Tiểu thuyết thần thoại “Thương Vũ Kiếp”: Chương 2: Đại Đạo hành (Phần 2)



Tác giả: Bạch Vân Phi

[ChanhKien.org]

Phần 2: Trạm phụ đạo của thị trấn nhỏ

Từ khi tìm thấy điểm luyện công ở Vãn Phong Sơn, Lục Thanh đã không còn luyện công ở nhà nữa, mỗi ngày chàng thức dậy lúc 4:30, đạp xe từ thôn Tam Cô đến công viên Vãn Phong Sơn luyện công, luyện công xong thì ăn sáng qua loa trên đường rồi đến xưởng cơ giới đi làm, Lục Thanh thấy trạng thái này vô cùng tốt. Chàng cảm nhận rằng, giữa việc luyện công tập thể ở công viên và tự luyện một mình ở nhà có cảm giác khác biệt rất nhiều, luyện công tập thể có trường năng lượng vô cùng mạnh mẽ, Lục Thanh nhiều lần nhìn thấy lồng bảo hộ khổng lồ rực rỡ ánh sáng đỏ bên trên bầu trời của trường luyện công ở công viên Vãn Phong Sơn, ánh sáng đỏ rực rỡ, Đại Pháp Luân xoay chuyển ở trung tâm, khung cảnh hùng vĩ. Một đôi lần, Lục Thanh thậm chí còn nhìn thấy Thiên Thần giáp vàng đứng hộ pháp xung quanh trường luyện công, những cảnh tượng này khiến tín tâm tu luyện của Lục Thanh càng thêm kiên định, chàng biết rằng điểm luyện công tập thể có sự gia trì đặc biệt của Sư tôn, luyện công tập thể vô cùng thù thắng, đây là điều mà luyện công một mình không thể nào đạt được, vậy nên dù mưa to gió lớn Lục Thanh vẫn sẽ đến công viên Vãn Phong Sơn luyện công.

Vì để giúp các học viên mới nhanh chóng đề cao, vợ chồng thím Chu đã mở băng hình Sư phụ giảng Pháp lần thứ hai tại Tế Nam ngay tại phòng khách nhà mình để mọi người cùng xem, thời gian sắp xếp giống như hình thức lớp chín ngày, mỗi tối mở một bài giảng, học viên mới và cũ dường như đều đến tham gia. Những ngày này nhà thím Chu rất đông người, đến cả ban công cũng chật kín người, nam nữ già trẻ chuyện trò rôm rả, thật náo nhiệt, nhưng chỉ cần thanh âm trong video giảng Pháp của Sư phụ vang lên, mọi người nhất tề im lặng, mọi người hết sức thành kính và chuyên chú, nơi phòng khách chỉ vang lên thanh âm Sư phụ giảng Pháp, thật đúng như Pháp hội trang nghiêm thù thắng.

Lục Thanh thấy rất rõ vòng hào quang cực lớn của Sư phụ trong video, vô cùng thần thánh trang nghiêm, cả phòng khách được bao phủ trong vầng hào quang vàng kim, vô số Pháp Luân xoay chuyển bay bay rớt lên thân các học viên, trong khi xoay chuyển, đánh tan những vật chất màu đen trên thân học viên, hóa thành hư không, hiển nhiên là đang tịnh hóa thân thể cho học viên. Lục Thanh sửng sốt, thì ra chỉ cần dùng tâm thái thuần tịnh tập trung xem băng hình giảng Pháp của Sư phụ, thì không có khác biệt gì với việc tham dự các khóa giảng Pháp trực tiếp của Sư phụ, Sư phụ thật sự đã ban Đại Pháp này cho mỗi từng học viên thật tâm tu luyện.

Bất giác, nước mắt của Lục Thanh chảy xuống giàn giụa.

Lưu Kiếm Phong, Bạch Phi và Hồng Lăng cũng tham gia buổi Pháp hội trang nghiêm ở thị trấn nhỏ ấy, ban ngày đến công viên Vãn Phong Sơn tham gia luyện công tập thể, buổi tối đến nhà thím Chu nghe Sư phụ giảng Pháp, chín ngày trôi qua, những người bạn của Lục Thanh đã chính thức bước vào hàng ngũ những người tu luyện Đại Pháp.

