Nguồn gốc của trà (Phần 10): Hai biệt danh của trà – thủy ách và lạc nô
Tác giả: Thạch Phương Hành
[ChanhKien.org]
Trong thời lưỡng Tấn Nam Bắc triều, Trung Quốc đang ở vào thời kỳ phân tranh hỗn loạn, mặc dù có một giai đoạn thống nhất ngắn ngủi của gia tộc Tư Mã trong triều đại Tây Tấn, nhưng do tạo ra chế độ phân đất phong hầu nên cuối cùng đã xuất hiện loạn Bát Vương, sức mạnh quốc gia bị suy giảm nghiêm trọng. Ngoại tộc xâm nhập, dẫn đến Ngũ Hồ loạn Hoa [1]. Triều đại Tây Tấn đã bị các bộ tộc ngoại bang tiêu diệt, cuộc “Y Quan Nam Độ” [2] cũng xảy ra vào thời gian này.
Kỳ thực nhìn toàn bộ lịch sử Trung Quốc từ bối cảnh thời không lớn, giai đoạn này cũng chính là thời kỳ đại loạn trước thời Đại trị [3].
“Ngũ Hồ loạn Hoa” đã mang đến những thảm họa to lớn cho bách tính Trung Nguyên, nhưng nó cũng thúc đẩy sự giao lưu giữa các dân tộc và sự phát triển nền văn minh ở các vùng dân tộc thiểu số. Cùng với đó, cuộc đối đầu thời Nam Bắc triều sau khi nhà Đông Tấn sụp đổ cũng đều là bước đệm cho sự thống nhất của nhà Tùy Đường.
Tại thời kỳ này, các tài liệu liên quan về trà đã tăng lên rất nhiều so với trước, nhưng do hạn chế về khuôn khổ bài viết nên không thể liệt kê hết, chỉ phân loại và liệt kê một số tài liệu sau:
Trong thời kỳ phân phong khi một số vị vương nổi loạn, Hán Huệ Đế đã chạy trốn ra ngoài, khi trở lại Lạc Dương, Hoàng Cung đã rót đầy trà vào bát gốm dâng mời ông uống. Điều này cho thấy trà đã trở thành đồ uống hàng ngày của hoàng gia vào thời Tây Tấn. Nó còn phổ biến hơn vào thời Tào Ngụy. (Vào thời Tào Ngụy không có văn bản nào nói về việc hoàng gia uống trà, nhưng ở nước Ngô và nước Thục đều có ghi chép hoặc truyền thuyết, điều này là do yếu tố vùng miền tạo nên).
Khi Tư Mã Duệ thành lập triều đại Đông Tấn, Tạ An đã từng dùng trà để chiêu đãi khách; Huân Văn cũng thường dùng trà để chiêu đãi khách trong các bữa tiệc. Do đó có thể kết luận rằng việc đãi khách bình thường bằng trà thời đó đã trở thành nghi lễ tiếp đãi thông thường. Đến thời kỳ Nam Bắc triều, ví dụ của Vương Túc đã chứng minh rằng việc uống trà đã phổ biến tại thời Nam triều (xem điển cố 2).
1. Hai biệt danh của trà: nguồn gốc của hai từ “thủy ách” và “lạc nô”
Điển cố 1: Vương Mông và “thủy ách”
Vương Mông là người triều đại nhà Tấn, làm đến chức quan Tư Đồ Trường Sửu, cuốn sách “Thế thuyết tân ngữ” viết: Ông đặc biệt thích trà, không chỉ một mình uống trà nhiều lần trong ngày mà khi có khách đến ông cũng nhất định phải mời khách uống cùng. Vào thời đó, hầu hết các sỹ đại phu không quen uống trà. Vì vậy, khi đến nhà Vương Mông, mọi người luôn có chút e ngại, mỗi lần trước khi đi, đều nói đùa rằng “hôm nay có thủy ách” (ý nói sẽ gặp tai ách về nước). (Nguyên văn: “Vương Mông thích uống trà, mọi người đến thì đều phải tuân lệnh mà uống, các sỹ đại phu đều lấy làm lo lắng, bất cứ khi nào muốn đi, tất sẽ nói ‘hôm nay có tai ách về nước'”.)
