Luân hồi ký sự: Đại Bằng triển chí



Tác giả: Tiểu Liên

[ChanhKien.org]

Mấy ngày trước, có một người chị nói với tôi rằng, khi chị ấy nhìn thấy tôi và một đồng tu nam đắc Pháp năm 2017 liền cảm thấy rất đỗi thân quen, trong lòng rất muốn đối đãi tốt với hai người chúng tôi. Chị ấy hỏi tôi nhân duyên trong chuyện này là gì. Sau đó, tôi đã nói sơ qua cho chị ấy về chuyện ấy như thế này.

Vào thời nhà Minh ở một vùng núi nọ thuộc tỉnh Chiết Giang, tôi và đồng tu nam kia là hai anh em ruột. Lúc hai anh em tôi còn là thiếu niên, ba mẹ đều đã sớm qua đời, khi ấy anh trai 14 tuổi và em trai 12 tuổi (là tôi) cùng nhau mưu sinh bằng việc bán dầu. Một ngày nọ, thời tiết rất oi bức, không hiểu vì sao chúng tôi đã bị lạc đường nên đi đến một chân núi nọ, ở đó có hai gian nhà tranh. Cả hai anh em khi ấy đều đang rất khát nước nên đã tiến đến xin nước uống. Một phụ nữ trung tuổi mời chúng tôi vào nhà, rót cho hai anh em hai gáo nước uống. Uống xong, hai anh em ngồi trước cửa nhà nghỉ chân một lát, tiện thể nói vài câu chuyện với vị phu nhân đó. Thì ra phu nhân chỉ có một mình, thị lực của bà cũng không được tốt cho lắm, gia cảnh rất thanh bần, chồng và con đều đã qua đời. Hai anh em chúng tôi thấy hoàn cảnh của bà thật bất hạnh nên đã đem tất cả chỗ dầu còn lại cho bà hết, sau này chỉ cần mỗi lần bán dầu còn dư chút nào chúng tôi đều gửi đến cho bà mà không tính tiền. Về sau, phu nhân thấy hai người chúng tôi không có nơi nương tựa, cũng chẳng có ai đỡ đần nên đã xem chúng tôi như con ruột. Thiện niệm này vừa xuất ra thì đôi mắt bà bỗng sáng rõ hơn so với trước, tuy không được như người bình thường nhưng những công việc đơn giản trong điều kiện ánh sáng tốt bà vẫn làm được một cách không mấy khó khăn. Từ đó, ba người chúng tôi sống nương tựa vào nhau như người nhà. Vì có tiền duyên như vậy, thế nên trong đời này khi nhìn thấy tôi và đồng tu đắc Pháp năm 2017 kia, người chị ấy mới có cảm giác thân thuộc đến thế. Đương nhiên đây chỉ là duyên phận thể hiện trong một đời trước đây mà thôi, còn rất nhiều các đời khác nữa, nhưng vì bài viết có hạn nên tôi không nói rõ ở đây.

Nói về vị đồng tu nam, cũng chính là người anh trai này, mặc dù đắc Pháp muộn nhưng ngộ tính rất tốt, dưới các dạng áp lực khác nhau anh vẫn biểu hiện ra rất kiên định. Từ điểm này mà xét thì thật đáng trân quý.

Nhân đây, tôi sẽ nói về duyên phận trước đây của anh ấy, xin được gửi đến tất cả các đồng tu mới đắc Pháp gần đây, hy vọng mọi người có thể cùng nhau làm tốt hơn nữa.

Rất nhiều độc giả hẳn đều có chút hiểu biết về tác phẩm “Tiêu dao du” của Trang Tử thời Xuân Thu Chiến Quốc, trong tác phẩm này Trang Tử có nhắc đến một loài chim có tên Côn Bằng (loài cá lớn và loài chim lớn trong truyền thuyết thời xưa, cũng chỉ loài đại bàng do loài cá Côn hoá thành). Kỳ thực, Trang Tử là một vị giác giả của Đạo gia đã tu hành đắc đạo, có thể thấu hiểu được sự tình trong một tầng thứ nhất định. Trong tác phẩm của mình, Trang Tử có nhắc đến rất nhiều sự vật mà người thường khó có thể lý giải được, thực ra đây đều là những điều tồn tại chân thực. Bài viết này sẽ nói về những sự tình có liên quan đến Côn Bằng.

