Chân trời tìm Pháp: Biển Aral ở Tây Vực



Tác giả: Thạch Phương Hành

[ChanhKien.org] Bài viết này đề cập đến Tân Cương, Trung Á (gồm năm nước: Kazakhstan, Turkmenistan, Kyrgyzstan, Uzbekistan và Tajikistan) và khu vực ven biển Aral. Khu vực này trồng rất nhiều trái cây, người dân tình cảm nồng hậu, con người rất giỏi ca hát nhảy múa, tính cách nhiệt tình, phóng khoáng, những hàng cây hồ dương tạo nên một phong cảnh mỹ lệ và bi tráng, nơi đây có nhiều núi, sa mạc rộng lớn, những dòng sông cung cấp nguồn nước quý giá cho khu vực.

Trải qua mấy nghìn năm mưa gió, nhất là bị ảnh hưởng bởi ngoại tộc và các tôn giáo khác nhau, nơi đây đã không còn giữ được đặc điểm văn hóa, con người thời kỳ đầu nữa. Nhưng cho dù trải qua bao nhiêu năm tháng, cho dù vùng đất này không còn lưu giữ được những di sản văn hóa Trung Hoa thời kỳ đầu thì lịch sử chân thực đó vẫn không thể bị xóa nhòa.

Trong bài viết trước chúng tôi đã đề cập đến việc người Trung Hoa thượng cổ di cư lên núi Côn Luân, trong bài viết này chúng tôi sẽ bắt đầu viết từ sự kiện này.

Chúng tôi muốn nói rõ rằng trên mảnh đất này, những nền văn minh cổ xưa không chỉ xuất hiện một lần mà đã xuất hiện rất nhiều lần, cho nên trong sử sách thời thượng cổ mới có câu nói “cửu hoàng thập kỷ”. Trên núi Bạch Công ở Thanh Hải hiện nay còn lưu giữ một ống sắt có niên đại rất xa xưa, vùng này vốn không có hoạt động sản xuất công nghiệp, hơn nữa qua kiểm nghiệm còn có 5% nguyên tố không thể biết là chất gì, điều này càng làm tăng tính thần bí về nguồn gốc của ống sắt. Có người nói đó là dấu vết của người ngoài hành tinh để lại khi đến thăm địa cầu, cũng có người nói là di tích của nền văn minh tiền sử. (xem chi tiết tại cuốn sách khảo cổ “Những ghi chép về các hiện tượng thần bí từ xưa tới nay”). Ở đây chúng tôi chỉ nói về phần liên quan tới nền văn minh lần này.

Mọi người đều từng nghe nói trên núi Côn Luân có một vị thần tên là Tây Vương Mẫu, trong “Sơn hải kinh”, “Mục thiên tử truyền” đều từng đề cập đến, có người còn nói bà từng phái các vị Thần tới giúp đỡ Hiên Viên Hoàng Đế tổ tiên của người Hoa Hạ chiến thắng Xi Vưu. Có thể thấy núi Côn Luân và Tây Vương Mẫu có vị trí quan trọng trong lòng người dân Hoa Hạ. Tuy nhiên hiện nay rất nhiều người lên núi Côn Luân tìm kiếm dấu vết của Tây Vương Mẫu và nơi ở của bà là Giao Trì, nhưng lại chẳng tìm thấy gì, từ đó mà phủ nhận sự tồn tại của Tây Vương Mẫu và Giao Trì.

Trong các thời kỳ lịch sử khác nhau, Thần đều có cách riêng để triển hiện cho con người thấy, con người cũng có thứ mà tự mình có thể thấy được, cũng chính là vào thời thượng cổ tiêu chuẩn đạo đức của con người rất cao, nên Thần có thể để nhiều người nhìn thấy một số trạng thái và biểu hiện của Thần. Sau này cùng với sự trượt dốc của tiêu chuẩn đạo đức con người, con người cũng ngày càng ít nhìn thấy Thần nữa. Đến nay con người do chịu ảnh hưởng của thuyết vô thần, nên Thần cũng hiếm khi triển hiện cho con người thấy, chỉ có thể bằng những phương thức khác nhau triển hiện cho một số người cá biệt trên quy mô nhỏ. Cho nên chúng ta dùng lối tư duy “những gì nhìn thấy mới là có thực” để nghiên cứu văn minh cổ đại Trung Hoa thì không thể nghiên cứu sáng tỏ.