Thời gian này Lục Thanh và các học viên khác đã nhận được các kinh văn Đại Pháp khác như “Tinh tấn yếu chỉ” và “Giảng Pháp ở Pháp hội Sydney [1996]”, mọi người đều nhận thức rõ tầm quan trọng của việc học Pháp, đề xuất một địa điểm cố định để học Pháp tập thể, mỗi tối thứ bảy mọi người sẽ cùng tụ họp để đọc Pháp của Sư phụ, lại có thể trao đổi những vấn đề mình gặp phải trong quá trình tu luyện. Em trai thím Chu là Chu Nghĩa Chính đề xuất ý kiến đến trường mẫu giáo Khăn Quàng Đỏ của mình, nơi đó rộng rãi sáng sủa, có sẵn bàn ghế, rất tiện lợi, mọi người vui vẻ đồng ý, như thế đã quyết định dùng trường mẫu giáo Khăn Quàng Đỏ làm nơi học Pháp tập thể, điểm học Pháp tập thể đầu tiên ở thị trấn đã ra đời như vậy.

Đó là mùa hè tháng 7 năm 1997, giữa cái nóng như thiêu của tháng 7, thời tiết nóng bức, đúng ngay tiết Tam phục (1). Một buổi sáng thứ bảy, bởi vì xưởng cơ giới là xí nghiệp quốc doanh, hiệu suất không tốt, toàn bộ xưởng đều không có chế độ nghỉ hai ngày, chỉ nghỉ chủ nhật, vậy nên thứ bảy Lục Thanh vẫn phải đi làm. Lục Thanh đang ngồi trong văn phòng sửa lại tài liệu kỹ thuật, thì nhận được điện thoại của thím Chu, hỏi chàng chiều nay có rảnh không, muốn chàng chiều nay đến trường mẫu giáo Khăn Quàng Đỏ một chuyến, có việc cần thương lượng. Lục Thanh nghĩ thầm tối nay chẳng vừa hay là buổi học Pháp tập thể sao? Có chuyện gì quan trọng đến mức phải thương lượng vào chiều nay nhỉ? Lục Thanh gật đầu nhận lời, gần đây hiệu quả của xưởng cơ giới ngày càng đi xuống, đã lâu không nhận được đơn đặt hàng mới nào, công nhân đều nhàn rỗi, phòng kỹ thuật cũng không có việc, buổi chiều báo xin nghỉ phép một tiếng với trưởng phòng chắc cũng không có vấn đề gì.

Buổi chiều Lục Thanh đạp xe đến trường mẫu giáo Khăn Quàng Đỏ, trên cả đoạn đường bên dưới thì hơi nóng bê tông tỏa ra hầm hập, trên đầu thì mặt trời như thiêu như đốt, nhiệt ngoài trời lúc này là 38 độ, cái nóng ấy khiến Lục Thanh cả người ướt sũng mồ hôi. Khi Lục Thanh đến trường mẫu giáo, thấy có vợ chồng thím Chu, ông Chu Nghĩa Chính em trai thím Chu, ngoài ra còn có ba người lạ, một nam hai nữ, thần thái an tĩnh, cử chỉ tường hòa, gật đầu chào Lục Thanh, tỏ ý cười, Lục Thanh đáp lễ, cười đáp lại. Một lúc sau, lại có thêm năm, sáu học viên cũ đến, Vương Kiến Dân thấy mọi người đã tề tựu đông đủ, bắt đầu giới thiệu về ba người lạ mới đến.

Hóa ra ba người này đến từ Tổng trạm Pháp Luân Đại Pháp của tỉnh, lần này họ đến thị trấn này để giúp đỡ mọi người kiến lập trạm phụ đạo, người phụ nữ trẻ tuổi nhất là con gái của thím Chu, cô Vương Ngọc Mai, hai vợ chồng Chu Nghĩa Thanh, Vương Kiến Dân chính là được con gái hồng Pháp mới bước vào tu luyện Đại Pháp. Việc 40, 50 người trong thị trấn này tu luyện Đại Pháp không thể không kể đến sự hồng Pháp của vợ chồng Chu Nghĩa Thanh, Đại Pháp được hồng dương tại thị trấn nhỏ này, không thể không kể đến Ngọc Mai.