Trong một tầng thứ nhất định, vị nam đồng tu này triển hiện ra trạng thái của Côn Bằng, trên thiên giới, Côn Bằng cũng là một loại Thần Điểu triển hiện sự uy nghiêm mỹ lệ của sinh mệnh. Đôi cánh của Côn Bằng không những rất lớn mà sức mạnh cũng rất đỗi kinh ngạc, Côn Bằng chính là Thần Điểu hộ Pháp của Pháp Vương trong tầng thứ này, thường xuyên tuần tra hoàn vũ (Pháp Vương ở đây là một cách xưng hô chung, nó bao gồm cả chủ thể cao nhất tại một tầng thứ nào đó của Đạo gia). Màu lông của Côn Bằng rất đa dạng, có loại có tám màu, năm màu, ba màu, còn có loại màu xám, v.v… Kỳ thực trên thiên giới, các màu sắc khác nhau có thể chuyển đổi cho nhau. Đương nhiên loài Côn Bằng cũng có Vương, trên đỉnh đầu của Côn Bằng Vương sẽ có một chiếc miện để làm biểu tượng, màu lông của Vương sẽ càng thêm diễm lệ và đa sắc hơn so với các Côn Bằng bình thường khác.

Trải qua năm tháng lâu dài, Pháp Vương nơi này phát hiện ra màu lông của Côn Bằng không còn diễm lệ như trước nữa, ngài biết rằng tầng thứ này nhất định đã xuất sinh biến dị, vì vậy ngài tỏ ra rất buồn, hơn nữa năm tháng càng dài lâu thì bộ phận biến dị trong tầng thứ này xuất hiện ngày càng nhiều. Vì sự tình này mà trong đôi mắt của Pháp Vương, Côn Bằng, cùng chúng Thần nơi đây đều xuất hiện những dòng lệ đau buồn và vô vọng.

Đối với Pháp Vương và Hộ Pháp mà nói, họ có thể vì chúng sinh mà xả tận tất cả. Nhưng khi họ phát hiện ra rằng dù cho có xả tận tất cả đi chăng nữa thì vẫn không thể thay đổi được thế cục càn khôn, điều này đối với Thần mà nói là một việc vô cùng bi thương và thống khổ, bởi vì Thần là từ bi vô hạn.

Vào đúng lúc này, người sáng tạo ra vô lượng đại khung – Sáng Thế Chủ xuất hiện, nói với họ tất cả nguyên nhân của các vấn đề sở tại, đồng thời hy vọng họ có thể cùng Ngài đi xuống, tái tạo hoàn vũ, cứu độ chúng sinh trong đại khung.

Pháp Vương, Côn Bằng cùng chúng Thần có mặt lúc này lại một lần nữa rơi lệ, bởi vì họ biết rằng lần này đã có hy vọng đắc cứu, đặc biệt là đối với chúng sinh trong cảnh giới đó mà nói thì càng là như vậy.

Vì thế Pháp Vương và Côn Bằng không chút do dự đã cùng Sáng Thế Chủ ký thệ ước, cùng Ngài hạ thế. Sáng Thế Chủ mỉm cười nhìn Đại Bằng nói: “Con có thể bay rất cao, rất xa, chí hướng cũng rất to lớn. Tương lai khi hạ thế con cũng cần triển hiện chí hướng này ra nhé”. Đại Bằng quỳ xuống trước mặt Sáng Thế Chủ và vô lượng chúng Thần tại đó mà đáp: “Thưa vâng!” Lời này vừa xuất ra, từ trời cao xuất hiện một cơn mưa hoa, chúng Thần xem thấy đều vô cùng cảm phục!

Những sự tình trong các tầng thứ khác nhau tại thiên giới của Đại Bằng chúng ta không nói nữa, chỉ nói đến quá trình của Đại Bằng trên địa cầu mà thôi.

Tại cổ Hy Lạp có một tác gia nổi tiếng tên là Platon, trong hai tác phẩm nổi tiếng Timaeus và Critias của ông có nhắc đến một nơi tên là Đại Tây Châu, nơi đây đã từng là trung tâm của nền văn minh toàn thế giới. Đại Tây Châu từng có một hạm đội hùng hậu, chinh phục toàn bộ châu Âu và thống trị một phần châu Á và cổ Ai Cập. Rất nhiều dân tộc trên thế giới ngày hôm nay vẫn lưu truyền thần thoại về Atlantis (Đại Tây Châu), thậm chí đến cả một số loài động vật vẫn còn ký ức về điều này. (Trích từ cuốn “Lịch sử thế giới 5000 năm” của nhà xuất bản mỹ thuật Thiên Tân năm 2006).

