Tài liệu giảng dạy Văn hóa sơ cấp: Thiên Tự Văn (7)



Ban biên tập Tài liệu giảng dạy Văn hóa Chánh Kiến

[ChanhKien.org]

Nguyên văn:

弔民(1)伐罪(2) 周發(3)商湯(4) 坐朝問道(5) 垂拱(6)平章(7)

Bính âm:

吊 (diào) 民 (mín) 伐 (fá) 罪 (zuì)

周 (zhōu) 發 (fā) 商 (shāng) 湯 (tāng)

坐 (zuò) 朝 (cháo) 問 (wèn) 道 (dào)

垂 (chuí) 拱 (gǒng) 平 (píng) 章 (zhāng)

Chú âm:

吊 (ㄉㄧㄠˋ) 民 (ㄇㄧㄣˊ) 伐 (ㄈㄚ) 罪 (ㄗㄨㄟˋ)

周 (ㄓㄡ) 發 (ㄈㄚ) 商 (ㄕㄤ) 湯 (ㄊㄤ)

坐 (ㄗㄨㄛˋ) 朝 (ㄔㄠˊ) 問 (ㄨㄣˋ) 道 (ㄉㄠˋ)

垂 (ㄔㄨㄟˊ) 拱 (ㄍㄨㄥˇ) 平 (ㄆㄧㄥˊ) 章 (ㄓㄤ)

Âm Hán Việt

Điếu dân phạt tội,

Chu Phát Thương Thang.

Tọa triều vấn đạo,

Thùy củng bình chương.

Giải thích:

1. Nghĩa của chữ:

Điếu (弔): an ủi, thăm hỏi.

Dân (民): nhân dân, người dân, dân chúng, bách tính, đại chúng.

Phạt (伐): thảo phạt, chinh phạt, đánh dẹp, tiến đánh.

Tội (罪): hành vi phạm pháp.

Chu (周): tên một triều đại thời xưa.

Phát (發): tên của người khai quốc triều Chu, họ Cơ tên Phát.

Thương (商): tên một triều đại thời xưa.

Thang (湯): vị vua khai quốc nhà Thương.

Tọa (坐): ngồi, nghĩa gốc là chỉ tư thế “hai đầu gối chạm đất, đặt phần mông lên gót chân” của cổ nhân (tức ngồi quỳ), sau này dùng để chỉ việc đặt mông lên đâu đó để ngồi.

Triều (朝): triều đình, nơi vua chấp chính.

Vấn (問): thỉnh giáo, hỏi người khác điều mình không biết.

Đạo (道): đạo lý.

Thùy (垂): buông rủ xuống.

Củng (拱): chắp tay.

Bình (平): quản lý, sửa trị, cai quản, quản trị.

Chương (章): rõ ràng, sáng tỏ.

2. Nghĩa của từ:

(1) Điếu dân (弔民): động viên thăm hỏi những bách tính bị tổn hại.

(2) Phạt tội (伐罪): thảo phạt kẻ có tội.

(3) Chu Phát (周發): chỉ Cơ Phát – người kiến lập nên triều Chu, còn gọi là Chu Vũ Vương.

(4) Thương Thang (商湯): chỉ Thành Thang – người kiến lập nên triều Thương.

(5) Tọa triều vấn đạo (坐朝問道): ý chỉ vua ngồi thẳng, ngay ngắn ở trên triều đình cùng với bậc quần thần thương nghị về đạo lý trị quốc.

(6) Thùy củng (垂拱): hai ống tay áo rủ xuống, hai tay chắp lại. Biểu thị dáng vẻ vô vi mà trị.

(7) Bình chương (平章): làm việc chính sự phân minh rành mạch.

Lời dịch tham khảo:

Tại Trung Quốc 3000 – 4000 năm trước, vì giải trừ khổ nạn cho dân chúng dưới ách thống trị của vị vua bạo ngược, Cơ Phát của triều Chu và Thành Thang của triều Thương đã đánh dẹp những vua chúa bạo ngược thân mang đầy tội, lật đổ nền bạo chính, để cho dân chúng có lại cuộc sống yên ổn. Trong lịch sử, hai vị vua này là những người nổi tiếng hiền đức.