Một nam một nữ còn lại là phụ đạo viên tại Tổng trạm Đại Pháp tỉnh, người đàn ông tên Hoàng Đại Minh, tuổi ngoài 30, vầng trán rộng, sắc mặt hồng nhuận, trên cổ đeo sợi dây đỏ có huy hiệu Pháp Luân; người phụ nữ tên là Lâm Như Yến, ngoài 40 tuổi, nước da trắng trẻo, đôi mắt trong sáng, cứ như cô gái trẻ tuổi đôi mươi. Hai người ngồi đó trầm tĩnh như nước, mang đến sự tươi mát phảng phất giữa trời mùa hè nóng bức, Lục Thanh thầm tán thưởng, không hổ danh là học viên lâu năm đến từ tỉnh, khí chất này, thần thái này, so với những học viên mới đắc Pháp tu luyện thời gian không lâu ở thị trấn này mà nói thì thật quá khác biệt.

Hai người nói một cách đơn giản cho mọi người về mục đích họ đến thị trấn nhỏ này: “Về tổng thể thì học viên ở tỉnh ta đắc Pháp muộn, số lượng người tu luyện ít hơn rất nhiều so với các tỉnh khác, về phương diện hồng dương Đại Pháp cũng chưa làm đủ, hiện tại các phụ đạo viên của tổng trạm phụ đạo tỉnh đã phân công mọi người đi đến các địa khu, cùng giúp đỡ người phụ trách ở các huyện, thị thành lập trạm phụ đạo, tăng mạnh lực độ hồng Pháp, khiến số học viên Đại Pháp các nơi có thể thành thục hơn, khiến càng nhiều người có duyên được đắc Đại Pháp”, Hoàng Đại Minh và Lâm Như Yến được phân phụ trách giúp đỡ để kiến lập trạm phụ đạo Đại Pháp ở thị trấn này. Họ thông qua Vương Ngọc Mai biết được thị trấn này có 40 đến 50 học viên, số lượng người tu luyện sau này sẽ càng ngày càng nhiều, vì vậy việc thành lập trạm phụ đạo trở thành ưu tiên hàng đầu, kỳ thực cũng không phải cơ cấu hay tổ chức nào của người thường, trạm phụ đạo chính là nghĩa vụ giúp đỡ mọi người, giúp mọi người học Pháp tốt hơn, đề cao nhanh hơn, chỉnh thể thăng hoa tốt hơn, mọi người có góp ý nào đều có thể đề xuất ra.

Mọi người vừa nghe thấy hai người này là phụ đạo viên trên tỉnh đến, lúc đầu còn dè dặt, sau lại thấy Hoàng Đại Minh và Lâm Như Yến rất bình dị gần gũi, chẳng có chút kiêu ngạo nào, hoàn toàn không có cái khí thế trịch thượng hủ bại quan liêu của người thường, tâm tình mọi người dần dần cởi mở hơn, bạn một câu, tôi một lời, cuộc thảo luận rất sôi nổi.

Kết quả mọi người nhất trí đề cử hai vợ chồng Chu Nghĩa Thanh, Vương Kiến Dân và Lục Thanh làm trưởng và phó trạm phụ đạo, đây là điều mọi người cùng mong mỏi, Đại Pháp xuất hiện ở thị trấn này cũng nhờ hai vợ chồng họ hồng dương, ngày thường cũng đã tự nguyện vì mọi người phục vụ, tình nguyện dạy công, dùng tiền mua đài luyện công, mua sách tặng cho các học viên, những việc họ làm trên thực tế sớm đã chính là những việc của một người phụ trách trạm phụ đạo rồi, còn có chàng trai trẻ Lục Thanh, đắc Pháp sớm, người thì trẻ, lại là sinh viên đại học, sức khỏe dồi dào, những việc của trạm phụ đạo đương nhiên sẽ có thể làm được càng tốt.

Chu Nghĩa Thanh đỏ mặt, liên tục xua tay, nói bản thân không được, khi còn trẻ chưa từng làm việc quản lý, hiện tại làm sao mà làm trạm trưởng được, đổi người khác đi thôi, Lục Thanh cũng lắc đầu nói rằng mình còn trẻ, công việc trạm trưởng khó lòng làm tốt, chỉ có lão Vương không lên tiếng, lão Vương trước khi nghỉ hưu vốn là phó cục trưởng Cục Thủy Lợi, trong lòng ông thật sự cho rằng mình làm trạm trưởng trạm phụ đạo là thích hợp nhất, huống hồ ban đầu Đại Pháp tại thị trấn này cũng do hai vợ chồng họ hồng dương.

