Chân trời tìm Pháp: Vùng đất đen thuần phác



Tác giả: Thạch Phương Hành

 

[ChanhKien.org] Bài viết này kể về câu chuyện kiếm tìm Pháp xảy ra ở đồng bằng Tùng Nộn, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc.

Trước những năm 1950, đồng bằng Tùng Nộn vốn rất ít người. Người già kể rằng thời ấy là thời “thả ngựa chiếm đất hoang”, nghĩa là ai muốn sở hữu một mảnh đất ở đây chỉ cần thả cho ngựa chạy, ngựa chạy đến đâu thì vùng đất tính từ điểm xuất phát tới nơi ngựa dừng đều thuộc về người đó.

Vào thời ấy, ở đây người ta đốt cỏ dại, chặt cây để trồng hoa màu. Vì đất tốt nên mùa màng cũng bội thu, cho nên về sau nơi này trở thành trung tâm trao đổi hàng hóa lương thực nổi tiếng. Những việc ấy không nói chi tiết nữa.

Chúng ta hãy kể về câu chuyện tìm Pháp ở nơi này vào cuối triều đại nhà Thanh.

Mặc dù không phải chị em ruột, nhưng Lý Ngọc và Trương Lan (hóa danh) còn thân nhau hơn cả chị em. Hai người từ nhỏ đã lớn lên cùng nhau, đến khi tới tuổi gả chồng, cha mẹ cả hai đều đã tìm được cho con gái mình một vị lang quân như ý. Chẳng ngờ đúng thời điểm ấy, Trương Lan đột nhiên đổ bệnh, cha mẹ cô tìm rất nhiều thầy thuốc đến khám nhưng cô vẫn không qua khỏi. Và thế là Trương Lan ra đi trước.

Cái chết của Trương Lan làm Lý Ngọc đau buồn khôn nguôi, khiến cô cũng chẳng còn tâm trạng kết hôn nữa. Hầu như ngày nào Lý Ngọc cũng đến mộ Trương Lan khóc lóc thống khổ, có khi cô khóc vì Trương Lan còn trẻ mà đã qua đời, có lúc cô khóc vì mình không có bạn tri kỷ, và đôi khi cô khóc vì những điều bất bình mình gặp phải trong cuộc sống.

Một ngày nọ, khi cô đang một mình than khóc, trời bỗng đổ mưa phùn và không lâu sau một chiếc cầu vồng xuất hiện trong không trung. Cô vô tình ngước nhìn lên bầu trời, phát hiện trong chiếc cầu vồng dường như có một nàng tiên đang mỉm cười nhìn cô. Cô vô cùng kinh ngạc, lại dụi dụi mắt, vô tình cúi đầu nhìn xuống, cô sửng sốt thấy Trương Lan sao lại bình yên vô sự đứng ở đó! Cô sợ quá vội vàng quay đầu chạy về nhà. Nhưng Trương Lan dường như còn chạy nhanh hơn cô, thoắt cái đã đứng ngay trước mặt cô, giữ lấy tay không cho cô chạy, cô thấy thế càng sợ hãi hơn, lập tức lăn ra bất tỉnh.

Khi tỉnh dậy, cô thấy một người phụ nữ trung niên mặt mũi phúc hậu đang bón nước cho cô. Người phụ nữ thấy cô đã tỉnh, liền quay lại trách Trương Lan: “Xem xem cô đã dọa Lý Ngọc sợ đến nông nỗi này, đều là do cô đó!” Trương Lan cũng bước đến mỉm cười nhận lỗi. Đến lúc này, Lý Ngọc mới thực sự tin là Trương Lan vẫn chưa chết. Sau đó liền hỏi: “Trương Lan, chị chẳng phải đã chết rồi sao? Sao có thể sống lại được?” Trương Lan nói: “Lúc đó chị quả thật đã chết rồi, người nhà đã đem đi mai táng, nhưng sau đó chị lại tỉnh lại, may mắn gặp nữ sư phụ đây đi ngang qua, đã mở nắp quan tài cứu sống chị”.

