Tài liệu giảng dạy Văn hóa sơ cấp: Thiên Tự Văn (57)



Ban biên tập Tài liệu giảng dạy Văn hóa Chánh Kiến

[ChanhKien.org]

Nguyên văn:

誅斬賊盜,捕獲叛亡。

布射遼丸,嵇琴阮嘯。

恬筆倫紙,鈞巧任釣。

Bính âm:

誅(zhū) 斬(zhǎn) 賊(zéi) 盜(dào) ,

捕(bǔ) 獲(huò) 叛(pàn) 亡(wáng) 。

布(bù) 射(shè) 遼(liáo) 丸(wán) ,

嵇(jī) 琴(qín) 阮(ruǎn) 嘯(xiào) 。

恬(tián) 筆(bǐ) 倫(lún) 紙(zhǐ) ,

鈞(jūn) 巧(qiǎo) 任(rén) 釣(diào) 。

Chú âm:

誅﹙ㄓㄨ﹚ 斬﹙ㄓㄢˇ﹚ 賊﹙ㄗㄟˊ﹚ 盜﹙ㄉㄠˋ﹚,

捕﹙ㄅㄨˇ﹚ 獲﹙ㄏㄨㄛˋ﹚ 叛﹙ㄆㄢˋ﹚ 亡﹙ㄨㄤˊ﹚。

布﹙ㄅㄨˋ﹚ 射﹙ㄕㄜˋ﹚ 遼﹙ㄌㄧㄠˊ﹚ 丸﹙ㄨㄢˊ﹚,

嵇﹙ㄐㄧ﹚ 琴﹙ㄑㄧㄣˊ﹚ 阮﹙ㄖㄨㄢˇ﹚ 嘯﹙ㄒㄧㄠˋ﹚。

恬﹙ㄊㄧㄢˊ﹚ 筆﹙ㄅㄧˇ﹚ 倫﹙ㄌㄨㄣˊ﹚ 紙﹙ㄓˇ﹚,

鈞﹙ㄐㄩㄣ﹚ 巧﹙ㄑㄧㄠˇ﹚ 任﹙ㄖㄣˊ﹚ 釣﹙ㄉㄧㄠˋ﹚。

Âm Hán Việt:

Tru trảm tặc đạo,

Bổ hoạch bạn vong.

Bố xạ Liêu hoàn,

Kê cầm Nguyễn tiêu.

Điềm bút Luân chỉ,

Quân xảo Nhậm điếu.

Giải thích:

1. Nghĩa của chữ:

Tru (誅): trừng phạt.

Trảm (斬): giết.

Tặc (賊): kẻ trộm cướp tài vật của người khác.

Đạo (盜): người hoặc sự việc trộm lấy tài vật của người khác thì gọi là đạo.

Bổ (捕): lùng bắt.

Hoạch (獲): muông thú săn bắt được gọi là hoạch, ở đây mang nghĩa thu được.

Bố (布): chỉ Lã Bố. Là người ở vào những năm cuối thời Đông Hán, giỏi cưỡi ngựa bắn cung, còn được gọi là “Phi tướng”.

Liêu (遼): chỉ dũng sĩ Hùng Nghi Liêu của nước Sở thời Xuân Thu.

Hoàn (丸): vật nhỏ hình tròn.

Kê (嵇): chỉ Kê Khang. Ông là người nước Ngụy thời Tam Quốc, học nhiều hiểu rộng, cao thượng thoát tục, giỏi thơ văn và âm nhạc, là một trong “Trúc lâm thất hiền”.

Nguyễn (阮): chỉ Nguyễn Tịch, người ở Trần Lưu thời Tam Quốc, danh tiếng ngang với Kê Khang, cũng là một trong “Trúc lâm thất hiền”.

Điềm (恬): chỉ Mông Điềm, là danh tướng thời Tần, kể rằng ông từng dùng lông thỏ làm bút. Nên được tôn làm thủy tổ của nghề làm bút.

Luân (倫): chỉ Thái Luân, là người Quế Dương thời Đông Hán, ông đã cải tiến kỹ thuật truyền thống dùng sợi gai dầu làm giấy, thay vào đó sử dụng các nguyên liệu như vỏ cây, sợi gai, vải rách để làm giấy, người đời sau tôn ông là người phát minh ra giấy.

Quân (鈞): chỉ Mã Quân, là người Phù Phong thời Tam Quốc, giỏi chế tạo thiết bị cơ khí, ông từng chế tác ra “xe chỉ nam”, “mô hình con rối quay thủy lực”, “guồng nước hình xương rồng”, ông cũng cải tiến cả máy dệt vải, “nỏ liên hoàn”, “xe bắn đá”, nên người đời gọi ông là tuyệt thế khéo léo. Xem «Ngụy Chí» quyển 29.

