Tài liệu giảng dạy Văn hóa sơ cấp: Thiên Tự Văn (25)
Ban biên tập Tài liệu giảng dạy Văn hóa Chánh Kiến
[ChanhKien.org]
Nguyên văn:
性靜情逸,心動 (1)神疲 (2) 。守真 (3)志滿 (4),逐物 (5)意移 (6)。
Bính âm:
性 (xìng) 靜 (jìng) 情 (qíng) 逸 (yì),
心 (xīn) 動 (dòng) 神 (shén) 疲 (pí)。
守 (shǒu) 真 (zhēn) 志 (zhì) 滿 (mǎn),
逐 (zhú) 物 (wù) 意 (yì) 移 (yí)。
Chú âm:
性 (ㄒㄧㄥˋ) 靜 (ㄐㄧㄥˋ) 情 (ㄑㄧㄥˊ) 逸 (ㄧˋ), 心 (ㄒㄧㄣ) 動 (ㄉㄨㄥˋ) 神 (ㄕㄣˊ) 疲 (ㄆㄧˊ)。
守 (ㄕㄡˇ) 真 (ㄓㄣ) 志 (ㄓˋ) 滿 (ㄇㄢˇ), 逐 (ㄓㄨˊ) 物 (ㄨˋ) 意 (ㄧˋ) 移 (ㄧˊ)。
Âm Hán Việt:
Tính tĩnh tình dật,
Tâm động thần bì.
Thủ chân chí mãn,
Trục vật ý di.
Giải thích:
1. Nghĩa của chữ:
Tính (性): tâm tính.
Tĩnh (靜): yên tĩnh, yên lặng, tĩnh mịch, không có tiếng động.
Tình (情): tâm tình, tình cảm.
Dật (逸): an dật, an nhàn, tự do tự tại, không bị ràng buộc.
Tâm (心): trái tim, tấm lòng, tâm tư.
Động (動): chuyển động, di chuyển, thay đổi.
Thần (神): tinh thần.
Bì (疲): mệt mỏi, uể oải.
Thủ (守): bảo trì, giữ vững.
Chân (真): chân thật, chân thực, chân thành; không có vọng niệm (ý nghĩ không chính đáng).
Chí (志): chí hướng, chí nguyện, đức hạnh.
Mãn (滿): viên mãn, hoàn hảo, tốt đẹp.
Trục (逐): truy cầu, theo đuổi.
Vật (物): vật chất.
Ý (意): ý chí.
Di (移): cải biến, thay đổi, biến đổi, sửa đổi.
2. Nghĩa của từ:
(1) Tâm động (心動): tâm tư biến động không yên.
(2) Thần bì (神疲): tinh thần uể oải, mệt mỏi.
(3) Thủ chân (守真): bảo trì trong tâm không có vọng niệm.
(4) Chí mãn (志滿): đức hạnh tự nhiên viên mãn.
(5) Trục vật (逐物): theo đuổi đời sống vật chất.
(6) Ý di (意移): thay đổi ý chí cầu tiến hướng về phía trước của bạn.
Lời dịch tham khảo:
Tâm tính an yên, tĩnh tại thì cảm xúc tự nhiên sẽ an nhàn tự tại, nếu như tâm tư biến động bất ổn thì tinh thần sẽ uể oải, mỏi mệt. Có thể bảo trì được tâm không có vọng niệm thì tự nhiên đức hạnh (đạo đức và phẩm hạnh) của bạn sẽ trở nên tốt đẹp, nếu chỉ biết theo đuổi đời sống vật chất, sẽ làm thay đổi ý chí cầu tiến, hướng thượng của bạn mà trở thành nước chảy bèo trôi (ý rằng sẽ xuôi theo dòng mà xuống thấp).
Câu chuyện văn tự:
Thông qua bài này chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về chữ “Tĩnh” 靜.
“Tĩnh” 靜 là một chữ hình thanh biểu ý, trong Giáp cốt văn không có chữ này, nhưng trong Kim văn có hai cách viết, thứ nhất là “”, một cách khác là“ ” . Học giả cho rằng “Tĩnh” có ý là không tranh giành, thanh tỉnh. “Tranh” 爭 ý là kéo vật về phía mình hoặc đưa vào mình, mà “Thanh” 青 là tỉ mỉ rõ ràng thoả đáng. Cho nên “Tĩnh” chính là tự cân nhắc xem xét ý nghĩ của mình, là một loại công phu hướng vào nội tâm mà tìm. Khi bạn nghĩ thông suốt nguyên nhân của sự việc rồi, cũng sẽ tâm bình khí hòa và không đi tranh giành nữa. Cổ nhân có câu: “Tĩnh dĩ tu thân, kiệm dĩ dưỡng đức” (ý nghĩa là: Lấy tĩnh để tu thân, lấy cần kiệm để dưỡng đức), bạn nhất định phải bỏ công sức để tu thân một phen mới có thể đạt được “Tĩnh”.