Điển cố 2: Vương Túc và “lạc nô”
Quyển 3 tập truyện “Lạc Dương Già Lam ký” của Dương Huyễn Chi thời Bắc Ngụy có ghi: “Vương Túc khi mới nhập quốc, không ăn những thứ như thịt cừu, sữa đặc, thường ăn canh cá diếc, uống nước trà. Các sĩ tử ở kinh thành nhìn thấy Túc uống một chén ra một chén (ý nói bài tiết ra), nên gọi tên là Lậu, sau đó vài năm, khi Túc diện kiến Cao Tổ lại ăn rất nhiều thịt cừu và sữa đặc. Cao Tổ thấy lạ hỏi Vương Túc: “Khanh thấy hương vị của Trung Quốc, thịt cừu so với canh cá thế nào, trà so với sữa đặc thế nào?” Túc đáp: “Cừu là loài giỏi nhất trên cạn, còn cá là thủ lĩnh của thủy tộc, vì khẩu vị của mỗi người khác nhau nên đánh giá món ăn ngon cũng khác nhau. Về hương vị món ăn mà nói, tất nhiên đều có ưu có khuyết, cừu giống như nước lớn Tề Lỗ, cá giống như nước nhỏ Chu Cử, còn trà thì không phải là nô lệ của sữa (lạc nô)”.
Bối cảnh và đại ý: Túc, tức Vương Túc, hiệu là Cung Ý, người ở Lang Tà (nay là Lâm Nghi, Sơn Đông), từng được bổ nhiệm chức quan phụ trách về sách và văn học trong Nam triều. Vì cha ông là Vương Hoán bị nước Tề giết hại, ông từ Kiến Khang (nay là Nam Kinh, Giang Tô) đến nương nhờ nước Ngụy (nay là Đại Đồng, Sơn Tây, là thủ phủ). Ngụy Hiếu Đế lập tức phong cho ông là “Trường sử đại tướng quân”, sau đó Vương Túc giúp Ngụy lập chiến công và được phong là “Trấn Nam tướng quân”. Vào thời Bắc Ngụy Tuyên Vũ Đế, ông từng giữ chức Tể tướng, nhiều lần được phong hầu ở huyện Xương Quốc, cuối cùng làm Thứ sử Dương Châu.
Khi Vương Túc ở Nam triều, ông thích uống trà, sau khi đến thời Bắc Ngụy, tuy không thay đổi sở thích ban đầu, nhưng ông cũng biết ăn các món ăn phương Bắc như thịt cừu và sữa. Khi có người hỏi “Uống trà có giống uống sữa không?”, ông nói rằng trà không thể làm nô lệ của sữa, ý là hương vị của trà không thua kém gì sữa.
Tuy nhiên, sau này người ta gọi trà là “lạc nô” (nô lệ của sữa), điều này đã làm đảo ngược hoàn toàn ý ban đầu của Vương Túc.
Có một câu chuyện nhỏ khác liên quan đến Vương Túc: Cấp Sự Trung [5] Lưu Cảo thời nhà Ngụy ngưỡng mộ phong cách uống trà của Vương Túc và hay bắt chước cách uống trà đó. Vương Hiệp người ở Bành Thành lúc đó rất phản đối và chế nhạo Lưu Cảo: “Khanh không thích Bát Trân [6] của giới vương hầu, chỉ thích “thủy ách” của giới thường dân”. Về sau càng ngày càng có nhiều người thích “thủy ách”.