Nữ sư phụ nói: “Thực ra Trương Lan và chàng trai đó không có duyên phận vợ chồng; con cũng vậy (không có duyên phận với vị hôn phu mà cha mẹ đã chọn). Kiếp này các con có duyên với ta, vậy nên ta mới dùng cách này để tìm ra các con, không biết các con có nguyện ý cùng ta tu hành hay không?”

Lý Ngọc chợt nghĩ con người sống trên đời quả thực quá nhiều thống khổ, có thể gặp được một vị sư phụ hiểu biết về tu luyện quả là không hề dễ dàng, vậy nên cô đáp: “Con đồng ý”. Trương Lan cũng nói vậy đương nhiên rất tốt.

Thế là hai người cùng theo sư phụ tu hành, để gia đình Lý Ngọc không tìm cô nữa, sư phụ dùng Chướng nhãn pháp (thuật che mắt) tìm một đồ vật biến nó thành hình dạng Lý Ngọc nằm trước mộ Trương Lan, khi người nhà Lý Ngọc tìm ra cô thì phát hiện cô đã chết rồi, họ bèn mang đi chôn. Mặc dầu gia quyến cũng rất đau lòng, nhưng sự tình đã đến nước này họ cũng chẳng còn cách nào.

Tiếp đó, sư phụ giúp hai cô gái cải trang sao cho người khác không thể nhận ra, để họ có thể đi lại trên đại bình nguyên Tùng Nộn.

Mỗi khi đi qua các con sông khác nhau, sư phụ đều cho họ hay: Thực ra các con sông này đều được những vị Thần sông khác nhau cai quản, mọi chuyện xảy ra trên sông đều đã được an bài chu toàn rồi, nó cũng có liên quan trực tiếp tới đức hạnh của người dân sống quanh đó. Người dân đức hạnh tốt thì sản vật dưới sông hay dưới đầm sẽ nhiều, không chỉ nhiều mà còn lớn; còn người dân đức hạnh kém thì sản vật tự nhiên cũng sẽ ít đi, thậm chí chẳng còn gì.

Một ngày nọ, khi ba thầy trò đi đến khu vực mà ngày nay là huyện Lan Tây, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc, trời bỗng đổ mưa như trút nước, vừa hay họ nhìn thấy có nhà dân bèn ghé vào trú mưa, lúc này trong gia đình có người đang trở dạ, họ liền đến giúp một tay, đứa trẻ bình an chào đời. Chủ nhà rất cảm kích, liền mời họ ở lại thêm vài ngày. Mấy hôm sau, đang lúc họ chuẩn bị rời đi thì có một người hành khất đến xin ăn, chủ nhà cũng mang cơm ra bố thí. Người này nhận cơm, ngẩng đầu lên trông thấy ba người họ liền mỉm cười: “Ra là mấy người ở đây!” Nữ sư phụ nhìn kỹ, cảm giác như chưa từng gặp người này, bèn nói: “Chúng tôi có biết anh đâu?” Người hành khất không trực tiếp trả lời vị sư phụ, cầm bát xin cơm lên nói: “Các vị đi theo ta sẽ rõ”.

Người hành khất dẫn ba sư đồ tới chỗ vắng vẻ không người mới đặt bát xin ăn xuống và nói: “Các vị là người tu hành, tôi cũng vậy, chỉ là phương thức tu luyện của chúng ta khác nhau. Tuy nhiên có một chuyện tôi phải nói cho các vị, tổ sư của môn phái chúng tôi đã từng cảnh báo với chúng tôi rằng: Phương pháp tu luyện mà chúng ta biết hiện nay, vô luận là tu tốt đến mức nào, đều không thể thực sự quay về, vậy nên chúng ta phải từ từ tìm cho ra một loại phương pháp tu luyện hoàn toàn mới tại cõi người. Nghe nói rằng phương pháp này không lâu nữa sẽ được truyền ra tại nhân gian, hơn nữa nơi truyền ra cũng cách đây không xa”.