Nhà sáng lập Pháp Luân Công, ngài Lý Hồng Chí trong “Giảng Pháp tại Pháp hội Mỹ Quốc [1999] – Giảng Pháp tại thành phố New York” đã đề cập đến:

“Còn văn hóa người da trắng sau khi toàn bộ bị trận đại hồng thủy kia tràn ngập, thì không còn gì cả. Thời ấy ở rìa đại lục Châu Âu còn một khối đại lục nữa, cũng bị chìm xuống. Đó là nơi phát triển nhất của họ cũng bị chìm xuống”.

Sự tình của Đại Tây Châu thực sự có tồn tại, từ thời điểm khởi thủy ban đầu, nền văn minh này đã rất xem trọng sự câu thông giữa con người và vũ trụ, mặc dù nó đi theo phương thức lấy khoa học kỹ thuật làm chủ đạo nhưng vẫn rất coi trọng việc hoàn thiện đạo đức. Mặc dù Atlantis đã không đem đạo đức và sự phát triển văn minh kết nối với nhau, nhưng từ khi bắt đầu nó đều rất xem trọng những phương diện này. Tuổi thọ của con người khi đó rất cao, con người sống đến 100 tuổi vẫn được xem như còn đang trong độ tuổi thanh niên.

Vào trung kỳ của nền văn minh Atlantis, vị Pháp Vương hạ thế cùng Đại Bằng có chuyển sinh đến nơi này và sau đó trở thành quốc sư (cũng có thể gọi là Tế Tư, hay dùng ngôn ngữ trong phim ảnh Hàn Quốc thì gọi là Thần nữ). Vị quốc sư này đã có tác động rất lớn đến việc ổn định và bảo vệ nền tảng đạo đức của nền văn minh ấy.

Nền văn minh Atlantis thuộc về văn minh trên biển, nên phương diện tàu thuyền của nó vô cùng phát triển. Trong thời điểm ấy, Đại Bằng chuyển sinh thành “chuyên gia cao cấp” trong lĩnh vực đóng thuyền (danh từ hiện đại) hoặc có thể gọi là thành viên của đội chuyên gia đóng thuyền cao cấp.

Kỳ thực nghề đóng thuyền hay các ngành nghề khác cũng vậy, mặc dù trên địa cầu biểu hiện của nó chỉ như một loại ngành nghề rất đỗi bình thường nhưng thực tế thì trên thiên thượng đều có những quan hệ đối ứng của nó. Bởi vì trong các cảnh giới đều có lục địa và biển, hơn nữa các sinh mệnh trong các cảnh giới khác cũng có thể bay mà không dùng đến phương tiện giao thông nhưng vào rất nhiều lúc vẫn có sự xuất hiện của những phương tiện giao thông phi cơ giới. Những công cụ này triển hiện ra không mang tính thực dụng và giá trị phương tiện như ở nhân gian con người, mà mục đích của nó là để triển hiện ra sự phong phú trong sự tồn tại của sinh mệnh trong tầng thứ đó.

Trong cảnh giới khác nhau cũng có thuyền, chỉ là không có thuyền hình thức sắt thép như ca-nô. Thuyền trên trời vô cùng mỹ lệ, hơn nữa bản thân thuyền cũng là Thần, có thể tùy ý biến hóa. Trên một ý nghĩa nào đó có thể nói đây là một loại pháp khí của Thần.

Một lần nọ, nữ quốc sư nhìn thấy được thuyền của họ trong một lần xuất hành ra biển sẽ gặp nạn và Đại Bằng sẽ phải hy sinh. Nữ quốc sư đem chuyện sắp xảy ra nói với Đại Bằng. Đại Bằng cũng vô cùng lo lắng, hỏi quốc sư nên làm như thế nào. Sau khi suy nghĩ kỹ lưỡng, nữ quốc sư nói với Đại Bằng: “Thọ mệnh của ngươi ở nơi này đã tận. Ngươi có thể đi đến một khu vực có hải vực sâu hơn, tại đó còn có một đoạn duyên phận cần phải giải quyết. Vào tương lai khi Sáng Thế Chủ đến nhân gian hồng truyền Đại Pháp chúng ta còn có thể gặp lại”. Lời này của nữ quốc sư khiến cho Đại Bằng vừa đau lòng vừa cảm thấy tràn đầy hy vọng.

