Quái bắt nguồn từ hình vẽ trên lưng của con long mã xuất hiện trên sông Hoàng Hà, và Phục Hy đã chép lại các vạch đó mà thành. Trong sách “Thượng Thư – Hồng Phạm” lại nói rằng vào thời Đại Vũ, có một con rùa thần xuất hiện trên sông Lạc, trên lưng mang theo hình vẽ Bát Quái. Cái trước gọi là “Hà Đồ”, còn cái sau gọi là “Lạc Thư”. Thuyết này cho thấy Bát Quái không phải do Phục Hy thị sáng tạo ra, mà là tới từ sự khai thị của Thượng Thiên!

Tương truyền rằng Văn Vương Cơ Xương vì đắc tội với Trụ Vương nên bị giam cầm ở Dũ Lý. Trong thời gian nhàn rỗi không có việc, ông chuyên tâm nghiên cứu Bát Quái, rồi đặt lên nhau tạo thành tám tám sáu mươi tư quái. “Chu Dịch Chính Nghĩa” có nói: “‘Quái’ (卦) nghĩa là ‘quải’ (挂), tức là treo lên, ý nói treo các hình tượng của sự vật để hiển lộ cho con người thấy. Vì vậy gọi là ‘quải’”. Bát Quái gồm có: Càn, Khôn, Khảm, Ly, Chấn, Cấn, Đoài, Tốn, vừa hay tượng trưng cho trời, đất, nước, lửa, sấm, núi, đầm trạch, gió. Sau khi các quái đặt lên nhau được diễn giải, hai quái ghép lại thành một quái, gọi là “trọng quái”. Mỗi trọng quái trong 64 quái đều có tên riêng và biểu tượng ý nghĩa riêng biệt. Ví dụ: Quái Khiêm: Khôn ở trên, Cấn ở dưới; núi cao ẩn dưới đất, đại trí nhược ngu (kẻ đại trí dường như ngu dốt), tượng trưng cho sự khiêm tốn tự giữ mình. Quái Phệ Hạp: Ly ở trên, Chấn ở dưới; ánh sáng của sét và lửa của sấm, lợi cho việc thực thi hình phạt, giáo hóa, tượng trưng cho pháp trị nghiêm chính. Quái Bĩ: Càn ở trên, Khôn ở dưới; trời đất phân ly, trên dưới bất hòa, biểu tượng cho sự ly tâm ly đức (nhân tâm xa rời đạo đức), do đó là điềm không tốt. Lại như Quái Bác: Cấn ở trên, Khôn ở dưới; núi lớn xuất hiện trên mặt đất bằng phẳng, trở ngại trùng trùng, tượng trưng cho việc không thể hành động nóng vội hoặc hấp tấp,…. Cứ như vậy mà diễn dịch biến hóa, đã bao gồm muôn vàn sự vật hiện tượng trong vũ trụ, cùng với nguyên lý sinh sôi và vận động không ngừng.

Hào:

Cái gọi là “hào”, trong Hệ Từ có nói: “Hào giả, hiệu thử dã” (hào là mô phỏng tượng trưng). Có thể xem hào như một loại ký hiệu, dùng để tượng trưng cho âm dương, chẵn lẻ. Mỗi một trọng quái gồm tổng cộng sáu nét (sáu nét ngang) gọi là sáu hào. Tính từ dưới lên trên: ba hào trên gọi là “ngoại quái”, ba hào dưới gọi là “nội quái”. Trong mỗi hào, một nét ngang dài “一” là dương, cũng tượng trưng cho số lẻ; nếu ở giữa bị đứt thành hai đoạn “--” là âm, cũng tượng trưng cho số chẵn. Người xưa xem dương là dấu hiệu của phục hưng, khởi sinh; âm là biểu tượng của suy tàn, thay đổi. Vì vậy coi số lẻ (dương) là cát (tốt), số chẵn (âm) là hung (xấu). Thế nhưng âm dương xen kẽ, hưng suy luân chuyển, cát hung đan xen, cái này tăng trưởng thì cái kia tiêu đi, cái kia tăng trưởng thì cái này tiêu đi nên khó mà có định số tuyệt đối. Người quân tử giữ vững trong lúc cùng quẫn để chờ đợi biến hóa, khiêm tốn tự giữ mình, không kiêu ngạo cũng không chán nản, không nghiêng lệch cũng không gục ngã, giữ lấy đạo trung, thuận theo biến hóa, cũng chính ở trong đạo lý tối cao của Biến Dịch.