Nữ sư phụ vừa nghe tới đây liền sốt sắng hỏi: “Vậy tổ sư của các vị có nói rằng phương pháp tu luyện hoàn toàn mới này có đặc điểm gì không?” Người ăn xin trả lời: “Tôi còn nhớ tổ sư hình như có nói một câu “Công Chủ Trường Tồn”, tôi cũng không hiểu là ý nghĩa gì. Dẫu sao cũng nói rằng địa điểm cách đây không xa lắm.

Trương Lan hỏi thêm: “Vậy tổ sư của tiên sinh có nói đi về hướng nào không?” “Hình như đi về hướng nam không xa, có liên quan đến chữ Hắc” người hành khất nói.

Về hướng nam không xa, lại có liên quan tới chữ Hắc. Sư phụ chậm rãi suy nghĩ, một lúc sau nói: “Có thể là nói về một ngọn núi được gọi là Đại Hắc Sơn. Tại đó có một nơi gọi là Trường Xuân, cách đó không xa có một nơi gọi là Công Chủ Lĩnh, ý của câu “Công chủ trường tồn” mà sư tổ của tiên sinh đã nói cũng có thể là nơi đó. Nhưng nếu tên địa danh này là đúng, vậy thì giữa hai nơi ‘Công Chủ’ (Công Chủ Lĩnh) và ‘Trường Tồn’ (Trường Xuân) còn có quan hệ đặc biệt gì đây?” Nghe nữ sư phụ nói vậy, mọi người vốn tưởng đã tìm được chút manh mối lại cảm thấy mờ mịt.

Lý Ngọc nói: “Đã nghĩ không ra nguyên do thì mọi người đừng nghĩ nhiều nữa, từ giờ về sau lưu tâm đến việc này nhiều hơn là được rồi. Trước mắt chúng ta cần làm gì đây?” Nữ sư phụ nghĩ một lúc rồi nói: “Chúng ta vẫn đi vân du tại bình nguyên này như trước, xem thế nhân có người cần giúp thì ra tay giúp đỡ, xin được một chút đồ ăn rồi chúng ta lại đi tiếp, tại hoàn cảnh này mà ma luyện ý chí của mình, bất kể đời này ra sao cũng không quan trọng, then chốt là chúng ta dù chịu bao nhiêu khổ cực cũng phải đợi được đến khi vị Giác giả ấy truyền Pháp!”

Mọi người nghe xong cảm thấy có đạo lý, bèn đồng ý với an bài của nữ sư phụ. Người hành khất nói mình cần tuân theo phương pháp tu luyện của bản thân mình, nên chia tay với họ, còn nói sau này nếu có duyên sẽ gặp lại.

Trong quá trình vân du về sau, nữ sư phụ đã dẫn dắt hai đệ tử trải qua rất nhiều sự việc, còn gặp gia đình nhà giàu rắp tâm dùng món tiền lớn dụ dỗ họ, những việc này đều không khiến họ chùn bước trên con đường tu luyện. Có khi gặp phải bọn cướp, họ cũng không sợ hãi, dưới sự bảo hộ của Thần, mọi việc đều chuyển nguy thành an.

Sau này khi đi đến bờ sông Tùng Hoa, họ ngắm nhìn mặt sông mỹ lệ, vô cùng cảm khái. Nữ sư phụ nói: “Thực ra đời này chúng ta gặp nhau cũng là để tương lai có thể cùng nhau tìm được pháp môn tu luyện cho phép con người thực sự đắc độ”. Rồi bà quay đầu lại hỏi Trương Lan và Lý Ngọc: “Đời này, các con vì theo ta mà không tìm được người tốt để thành gia lập thất, các con không hối hận chứ?” Trương Lan và Lý Ngọc đều nói: “Chúng con không hối hận. Chính nhờ đi theo sư phụ mới biết rằng Đại Pháp có thể khiến sinh mệnh thực sự quay về tương lai sẽ được truyền xuất ra nhân gian tại một nơi cách đây không xa. Qua bao nhiêu năm vân du tu hành này, chúng con đã hiểu ra trên thế gian không có gì quan trọng và đáng trân quý hơn việc thực sự quay về nhà”.

