Tài liệu giảng dạy Văn hóa sơ cấp: Thiên Tự Văn (30)



Ban biên tập Tài liệu giảng dạy Văn hóa Chánh Kiến

[ChanhKien.org]

Nguyên văn:

右通廣內 (1),左達承明 (2)。既集墳典 (3),亦聚群英 (4)。

Bính âm:

右 (yòu) 通 (tōng) 廣 (guǎng) 內 (nèi),

左 (zuǒ) 達 (dá) 承 (chéng) 明 (míng)。

既 (jì) 集 (jí) 墳 (fén) 典 (diǎn),

亦 (yì) 聚 (jù) 群 (qún) 英 (yīng)。

Chú âm:

右 (ㄧㄡˋ) 通 (ㄊㄨㄥ) 廣 (ㄍㄨㄤˇ) 內 (ㄋㄟˋ),

左 (ㄗㄨㄛˇ) 達 (ㄉㄚˋ) 承 (ㄔㄥˋ) 明 (ㄇㄧㄥˋ)。

既 (ㄐㄧˋ) 集 (ㄐㄧˋ) 墳 (ㄈㄣˋ) 典 (ㄉㄧㄢˇ),

亦 (ㄧˋ) 聚 (ㄐㄩˋ) 群 (ㄑㄩㄣˋ) 英 (ㄧㄥ)。

Âm Hán Việt:

Hữu thông Quảng Nội,

Tả đạt Thừa Minh.

Ký tập phần điển,

Diệc tụ quần anh.

Giải thích:

1. Nghĩa của chữ:

Hữu (右): phải, bên phải, đối lập với Tả 左 (trái).

Thông (通): thông đạt, thông suốt, từ chỗ này đến chỗ khác.

Quảng (廣): rộng, từ đối lập là Hiệp 狹 (hẹp).

Nội (內): bên trong.

Tả (左): trái, bên trái, đối lập với Hữu 右 (phải).

Đạt (達): đến, tới một địa điểm, một giai đoạn nào đó.

Thừa (承): tiếp tục, kế tục, kéo dài, tiếp nối.

Minh (明): sáng, ánh sáng.

Ký (既): lại, vừa.

Tập (集): tập hợp.

Phần (墳): tức “Tam phần”, là cuốn sách ghi chép về Tam Hoàng (Phục Hy thị, Thần Nông thị, Hoàng Đế).

Điển (典): tức “Ngũ điển”, là cuốn sách ghi chép về Ngũ Đế (Thiếu Hạo, Chuyên Húc, Đế Khốc, Nghiêu, Thuấn).

Diệc (亦): cũng.

Tụ (聚): hợp lại, tụ họp lại.

Quần (群): nhóm, chỉ số nhiều.

Anh (英): người tài đức xuất chúng.

2. Nghĩa của từ:

(1) Quảng Nội (廣內): tức điện Quảng Nội, là nơi Hoàng đế cất giữ các loại điển tịch (sách xưa, sách cổ), tranh sách.

(2) Thừa Minh (承明): tức điện Thừa Minh, là nơi Hoàng đế hội kiến văn võ đại thần.

(3) Phần điển (墳典): tức “Tam phần” và “Ngũ điển”, là những cuốn sách cổ xưa nhất của Trung Quốc, sớm đã thất truyền.

(4) Quần anh (群英): rất nhiều người tài đức xuất chúng, ở đây chỉ văn võ bá quan.

Lời dịch tham khảo:

Trong cung điện hùng vĩ tứ thông bát đạt (thông suốt cả bốn mặt tám phương), bên phải thì thông đến điện Quảng Nội, bên trái thì nối với điện Thừa Minh. Điện Quảng Nội là nơi lưu giữ những kiệt tác và kinh điển như “Tam phần” và “Ngũ điển”, v.v.; còn điện Thừa Minh là chốn tụ họp của các anh tài văn võ bá quan.

Câu chuyện văn tự:

Hữu 右: Kim văn viết là “ ” ; chữ Tiểu triện viết là “”. “ ” chính là tay, khi tay không ứng phó được thì sử dụng “口” Khẩu (miệng) để hiệp trợ; giống như một số lúc chúng ta dùng tay nhưng không mở được nút thắt thì cũng có thể dùng miệng (口) để trợ giúp. Cho nên nghĩa gốc của chữ “Hữu” là “tay và miệng tương trợ nhau”.

Nội 內: Giáp cốt văn viết là “” ; Kim văn viết là “”. “ ” giống hình dáng bên ngoài của ngôi nhà, còn “ ” chính là chữ “Nhập”, cho nên tiến vào trong nhà chính là “Nội”.