Nhậm (任): chỉ người giỏi câu cá trong truyền thuyết, cũng gọi là Nhậm Công, Nhậm Phủ. Kể rằng ông đã làm một lưỡi câu rất lớn, dùng 50 con trâu làm mồi câu, rồi đến Đông Hải câu cá, sau một năm mới có con cá lớn ăn mồi. Nhậm công tử sau khi câu được cá lớn thì chế biến thành cá muối. Cư dân một dải từ Chiết Giang đến Quảng Đông đều được ăn no cá ấy, cho thấy con cá này lớn đến thế nào, vậy nên không cần nói cũng biết kỹ thuật câu cá của Nhậm công tử thế nào rồi đó. Xem «Trang Tử – Ngoại vật».

Nghĩa của từ:

Tru trảm tặc đạo (誅斬賊盜): cực hình xử lý đối với trộm cướp và cường đạo mang trọng tội.

Bổ hoạch bạn vong (捕獲叛亡): truy bắt những kẻ phản bội đất nước và phạm tội bỏ trốn lưu vong về quy án.

Bố xạ (布射): Lã Bố là một người có kỹ nghệ xạ tiễn siêu quần.

Liêu hoàn (遼丸): Hùng Nghi Liêu là người hành nghề tung hứng. Tung hứng là một loại kỹ nghệ tung và bắt nhiều viên tròn bằng hai tay cả ở trên và dưới cùng một lúc, mà không để rơi xuống đất.

Kê cầm (嵇琴): Kê Khang giỏi đánh đàn.

Nguyễn tiêu (阮嘯): Nguyễn Tịch nổi danh nhờ tài huýt sáo, tiếng huýt của ông vang dội kéo dài, cách xa cả hàng trăm bộ vẫn có thể nghe thấy (Bộ bằng năm thước, chỉ đơn vị chiều dài thời xưa).

Điềm bút (恬筆): bút do Mông Điềm làm ra.

Luân chỉ (倫紙): Thái Luân là người phát minh kỹ thuật làm giấy.

Quân xảo (鈞巧): Mã Quân tuyệt thế khéo léo.

Nhậm điêu (任釣): Nhậm Quốc công tử giỏi câu cá.

Lời dịch tham khảo

Xử lý phường trộm cướp và cường đạo trộm lấy tài vật của người khác theo hình phạt thích đáng, truy bắt những phạm nhân phản bội đất nước và những kẻ phạm tội bỏ trốn lưu vong về quy án.

Trong lịch sử Trung Quốc có rất nhiều người tài trí xuất chúng, như Lã Bố cuối thời Đông Hán có kỹ nghệ xạ tiễn siêu quần, Hùng Nghi Liêu thời Xuân Thu hành nghề tung hứng. Kê Khang thời Tam Quốc giỏi đánh đàn, Nguyễn Tịch có tài huýt sáo, tiếng huýt của ông vang dội kéo dài, cách xa cả hàng trăm bộ vẫn có thể nghe thấy, Mông Điềm được mệnh danh là thủy tổ làm bút, Thái Luân là người phát minh ra kỹ thuật làm giấy, Mã Quân khéo léo tuyệt thế, và Nhậm Quốc công tử giỏi câu cá. Họ đều là những người tài trí xuất chúng, dùng tài trí của mình để giải nạn cứu nguy, hoặc độc hành tự do thoát tục, hoặc phát minh sáng chế tạo phúc cho người dân, và lưu lại cho hậu thế những tấm gương mẫu mực.

Câu chuyện văn tự

Tru (誅): là một chữ hình thanh hội ý. Trong Tiểu triện viết là “AD_4nXcL2ubrp-5k-TWjDMC_0SmpCINpWljJTFog-UpU69AVKsRtpUp7v6kp-oCHdEAhriYRh6kIgLC8hAOlphI2Yv1xNRJfmsnGIip2OaCdwiuTK7mg4zXLxEEhL2Xr399S2GFphw4F-grJaV2sTpWEv5lOekgaRrmfSIk1ts-EfRRu6sUfy8RO8Q.gif”, có bộ Ngôn (言) biểu nghĩa và chữ Chu (朱) biểu âm, nghĩa gốc của nó là “thảo tội”, tức là vạch tội đồng thời thảo phạt, vậy nên Ngôn (言) biểu nghĩa. Còn Chu (朱) có nghĩa là quang minh đúng đắn, việc vạch tội và chinh phạt những kẻ phản nghịch là một việc quang minh chính đại, và cũng là hành vi quang minh chính đại, vậy nên Tru (誅) có bộ Ngôn (言) biểu nghĩa và chữ Chu (朱) biểu âm. Tru (誅) ban đầu là dùng ngôn từ để khiển trách lỗi lầm không phải do cố ý, như “tru dĩ ngự kỳ quá” (trách cứ là để chế ngự lỗi ấy), sau này suy diễn thành trừng phạt, thảo phạt, giết chóc đều có thể dùng chữ Tru (誅) này để mô tả, như “bất cảm tịch tru” (không dám giết chóc), “tru kỳ quân nhi điếu kỳ dân” (thảo tội vua mà an dân ấy), “vấn tru nhất phu Trụ hĩ, vị vấn thí quân dã” (chỉ nghe rằng Chu Vũ Vương giết vua Trụ, chưa nghe ai nói thần tử giết vua cả) đều là những cách dùng điển hình, tuy nhiên người ngày nay đã giải thích sai lệch Tru (誅) thành ra Sát (殺) chém giết, kỳ thực Tru (誅) và Sát (殺) có chút khác biệt, Tru (誅) là lấy cái chính để trị cái bất chính, còn Sát (殺) thì không có sự khác biệt ấy.