Nói xong, thân thể của ba sư đồ bay lên không trung, trầm xuống sông Tùng Hoa hóa thành nước (hòa tan vào nước) mà rời đi. (Một hình thức triển hiện thành quả tu luyện của họ sau nhiều năm tu hành).

Sau này, vì ba sư đồ lúc nào cũng nhớ đến tương lai tại nơi này sẽ có Đại Pháp chân chính giúp sinh mệnh quay về được truyền xuất, vậy nên họ lại chuyển sinh ở đây (đồng bằng Tùng Hoa), lần này ba người chuyển sinh thành ba nam nhân, vị nữ sư phụ chuyển sinh thành người thợ rèn, Trương Lan và Lý Ngọc chuyển sinh thành hai cậu thanh niên học việc. Khi ấy nơi này đang lúc chiến tranh loạn lạc, nghề thợ rèn làm ăn lúc được lúc không, họ cũng gặp một vài người trông dáng vẻ như người tu hành, bèn hỏi xem có ai biết về việc ở Trường Xuân và Công Chủ Lĩnh có người truyền xuất ra phương pháp tu hành hay không. Tuy đã hỏi rất nhiều người, nhưng không ai biết việc này.

Sau đó, người thợ rèn vì đắc tội với bọn quân phiệt mà bị buộc phải đóng cửa tiệm. Cuộc sống của họ một dạo lâm vào hoàn cảnh khốn khó. Người hành khất trước đây tu hành trong môn phái khác giờ chuyển sinh thành một ông chủ giàu có, nhờ sự giúp đỡ của người này, người thợ rèn và hai cậu thanh niên học việc chuyển đến định cư ở Công Chủ Lĩnh, Trường Xuân, tại đây họ mở một lò rèn như trước để mưu sinh, với hi vọng có thể đợi được đến ngày Đại Pháp khai truyền. Nhưng đời đó họ vẫn không đợi được. Tuy nhiên vào lúc lâm chung, họ vẫn giữ tín tâm kiên định như trước, rằng nhất định có thể đợi được đến ngày Đại Pháp hồng truyền!

Đời này, họ chuyển sinh tại một nơi cách đó không xa, nhân duyên khiến họ gặp lại nhau và có quan hệ trong công việc. Khi họ tìm được Đại Pháp và biết được rằng người sáng lập Pháp Luân Đại Pháp, ngài Lý Hồng Chí sinh ra tại thành phố Công Chủ Lĩnh, tỉnh Cát Lâm, sau đó đến Trường Xuân và tại Trường Xuân công khai truyền dạy Pháp Luân Đại Pháp, họ lập tức hiểu ra ý nghĩa của những gì mà vị tổ sư trong môn phái của người hành khất kia đã nói “Công Chủ Trường Tồn”.

Do cơ duyên và nguyện vọng từ trước, đời này họ cùng giúp đỡ nhau tu luyện tinh tấn trong Pháp, những việc này không kể thêm nữa.

Đây chính là:

Vô hữu nhân duyên ngộ kỳ nhân

Tương ngộ tương tri truy tầm Thần

Triển chuyển bình nguyên vi tầm Pháp

Nhân tâm tu tịnh siêu hồng trần!

Dịch nghĩa:

Tình cờ có duyên gặp kỳ nhân

Gặp gỡ quen nhau tìm kiếm Thần

Chuyển sinh nơi bình nguyên tìm Pháp

Nhân tâm tu tịnh thoát hồng trần

 

Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/250765

 

 



Ngày đăng: 16-03-2020

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.