Kỳ thực vị Thần Tây Vương Mẫu này chính là xuất hiện vào thời kỳ cuối của nền văn minh trước, khi người Trung Quốc di cư lên núi Côn Luân. Vì lúc đó những người có thể lên được núi Côn Luân đều là những người có đạo đức khá tốt, để giúp con người giữ được tín ngưỡng trong tâm, vị Thần này đã được Thần ở tầng thứ cao hơn phái xuống nhân gian để giáo hóa người dân.

Trận đại hồng thủy khi đó quá lớn, khiến con người đều vô cùng sợ hãi. Những người lên được núi Côn Luân đều cảm thấy may mắn, cảm thán trước sự vô thường của sinh mệnh.

Khi người ta còn chưa hết kinh hồn thì Tây Vương Mẫu từ trên trời bay xuống, con người vì kính ngưỡng Thần đã xây cho bà một nơi ở. Từ nơi đây, Tây Vương Mẫu bắt đầu giáo hóa chúng sinh.

Ông trời rủ lòng thương những người dân bị nạn này nên đã thường xuyên phái nhiều vị Thần xuống cùng với Tây Vương Mẫu giáo hóa, giúp đỡ chúng sinh.

Sau khi trận đại hồng thủy rút đi, Tây Vương Mẫu và rất nhiều vị Thần đều bảo con người nên xuống núi để khai sáng nền văn minh mới dưới sự dẫn dắt của Thần. Tây Vực và khu vực biển Aral khi đó có thể nói là nơi lý tưởng. Trước khi lên đường, Tây Vương Mẫu nói với mọi người rằng: “Các ngươi hiện nay làm người chỉ là bước đệm để sau này có thể trở về ngôi nhà thực sự của mình ở trên trời, nhất định không được quên điều này, dù cho nền văn minh mà các ngươi khai sáng sau này có huy hoàng đến mấy, cũng không được khinh nhờn và phỉ báng Thần, nếu không sẽ bị Thần trừng phạt. Ngoài ra bất cứ lúc nào cũng phải nhớ các ngươi là con dân của Thần”.

Mọi người đều ghi nhớ trong lòng những lời này, đồng thời cũng ghi nhớ trên núi Côn Luân có một vị Thần tên là Tây Vương Mẫu.

Sau khi mọi người chia ra từng nhóm (từ núi Côn Luân, cao nguyên Pamir, dãy núi Thiên Sơn, dãy núi Altai…) xuống đến Tây Vực và biển Aral, mọi người bắt đầu sáng lập nền văn minh huy hoàng ở nơi đây. Vì địa phương khác nhau nên phong cách sáng tạo cũng có chút khác biệt. Cùng với sự phát triển của nền văn minh, một số người tâm địa không tốt cũng dần dần xuất hiện. Cứ như vậy, những ký ức về nền văn minh thượng cổ dần dần bị mai một qua các thế hệ sau, điều này cũng do Thần hữu ý an bài. Vì Sáng Thế Chủ sẽ ở đây sáng lập nền văn minh Thần truyền chân chính, để đặt bước đệm cho việc Ngài vào thời kỳ cuối của nền văn minh lần này hồng truyền Đại Pháp vũ trụ tại nhân gian. Đây là thời kỳ lịch sử rất lâu dài, cũng có thể coi là thời kỳ quá độ của nền văn minh. Giai đoạn lịch sử này vô cùng phức tạp, ở đây chúng tôi chỉ nói khái quát.

