Tài liệu giảng dạy Văn hóa sơ cấp: Thiên Tự Văn (54)



Ban biên tập Tài liệu giảng dạy Văn hóa Chánh Kiến

[ChanhKien.org]

Nguyên văn:

弦歌酒燕,接杯舉觴。

矯手頓足,悅豫且康。

Bính âm:

弦(xián) 歌(gē) 酒(jiǔ) 燕(yàn),

接(jiē) 杯(bēi) 舉(jǔ) 觴(shāng)。

矯(jiǎo) 手(shǒu) 頓(dùn) 足(zú),

悅(yuè) 豫(yù) 且(qiě) 康(kāng)。

Chú âm:

弦(ㄒㄧㄢˊ)歌(ㄍㄜ)酒(ㄐㄧㄡˇ)燕(ㄧㄢˋ),

接(ㄐㄧㄝ)杯(ㄅㄟ)舉(ㄐㄩˇ)觴(ㄕㄤ)。

矯(ㄐㄧㄠˇ)手(ㄕㄡˇ)頓(ㄉㄨㄣˋ)足(ㄗㄨˊ),

悅(ㄩㄝˋ)豫(ㄩˋ)且(ㄑㄧㄝˇ)康(ㄎㄤ)。

Âm Hán Việt:

Huyền ca tửu yến,

Tiếp bôi cử thương.

Kiều thủ đốn túc,

Duyệt dự thả khang.

Giải thích:

1. Nghĩa của chữ:

Huyền (弦): sợi dây, sợi tơ dùng căng trên nhạc khí để đàn tấu âm thanh.

Yến (燕): yến tiệc.

Tiếp, cử (接、舉): đều chỉ việc nâng nhấc lên.

Bôi, thương (杯、觴): đều là đồ đựng rượu.

Kiều (矯): giơ cao.

Đốn (頓): giậm chân.

Duyệt (悅): vui thích, cao hứng.

Dự (豫): an lạc, nhàn hạ.

Khang (康): an định yên vui.

2. Nghĩa của từ:

Huyền ca (弦歌): ca hát ngâm thơ có đánh đàn đệm tấu.

Tửu yến (酒燕): tiệc rượu.

Tiếp bôi cử thương (接杯舉觴): nâng ly rượu, đôi bên chúc rượu, mời rượu nhau.

Kiều thủ (矯手): chỉ việc giơ tay lên.

Đốn túc (頓足): dùng chân đạp mạnh xuống đất, phát ra âm thanh.

Lời dịch tham khảo

Trong bữa tiệc rượu, có cả nhạc tấu đệm ca hát ngâm thơ. Chủ và khách cùng nâng ly chúc rượu, vui uống thoả thích, không khí rộn ràng náo nhiệt.

Cùng với tiếng nhạc ưu mỹ. Khách khứa không kiềm được mà cùng múa tay giậm chân, cao hứng đến mức hoa chân múa tay, tất cả đều vui sướng, vui vẻ.

Câu chuyện văn tự

Tửu (酒): trong Giáp cốt văn viết là “”, do bộ Thuỷ (水) và Dậu (酉) ghép thành, hình dáng chữ giống hình dạng rượu tràn ra khỏi bình vậy. Trong Kim văn viết là “” hình dáng chữ giống chữ Dậu (酉) hiện nay, mà Dậu (酉) là cổ tự của chữ Tửu (酒). Tiểu triện viết chữ này là “” khá giống với cách viết của Giáp cốt văn, ngoài ra, chữ Dậu (酉) còn có nghĩa là tháng Tám, người thời xưa thích cất rượu vào tháng Tám, bởi vì lúc này thóc lúa đã gặt hái xong, việc nông cũng đã xong một giai đoạn, mà rượu là cất từ nước và gạo, cho nên chữ Tửu (酒) có chữ Thuỷ (水) ở bên.

Thủ (手): Kim văn viết là “”, giống bàn tay với năm ngón tay xoè ra kéo dài đến phần cổ tay, hình dáng chữ trong Tiểu triện “” không khác mấy trong cách viết của Kim văn, đều là lấy hình dạng ngón tay xoè ra làm thành hình dáng chữ, nghĩa gốc của chữ là ngón tay xoè ra, nếu ngón tay nắm lại sẽ thành chữ Quyền (拳), Thủ (手) là tên gọi chung của bàn tay.