Suy ngẫm và thảo luận

«Dưỡng Sinh Luận» của Kê Khang

Kê Khang là người huyện Trất quận Tiều nước Ngụy thời Tam Quốc (thuộc An Huy ngày nay), gia tộc của ông ban đầu mang họ Hề, sống ở Hội Kê Thượng Ngu (Thượng Ngu Chiết Giang ngày nay), vì phải trốn tránh kẻ thù mà chuyển đến sống ở Kê Sơn của huyện Trất, nên đã đổi thành họ Kê.

Kê Khang tự là Thúc Dạ, sinh ra trong gia đình quyền thế có truyền thống Nho học, ông đa tài hiểu biết rộng, lại giỏi văn thơ, là một học giả nổi tiếng thời bấy giờ, và cũng là một nhạc sĩ có nhiều nghiên cứu về âm nhạc. Ông thông thạo đàn tấu nhạc cụ, nổi tiếng nhất với khúc «Quảng Lăng Tán», ông từng được yêu cầu chơi khúc «Quảng Lăng Tán» lần cuối trước lúc bị sát hại, và sau khi đàn xong ông đã thốt lên rằng: “khúc «Quảng Lăng Tán» từ nay thất truyền!” có thể thấy ông đã tự tin và tự phụ thế nào.

Những kiến giải về văn chương của Kê Khang rất đặc biệt, mạch lạc rõ ràng, tác phẩm «Dưỡng Sinh Luận» là một trong những luận thuật vô cùng quan trọng của Kê Khang, ông luôn có những tranh luận không ngớt đối với những vấn đề về Thần tiên và trường sinh bất lão trong xã hội đương thời, đồng thời đưa ra những quan điểm của bản thân. Trước hết Kê Khang cho rằng Thần tiên là có tồn tại trên thế gian, ông nói rằng: “Thần tiên tuy không thấy được bằng mắt, nhưng trong sách vở được ghi chép, và sử sách trước nay lưu truyền, đều miêu tả rất rõ ràng, xem ra Thần tiên chắc chắn là có!” Tuy nhiên ông cũng cho rằng, muốn trở thành Thần tiên không phải chuyện dễ, “có vẻ là thu được khí đặc dị, từ trong tự nhiên mà thu được” chứ không phải khổ học là có thể đạt được. Tuy nhiên “bậc thượng thọ hơn nghìn tuổi, bậc hạ có thể thọ hàng trăm năm” thì có thể đạt được, thế nhưng đáng tiếc là “thế nhân đều không tinh thông việc ấy, vậy nên không ai có thể có được thọ mệnh như vậy”.