Trong thời kỳ này cũng xuất hiện nhiều lần văn minh. Sau khi những di tích và ký ức về nền văn minh thượng cổ bị Thần thời gian xóa hoàn toàn khỏi tầm mắt và tư tưởng của con người, nền văn minh mới sẽ bắt đầu.

Khi con người cần cánh cửa về phương diện nào để bước vào nền văn minh, sẽ xuất hiện một vị Thần tương ứng hạ thế. Những vị Thần như Phục Hy, Nữ Oa, Thần Nông, Hữu Sào… lần lượt hạ thế.

Ở đây cần nói rõ, ở các khu vực và thời kỳ khác nhau đều có những vị Thần tương ứng hạ thế, ví dụ Thần Nông, rất nhiều người cho rằng phạm vi hoạt động của Thần Nông ở khu vực Thần Nông Giá, tỉnh Hồ Bắc, chứ không phải ở khu vực rộng lớn Tân Cương – biển Aral mà tôi đề cập đến, vào thời kỳ văn minh Trung Hoa thượng cổ cũng có một số vị Thần hạ thế dạy con người canh tác, nhận biết về nông nghiệp và cây thuốc. Nhưng vì trong lịch sử đã không lưu lại tên của họ nên tôi cũng không tiện nói ra họ là ai. Do vậy chỉ có thể dùng cái tên Thần Nông mà mọi người đều quen thuộc để thay cho tên thật của họ. Những vị Thần khác cũng như vậy. Kỳ thực thời kỳ đó còn có rất nhiều vị Thần khác đến, họ đã đặt nền móng vững chắc cho việc Hiên Viên Hoàng Đế khai sáng ra nền văn minh Trung Hoa Thần truyền 5000 năm.

Mặc dù những người này đã xuống núi Côn Luân rất nhiều năm rồi, cũng đã trải qua biết bao thế hệ, họ đã quên mất ký ức và những kỹ năng của nền văn minh trước đây, nhưng trong số họ còn lưu truyền câu truyện về núi Côn Luân và Tây Vương Mẫu. Sau đó vì Trung Á khá gần với Tây Á, phong tục tập quán của Tây Á và Bắc Phi cũng bị lai tạp một chút, thời gian lâu dần, người ta liền “bản địa hóa” hình tượng Tây Vương Mẫu, cũng để phù hợp với quan niệm của bản thân. Sau này liền xuất hiện hình tượng như hiện nay. Kỳ thực Tây Vương Mẫu vô cùng xinh đẹp, không giống như người ta tưởng tượng và đồn đại. Tất nhiên có lúc Tây Vương Mẫu hữu ý hiển hiện trước mặt con người dưới một hình dạng khác là để phù hợp với quan niệm của người đó, để điểm hóa cho người đó.

Thời kỳ này cũng có rất nhiều vị Thần hạ thế, có vị đóng giả làm người tu hành làm những điều thần tích. Có một số người ngộ tính rất tốt cũng muốn tham gia tu hành, Lang Nhan là một trong số đó.

Thời kỳ đó đồ ăn rất thiếu thốn, nhưng ông chưa từng tranh giành với người khác, cho dù gặp bao nhiêu nguy hiểm, ông cũng chưa từng lùi bước. Từ nhỏ ông đã nghe kể rất nhiều câu chuyện về Thần Tiên, nên ông rất muốn tu thành Thần Tiên, nhưng khổ nỗi chưa tìm được cơ duyên thích hợp.

Một lần mọi người cùng nhau đi săn tìm đồ ăn, gặp một con vật rất hung dữ, mọi người đều sợ quá bỏ chạy, nhưng ông không hề sợ hãi mà còn đi về phía con mãnh thú. Con mãnh thú lập tức bổ nhào về phía ông, cắp ông về hang động. Những người xung quanh sau khi hoàn hồn đều cảm thấy thương hại cho ông. Khi ông bị con mãnh thú tha về động chuẩn bị ăn thịt, ông nói trong tiềm thức: Ta không sợ bị ngươi ăn thịt, ta chỉ nghe nói thế gian có Thần tiên, nhưng ta chưa từng nhìn thấy họ, cảm thấy thật hối tiếc. Nói xong nhắm mắt lại chờ chết. Nhưng lời này vừa xuất ra, lạ thay mãnh thú liền lấy lưỡi liếm liếm mặt ông rồi quay đầu bỏ đi.