“Tĩnh” ngoài việc là một loại công phu tu thân ra, còn giúp giải thích các loại trạng thái như ổn định, yên tĩnh, thanh lọc, sáng tỏ, im lặng, thanh khiết, khoan thai, điềm tĩnh, bình thản, bình tĩnh, bình hòa… Cho nên “Tĩnh” là một trong những chữ mà rất nhiều người đọc sách thích viết để khuyến khích bản thân mình.
Suy ngẫm và thảo luận:
Bài này đàm luận về vấn đề tâm tính và phẩm hạnh, cổ nhân cho rằng tâm tính là nhân tố chủ yếu ảnh hưởng đến cảm xúc và trạng thái tinh thần tốt hay xấu, nếu tâm tính tốt sẽ bảo trì bản tính thuần chân không có ham muốn, không bị cám dỗ bởi cuộc sống vật chất, có thể giúp chúng ta trở thành một người có chí hướng rộng lớn cao xa, thành người có đức hạnh cao siêu. Vậy thì, chúng ta hãy cùng nhau thảo luận mấy vấn đề dưới đây, bạn hãy nói ra quan điểm, cách nhìn nhận của mình và chia sẻ với mọi người nhé.
1. Thế nào là tâm tính tốt?
2. Tại sao tâm tính không tốt sẽ khiến cho tinh thần khó chịu, mỏi mệt?
3. Bạn có hay suy nghĩ lung tung không? Chúng ta nên làm sao để loại bỏ nó nhỉ?
4. Hưởng thụ đời sống vật chất tốt đẹp luôn là mục tiêu theo đuổi của mỗi người, nhưng mà người xưa vẫn hay nói “Trục vật ý di”, câu này có ý gì? Có nghĩa là nếu chỉ biết theo đuổi đời sống vật chất, sẽ làm thay đổi ý chí cầu tiến, hướng thượng của bản thân. Vậy chúng ta phải làm thế nào để có thể cân bằng cả hai?
Phụ lục:
Câu chuyện “Mộc nhân thạch tâm” (người gỗ tim đá)
Vào triều đại nhà Tấn có một người tên là Hạ Thống học rộng tài cao, nhưng không chịu làm quan, rất nhiều người mời ông, đều bị ông từ chối. Lần nọ, ông có việc đến kinh thành, nhân tiện ghé thăm quan Thái úy Giả Sung, Giả Sung rất ngưỡng mộ ông, hy vọng có thể giữ ông lại để giúp việc chính sự. Thế nhưng không có cách nào để thuyết phục được ông, Giả Sung bèn dùng quyền thế để lôi kéo ông. Giả Sung lập tức triệu tập quân đội, xe ngựa, sắp xếp đội ngũ chỉnh tề, thổi kèn vang dội, mời ông cùng đi duyệt binh, đồng thời nói với ông rằng: “Nếu như ngươi đồng ý làm quan thì tất cả quân đội, xe ngựa này liền thuộc về ngươi chỉ huy, đây là việc mà người người đều hâm mộ”.
“Những quân đội, xe ngựa này quả thực là hùng tráng uy vũ, nhưng tôi không hề có chút hứng thú nào với chúng”, Hạ Thống thản nhiên đáp.
Giả Sung nghe xong cảm thấy rất thất vọng. Nhưng ông ta lại nghĩ, có lẽ Hạ Thống không thích quyền thế, nhưng chẳng lẽ không thích tài sắc sao? Thế là ông ta gọi một nhóm rất nhiều ca kỹ với dung mạo mỹ lệ, xiêm y rực rỡ tới trước mặt Hạ Thống rồi bắt đầu ca hát nhảy múa tuyệt đẹp. Giả Sung bèn nói với Hạ Thống: “Nếu như ngươi nguyện ý làm quan, những mỹ nữ này sẽ là của ngươi”. Thế nhưng Hạ Thống lại không chút do dự từ chối, ông đáp: “Sự hưởng thụ này quả thực là những thứ rất khó để có được, nhưng cũng không phải là thứ tôi muốn”. Trải qua mấy lần thuyết phục như vậy, Giả Sung biết quyền thế, sắc đẹp không cách nào đả động được Hạ Thống, liền giận dữ nói với mọi người: “Cái tên tiểu tử Hạ Thống này, thật giống như người làm từ gỗ, tim làm bằng đá”. Đây chính là nguồn gốc của câu thành ngữ “Mộc nhân thạch tâm” dùng để miêu tả ý chí kiên định của một người, bất cứ cám dỗ nào cũng không thể dao động được anh ta, nếu như anh ta tiếp nhận cám dỗ, cải biến ý chí thì khi ấy chính là “Trục vật ý di” rồi.
Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/43801
Ngày đăng: 18-01-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.