Tài liệu giảng dạy Văn hóa sơ cấp: Thiên Tự Văn (21)



Ban biên tập Tài liệu giảng dạy Văn hóa Chánh Kiến

[ChanhKien.org]

Nguyên văn:

樂殊貴賤 (1),禮別尊卑 (2)。上和下睦 (3),夫唱婦隨 (4)。

Bính âm:

樂 (yuè) 殊 (shū) 貴 (guì) 賤 (jiàn) ,

禮 (lǐ) 別 (bié) 尊 (zūn) 卑 (bēi) 。

上 (shàng) 和 (hé) 下 (xià) 睦 (mù) ,

夫 (fū) 唱 (chàng) 婦 (fù) 隨 (suí) 。

Chú âm:

樂 (ㄩㄝˋ) 殊 (ㄕㄨ) 貴 (ㄍㄨㄟˋ) 賤 (ㄐㄧㄢˋ),

禮 (ㄌㄧˇ) 別 (ㄅㄧㄝˋ) 尊 (ㄗㄨㄣ) 卑 (ㄅㄟ)。

上 (ㄕㄤˋ) 和 (ㄏㄜˋ) 下 (ㄒㄧㄚˋ) 睦 (ㄇㄨˋ),

夫 (ㄈㄨ) 唱 (ㄔㄤˋ) 婦 (ㄈㄨˋ) 隨 (ㄙㄨㄟˋ)。

Âm Hán Việt:

Nhạc thù quý tiện,

Lễ biệt tôn ti.

Thượng hòa hạ mục,

Phu xướng phụ tùy.

Giải thích:

1. Nghĩa của chữ:

Nhạc (樂): âm nhạc, âm thanh có quy luật hài hòa.

Thù (殊): khu biệt, phân biệt, khác biệt.

Quý (貴): thân phận, địa vị cao quý.

Tiện (賤): thân phận, địa vị thấp kém.

Lễ (禮): thái độ, hành vi quy phạm và nghi lễ có sự quy củ, đúng đắn, cung kính.

Biệt (別): khác biệt.

Tôn (尊): thân phận, địa vị tôn hiển (cao quý).

Ti (卑): thân phận, địa vị ti hạ (thấp kém).

Thượng (上): tôn trưởng, trưởng bối (người bề trên) hoặc người có địa vị cao.

Hòa (和): hữu nghị, thân thiện, hòa thuận, hòa hợp, hài hoà.

Hạ (下): tiểu bối (người bề dưới) hoặc người địa vị thấp.

Mục (睦): hòa thuận, thân cận.

Phu (夫): trượng phu, chồng.

Xướng (唱): ở đây giống như “Xướng” 倡, lãnh đạo, khởi xướng, đề xướng.

Phụ (婦): thê tử, vợ.

Tùy (隨): đi theo, thuận theo, nghe theo, vâng theo.

2. Nghĩa của từ:

(1) Quý tiện (貴賤): Địa vị cao thấp.

(2) Tôn ti (尊卑): giống “Quý tiện”.

(3) Thượng hòa hạ mục (上和下睦): chung sống hòa thuận giữa người trên và người dưới.

(4) Phu xướng phụ tùy (夫唱婦隨): Chồng tung vợ hứng, một người khởi xướng một người nghe theo, hài hòa nhất trí.

Lời dịch tham khảo:

Âm nhạc có thể dùng để phân biệt sự khác nhau giữa thân phận địa vị cao quý và thấp kém; các loại lễ nghi có thể dùng để phân biệt sự khác nhau giữa thân phận địa vị tôn hiển và ti hạ.

Trưởng bối và tiểu bối (người bề trên và bề dưới), hay người có địa vị cao và thấp, đều nên chung sống hòa thuận với nhau; chồng đề xướng vợ nghe theo, vợ chồng hòa thuận.

Câu chuyện văn tự:

Thượng 上, hạ 下: hai chữ “thượng, hạ” này đều do một nét ngang và một nét chấm tạo thành, Giáp cốt văn viết là “”, “”, nét ngang khá dài kia nhìn tựa như là mặt bàn hoặc là đường chân trời, mà nét chấm ngắn kia là chỉ đồ vật.

Đồ vật nếu như cao hơn so với mặt bàn hoặc đường chân trời, thì viết nét chấm lên trên nét ngang, tương tự nếu đặt đồ vật ở nơi thấp hơn so với mặt bàn hoặc đường chân trời, thì viết nét chấm xuống bên dưới nét ngang. Cách phân loại này được mở rộng tạo thành hai chữ thượng 上, hạ 下 như ngày nay. Kim văn viết là “ ”, “ ” ; chữ Tiểu triện viết là “ ”, “ ”. Những lối viết này đều rất giống nhau, thay đổi không nhiều.