Một lúc sau, con mãnh thú tha về một vài con vật sống ném vào trong động, lúc đó ông thường sống nơi hoang dã nên cũng biết cách dùng lửa, ông bèn nhóm lửa, nướng mấy con vật lên ăn. Con mãnh thú ngồi một bên nhìn ông, thời gian lâu dần ông và nó trở thành bạn.

Một lần ông muốn trở về nhà, nhưng con mãnh thú lại chặn ở ngoài động không cho ông đi, điều này khiến ông rất khó hiểu, cũng không có cách nào, ông đành phải ở lại trong động. Một lần khác ông cảm thấy buồn quá, nhân lúc mãnh thú ra ngoài, ông bước ra ngoài động, ra khỏi động không xa thì thấy sợ hãi, sơn động này bốn bên trống trơn, nhìn xuống dưới đều là vách núi không có đường ra, lúc đó mãnh thú lại quay về, ông đành phải quay về hang động âm u, không dám ra nữa.

Một thời gian sau, con mãnh thú ra hiệu bảo ông hãy ngồi lên lưng nó, ông không hiểu gì đành ngồi lên, mãnh thú ra khỏi động một lúc thì bay lên trời, ông sợ đến nỗi không dám mở mắt. Rất lâu sau mãnh thú đỗ xuống trước một tòa cung điện lớn trên núi cao. Ông nghĩ nơi này thật là to lớn. Ông xuống khỏi lưng mãnh thú bước đến gõ cửa.

Thấy ông quấn thân bằng vỏ cây, tóc để rất dài, dáng vẻ cục mịch, người gác cửa nhìn ông hồi lâu mới hỏi ông muốn tìm ai? Ông nói: “Tôi được một con mãnh thú cõng đến đây, vì không biết ai ở đây nên tôi cũng không biết phải gặp ai”. Lúc này bên trong có một người có vẻ là thị nữ đi ra nói: “Ông hãy đi theo tôi”.

Ông theo người thị nữ đi vào, vừa đi vừa dò hỏi xem ai ở đây, người thị nữ nói: “Chẳng phải trước khi bị ăn thịt ông còn tự nhủ nói rằng không nhìn thấy Thần thì rất hối tiếc đó sao? Lần  này cho ông xem Thần thế nào”. Nghe những lời này ông cảm thấy rất kinh ngạc, nghĩ bụng sao cô ấy có thể biết được lời mà mình nói trước đây nhỉ! Xem ra đúng là có Thần thật! Đang nghĩ vậy thì cả hai đã đến trước mặt vị Thần.

Vị Thần hòa ái và từ bi nói: “Ta chính là Tây Vương Mẫu mà các ngươi vẫn nhắc đến trong truyền thuyết. Nơi đây là Giao Trì trên núi Côn Luân. Ngươi có việc gì có thể trực tiếp nói với ta”.

Ông vừa nghe liền lập tức hiểu ra những điều trong truyền thuyết hóa ra đều là sự thực. Mình thực sự đã gặp được Tây Vương Mẫu rồi! Ông vui mừng đến nỗi cứ đập đầu xuống đất khóc mãi không thôi (bởi vì người nguyên thủy không được trầm tĩnh như người hiện đại).

Tây Vương Mẫu thấy ông khóc đủ rồi liền nói: “Ngươi cũng coi như có duyên mới đến được đây, rất nhiều người nếu không có duyên thì dù có lên núi Côn Luân cũng không tìm được ta”.

Lang Nhan nghe xong cảm thấy mình càng phải trân quý cơ hội này, ông liền hỏi Tây Vương Mẫu: “Con làm thế nào mới tìm được nơi tu hành? Giờ đây có người nào có thể truyền thụ cho con phương pháp tu hành không?” Tây Vương Mẫu cười nói: “Có, nhưng đời này ngươi không gặp được”. Lang Nhan kiên định nói: “Nếu như có kiếp sau, con nhất định sẽ tìm được người đó”.