Trong mỗi trọng quái, hào đầu tiên phía dưới nếu là dương thì gọi là “sơ cửu”, tính lên trên, nếu các hào từ hai đến sáu cũng là dương thì lần lượt gọi là “cửu nhị”, “cửu tam”, “cửu tứ”, “cửu ngũ” và “thượng cửu”. Nếu hào đầu tiên thuộc âm thì gọi là “sơ lục”, hào hai đến sáu nếu đều thuộc âm thì lần lượt gọi là “lục nhị”, “lục tam”, “lục tứ”, “lục ngũ” và “thượng lục”. Do đó có thể thấy “lục” và “cửu” chỉ là tên gọi thay thế cho âm dương mà thôi. Quái có quái tượng, hào có hào từ, vốn là lời chú giải cho quái và hào, vừa ngắn gọn vừa rõ ràng. Ví dụ như trong quái Càn có hào từ: “Sơ cửu, tiềm long, vật dụng”: Ý nói sinh khí tiềm tàng nhưng thời cơ chưa đến, lúc này phải giữ gìn sinh khí, kiên nhẫn chờ biến đổi, không được hành động khinh suất. Hay như “Thượng cửu, kháng long hữu hối”. Vật cực tất phản, quá mức sẽ bị tổn thất, khiêm nhường sẽ được lợi, nếu kiêu ngạo tự mãn thì chắc chắn sẽ tự chuốc lấy bại vong, sẽ thấy hối hận. Vì vậy nên biết dũng cảm rút lui kịp thời, tự mình khiêm tốn và kiềm chế bản thân. Những lời chú giải cho tượng quái và hào từ này được cho là do Văn Vương biên soạn, cũng có người nói rằng do Chu Công viết ra, hoặc cho rằng Văn Vương làm quái từ, mà Chu Công diễn giải hào từ.

Từ:

Từ, nghĩa là lời văn dùng để giải thích, diễn đạt. Nếu chỉ quan sát hình tượng của 64 quái thì khó hiểu được ý nghĩa chân thực. Từ xưa đến nay, những lời chú giải “Kinh Dịch” được gọi là “Thuyết Thập Dực” (mười thiên phụ trợ). “Dực” nghĩa là giúp đỡ từ bên cạnh, tức là bổ sung, giải thích rõ ràng hơn, phân tích và diễn giải cặn kẽ. Tuy nhiên, trong số đó cũng không tránh khỏi việc hậu nhân gán ghép miễn cưỡng hoặc mượn danh để biện bạch gượng ép.

Thập Dực gồm có:

Thoán Từ thượng, hạ: Thoán có nghĩa là phán đoán, đoán định ý nghĩa của một quái, còn gọi là quái từ.

Tượng Từ thượng, hạ: Tượng chỉ hình tượng của vạn vật, quy luật biến động, đồng thời miêu tả ý nghĩa từng hào, cũng gọi là hào từ.

Hệ Từ thượng, hạ: Từ nghĩa là gắn lời văn với quái, viết sau phần quái văn để giải thích tường tận, làm sáng tỏ hết tinh túy hàm ẩn trong đó. Giới học giả đều cho rằng đây là những lời giảng giải Kinh Dịch của Khổng Tử, do các môn đệ ghi chép lại.

Văn Ngôn: Cũng do môn đệ Khổng Tử ghi chép, là bài viết chuyên giải thích hai quái Càn và Khôn. Khổng Tử cho rằng Càn Khôn là cánh cửa của Kinh Dịch, nên không tiếc công sức trình bày chi tiết nghĩa lý.

Thuyết Quái: Chuyên nói về phương vị của Bát Quái, như Chấn ở Đông, Ly ở Nam, Tốn ở Tây, Khảm ở Bắc, chú trọng tới ngũ hành tương sinh tương khắc.

Tự Quái: Giải thích thứ tự xếp đặt của sáu mươi tư quái.

Tạp Quái: So sánh sự giống và khác nhau giữa các quái.

Trong Thập Dực, ba phần Thoán, Tượng, Hệ được xem là quan trọng nhất. Đặc biệt Hệ từ dung hợp triết lý học thuật, Thiên Đạo nhân văn, khiến cho giá trị của Chu Dịch được tôn sùng trên cả sáu kinh khác, đứng đầu trong sáu kinh. Còn ba phần Thuyết Quái, Tự Quái, Tạp Quái tương truyền rằng thời Hán do một người phụ nữ phát hiện tại một vùng ở Hà Nội, nên gọi là “Dật Dịch”, chủ yếu nói về lý tương sinh tương khắc và âm dương ngũ hành, hậu thế khó phân biệt thật giả.

