Tiểu thuyết thần thoại “Thương Vũ Kiếp”: Chương 2: Đại Đạo hành (Phần 4 – Kỳ 2)
Tác giả: Bạch Vân Phi
[ChanhKien.org]
Phần 4: Vị Thần đoản mệnh
Kỳ 2: Cái chết của phụ đạo viên
Mặt trời ló dạng đằng Đông, chiếu rọi núi non rộng lớn, phủ lên núi Thanh Long một dải hào quang vàng rực, nổi bật giữa bầu trời xanh thăm thẳm, xinh đẹp mỹ lệ lạ thường.
Luyện công tập thể tại điểm luyện công của trường trung học số 2 Vân Lĩnh đã kết thúc. Luyện công nơi đây khác với Tiểu Thành nơi Lục Thanh đang ở, nơi đây chỉ luyện bốn bài công pháp đầu, mọi người về nhà tự mình luyện bài tĩnh công thứ năm, còn luyện công tập thể ở Tiểu Thành là luyện hết toàn bộ năm bài công pháp. Lục Thanh vẫn nghĩ rằng việc bố trí luyện công ở Tiểu Thành hợp lý hơn, Sư phụ đã viết trong Chuyển Pháp Luân rất rõ ràng:
“năm bộ công pháp được truyền dạy hết để [chư vị] học”.
Hơn nữa Lục Thanh phát hiện, bởi vì bài công pháp tu luyện tĩnh công thứ năm yêu cầu song bàn, đối với người mới học là một quan có độ khó cao, một mình luyện ở nhà, rất khó kiên trì được thời gian dài, nhưng tại điểm luyện công tập thể, mọi người cùng nhau luyện thì rõ ràng có thể kiên trì trong thời gian lâu hơn. Trong khi đang đau đớn khó chịu, muốn gỡ chân xuống, lại trông thấy các học viên khác đều đang kiên trì, bản thân sẽ ngại tháo chân ra, thế nên có thể kiên trì đến giới hạn cao nhất của bản thân. Tại điểm luyện công ở Tiểu Thành, có học viên ngồi xếp bằng đau đến rơi lệ, cũng không tháo chân xuống, lại còn cố hết sức kiềm chặt tiếng nấc, tránh phiền đến các học viên đang luyện công khác. Đây chính là chỗ tốt của luyện tĩnh công tập thể, mọi người khích lệ nhau kiên trì, là việc mà tu luyện cá nhân rất khó đạt được.
Lại nói về điểm luyện công ở trường trung học số 2 sau khi luyện công xong, mọi người đã thấy có đồng môn mới đến, liền vây quanh hỏi thăm, dì Tôn Nguyệt Hương và chú Đàm Chính Phong bèn giới thiệu Lục Thanh với mọi người, bầu không khí trở nên náo nhiệt. Phụ đạo viên của điểm luyện công cũng đến hỏi han, vừa nghe nói Lục Thanh là phó trạm trưởng của Tiểu Thành, phụ đạo viên này liền mời Lục Thanh đến nhà chia sẻ giao lưu, Lục Thanh nhận ra người này chính là người không ở trong vòng bảo hộ của Pháp Luân mà mình vừa thấy qua thiên mục, cũng muốn tìm hiểu thêm về tình huống của người ấy, bèn gật đầu đồng ý, dì Tôn và chú Đàm cũng đi cùng ở phía trước.
Hóa ra phụ đạo viên này tên là Uông Kiến Quốc, đã hơn 50 tuổi, vừa thôi giữ chức trưởng phòng đào tạo của trường trung học số 2 về hưu. Ông ấy đắc Pháp vào năm 1995, thuộc nhóm những học viên đắc Pháp sớm nhất ở huyện Vân Lĩnh, điểm luyện công tại trường trung học số 2 chính là do ông ấy tổ chức lên, điểm học Pháp cũng được tổ chức tại nhà ông, thường ngày đã làm rất nhiều việc cho mọi người.
Bốn người ăn qua loa chút điểm tâm trên đường, khi đến nhà Uông Kiến Quốc, thì thấy đây là một nơi khá sang trọng, bày biện tinh xảo, trong phòng khách khói hương nghi ngút, ở vị trí nổi bật ngay lối vào treo pháp tượng lớn của Sư phụ, trước Pháp tượng đặt một lư hương, từ trong lư hương từng làn khói xanh đang nhè nhẹ bay ra.