II. Những ghi chép về công dụng kéo dài tuổi thọ của trà
1. Pháp Dao uống trà thay cơm
Trong “Thích Đạo Cai Thuyết Tục Danh Tăng truyện” viết: “Pháp Dao, một nhà sư thời Nam Tống, vốn họ Dương, người Hà Đông, vào thời Vĩnh Gia, khi quá giang tại chùa Vũ Khang Tiểu Sơn tự thì gặp Thẩm Đài Chân Thanh Chân Quân, tuổi đã rất cao, uống trà thay cơm. Vào năm Vĩnh Minh, Hoàng thượng ra lệnh cho quan sử Ngô Hưng long trọng mời ông vào kinh thành, lúc đó ông 79 tuổi”.
2. Thiền Đạo uống trà tô
Cuốn “Trà Kinh Thất Chi Sự” của Lục Vũ, phần “Nghệ thuật truyền” viết: “Thiền Đạo Khai người Đôn Hoàng, không sợ lạnh không sợ nóng, thường uống những viên đá lạnh nhỏ, thuốc mà ông uống có mùi của thông, quế, mật ong, thức uống duy nhất của ông là trà”.
Bối cảnh: Thiền Đạo Khai, họ Mạnh, người triều đại nhà Tấn. Ông thường ẩn dật, tu hành theo phương pháp tịch cốc, sau bảy năm, ông dần dần đạt được khả năng tự làm cho mình ấm vào mùa đông và mát vào mùa hè, ngày đêm không ngủ, có thể đi hơn 700 dặm một ngày. Sau đó, ông chuyển đến chùa Chiêu Đức ở huyện Lâm Chương, tỉnh Hà Nam, lập một thiền phòng để tọa thiền, uống trà để không buồn ngủ. Sau đó ông vào núi La Phù ở Quảng Đông và qua đời khi hơn một trăm tuổi.
Cái gọi là “trà tô” là một loại thức uống được pha từ trà và lá tía tô.
III. Những câu chuyện kỳ lạ liên quan đến trà:
1. Người đàn ông lông lá dẫn đường
“Tục Sưu Thần Ký” viết rằng: “Vào thời Tấn Vũ Đế, Tần Tinh người Tuyên Thành thường lên núi Vũ Xương hái trà. Có lần gặp một người đàn ông lông lá cao hơn một trượng, anh ta dẫn Tần Tinh đến chân núi, chỉ cho một khóm cây trà rồi mới rời đi, một lúc sau, anh ta quay lại, lấy từ trong ngực ra một quả cam đưa cho Tần Tinh. Tần Tinh hoảng sợ, vội vàng mang lá trà về nhà”.
2. Bà lão bán trà cứu tế
“Quảng Lăng Kỳ Lão Truyện” kể rằng: “Vào thời Tấn Nguyên Đế, có một bà lão mỗi sáng tự mình mang một bình trà ra chợ bán. Người trong chợ tranh nhau mua uống. Từ sáng đến tối, nước trà trong bình đó không vơi đi. Bà đã tặng số tiền kiếm được cho trẻ mồ côi, người nghèo và những người ăn xin bên vệ đường. Có người coi bà là kẻ tác oai tác quái, đã báo quan phủ trói bà lại và giam vào ngục. Đến đêm khuya, bà lão tay ôm bình bán trà bay ra khỏi cửa sổ nhà tù”.