Hoàng Đại Minh nói với Chu Nghĩa Thanh: “Thật ra trạm phụ đạo Đại Pháp không phải là tổ chức cơ cấu như của người thường, trạm trưởng cũng không phải là người quản lý, tu luyện là việc của chính người tu luyện, tinh tấn hay không là vấn đề cá nhân, người phụ trách trạm phụ đạo chỉ cần tâm tính tốt, sẵn sàng vì mọi người mà tình nguyện phục vụ, có thể lấy mình làm gương, mẫu mực với mọi người, thì đã có thể đáp ứng tiêu chuẩn của một người phụ trách trạm phụ đạo rồi. Thím Chu, lão Vương và tiểu Lục đều là những học viên tu lâu, nên có năng lực đảm nhận trách nhiệm tổ chức cho mọi người học Pháp tu luyện, các vị xin đừng chối từ nữa”. Chu Nghĩa Thanh và Lục Thanh ngẫm nghĩ đôi chốc, rồi gật đầu đồng ý. Vương Kiến Dân nói: “Tôi tin chúng ta có thể làm tốt việc của trạm phụ đạo, nhưng tôi đề nghị để lão Chu làm trạm trưởng, tâm tính của lão Chu cao hơn tôi, ít nhân tâm hơn, nhận thức đối với Pháp lý cũng càng sâu sắc hơn”.

Cuối cùng, dưới sự động viên của Hoàng Đại Minh và Lâm Như Yến, Chu Nghĩa Thanh sẽ đảm nhận trạm trưởng trạm phụ đạo Đại Pháp của thị trấn nhỏ, Vương Kiến Dân và Lục Thanh sẽ đảm nhận phó trạm trưởng, bốn học viên còn lại làm phụ đạo viên.

Buổi họp chiều kết thúc, Hoàng Đại Minh, Lâm Như Yến nán lại giao lưu cùng ba người Chu Nghĩa Thanh, Vương Kiến Dân và Lục Thanh rất lâu, họ trao đổi rất nhiều việc mà phụ đạo viên, trạm trưởng cần đặc biệt chú ý, trạm trưởng và phụ đạo viên là những tinh anh trong Đại Pháp, càng cần chú trọng học Pháp, càng thêm nghiêm khắc trong tu luyện tâm tính, mới không cô phụ trọng trách Sư phụ đã giao phó, dẫn dắt thật tốt các học viên trong thị trấn nhỏ này.

Đến giờ ăn tối, ba người Vương Kiến Dân muốn giữ Hoàng Đại Minh và Lâm Như Yến ở lại dùng bữa, nhưng hai người khước từ, nói rằng họ phải ngay lập tức đến huyện Xuân Hòa kế bên thị trấn này, để giúp đỡ các học viên ở huyện Xuân Hòa kiến lập trạm phụ đạo, việc không thể chậm trễ, đến chiều mai họ sẽ ngồi tàu hỏa trở về tỉnh, mỗi người đều có công việc của mình, thời gian thật sự rất gấp gáp.

Cả ba đành chịu, chỉ biết tiễn hai người Hoàng, Lâm đến trạm xe, chuyến xe tối đến huyện Xuân Hòa vừa hay lại là chuyến xe cuối cùng.

Trông theo chiếc xe chạy băng băng trong ánh hoàng hôn xa dần, trong lòng ba người Lục Thanh, Chu Nghĩa Thanh, Vương Kiến Dân đều dâng lên một loại cảm động, còn có vài phần nặng nề. Cảm động trước việc hai người Hoàng, Lâm vì công việc Đại Pháp mà bôn ba, không ngại vất vả; nặng nề là vì từ hôm nay trở đi, ba người họ chính là trạm trưởng trạm phụ đạo của thị trấn nhỏ này, Sư phụ giao cho mình trọng trách lớn thế, bản thân mình thật sự phải tận hết trách nhiệm, làm cho tốt, để không hổ thẹn sứ mệnh được giao, làm không tốt, sẽ ảnh hưởng đến một lô lớn học viên, tội nghiệp lớn như núi.

Tà dương chiếu rọi, biểu cảm của ba con người như ngưng đọng lại, trầm mặc không nói.

Chú thích:

(1) Tam phục: ba tiết khí nóng nhất trong mùa hè rơi vào khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 7 âm lịch, ngày nóng thứ nhất là Sơ phục, 10 ngày sau sẽ đến ngày nóng thứ hai là Trung phục và ngày nóng thứ ba, Mạt phục thường rơi vào khoảng thời gian sau tiết lập thu. Ở phương Tây người ta gọi những ngày này là “Dog days” (ngày chó dại) để chỉ cái nắng nóng oi bức.

Dịch từ:https://big5.zhengjian.org/node/43017



Ngày đăng: 11-01-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.