Tây Vương Mẫu nghiêm túc nói: “Thực ra nhân gian vào lúc đó sẽ có hai vị Thần tiên Viêm Hoàng xuất thế, cuối cùng Hiên Viên Hoàng Đế sẽ chiến thắng và thống nhất thiên hạ, đến lúc đó dù thế nào ngươi cũng phải kết duyên với ông ấy, như vậy sinh mệnh của ngươi mới có ý nghĩa. Còn về tìm người tu hành, kỳ thực hiện giờ tất cả những người tu hành đều đang chờ đợi Đại Pháp tu hành có thể giúp sinh mệnh thực sự trở về. Đại Pháp tu hành này nghe nói chỉ có Giác Giả sáng thế mới có…”

Ông âm thầm ghi nhớ những lời của Tây Vương Mẫu. Ông còn nói với Tây Vương Mẫu một số chuyện khác, Tây Vương Mẫu mời ông ăn một bữa cơm, ông cảm thấy đồ ăn ở đây không hề có ở chỗ mình, quả là quá ngon, ông muốn cầm mấy hoa quả tươi về nhưng lại ngại không dám nói. Tây Vương Mẫu hiểu được ý của ông liền nói: “Ngươi hãy hỏi chúng (hoa quả) xem ai muốn đi cùng ngươi thì có thể mang theo”. Nhưng không hoa quả nào muốn đi. Có một quả đào tiên nói: “Tôi có duyên với Hiên Viên Hoàng Đế, đến khi nào ông kết duyên với Hiên Viên Hoàng Đế xin đừng quên nhắc đến tôi”. Những lời này ông cũng ghi nhớ trong lòng.

Người thị nữ lại dẫn ông ra ngoài cửa, ông leo lên lưng mãnh hổ, mãnh hổ lại bay lên không trung đưa ông trở về, lần này không về sơn động mà về làng quê của ông.

Khi mãnh hổ đi rồi, mọi người xúm lại quanh ông hỏi han, ông kể cho họ nghe những điều mình đã trải qua, mọi người đều cảm thấy Thần thực sự tồn tại.

Rất nhiều đời đã trôi qua, Hiên Viên Hoàng Đế xuất thế, sau đó Hoàng Đế gặp Luy Tổ, Lang Nhan lúc đó làm gia thần trong nhóm tùy tùng của Luy Tổ. Ông theo Luy Tổ về với Hiên Viên Hoàng Đế. Lúc này phạm vi văn minh Trung Hoa đã dần dần dịch chuyển về phía đông, đến hồ Balkhash và Nội Mông Cổ, dãy núi Hạ Lan ở Cam Túc. Đồng thời các bộ lạc khác cũng xuất hiện nền văn minh ở trình độ nhất định như: nền văn minh Đông Di và lưu vực Trường Giang và lưu vực Hắc Long Giang, nền văn minh bán đảo Trung Nam, bán đảo Triều Tiên, quần đảo Nhật Bản cũng dần dần hình thành với quy mô đơn giản.

Một hôm vào ban ngày ông trông thấy một quả đào cực lớn, ban đêm nằm mơ nhớ đến những lời mà quả đào đã nói với ông ở Giao Trì của Tây Vương Mẫu. Mấy hôm sau, ông tìm cơ hội nói chuyện này với Hiên Viên Hoàng Đế. Hiên Viên Hoàng Đế trầm ngâm hồi lâu nói: Hết thảy duyên phận đợi khi chiến thắng Xi Vưu hãy nói, hiện giờ là lúc xây dựng một cách hệ thống nền văn minh Thần truyền Trung Hoa.