Bốn người ngồi xuống ghế sô pha trong phòng khách, Uông Kiến Quốc liền thong thả bắt đầu câu chuyện, kể về bản thân đã cống hiến bao nhiêu bao nhiêu cho điểm luyện công, đã dẫn dắt mọi người hồng Pháp thế nào thế nào, lại còn cứu độ được bao nhiêu là chúng sinh, còn nhắc đến các học viên ở điểm luyện công của mình tầng thứ tu luyện thấp thế nào, bản thân đã giúp đỡ họ đề cao ra sao. Trong suốt câu chuyện, ông ta mặt mày hớn hở, hứng chí kể chuyện, tâm lý của Lục Thanh có chút chịu không nổi, từng cử chỉ hành động, từng câu từng chữ của Uông Kiến Quốc trong mắt chàng, đều như phát ra nghiệp lực màu đen, đặc biệt là tâm hiển thị mạnh mẽ của Uông Kiến Quốc càng khiến Lục Thanh khó chịu đựng. Trong những người tu luyện ở Tiểu Thành, Lục Thanh chưa từng gặp qua học viên nào như thế, mọi người khi giao lưu với nhau về cơ bản đều chỉ nói đến việc tu luyện tâm tính của bản thân, bản thân làm chưa tốt ở đâu, những chỗ nào chỗ nào nên đề cao, nhưng mà vị Uông Kiến Quốc ngay trước mắt chàng rõ ràng chính là một người thường.
Lục Thanh dùng mắt ra dấu với dì Tôn, hỏi bà là thế nào, nhưng dì Tôn chỉ lắc đầu bất lực, không nói lời nào.
Sau một hồi, Lục Thanh thực sự chịu không nổi nữa, bèn đứng lên nói mình có việc, cùng dì Tôn và chú Đàm rời khỏi nhà Uông Kiến Quốc. Trước khi rời đi, Lục Thanh nắm tay của Uông Kiến Quốc, nói chân thành: “Chú Uông, chú nhớ phải học Pháp chuyên tâm nghiêm túc, tu tâm vững vàng chắc chắn, làm một người tu luyện chân chính nhé! Tu luyện là tu bỏ nhân tâm, chứ không phải làm ra những thành tích trên bề mặt đâu!” Uông Kiến Quốc thoáng sững sờ, biểu cảm rất ngượng ngùng, đồng thời nội tâm chấn động, những lời nói của Lục Thanh vừa chân thành vừa thuần tịnh, lập tức giải khai những quan niệm lẫn nhân tâm của Uông Kiến Quốc, đánh thẳng vào bản nguyên sinh mệnh của Uông Kiến Quốc.
Từ nhà Uông Kiến Quốc đi ra, ba người thảo luận về chuyện của Uông Kiến Quốc, đều có chung một cảm nhận.
Lục Thanh nói với dì Tôn và chú Đàm về tình huống mà mình nhìn thấy tại điểm luyện công, dì Tôn cũng tỏ ý tán đồng, vì bản thân bà cũng rất nhiều lần nhìn thấy tình huống này, hơn nữa còn phát hiện trên người Uông Kiến Quốc không có Pháp Luân, nhưng bà không dám nói, thậm chí cũng chưa từng kể chuyện này với chú Đàm, bà sợ các học viên không tin, Uông Kiến Quốc nhất định sẽ quay lại chỉ trích, còn có thể chụp rất nhiều chiếc mũ lớn lên đầu bà. Thiên mục dì Tôn được mở, thường hay thấy những cảnh tượng thù thắng của không gian khác. Lúc mới đầu, dì Tôn còn hay kể với mọi người ở điểm học Pháp về những gì mình thấy được, kết quả gặp phải sự khiển trách nghiêm khắc của Uông Kiến Quốc, nói rằng dì Tôn khoe khoang tiểu năng tiểu thuật, tự tâm sinh ma, thấy được toàn là tùy tâm nhi hóa. Đã mấy lần họp, dì Tôn bị khiển trách đến rưng rưng nước mắt, sau khi về nhà, dì Tôn nhịn không được bật khóc nức nở, dẫn đến chú Đàm cũng tức giận. Cuối cùng chú Đàm nói: “Từ giờ trong cuộc họp chúng ta đừng nói về những gì đã thấy nữa, chúng ta cứ làm một học viên bình thường, cớ gì phải chịu khổ thế này?” Từ đó trở đi, dì Tôn không còn nói về những gì thấy qua thiên mục với mọi người ở điểm luyện công nữa.
Tình huống mà Lục Thanh nhìn thấy lần này giống hệt với dì Tôn, khiến dì Tôn bỗng không kìm nén được nữa, giãi bày hết thảy những ủy khuất về vấn đề thiên mục mà bà đã chịu đựng trong mấy năm qua, tâm bệnh nhiều năm lập tức hóa giải, dì Tôn bỗng chốc như được gỡ bỏ gánh nặng, vô cùng thoải mái.
Lục Thanh cười nói: “Dì Tôn, đây không phải là để cho dì đề cao hay sao? Dì và chú Đàm đều đã về hưu, thông thường rất ít tiếp xúc với người thường, luôn cần có một hoàn cảnh để tu luyện đề cao mà, phải vậy không?”