Những vị vua anh minh hiền đức này ngồi thẳng, ngay ngắn trên triều đình, cùng với quần thần thảo luận đạo lý làm cách nào giúp cho bách tính an cư lạc nghiệp. Đồng thời dùng đạo đức để cảm hóa quần thần, khiến họ tuân theo pháp luật, phụng sự việc công, yêu thương bảo vệ bách tính, cho nên các bậc quân vương như họ có thể ngồi quỳ chắp tay, buông thõng tay áo, dùng thái độ rất trầm tĩnh để xử lý việc nước một cách phân minh rành mạch.

Câu chuyện văn tự:

Bài viết này xin giới thiệu tới mọi người chữ “Dân” 民.

“Dân” 民 là chữ tượng hình, theo chữ Kim văn có 3 cách viết: “,”, “, chữ Tiểu triện thì viết là “. Trong chữ Kim văn hình dạng chữ “Dân” giống như mầm cây cỏ, theo học giả nghiên cứu tư liệu thì đây có lẽ là thể cổ của chữ “Manh” 萌, ý là mầm cỏ sinh trưởng um tùm, tươi tốt. Bởi vì hình dạng của nó cũng có dáng dấp như dân chúng thuận theo và phục tùng vua, từ đó mở rộng ra nghĩa “Dân” trong chữ “thứ dân”. Đồng thời mặt khác cũng chế định ra chữ “Manh” 萌 trong “manh nha” (mới phát sinh, nảy sinh). Do vậy hiện nay chữ “Dân” 民 chỉ dùng để chỉ dân chúng.

Trung Quốc có câu: “Dân duy bang bản, bản cố bang ninh”, ý muốn nói dân chúng là căn bản của quốc gia, bởi vậy người cầm quyền nếu có thể chăm lo cho bách tính, vì bách tính mà tạo nên hoàn cảnh yên bình, giúp họ an cư lạc nghiệp; cái căn bản được củng cố rồi thì quốc gia sẽ không bất an rối loạn. Còn có câu nói: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” (Dân chúng là quý giá nhất, sau mới đến đất nước, vua thì còn nhẹ hơn), đạo lý này giống với quan niệm dân chủ của phương Tây. Lấy dân làm gốc, lấy dân làm chủ, người cầm quyền phải chăm lo cho dân chúng, phục vụ dân chúng. Cho nên trong lịch sử, khi làm trái với những đạo lý này và bức hại, tàn sát dân chúng, thì không có một chính quyền bạo lực nào không bị dân chúng khinh bỉ và lật đổ.

Suy ngẫm và thảo luận:

Khi Chí thánh Tiên sư Khổng Tử đi đến nước Tề, và ngang qua Thái Sơn, ngài trông thấy một người phụ nữ đang khóc thảm thiết trước mộ phần. Khổng Tử liền bảo Tử Lộ đến hỏi thăm bà: “Xin hỏi, bà khóc thương tâm như vậy, chắc đã gặp chuyện đau lòng lắm phải không?” Người phụ nữ đáp: “Vâng, trước đây cha chồng tôi bị hổ cắn chết, sau đó chồng tôi cũng bị hổ cắn chết, giờ thì con trai tôi cũng bị hổ cắn chết, ông xem có khổ không?”

Tử Lộ nghe xong liền hỏi: “Vậy sao bà không rời khỏi chỗ này?”

Người phụ nữ đáp: “Bởi vì nơi đây không có nền bạo chính hà khắc”.

Tử Lộ bẩm lại lời người phụ nữ nói cho Khổng Tử, Khổng Tử nói với Tử Lộ rằng: “Phải nhớ kỹ, nền bạo chính hà khắc còn đáng sợ hơn hổ dữ!”

Nghe xong câu chuyện này, bạn cảm thấy câu nói “Không sợ mãnh hổ bằng sợ nền bạo chính” của người phụ nữ kia có đạo lý hay không?

Bạn có từng gặp hoặc nghe kể về nền chính trị hà khắc nào không? Có thể đưa ra một số ví dụ cho mọi người biết không?

Nếu như có một ngày trong tương lai, bạn đảm nhiệm công việc trong chính phủ, bạn sẽ đối đãi với dân chúng như thế nào?

Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/42326



Ngày đăng: 08-08-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.