Kê Khang có cách nhìn nhận về nguyên nhân người thế gian không thể đạt được trường sinh như sau, ông cho rằng con người thế gian “ăn uống không có tiết chế mà sinh bách bệnh, tham sắc không biết mệt mà tinh lực kiệt quệ” lại thêm vào “phong hàn xâm hại, bách độc tổn thương”, vậy nên “yểu mệnh bởi nhiều họa nạn” là kết quả tất yếu. Thứ nhất, không biết phương pháp bảo vệ ngăn chặn xâm nhiễm, “không biết giữ gìn khi các bệnh tật nguy hại chưa lộ rõ”, lại thêm vào nhận thức sai lầm “cho rằng ngày cảm thấy đau là ngày bắt đầu mắc bệnh”, cuối cùng bước trên con đường “chết bởi khinh suất”. Ba là không biết phương pháp đúng đắn, còn tự cho là đúng, “lấy số đông để chứng thực cách nghĩ của mình, lấy thọ mệnh ngang với người bình thường để an ủi bản thân, cho rằng nguyên lý đất trời hoàn toàn đều ở đây rồi”, bởi vậy khi nghe người khác bàn về chuyện dưỡng sinh thì “dùng kiến thức của bản thân để phán xét, cho rằng nó chẳng phải vậy”. Tiếp đến là hồ nghi, tuy có chút hy vọng vào, nhưng lại không biết cách làm theo”. Còn không thì “cố gắng tự mình dùng thuốc”, sau nửa năm hoặc một năm, nhọc sức mà chưa thấy hiệu nghiệm”, thì “ý chí sa sút, rồi bỏ dở giữa chừng”. Cũng có người “muốn ngồi chờ kết quả rõ ràng” mà áp dụng phương pháp phản tự nhiên, kết quả “nội tâm không ngừng đấu tranh, những thứ bên ngoài lại không ngừng mê hoặc, việc hưởng thụ vật chất trước mắt và công hiệu dưỡng sinh trong thời gian lâu tương khắc bài trừ lẫn nhau” cuối cùng vẫn là nhận lấy thất bại. Vậy nên ông nói: “Rất nhiều người thế gian tâm chí xa rời đạo dưỡng sinh đã cho rằng dưỡng sinh không mang lại hiệu quả, do đó không truy cầu, thế nhưng người truy cầu dưỡng sinh cũng sẽ mất đi hiệu quả bởi không chuyên tâm, người phiến diện chỉ dựa vào một loại phương pháp cuối cùng cũng sẽ không được công trạng gì bởi không toàn diện, người chỉ truy cầu kỹ thuật dưỡng sinh thì sẽ tự hủy đi đại nghiệp bởi suy nghĩ hạn hẹp”. Do vậy người mong cầu dưỡng sinh “trong cả vạn người cũng không có lấy một ai có thể thành công cả”.

Sau cùng Kê Khang đã đưa ra quan điểm của bản thân về dưỡng sinh, ông cho rằng dưỡng sinh bao gồm cả hai phương diện tinh thần và hình thể, cả hai cần được quan tâm cùng lúc. Về việc tu thân bảo trì tâm tính, thì phải yêu cầu bản thân đạt được “tư tưởng đạm bạc hư vô, hành vi tĩnh tại thản nhiên, dần dần trừ bỏ hết các tư tâm và tham dục”, cách làm cụ thể là “không vì tình mà yêu mà ghét, trong tâm không lưu lại buồn vui, thanh tịnh đạm bạc, không bị ảnh hưởng bởi ai lạc, như thế thân tâm sẽ hòa hợp, khí cơ thông suốt”, “hiểu được danh lợi địa vị sẽ hại đến tinh thần, bởi vậy xem nhẹ mà không truy cầu, hơn nữa không phải trong tâm hy vọng đạt được mà phải có hành động khắc chế nó; hiểu được cao lương mỹ vị sẽ hại đến sinh cơ, nên từ bỏ mà không luyến tiếc, hơn nữa không phải là trong tâm tham luyến không dứt sau đó cần có hành động cưỡng ép kiềm chế. Những thứ bên ngoài như danh lợi địa vị sẽ hại đến tâm tính vậy nên không lưu lại trong tâm, tinh thần bởi đơn giản đạm bạc nên sung mãn. Tấm lòng thản đãng mà không có lo sợ, tâm tính tĩnh lặng nên không có nghĩ suy. Lại dùng công thuần nhất ước thúc bản thân, dùng khí ôn hòa điều dưỡng bản thân”. Về điều dưỡng thân thể, cần học “hô hấp tập thở”, chú ý “ăn uống dưỡng sinh”, “dùng linh chi xông người, dùng nước suối ngọt nhuận tạng phủ, tắm nắng buổi sớm, dùng âm nhạc an định thần chí, vô vi tự đắc, thân thể nhẹ bẫng, tâm tính trầm tĩnh, quên đi hoan lạc hưởng thụ mà lại đầy ắp vui vẻ, thoát khỏi trói buộc của sinh mệnh mà thân đắc trường tồn”. Cứ kiên tu như vậy, thì “chẳng mấy mà thọ mệnh không kém gì Tiễn Môn, tuổi đời so cùng Vương Tử Kiều, vì sao nói dưỡng sinh không có hiệu quả được đây?”

Dưỡng Sinh Luận của Kê Khang được đưa ra vào hơn một ngàn bảy trăm năm trước, nhưng những quan điểm của ông đến hôm nay vẫn rất có giá trị, do vậy chúng tôi giới thiệu đến với độc giả, để chúng ta biết về đạo dưỡng sinh truyền thống của phương Đông.

(1) Bạn có tin trên thế gian có Thần tiên không? Hãy nói ra suy nghĩ của bạn nhé.

(2) Kê Khang cho rằng người ta có thể đạt được “bậc thượng thọ hơn nghìn tuổi, bậc hạ có thể thọ hàng trăm năm”, bạn suy nghĩ gì về điều đó?

(3) Chúng ta hãy thử nói xem những quan điểm nào về dưỡng sinh của Kê Khang đến hôm nay vẫn rất có giá trị đáng để tham khảo nào?

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/44970



Ngày đăng: 05-09-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.