IV. Thơ trà xuất hiện lần đầu
Một nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng: trước thời Đường ở Trung Quốc chưa có chữ “trà”, ký tự của nó viết là “荼”, vì vậy để khảo sát mối quan hệ giữa thơ và văn hóa trà, trước tiên chúng ta nên khảo sát và phân biệt chữ “đồ” (荼) trong các bài thơ thời kỳ đầu của Trung Quốc. Chữ “đồ” (荼) có thể được nhìn thấy trong tập thơ đầu tiên của Trung Quốc tên là “Kinh Thi”, nhưng gần một nghìn năm qua, đã có nhiều cuộc tranh luận không dứt về chữ “荼” trong “Kinh Thi” có phải chỉ trà hay không, tranh luận không dứt, đến nay mà vẫn chưa có ý kiến thống nhất. Việc này đành tạm gác sang một bên không bình luận. Sau “Kinh Thi”, trong “Nhạc phủ dân ca” và “Cổ thi” đời Hán không còn dấu vết của chữ “đồ” (荼), hiện tại có thể khẳng định là những bài thơ sớm nhất đề cập đến trà, theo cuốn “Trà Kinh” của Lục Vũ, có bốn bài thơ, tất cả đều là những tác phẩm sau thời nhà Hán, trước thời nhà Đường:
1. Bài “Đăng Thành Đô Lầu Thi” của Trương Tải: “Tá vấn Dương Tử xá, tưởng kiến Trường Khanh lư. Trình Trác lũy thiên kim, kiêu xỉ nghĩ ngũ hầu. Môn hữu liên kỵ khách, thúy đái yêu ngô câu. Đỉnh thực thi tùy thời tiếu, bách hòa diệu thả thù. Phi lâm thái thu quất, lâm giang câu xuân ngư. Hắc tử quá long hải, quả soạn du giải. Phương đồ quan lục thanh, dật vị bá cửu âu. Nhân sinh cẩu an lạc, tư thổ liêu khả ngu.” (Đại ý: Xin hỏi Dương Hùng [7] năm đó sống ở đâu? Nhà cũ trước đây của Tư Mã Tương Như ra sao? Ngày xưa, hai gia đình quyền quý là Trình Trịnh và Trác Vương Tôn kiêu ngạo xa hoa, có thể so sánh với gia đình của các vương hầu. Trước cửa nhà họ lúc nào cũng ngựa xe như nước, khách khứa tấp nập, với những dải băng xanh phất phơ trên eo lưng các cô gái, những thanh bảo kiếm bên hông các chàng trai. Trong nhà đầy những món sơn hào hải vị, hương vị độc đáo. Thực sự là những gia đình quyền quý, giàu có vô cùng! Nhìn ra ngoài tòa nhà, núi sông trù phú, mênh mông bát ngát. Vào mùa thu, mọi người vào rừng hái cam; Vào mùa xuân, mọi người đi câu cá bên sông. Quả mọng ngọt ngào, thịt cá mỡ màng. Trà thơm của Tứ Xuyên có thể coi là đệ nhất trong các loại đồ uống, hương vị của nó nổi tiếng khắp thiên hạ. Nếu cuộc sống là chỉ để tìm kiếm sự bình yên an lạc, thì Thành Đô vẫn là nơi để mọi người có thể tận hưởng.)
2. Bài “Xuất ca” của Tôn Sở: “Thù du xuất phương thụ điên, Lý ngư xuất Lạc thủy tuyền. Bạch diêm xuất Hà đông, Mỹ thi xuất Lỗ uyên. Khương quế đồ trà suyễn xuất Ba Thục, Tiêu quất mộc lan xuất cao sơn. Liễu Tô xuất câu cừ, Tinh bái xuất trung điền” (đại ý: Thù du sinh ra trên ngọn cây, cá chép sinh ra ở Lạc Thủy. Muối trắng đến từ Hà Đông, nước tương đến từ Lỗ Uyên. Gừng, quế, trà đến từ Ba Thục, hạt tiêu, cam, mộc lan đến từ núi cao. Cỏ mọc trong mương, lúa trời mọc trên ruộng.)
3. Bài “Kiều nữ thi” của Tả Tư thời Tây Tấn: “Ngô gia hữu kiều nữ, giảo giảo phả bạch tích. Tiểu tự vi hoàn tố, khẩu xỉ tự thanh lịch. Hữu thư tự huệ phương, mi mục xán như họa. Trì vụ tường viên lâm, quả hạ giai sinh trích. Tham hoa phong vũ trung, thốc hốt số bách thích. Tâm vi trà suyễn kịch, xuy hư đối đỉnh.” (Đại ý: Nhà tôi có một kiều nữ da trắng nõn nà. Biệt danh là lụa trắng, ăn nói rất hoạt bát. Chị ấy tên là Huệ Phương, dung mạo đẹp như tranh. Chạy nhảy vui chơi trong vườn, hái quả còn ương. Yêu hoa chẳng kể gió mưa, chạy vào chạy ra hơn trăm lần. Rất vui thích khi pha trà, nên giúp thổi lò để đun nước pha trà.)