Dì Tôn gật đầu nói phải, vì vấn đề thiên mục mà ở điểm luyện công bản thân bà đã gặp phải rất nhiều bài xích, đặc biệt là Uông Kiến Quốc vẫn luôn gây khó dễ, có việc gì cũng lấy mình ra để đùa bỡn, tại điểm luyện công học Pháp luôn lấy bà ra làm ví dụ điển hình cho hiện tượng tự tâm sinh ma, khiến bản thân bà không thể ngẩng cao đầu. Nhưng mấy năm qua, xác thực là nhờ những mâu thuẫn này mà bản thân cũng đã được đề cao tâm tính, thăng hoa cảnh giới, nói cách khác đây chính là hoàn cảnh tu luyện đề cao mà Uông Kiến Quốc đã cấp cho bà, nên cảm ơn Uông Kiến Quốc mới phải.
Dì Tôn và chú Đàm cùng Lục Thanh vừa đi vừa cười nói suốt quãng đường, bỏ lại những gì không vui, dù sao thì hôm nay cuối cùng cũng coi như có nhân chứng cho sự trong sạch của bà, bà không phải tự tâm sinh ma, đây là nút thắt buộc chặt trong lòng dì Tôn, hôm nay cuối cùng cũng được giải khai. Đây là ngày vui vẻ nhất của dì Tôn trong mấy năm qua.
Kỳ thực, trong lòng Lục Thanh cũng không vui nổi, ở nhà Uông Kiến Quốc chàng đã thấy rằng, trên Pháp tượng lớn trong phòng khách không hề có Pháp thân của Sư Phụ, hơn nữa ấn đường của Uông Kiến Quốc phát khí đen, khí vận suy kiệt, hiển nhiên là sắp có đại họa giáng xuống, Lục Thanh có một dự cảm mạnh mẽ rằng sẽ có chuyện gì đó xảy ra với Uông Kiến Quốc.
Vào giờ Tý lúc nửa đêm, Lục Thanh đang đả tọa luyện công trên ban công nhà mình. Bầu trời đầy sao, trăng khuyết như lưỡi liềm, như mộng như ảo, bạch long và hắc long uốn lượn xung quanh hộ Pháp. Bất thình lình, một trận gió mang khí âm nổi lên, lưỡng long cảnh giác, nhe nanh múa vuốt, chực chờ thủ thế, Lục Thanh giơ tay cản lại. Chỉ thấy Uông Kiến Quốc cả người bê bết máu, đang đứng bên ngoài cách chàng ba trượng, hiển nhiên là bị trường năng lượng cường đại của Lục Thanh ép đẩy ra, thân thể quỷ hồn chịu đựng không nổi, phải lùi lại bên ngoài ba trượng. Uông Kiến Quốc nước mắt lăn dài nhìn Lục Thanh, chắp tay nghẹn ngào nói: “Hôm nay, Kiến Quốc thác mệnh xuống hoàng tuyền. Trong lòng nhớ mãi lời khuyên chân thành của Huyền Thanh Chủ hôm trước, khuyên ta chân tu, cố ý đến từ biệt, tạ ân đức Thánh Chủ, đau xót thay, ba năm đắc Pháp, quan niệm nhân tâm che lấp chân tính, ba năm ở trong Đại Pháp không đắc được gì. Đáng tiếc thay! Những lời Ngài nói ngày hôm trước, đã chạm sâu đến trái tim, lòng tức khắc rộng mở, quyết định chân tu, tiếc là oan nghiệt quấn thân, báo ứng lâm đầu, hôm nay hoàn trả nghiệp báo, mất đi thân người, vĩnh viễn mất cơ duyên. Đáng tiếc thay!! Than ôi, ba năm cùng các đệ tử Đại Pháp ở huyện Vân Lĩnh, tuy không công đức, nhưng có khổ lao, ba năm đó, không có ai khuyên tôi, nếu sớm nghe được những lời khuyên bảo như của Huyền Thanh Chủ hôm trước, ta ắt tinh tấn thực tu, sao có thể đi đến kết cục như ngày hôm nay!! Đáng tiếc thay!!” Uông Kiến Quốc khóc không thành tiếng, nước mắt thành máu đỏ, khí âm nổi lên, sớm đã có hai quỷ sai hiện thân, hành lễ với Lục Thanh, rồi trói Uông Kiến Quốc giải đi. Chỉ còn đọng lại tiếng than khóc thảm thiết buồn bã của Uông Kiến Quốc vang vọng dưới bầu trời đầy sao.
Lục Thanh xuất định, ngẩng mặt nhìn trời thở dài, biết Uông Kiến Quốc đã vong mạng.