Tả 左: Kim văn viết là “” ; chữ Tiểu triện viết là “ ” . Phần trên (giống chữ Hữu “右”) là cái tay, phần dưới “工” là công việc, công tác; bất kể là dùng tay trái làm việc gì đó hay là làm việc ở bên trái thì đều có hàm ý là trợ giúp từ bên cạnh, cho nên nghĩa gốc của chữ Tả là “bàn tay phụ tá, trợ giúp”.

Tập 集: Giáp cốt văn viết là “ ” ; Kim văn viết là “” ; chữ Tiểu triện viết là “” . Từ mấy kiểu chữ này đều có thể nhìn ra dáng vẻ chim đậu trên cây, cho nên nghĩa gốc của chữ Tập này là “bầy chim trên cây”.

Điển 典: Giáp cốt văn viết là “ ”, hình dáng chữ tựa như dùng hai tay tiếp nhận giản sách (sách thẻ tre), từ đó có thể biết rằng quyển Sách 冊 rất quan trọng thì chính là Điển 典 (kinh sách trọng yếu, được coi là mẫu mực, dùng làm tiêu chuẩn). Kim văn viết là “ ”, hình dáng giống như là đem Sách 冊 đặt ở trên Cơ 丌, “丌” Cơ là đồ chuyên dùng để lưu giữ thư tịch, cũng chính là nói những thư tịch được cất giữ trên Cơ thì gọi là Điển.

Suy ngẫm và thảo luận:

Thi Lễ Truyền Gia

Xưa kia, trong phòng khách của rất nhiều gia đình có văn hóa đều treo tấm biển “Thi Lễ Truyền Gia”.

Khổng Tử dạy con học Thi học Lễ, điều này xưa nay được truyền thừa ca tụng, và được gọi là “Đình Huấn”, “Thi Lễ Thùy Huấn”, v.v., còn các hậu duệ của Khổng Tử gọi đó là “Tổ Huấn”, hay “Thi Lễ Truyền Gia”.

Câu chuyện Khổng Tử dạy con học Thi học Lễ được viết trong cuốn “Luận Ngữ – Quý Thị”. Trong sách kể rằng, có một ngày, Khổng Tử đang đứng một mình ở trong sân thì con của ông là Khổng Lý bước từng bước nhỏ cung kính đi qua và bị Khổng Tử gọi lại. Khổng Tử hỏi con đã học “Kinh Thi” chưa? Khổng Lý đáp rằng vẫn chưa học, Khổng Tử liền nói với Khổng Lý rằng không học tập “Thi” thì không biết cách giao thiệp với người khác. Thế là Khổng Lý liền lui về nghiêm túc học tập “Kinh Thi”. Sau đó có một ngày, khi Khổng Lý đi ngang qua sân thì lại bị Khổng Tử gọi lại, ông lại hỏi Khổng Lý rằng đã học tập lễ nghi chưa, Khổng Lý đáp rằng vẫn chưa. Khổng Tử lại dạy bảo rằng, không học tập “Lễ” thì rất khó lập thân làm người. Thế là Khổng Lý lại lui về học tập lễ nghi.

Khổng Tử từng nói: Mọi người sao không học “Thi” xem sao? “Thi” vừa có thể kích thích làm gia tăng chí thú (hứng thú) của một người, tăng trưởng tri thức của một người, lại vừa có thể dung hòa cảm tình với đại chúng, cũng có thể trút ra những cảm xúc ủy khuất của bản thân. Nói gần thì có thể giúp người ta hiểu được phải phụng dưỡng cha mẹ như thế nào; nói xa hơn một chút thì có thể giúp người ta hiểu được cách phụng sự quân vương; ngoài ra còn có thể nhận biết cách gọi tên cỏ cây chim thú nhiều hơn. Khổng Tử còn nói “Thi tam bách, nhất ngôn dĩ tế chi, viết ‘tư vô tà’ ” (trích “Luận Ngữ – Vi Chính”) (tạm dịch: Ba trăm bài thơ, nói tóm lại, là ‘tư tưởng vô tà’). Câu này có thể lý giải là “Kinh Thi” là cuốn sách khuyến thiện trừ ác, các tác giả của hơn 300 bài thơ trong “Kinh Thi” đều là dùng tư tưởng thuần tịnh vô tà để sáng tác ra những bài thơ này; sau khi đọc chúng, người ta có thể trừ bỏ đi những tư tưởng tà ác.

Còn “Lễ” là quy phạm hành vi, lễ nghi đạo đức… mà ai ai cũng cần phải tuân thủ. Đức Khổng Tử đã nói: “Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động” (trích “Luận Ngữ – Nhan Uyên”) (tức là: Không đúng Lễ chớ nhìn, không đúng Lễ chớ nghe, không đúng Lễ chớ nói, không đúng Lễ chớ làm). “Lễ” đã có ý nghĩa quan trọng như thế, vậy thì một người không học “Lễ”, không hiểu “Lễ” thì làm sao biết cách lập thân, đối nhân xử thế trong xã hội? Đây chính là đạo lý “Bất học lễ, vô dĩ lập” (Không học Lễ thì không thể lập thân trong xã hội).

