Tài liệu giảng dạy Văn hóa sơ cấp: Thiên Tự Văn (45)
Ban biên tập Tài liệu giảng dạy Văn hóa Chánh Kiến
[ChanhKien.org]
Nguyên văn:
省躬譏誡,寵增抗極。
殆辱近恥,林皋幸即。
Bính âm:
省(shěng) 躬(gōng) 譏(jī) 誡(jiè) ,
寵(chǒng) 增(zēng) 抗(kàng) 極(jí) 。
殆(dài) 辱(rù) 近(jìn) 恥(chǐ) ,
林(lín) 皋(gāo) 幸(xìng) 即(jí) 。
Chú âm:
省﹙ㄒㄧㄥˇ﹚躬﹙ㄍㄨㄥ﹚譏﹙ㄐㄧ﹚誡﹙ㄐㄧㄝˋ﹚,
寵﹙ㄔㄨㄥˇ﹚增﹙ㄗㄥ﹚抗﹙ㄎㄤˋ﹚極﹙ㄐㄧˊ﹚。
殆﹙ㄉㄞˋ﹚辱﹙ㄖㄨˋ﹚近﹙ㄐㄧㄣˋ﹚恥﹙ㄔˇ﹚,
林﹙ㄌㄧㄣˊ﹚皋﹙ㄍㄠ﹚幸﹙ㄒㄧㄥˋ﹚即﹙ㄐㄧˊ﹚。
Âm Hán Việt:
Tỉnh cung cơ giới,
Sủng tăng kháng cực.
Đãi nhục cận sỉ,
Lâm cao hạnh tức.
Giải thích:
1. Nghĩa của chữ:
Tỉnh (省): phản tỉnh, kiểm điểm.
Cung (躬): tự thân.
Cơ (譏): chê cười, giễu cợt.
Giới (誡): lời cảnh cáo.
Kháng (抗): thường chỉ “Cang” (亢), cũng có nghĩa là cao.
Cực (極): vô cùng, cực kỳ.
Đãi (殆): gần như.
Cận (近): gần, lân cận.
Cao (皋): mô đất cao bên dòng nước.
Hạnh (幸): hi vọng.
Tức (即): đến.
2. Nghĩa của từ:
(1) Tỉnh cung (省躬): tự mình kiểm điểm.
(2) Sủng tăng (寵增): nhận được ân sủng nhiều hơn.
(3) Kháng cực (抗極): ý là rất cao, rất cao.
(4) Đãi nhục cận sỉ (殆辱近恥): cận kề sỉ nhục.
(5) Lâm cao (林皋): mô đất giữa núi rừng, tức là nơi ẩn cư chốn sơn dã.
Lời dịch tham khảo:
Khi nghe thấy người khác chê cười, giễu cợt, nói lời cảnh cáo với chúng ta thì ta cần phải tự mình kiểm điểm, phản tỉnh lời nói hành vi của mình xem có phải là đã vượt quá mức cho phép rồi không. Khi mà chúng ta nhận được ân sủng càng ngày càng nhiều, địa vị càng ngày càng cao, thì người đố kỵ, phỉ báng, đặt điều, hãm hại sẽ nhiều vô kể, thế thì sỉ nhục và tai hoạ sẽ càng ngày càng đến gần chúng ta. Lúc này hi vọng lớn nhất của bạn chính là có thể nhanh chóng rút lui, đến nơi vắng vẻ chốn núi rừng sống cuộc đời thanh đạm, tránh xa hoạ nạn.
Câu chuyện văn tự:
Cung (躬): là một chữ tượng hình lẫn hình thanh hội ý, trong Kim văn viết là “ ”, cách viết của bộ Lữ (呂) trong Tiểu triện là “” , cách viết của bộ Thân (身) trong Tiểu triện là “ ”. Chữ thứ nhất trong Tiểu triện là bộ Thân (身) biểu âm, bộ Lữ (呂) biểu ý, Lữ (呂) có nghĩa là xương sống, gắn xương sống với Thân (身) thì là Cung (躳). Chữ thứ hai là bộ Thân (身) biểu nghĩa bộ Cung (弓) biểu âm, có nghĩa là thân cong như cánh cung, bộ Cung (弓) biểu âm. Dù là bộ Lữ (呂) hay bộ Cung (弓), thì chữ này đều là chỉ thân thể, suy ra là tự thân. Khi thân cong như cánh cung thì thể hiện sự cung kính, khiêm nhường. Vậy nên chữ Cung (躬) mang hai tầng nghĩa ấy.
Suy ngẫm và thảo luận:
Câu chuyện về Đào Chu Công
Đào Chu Công là Đại phu Phạm Lãi của nước Việt thời Xuân Thu, ông ngoài việc giúp đỡ Việt Vương Câu Tiễn phục quốc diệt Ngô, còn hiệp trợ Câu Tiễn xưng Bá chư hầu, lập công lao hiển hách cho nước Việt, đồng thời đảm đương chức Tướng quân. Tuy nhiên ông cảm thấy Câu Tiễn là vị vua chỉ yêu giang sơn, không tiếc quần thần, và cũng cảm thấy chức vị đã cao, thời gian nhậm chức cũng đã lâu, không hẳn là chuyện tốt, do đó có ý rời bỏ Câu Tiễn. Thời điểm ấy, ông và Câu Tiễn vẫn còn ở nước Ngô, nghĩ rằng thắng trận còn chưa về nước, vua vẫn còn ở bên ngoài, lúc này mà rời đi thì không đúng lẽ bề tôi, do vậy chưa thực hiện.