Sau đó Hiên Viên Hoàng Đế và Xi Vưu xảy ra cuộc đại chiến, trong cuộc đại chiến Viêm Hoàng liên tục chiến thắng, Tây Vương Mẫu phái Cửu Thiên Huyền Nữ và Tố Nữ xuống trợ giúp. Đây là do con người truyền lại. Lúc đó quả thực đã có rất nhiều vị Thần xuất hiện.

Nghiêm túc mà nói, cuộc chiến tranh giữa Hiên Viên Hoàng Đế và Xi Vưu là cuộc chiến giao thoa giữa hai thể hệ văn minh cũ và mới. Xi Vưu thuộc về quần thể thể hệ văn minh cũ di lưu lại, cho nên về mặt vũ khí rất hiện đại. Đằng sau ông ta cũng có những quỷ thần thuộc thể hệ đó, họ không cam tâm rút lui khỏi vũ đài lịch sử; hiện nay một số dân tộc thiểu số ở phía tây nam Trung Quốc vẫn coi Xi Vưu là tổ tiên của họ, cũng có thể coi như di sản của nền văn minh thượng cổ.

Thời đại văn minh thượng cổ khác nhau, trình độ văn minh cũng khác nhau, những thứ lưu lại cũng khác nhau, hiện nay ở vùng núi Hoành Đoạn và cao nguyên Vân Quý còn lưu lại khá nhiều do khu vực này khá phong bế, đây cũng coi như chứng tích lưu lại của nền văn minh thượng cổ.

Trong pháp khí mà Cửu Thiên Huyền Nữ mang theo có thứ do quả đào tiên diễn hóa thành, coi như nó đã khởi tác dụng chính diện giúp đỡ Hiên Viên Hoàng Đế, cũng là kết được tiền duyên.

Hiên Viên Hoàng Đế thống nhất các bộ lạc lớn xong, lực lượng hùng mạnh đến bán đảo Sơn Đông và lưu vực Trường Giang. Ba Thục và Tây Nam Di và lưu vực sông Châu Giang cũng có ảnh hưởng nhưng không lớn lắm.

Sau đó Lang Nhan được Hiên Viên Hoàng Đế phái đến đóng ở biên giới phía bắc, trong vài năm sống ở đó, ông gặp được mấy người tu hành, những người này đều nói với ông những phương pháp tu hành mà họ biết. Vì ông muốn trong đời này hoàn thành trọng trách mà Hiên Viên Hoàng Đế giao phó nên không bỏ nhiệm vụ mà đi tu hành.

Khi ông qua đời, Hiên Viên Hoàng Đế đã sớm thăng thiên nhưng ông vẫn mang tâm niệm tu hành mạnh mẽ. Ông nhiều lần dùng mọi cách thức kết duyên với những Giác Giả sắp xuống nhân gian truyền pháp, trong suốt mấy nghìn năm lịch sử đằng đẵng, ông cũng đã từng lập nên những sự nghiệp huy hoàng, tất nhiên cũng đã làm vài điều xấu.

Đời này ông đã đắc được Pháp Luân Đại Pháp vạn cổ khó gặp, kiên định vững chắc bước trên con đường trở về nhà. Lang Nhan hiện giờ đang ở nước Úc.

Đây chính là:

Dũng vu xá mệnh ngộ kỳ duyên

Côn Luân sơn thượng vương mẫu kiến

Đái trứ chúc thác hồi trần gian

Du du thiên niên liễu tiền nguyện!

Diễn nghĩa:

Dũng cảm xả bỏ sinh mệnh gặp duyên kỳ ngộ

Trên núi Côn Luân gặp Vương Mẫu

Mang theo sự ủy thác trở về trần gian

Ngàn năm đằng đẵng đã thực hiện được tâm nguyện trước đây

Ghi chú: Trên thực tế vào thời văn minh thượng cổ Trung Hoa, ngôn ngữ của con người chưa được phong phú lắm, để giúp độc giả tiếp nhận tốt hơn và không gặp trở ngại khi đọc, tôi đã chuyển bài thơ này thành ngôn ngữ và phương thức biểu đạt hiện đại.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/250090



Ngày đăng: 08-09-2019

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.