Người Trung Quốc từ xưa đã chú trọng ‘đình huấn gia giáo’ (dạy bảo, giáo dục trong nhà, trong gia đình); trong văn hóa truyền thống Trung Quốc vốn có các văn hóa và mỹ đức: nhân nghĩa lễ trí tín, trung hiếu tiết nghĩa, lễ nghĩa liêm sỉ, và tu thân – tề gia – trị quốc – bình thiên hạ, những điều này thường được thấy trong các gia huấn gia quy nổi tiếng trong các triều đại. Ví dụ như vị quan Nhan Chi Thôi thời Bắc Tề đã giáo dục con cháu theo đạo đức truyền thống và đạo lập thân trị gia, cuốn “Nhan Thị Gia Huấn” của ông được người đời sau tôn xưng là “Gia Huấn Chi Tổ” (tổ tông của các cuốn gia huấn), cuốn này có ảnh hưởng sâu rộng đến các thế hệ sau.

(1) Tại sao đức Khổng Tử muốn dạy con của ông là Khổng Lý học Thi học Lễ?

(2) Câu chuyện này nói cho chúng ta biết trong văn hóa truyền thống Trung Quốc thì làm người cần phải học tập những gì?

(3) Văn hóa truyền thống Trung Quốc chú trọng các mỹ đức như “nhân nghĩa lễ trí tín, trung hiếu tiết nghĩa, lễ nghĩa liêm sỉ”, hãy thử chia sẻ những biểu hiện của mỹ đức trong cuộc sống hàng ngày của bạn nhé?

(4) Mời bạn chia sẻ những câu chuyện có liên quan đến “Nhân nghĩa lễ trí tín, trung hiếu tiết nghĩa, lễ nghĩa liêm sỉ” mà bạn biết. (Có thể tham khảo câu chuyện “Làm người phải thủ Tín tri Lễ” dưới đây)

Phụ lục:

Làm người phải “thủ Tín tri Lễ”

Trần Thực, tự Trọng Cung, là người Dĩnh Xuyên ở Đông Hán (nay là phía đông của thành phố Hứa Xương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc). Do từng nhậm chức Huyện trưởng huyện Thái Khâu cho nên mọi người gọi ông là Trần Thái Khâu, ông nổi tiếng vì sự chính trực và phẩm đức thường hằng nghiêm chính. Con của ông được ông đích thân dạy bảo, từ lời nói tới việc làm ông đều làm gương cho con, mưa dầm thấm đất, nhờ vậy mà con của ông cũng chịu ảnh hưởng từ cha, cho nên từ khi còn rất nhỏ đã biết rõ những chuẩn tắc cơ bản mà làm người cần phải tuân theo như “thủ Tín tri Lễ”, v.v.

Có một lần, Trần Thái Khâu hẹn bạn cùng nhau ra ngoài vào buổi trưa, đã quá giờ hẹn nhưng người bạn ấy vẫn chưa đến, Trần Thái Khâu liền đi một mình. Sau khi người bạn kia đến nhà thì gặp Nguyên Phương, cậu con trai bảy tuổi của Trần Thái Khâu, đang chơi đùa ở ngoài cửa, liền hỏi: “Cha của con có nhà không?”. Đứa nhỏ đáp: “Chờ ngài rất lâu mà ngài chưa tới, cha con đã đi rồi ạ!”

Người bạn này liền tức giận và nói: “Thật không ra gì! Đã hẹn nhau rồi mà lại bỏ đi trước!”

Nguyên Phương nói: “Ngài hẹn với cha con giữa trưa sẽ đến, nhưng tới giữa trưa ngài lại không đến, đây là vô Tín; ở trước mặt con trẻ mà nhục mạ cha của chúng, đây là vô Lễ ạ”.

Người bạn này thấy đứa nhỏ mới bảy tuổi nhưng đã hiểu được đạo lý làm người phải “thủ Tín tri Lễ”, cho nên tự cảm thấy vô cùng hổ thẹn, thế rồi liền xuống xe cầm tay Nguyên Phương để tỏ ý xin lỗi.

Thành thật thủ Tín (giữ chữ Tín) là một biểu hiện của “Chân”, “tri thư đạt lý” (đọc Kinh Thư, Kinh Thi, có văn hóa, hiểu lễ nghĩa) là một biểu hiện của người có tu dưỡng; đây đều là những tiêu chuẩn làm người mà cổ nhân duy trì, tuân theo và tôn sùng, bởi vì chỉ có như vậy thì mới có thể được người khác tôn kính.

Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/44082



Ngày đăng: 19-02-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.