Trong quá trình đoàn thủy thủ ra biển, lúc đầu cũng xem như khá là thuận buồm xuôi gió, về sau xuất hiện những phi thuyền không xác định, loại phi thuyền này phi lên từ mặt biển, bay lượn trên bầu trời, sau đó lại lao xuống dưới biển. Nếu dùng ngôn ngữ hiện đại để nói thì chỉ có thể gọi chúng bằng cái tên “động cơ phi hành”.

Khi loại phi thuyền này bay lượn xung quanh hạm đội, thì hệ thống dẫn đường của hạm đội liền không hoạt động, sau đó trên mặt biển xuất hiện một xoáy nước khổng lồ, cả hạm đội đều bị xoáy nước hút vào bên trong. Sau này Đại Bằng mới biết được rằng đây là phương thức mà một chủng người sinh sống dưới đáy biển nào đó dùng để đưa cả hạm đội của anh đến chỗ của họ.

Những thủy thủ đoàn trên thuyền, người hết thọ mệnh thì phải chôn xác trong bụng cá, người chưa hết thọ mệnh thì bám được vào một vật gì đó nên được thoát nạn; có người cực kỳ cá biệt có duyên phận với chủng người dưới đáy biển này thì đã thấy được nền văn minh dưới đáy biển của họ.

Trong lúc bị chủng người này kéo đi, đột nhiên Đại Bằng nhớ lại lời dặn dò của nữ quốc sư trước lúc từ biệt. Không chỉ có vậy, nơi đáy biển thâm sâu này lại bỗng nhiên hiện lên hình tượng của nữ quốc sư, điều này dường như đang cấp thêm dũng khí và hy vọng cho Đại Bằng vậy.

Khi Đại Bằng đến đáy biển, tại đây có một nhóm người giống như lính gác cổng (họ so với người Atlantis thì có chút khác biệt) mặc lên cho anh một bộ y phục có mặt nạ thở trông giống như bộ đồ bảo hộ của y sĩ ngày nay. Trong nhóm này, có một người mặt mũi trông giống như người trên mặt đất đưa tay đẩy ra một cánh cửa lớn. Đại Bằng nhìn vào bên trong mới phát hiện ra rằng hóa ra tại đây cũng có hoa cỏ, cây cối cùng các loại động vật khác, còn có rất nhiều chủng loài mà trước đây anh chưa từng biết đến.

Đại Bằng lấy hết dũng khí cùng đám người này đi vào bên trong. Một người trong số họ không biết đã quay sang nói với người bên cạnh điều gì, Đại Bằng nghe không hiểu câu nào. Một lúc sau, nhóm người dẫn anh tới một tòa cung điện lớn, nó so với cung điện của người Atlantis thì còn nguy nga tráng lệ hơn gấp nhiều lần, nơi đây còn có một quốc vương đầu đội vương miện đang ngồi tại đó.

Quốc vương quay sang nói với người bên cạnh dường như là quốc sư tại đây, quốc sư hiểu ý khẽ gật đầu rồi bước tới gần Đại Bằng dùng lời mà anh có thể nghe hiểu được nói: “Chúng tôi vốn dĩ là nhân loại sinh sống tại đại lục phía nam trên địa cầu và đã sáng tạo nên một nền văn minh huy hoàng tại nơi đó. Sau này do đạo đức trở nên bại hoại cùng với việc bị nền văn minh ngoài địa cầu tấn công nên chúng tôi đã bị dồn xuống tận đáy biển. Tại đây chúng tôi rút ra bài học trong quá khứ, phương diện đạo đức được chú trọng hơn, khi phương diện khoa học kỹ thuật phát triển, chúng tôi cũng tuyệt nhiên không gây chiến với các nền văn minh khác, bởi vì chúng tôi biết rõ rằng giả như có chiến thắng thì bản thân cũng phải nhận sự tổn thất rất lớn. Nếu như chúng tôi còn có cơ hội trở lại mặt đất sinh tồn hoặc chuyển sinh thì chúng tôi vẫn muốn quay lại bề mặt địa cầu. Vì trước đây anh đã từng chuyển sinh đến thế giới của chúng tôi và có đóng góp rất lớn, hơn nữa quốc vương của chúng tôi biết rằng trong tương lai anh sẽ nhận được sự truyền thụ trực tiếp của Sáng Thế Chủ nên chúng tôi đã tìm anh đến và muốn nhắn nhủ với anh rằng: nếu như trong tương lai anh thực sự nhận được sự truyền thụ trực tiếp của Sáng Thế Chủ thì anh nhất định phải nói với chúng tôi một tiếng, hoặc là trực tiếp cứu độ chúng tôi”. Khi nghe xong những lời này của quốc sư, Đại Bằng càng hiểu rõ hơn về lời dặn dò của nữ quốc sư khi xưa, anh thầm nhủ trong lòng rằng sau này nếu nhận được sự truyền thụ trực tiếp của Sáng Thế Chủ thì nhất định phải thực hiện mọi việc cho thật tốt.