4. “Tạp thi” của Vương Vi có bài “Thâu ẩm kim tựu giả” (Đại ý là: uống trà)
5. Ngoài bốn bài thơ này, thời nhà Tấn, tức là vào khoảng cuối thời Tây Tấn và đầu thời Đông Tấn, còn có một bài thơ quan trọng về trà, đó là “Trà phú” của Đỗ Dục.
“Trà phú” viết: “Linh sơn duy nhạc, Kỳ sản sở chung, quyết sinh trà thảo, Di cốc bị cương. Thừa phong nhưỡng chi tư nhuận, Thụ cam lâm chi tiêu giáng. Nguyệt duy sơ thu, Nông công thiểu hưu, Kết ngẫu đồng lữ, Thị thái thị cầu. Thủy tắc Mân phương chi chú, Ấp bỉ thanh lưu; Khí trạch đào giản, Xuất tự đông ngung; Chước chi dĩ bào, Thủ thức công lưu. Duy tư sơ thành, Mạt thành hoa phù, hoán như tích tuyết, diệp nhược xuân phu”. (Dịch nghĩa: Linh sơn chỉ có núi cao, tập trung nhiều sản vật kỳ lạ, ở đó mọc lên cây trà, khắp thung lũng và triền núi. Đất đai màu mỡ, được mưa trên trời tưới đẫm. Chỉ có tháng đầu thu, việc nhà nông nhàn rỗi, cùng nhau lên đường, nào là hái nào là tìm. Nước đổ vào vùng núi Mân Sơn, múc nước từ dòng nước trong xanh; chọn chiếc bình gốm, làm ở phía đông; rót vào bầu nậm, học phong cách của Công Lưu. Chỉ cái này mới thành, mạt trà chìm xuống tinh hoa nổi lên, rực rỡ như tuyết, như nét vẽ mùa xuân)
Qua những ví dụ ở trên, có thể thấy rằng nền tảng của văn hóa trà đã được hình thành từ thời kỳ Lưỡng Tấn và Nam Bắc triều. Nếu coi trà là một sinh mệnh thì trà lúc này đã bước vào thời kỳ thanh xuân, một sinh khí bừng bừng nổi lên trong lịch sử văn minh 5000 năm của Trung Quốc.
Chú thích:
[1] Ngũ Hồ loạn Hoa: Thời kỳ Trung Quốc bị các tộc người Hồ phương bắc xâm chiếm.
[2] Y Quan Nam Độ: Cuộc di cư quy mô lớn đầu tiên về phía nam của chính quyền Trung Nguyên thời nhà Tấn.
[3] Đại trị: Thời kỳ lập lại an ninh và trật tự, đất nước yên ổn kinh tế phồn vinh.
[4] Đẩu: đồ đựng rượu thời cổ.
[5] Cấp Sự Trung: Là một chức quan thời cổ với nhiệm vụ làm cận thần cố vấn cho vua trong những trường hợp đặc biệt.
[6] Bát Trân: là tên gọi chung của tám món ăn quý hiếm và cầu kỳ chỉ dành cho giới quý tộc cung đình, chủ yếu là các bậc vua chúa trước đây.
[7] Dương Hùng: Dương Hùng, tên tự là Tử Vân, người Thành Đô, Thục Quận, là nhà văn, nhà triết học cuối đời Tây Hán, đầu đời Tần. Ông được Tam tự kinh xếp vào nhóm Ngũ tử.
Ngày đăng: 15-04-2021
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.