Sau khi về đến nước Việt, Phạm Lãi liền tích cực chuẩn bị việc từ quan, và nói với một vị đại thần là Văn Xung rằng: “Ông hãy đi cùng ta! Nếu không Việt Vương sẽ sát hại ông đó”. Văn Xung không cho là vậy, Phạm Lãi lại viết một bức thư khuyên rằng: “Trời có bốn mùa, xuân sinh sôi đông tàn úa. Người có thịnh suy, vận rủi đến tận cùng thì vận may sẽ đến, vận may phải chăng rồi cũng có lúc kết thúc”, còn nói: “Chim bay cao cũng tan, cung tốt rồi cũng cất. Thỏ tinh ranh đã hết, thì chó săn giỏi cũng bị đem nấu”. Rồi lại nói với ông ấy: “Việt Vương có thể cùng chung hoạn nạn nhưng khó có thể chung hưởng an vui, có thể cùng nhau vào sinh ra tử, nhưng khó bên nhau trong lúc thái bình. Ngài nếu không đi, sẽ hại đến thân, rõ ràng thay”. Nhưng đáng tiếc Văn Xung chẳng nghe lọt, quả nhiên sau đó đã bị hại.
Phạm Lãi sau khi chuẩn bị xong xuôi, liền đến từ biệt Việt Vương, Việt Vương không chịu, còn dụ dỗ ép buộc ông ở lại. Tuy nhiên Phạm Lãi lòng đã quyết ra đi, do đó đã ngồi thuyền nhỏ ra khỏi Tam Giang, đi vào Ngũ Hồ, biệt vô âm tín, không ai biết rốt cuộc ông đã đi đâu. Sau đó không lâu, tại một thị trấn nhỏ ven biển hẻo lánh, xuất hiện một gia đình, chủ gia đình tự xưng là Si Di Tử Bì, họ ở ven biển khai khẩn đất đai, chăm chỉ trồng trọt, mất mấy năm bỏ công sức đã tích lũy được gia sản khổng lồ. Tin tức truyền đến tai Tề Vương, Tề Vương biết Si Di Tử Bì chính là Phạm Lãi, một bậc hiền thần trị quốc, nên đã cử người đến mời ông về làm Tể tướng. Tuy nhiên Phạm Lãi cho rằng thăng quan phát tài tuy là mong muốn lớn nhất của một người bình thường nhưng đối với ông mà nói, danh và lợi đã không còn là mục tiêu theo đuổi của ông nữa. Vậy nên đã từ chối tiếp nhận, đem tài sản chia cho bè bạn thân quyến, hàng xóm láng giềng, còn bản thân chỉ đem theo những thứ cần thiết rồi cùng gia quyến lặng lẽ rời đi, lại tìm đến một nơi xa lạ khác.
Cuối cùng ông đã đến một nơi được gọi là “Đào”, ông cảm thấy Đào là một nơi giao thông thuận tiện rất thích hợp làm ăn buôn bán, do đó Phạm Lãi bắt đầu bước vào công việc kinh doanh, lấy tên là Đào Chu Công. Bởi vì ông buôn bán có đạo đức, biết nắm bắt thời cơ, có thể ổn định cơ nghiệp, biết cách thu nhận người, biết người biết việc, gây dựng được uy tín, lại lấy lợi nhuận thấp, nên ai cũng muốn làm ăn với ông, chẳng mấy chốc, ông lại tích luỹ được gia sản giàu có.
Nghe nói Đào Chu Công đã từng ba lần tích lũy gia sản lớn, tuy nhiên vào thời khắc then chốt, ông lại có thể vứt bỏ những tiền tài ấy mà chẳng chút tiếc nuối, tặng hết cho bạn bè thân quyến, bà con làng xóm nghèo khó, còn bản thân lại làm lại từ đầu, không muốn là một nô lệ cho tiền tài. Chính thái độ biết tiến biết lùi, có thể làm được cũng có thể xả bỏ ấy khiến ông nổi tiếng khắp thiên hạ, trở thành hình mẫu của thương nhân, vậy nên đời sau có người tôn ông là Thần Tài.
(1) Vì sao Phạm Lãi sau khi công thành danh toại thì lại chọn rời khỏi Việt Vương?
(2) Một thương nhân như thế nào mới được xem là thành công? Hãy nêu ra suy nghĩ của bạn nhé.
(3) Thái độ sống thế nào mới có thể khiến chúng ta tránh xa được hoàn cảnh “cận kề sỉ nhục” nào?
Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/44605
Ngày đăng: 17-06-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.