Về sau, Đại Bằng được quốc vương nơi này giữ lại và đối đãi rất tốt, mãi cho đến khi thọ mệnh trong kiếp đó của anh kết thúc. Vào trước lúc lâm chung, quốc vương lại thông qua quốc sư mà dặn dò Đại Bằng một lần nữa: “Nếu như trong tương lai anh có nhận được sự truyền thụ trực tiếp từ Sáng Thế Chủ thì nhất định đừng quên chúng tôi nhé”. Tất cả những điều này đều là duyên phận được kết thành từ “thuyền duyên” (nhân duyên có liên quan đến những con thuyền).

Trong thời điểm khởi đầu của nền văn minh lần này, Đại Bằng đã nhiều lần chuyển sinh thành người có năng lực trị quốc, vào thời kỳ Đường Tống anh từng chuyển sinh thành một văn nhân nổi tiếng, có mối quan hệ mật thiết với Bạch Cư Dị và Tô Đông Pha. Vào thời kỳ nhà Nguyên, anh chuyển sinh vào một khu vực ở Trung Á. Vào cuối thời nhà Minh đầu thời nhà Thanh, anh chuyển sinh thành một tài tử. Những danh nhân trong lịch sử trong lần văn minh lần này mà Đại Bằng đã từng chuyển sinh qua tại đây xin phép không nhắc rõ tên, để tránh việc độc giả suy nghĩ vẩn vơ, ảnh hưởng đến bản thân độc giả.

Trong đời này, Đại Bằng cũng có mối quan hệ không thể tách rời với những con thuyền, mặc dù đắc Pháp khá muộn nhưng vô cùng nỗ lực tinh tấn. Hy vọng rằng anh ấy còn có thể làm tốt hơn nữa.

Nữ quốc sư của Atlantis khi xưa trong đời này đã chuyển sinh thành một cô gái, Đại Bằng khi gặp được cô ấy lần đầu thì đúng là đã trúng “tiếng sét ái tình”. Sau một hồi cân nhắc và lựa chọn, cô gái đã quyết định vào cuối tháng 5 năm nay sẽ cùng Đại Bằng làm lễ cưới. Tại đây cũng xin được chúc phúc cho cô dâu chú rể!

Đây chính là:

Đại Bằng triển chí kết Pháp duyên
Tiếp thụ chúc thác tại sử tiền
Kim triều đắc Pháp tuy đoản tạm
Nỗ lực tinh tấn đoái thế ngôn!

Tạm dịch:

Đại bằng triển chí kết Pháp duyên
Tiếp nhận lời ký thác từ tiền sử
Đời này tuy đắc Pháp muộn
Nhưng vẫn nỗ lực tinh tấn đoái hiện thệ ước!

Chú thích:

Vài ngày trước một người anh cùng quê có cùng tôi bàn luận về chủ đề văn minh tiền sử và người ngoài hành tinh, hy vọng tôi có thể viết một chút về đề tài này. Tôi có nói với anh ấy rằng chủ đề này hiện nay không thể viết nhiều, bởi vì thời kỳ này là thời điểm rất phức tạp, nếu làm không tốt sẽ tạo thành can nhiễu hoặc ảnh hưởng không tốt đến nhân loại. Trong bài viết của mình, khi nhân vật chính có liên quan đến sự tình trên phương diện này tôi mới thuận bút viết ra một số điều đơn giản như vậy thôi.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/267439



Ngày đăng: 28-07-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.