Lời kết:

Từ thời hai triều Hán trở về sau, phái Âm Dương học phát triển, Đạo giáo (không phải Đạo gia) lưu truyền, lý thuyết ngũ hành tương sinh tương khắc, các loại bùa chú thịnh hành, chiêm bốc, bói toán đều mượn danh “Kinh Dịch” để tự tâng bốc, làm tăng giá trị bản thân. Vì thế, “Kinh Dịch” trở thành một công cụ mê tín thần bí khó hiểu, ngược lại đã mất đi địa vị và giá trị học thuật vốn có, khiến học trò xem đó là điều đáng sợ, ngại tiếp cận, do vậy càng ít người nghiên cứu. Nhưng càng ít người nghiên cứu thì càng thấy thần bí, càng thấy thần bí thì càng không ai dám đụng tới.

Về sau cũng có người vì thế mà sinh ra phản cảm, nên giữ thái độ trái ngược, cho rằng trong Luận Ngữ của Khổng Tử chưa từng dạy đệ tử học Dịch, mà chỉ coi trọng Thi và Lễ. Hơn nữa, trong bản Luận Ngữ cổ kinh văn được phát hiện từ vách tường nhà Khổng Tử vào thời Lỗ Cung Vương, cũng không có câu “Năm mươi tuổi học Dịch, có thể tránh được lỗi lầm lớn”, mà chỉ có câu: “Năm mươi tuổi học, có thể tránh được lỗi lớn”. Từ đó họ cho rằng nếu “Kinh Dịch” thực sự đứng đầu trong Lục Kinh, thì Khổng Tử và Mạnh Tử lẽ nào lại không hết lòng nhấn mạnh, dạy bảo đi dạy bảo lại? Ý tứ trong lời họ cho rằng “Kinh Dịch” không phải là chính thống của Nho gia. Nhưng nếu quả thực là như vậy, thì các thiên Hệ Từ, Văn Ngôn từ đâu mà có? Có thể thấy rằng lập luận kiểu này đã rơi vào thiên lệch và cực đoan. Huống chi văn từ trong Thoán Từ, Tượng Từ cổ kính, trang nhã, còn các đoạn văn biền ngẫu trong Hệ Từ có vần điệu, đối xứng, chính là khởi nguồn cho thơ, từ, phú, văn xuôi, văn biền về sau, điều này đương nhiên không thể hoàn toàn phủ nhận.

Từ việc Hà Đồ, Lạc Thư và Bát Quái lần lượt được phát hiện và xuất hiện dưới sự sắp đặt hữu ý của Thượng Thiên, có thể chứng minh rằng Kinh Dịch cũng là một phần của văn hóa Thần truyền thời Tam Đại (Hạ, Thương, Chu), điều này hầu như không có gì phải nghi ngờ. Từ trước thời Tây Hán, Đông Hán khi mà thuyết ngũ hành, âm dương, chiêm tinh, bói toán… bị pha trộn và lạm dụng, thì Kinh Dịch chính là Đại Đạo dùng để lập thân xử thế, tu dưỡng bản thân, quản trị người khác, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Nó hoàn toàn phù hợp và nhất quán với con đường nhân từ, khoan thứ của Nho gia, với lý thuyết Trung Dung, cũng như tinh thần ôn hòa, nhân hậu, khiêm cung, tiết kiệm và khiêm nhượng, không hề mâu thuẫn, hơn nữa còn hỗ trợ và kế thừa nhau, mạch lạc rất rõ ràng.

Hệ từ viết: “Sinh sinh chi vị Dịch,… Thiên địa chi đại đức viết sinh” (Sự sinh sôi nảy nở không ngừng gọi là Dịch,… Đức lớn nhất của trời đất là sinh). Trọng tâm của vũ trụ, trung tâm của trời đất, chính là nơi tồn tại của Dịch lý. “Kinh Dịch” trở thành phép tắc tối cao để diễn dịch các nguyên lý của vũ trụ và nhân sinh, là triết học luân lý về chính sự phù hợp nhất với quy luật tự nhiên. Nhân sĩ có trí thức cho rằng đây chính là nguồn gốc đạo đức truyền thống của văn hóa Trung Hoa, là nguồn gốc của toàn bộ học thuật trong Lục Kinh, điều này hoàn toàn không phải là lời nói quá. Từ việc nhỏ như tu thân lập đức của cá nhân, đến việc lớn như trị lý quốc gia ứng biến thế sự, hết thảy đều có thể nhận được sự gợi mở và chỉ dẫn từ Kinh Dịch. Tinh hoa Thần truyền của nền văn hóa đạo đức suốt năm nghìn năm tỏa sáng rực rỡ muôn đời, không thể vì sợ khó khăn mà dừng bước, cũng không thể bị xem thường vứt bỏ đi như đồ phế thải, để rồi lãng phí một cách đáng tiếc!

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/70300

Ban Biên Tập Chánh Kiến

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.

Loạt bài