Phu 夫: chữ Giáp cốt văn viết là “” ; Kim văn viết là “ ” ; chữ Tiểu triện viết là “ ”, thoạt nhìn thì giống như hình một người đội mũ hoặc là búi tóc cài trâm. Bởi vì vào thời cổ đại, vào cái ngày mà người nam tròn 20 tuổi thì buộc phải búi tóc một cách cẩn thận và đội mũ, để thể hiện rằng từ nay trở đi đã không còn là trẻ nhỏ, mà là một người lớn, phải thời thời khắc khắc chú ý hành vi cử chỉ của mình mới được.

Suy ngẫm và thảo luận:

Phu hòa thê nhu (chồng hòa nhã, vợ ôn nhu)

Ông Lương Hồng là một văn học gia thời Đông Hán, tuy nhà nghèo nhưng rất có phẩm hạnh đạo đức, hành vi thường ngày ngay chính, cho nên có rất nhiều người đến nhà làm mai mối, đề nghị kết thông gia, nhưng đều bị ông khéo léo cự tuyệt. Cùng huyện có một một nữ tử tên là Mạnh Quang tuổi đã 30, nhưng vẫn chọn lên chọn xuống không chịu xuất giá, cha mẹ hỏi nàng nguyên nhân, nàng nói: “Muốn gả thì phải gả cho người hiển đạt, tài đức như Lương Hồng”. Sau khi ông Lương Hồng nghe được chuyện này thì đã cưới bà Mạnh Quang về.

Bà Mạnh Quang sau khi về nhà chồng liền trang trí cho trong ngoài nhà rực rỡ hẳn lên. Còn ông Lương Hồng lại liên tiếp bảy ngày không để ý đến bà. Thế là bà quỳ xuống hỏi ông Lương Hồng: “Thiếp nghe nói phu quân phẩm hạnh cao khiết, từng cự tuyệt rất nhiều người đến cầu hôn. Nay thiếp may mắn được phu quân nhìn trúng, lại không biết thiếp đã làm sai việc gì, khiến phu quân không muốn nhìn thiếp vậy?”

Ông Lương Hồng nói: “Người vợ mà ta muốn cưới là người có thể mặc quần áo vải thô, cùng ta ẩn cư trong núi. Nay nàng mặc y phục lụa là hoa lệ, tô son điểm phấn, đó là điều ta không muốn nhìn thấy, cho nên mới lạnh nhạt với nàng”.

Bà Mạnh Quang bừng tỉnh nhận ra rồi nói: “Hóa ra đây là chí hướng của phu quân, thiếp đã chuẩn bị xong quần áo ẩn cư”. Thế rồi bà Mạnh Quang thay áo vải bố, cài trâm gai rồi tới gặp ông Lương Hồng. Ông Lương Hồng nhìn thấy liền vui vẻ nói: “Đây mới là vợ của ta!” Không lâu sau, hai người dời vào trong núi Bá Lăng, làm nghề cày cấy dệt vải, mỗi ngày tụng đọc “Kinh Thi”, “Thượng Thư”, đánh đàn tiêu khiển, sống rất vui vẻ.

Sau đó hai người lại dời đến nước Ngô. Mỗi lần ông Lương Hồng từ bên ngoài trở về nhà, bà Mạnh Quang đều bưng cho ông bữa cơm đã chuẩn bị tươm tất và không dám ngước mắt nhìn, hơn nữa còn dâng khay cơm cao đến ngang chân mày của mình. Mọi người ca ngợi hai người họ như sau: “Đôi phu thê này thật sự là ‘cử án tề mi, tương kính như tân’ (nâng khay ngang mày, tôn trọng nhau như khách)!”

Văn hóa truyền thống Trung Quốc vô cùng xem trọng đạo đức giữa phu thê (người chồng và người vợ). Nho gia xếp quan hệ phu thê vào một cương trong “Tam cương”, cho rằng quan hệ phu thê là lấy đức của thiên địa làm căn bản, nó trực tiếp ảnh hưởng đến sự hài hòa trong gia đình, sự yên ổn của xã hội và sự thuần phác của giáo hóa phong tục. Nho gia cho rằng giữa người chồng và người vợ nên là ‘phu nghĩa phụ thuận’ (chồng chính nghĩa, vợ thuận theo), ‘phu hòa thê nhu’ (chồng hòa nhã, vợ ôn nhu). Ngoài ra, giữa phu thê cũng không chỉ là chàng chàng thiếp thiếp, mà càng phải nên cùng chung hoạn nạn, khích lệ lẫn nhau, đây mới là chỗ tinh hoa của mối quan hệ giữa người chồng và người vợ trong truyền thống.

(1) Ông Lương Hồng đã cự tuyệt rất nhiều người tới nhà đề nghị kết thông gia, sau đó tại sao ông lại cưới bà Mạnh Quang?

(2) Ông Lương Hồng muốn sống ẩn cư trong núi, bà Mạnh Quang sau khi biết chí hướng của chồng thì đối diện với điều này như thế nào?

Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/43797



Ngày đăng: 24-12-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.