Túc (足): trong Giáp cốt văn viết là “” . phía trên là chân người, phía dưới là ngón chân người. Kim văn viết là “” khá giống cách viết của Tiểu triện “” , đều là bộ Khẩu (口) thêm chữ Chỉ (止), nghĩa của Chỉ (止) là ngón chân, mà ở đây Khẩu (口) là biểu thị cho bộ phận từ đầu gối đến gót chân, thường gọi là bắp chân, mà nghĩa gốc của Túc (足) là chỉ chi dưới của thân thể người dùng để đứng thẳng và bước đi.

Suy ngẫm và thảo luận

Tửu đức và tửu lễ

Cách nhìn nhận của người Trung Quốc đối với vạn sự vạn vật trong thế gian đều liên quan đến Lễ, mà đối với việc uống rượu thì càng không thể không có Lễ, vậy nên không chỉ chú trọng về “tửu đức” mà còn đặt ra “tửu lễ” nhằm đặt ra các phép tắc cho hành vi uống rượu.

Tửu đức

Hai chữ tửu đức xuất hiện sớm nhất trong «Thượng Thư» và «Thi Kinh», ý nói người uống rượu cần có đức hạnh, “tửu đức” được nói đến trong «Thượng Thư – Tửu Cáo» chính là: “ẩm duy tự” (tức là chỉ khi cúng tế mới được uống rượu); “vô di tửu” (tức là không được uống rượu thường xuyên, bình thường uống ít thôi, nhằm tiết kiệm lương thực, chỉ khi bệnh mới nên uống rượu); “chấp quần ẩm” (tức là cấm chỉ dân chúng tụ họp uống rượu); “cấm trầm miện” (tức là cấm chỉ uống quá đà).

Tửu lễ

Viên Hoằng Đạo thời nhà Minh, thấy những người uống rượu trong khi uống rượu thì hành vi không đoan chính, do đó đã thu thập một lượng lớn tư liệu từ trong các sách cổ, rồi đặc biệt viết ra cuốn «Thương Chính». Tuy điều này là được viết cho những người chơi trò hành tửu lệnh (uống rượu theo hiệu lệnh), nhưng nó cũng có ý nghĩa nhất định đối với những người uống rượu bình thường. Ở Trung Quốc khi xưa có những lễ tiết khi uống rượu như sau:

Khi chủ nhà và khách cùng uống rượu, cần cúi bái nhau. Khi bậc vãn bối (người ít tuổi hoặc thứ bậc thấp hơn) uống rượu trước mặt bậc trưởng bối, gọi là thị ẩm, thường phải cúi bái hành lễ trước, sau đó ngồi vào mâm sau. Khi bậc trưởng bối lệnh cho uống rượu thì bậc vãn bối mới có thể nâng ly; khi rượu trong ly bậc trưởng bối còn chưa uống hết thì bậc vãn bối cũng không thể uống cạn.

Lễ nghi uống rượu khi xưa có khoảng bốn bước: bái, tế, thối, thốt tước. Tức là trước tiên phải cúi bái, nhằm thể hiện sự kính trọng, tiếp theo là đổ chút rượu xuống mặt đất, tế tạ đức sinh dưỡng của đất; sau đó nếm thử vị rượu, và khen ngợi để chủ nhà vui lòng; sau cùng là dốc uống cạn ly.

Trong tiệc rượu, chủ nhà phải chúc rượu khách (gọi là thù), khách phải mời lại chủ nhà (gọi là tạc), lúc chúc rượu còn nói thêm vài câu chúc nữa. Giữa khách khứa với nhau cũng có thể chúc rượu (gọi là: lữ thù). Có lúc còn phải chúc rượu theo lượt (gọi là hành tửu). Khi chúc rượu, người chúc rượu và người được chúc đều phải “tị tịch”, đứng lên khỏi chỗ ngồi. Thường thì chúc rượu không quá ba ly.

Bạn có thể nêu ra những “tửu đức” được đề cập đến trong bài không? Bạn nghĩ gì về những nội dung này?

Bạn có thể nêu ra những “tửu lễ” được đề cập đến trong bài không? Bạn nghĩ gì về những nội dung này?

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/44857



Ngày đăng: 18-08-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.