Quả nhiên không ngoài dự liệu của Lục Thanh, buổi sáng Uông Kiến Quốc không đến điểm luyện công. Hai ngày sau, tin tức về một vụ thảm án kinh hoàng lan truyền khắp huyện Vân Lĩnh, giáo viên về hưu Uông Kiến Quốc của trường trung học số 2 đã bị người con trai độc nhất của mình sát hại tại nhà, thi thể bị chặt thành tám khúc, vứt rải rác tại tám thôn. Trong suốt một thời gian dài, vụ án của Uông Kiến Quốc trở thành tâm điểm bàn tán trong khắp hang cùng ngõ hẻm huyện Vân Lĩnh, người ta ca thán rằng xã hội ngày nay luân thường điên đảo, đạo đức táng tận, những kẻ đánh mất lương tri điều gì cũng dám làm, ngay cả cha ruột của mình cũng dám chặt thành tám khúc!
Vụ án của Uông Kiến Quốc giống như một quả bom nguyên tử, phát tiếng nổ lớn trong các học viên Pháp Luân Đại Pháp ở huyện Vân Lĩnh, một thời gian dài, lòng người hoang mang, các chủng tâm thái lẫn lộn đều biểu hiện ra. Chẳng phải Sư phụ đã giảng sẽ bảo hộ cho đệ tử tu luyện sao? Làm sao lại có thể xảy ra sự việc khủng khiếp như vậy? Trong suy nghĩ của rất nhiều học viên, họ đều cảm thấy Uông Kiến Quốc là một đệ tử rất tinh tấn và tích cực, lại là phụ đạo viên, làm rất nhiều việc cho mọi người, sao lại có thể xảy ra chuyện như vậy?! Đại Pháp không phải là giả chứ?… Vụ án Uông Kiến Quốc là hiện thực tàn khốc làm rúng động các học viên Đại Pháp huyện Vân Lĩnh. Chứng kiến người phụ đạo viên ngày ngày cùng mình luyện công xảy ra chuyện lớn như vậy, đây là một đả kích mạnh mẽ không cách nào tưởng tượng được đối với những ai chưa rơi vào cảnh ngộ này.
Số người luyện công ở điểm luyện công trường trung học số 2 lập tức giảm đi hai phần ba, số người luyện công ở các điểm khác cũng giảm đi đáng kể, những học viên còn kiên trì ở lại luyện cũng thấp thỏm dè dặt. Ban đêm Đàm Chính Phong gặp phải ác mộng, mơ thấy Uông Kiến Quốc khuôn mặt dữ tợn, dùng đôi tay như chiếc vuốt quỷ tóm lấy ông, dọa cho chú Đàm sợ đến mức phải gọi lớn tên Sư phụ. Sau khi từ trong mộng tỉnh lại, cả người ông sớm đã ướt sũng mồ hôi.
Lục Thanh cũng không thể ngờ Uông Kiến Quốc lại chết theo cách như vậy, thế này chẳng phải là muốn phá hoại Đại Pháp sao? Đối với người thường thì không gây ra hậu quả gì lớn, người ta chỉ coi đây là một vụ án hình sự thông thường, bất quá chỉ thấy có phần thảm khốc mà thôi, nhưng lại tạo thành sự phá hoại nghiêm trọng trong cộng đồng những người tu luyện. Có bao nhiêu học viên ở huyện Vân Lĩnh vì vụ án của Uông Kiến Quốc bị lung lay, nghi hoặc ngừng tu luyện và thậm chí là quay lại phỉ báng Đại Pháp. Điều này rõ ràng có ma tại không gian khác ở đằng sau thao túng!
Lục Thanh quyết định phải điều tra triệt để rõ ràng sự việc này, nên đã thương lượng với dì Tôn, hai người sẽ cùng nhau giải quyết sự tình này. Dì Tôn gật đầu tán đồng, duy hộ Đại Pháp là trách nhiệm của đệ tử Đại Pháp, tra rõ chân tướng của việc này có ý nghĩa trọng đại, Tôn Nguyệt Hương cũng là tu hành tiệm ngộ, đệ tử Đại Pháp được khai mở thần thông, trách nhiệm tự thân không thể chối từ.
Đó là vào đêm 24 tháng 8 âm lịch, dưới ánh sao chiếu rọi, vườn hoa trên sân thượng nhà chú Đàm yên tĩnh lạ thường, chú Đàm đứng canh ở cổng vườn, chủ yếu là ngăn không cho người khác vào trong, tránh quấy rầy đến hai người nhập định. Trong vườn hoa, Lục Thanh và dì Tôn ngồi xếp bằng trên tấm đệm hình hoa sen, an nhiên nhập tĩnh. Họ muốn sử dụng thần thông để vén bức màn sương mù, thấu tỏ chân tướng của vụ án Uông Kiến Quốc.
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/43190
Ngày đăng: 24-02-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.