Tài liệu giảng dạy Văn hóa sơ cấp: Thiên Tự Văn (15)
Ban biên tập Tài liệu giảng dạy Văn hóa Chánh Kiến
[ChanhKien.org]
Nguyên văn:
禍因惡積,福緣善慶。尺璧 (1)非寶,寸陰是競 (2)
Bính âm:
禍 (huò) 因 (yīn) 惡 (è) 積 (jī),
福 (fú) 緣 (yuán) 善 (shàn) 慶 (qìng)。
尺 (chǐ) 璧 (bì) 非 (fēi) 寶 (bǎo),
寸 (cùn) 陰 (yīn) 是 (shì) 競 (jìng)。
Chú âm:
禍 (ㄏㄨㄛˋ) 因 (ㄧㄣ) 惡 (ㄜˋ) 積 (ㄐㄧ),
福 (ㄈㄨˊ) 緣 (ㄩㄢˊ) 善 (ㄕㄢˋ) 慶 (ㄑㄧㄥˋ)。
尺 (ㄔˇ) 璧 (ㄅㄧˋ) 非 (ㄈㄟ) 寶 (ㄅㄠˇ),
寸 (ㄘㄨㄣˋ) 陰 (ㄧㄣ) 是 (ㄕˋ) 競 (ㄐㄧㄥˋ)。
Âm Hán Việt:
Họa nhân ác tích,
Phúc duyên thiện khánh.
Xích bích phi bảo,
Thốn âm thị cạnh.
Giải thích nghĩa của chữ và từ:
Họa (禍): tai họa.
Nhân (因): do, bởi vì.
Ác (惡): tội lỗi, hành vi bất lương, hành vi không tốt.
Tích (積): tích lũy lâu dài.
Phúc (福): hạnh phúc, chuyện may mắn cát tường.
Duyên (緣): duyên cớ, nguyên do, bởi vì.
Thiện (善): hành thiện, làm việc tốt.
Khánh (慶): phúc trạch (ơn trời đất, tổ tiên ban phúc cho con cháu).
Xích bích (尺璧): ngọc bích có đường kính một xích, được dùng để ví với thứ rất trân quý. Xích 尺 là đơn vị đo chiều dài (một xích của Trung Quốc tương đương 1/3 mét), 3 “thị xích” bằng 1 “công xích” (1 mét), 10 “đài xích” bằng 3 “công xích”. Bích 璧 là một loại đồ ngọc thời cổ đại. Loại “xích bích” này bẹp, hình tròn, chính giữa có lỗ tròn. Cuốn “Hoài Nam Tử – Nguyên Đạo Huấn” có ghi chép: “Thánh nhân bất quý xích chi bích, nhi trọng thốn chi âm, thời nan đắc nhi dịch thất dã” (Tạm dịch: Thánh nhân không coi trọng ngọc bích to cả xích, mà xem trọng thời gian ngắn ngủi, bởi thời gian là thứ khó có được mà lại dễ mất).
Phi (非): không phải là.
Bảo (寶): đồ trân quý.
Thốn âm thị cạnh (寸陰是競): nguyên là “cạnh thốn âm” (tranh thủ thời gian). Thốn 寸 là đơn vị đo chiều dài, 10 thốn bằng 1 xích. Âm 陰 là cái bóng do mặt trời chiếu qua cảnh vật tạo ra, thường dùng để chỉ thời gian. Thốn âm 寸陰 ý chỉ thời gian cực ngắn. Thị 是 là trợ từ không có ý nghĩa. Cạnh 競 nghĩa là tranh thủ.
Lời dịch tham khảo:
Tai họa xảy đến là do trường kỳ làm điều ác, hạnh phúc có được là bởi vì làm nhiều việc thiện. Ngọc bích có kích thước lớn kỳ thật cũng không phải là châu báu thật sự, mà thời gian ngắn ngủi mới là thứ đáng trân quý.
Câu chuyện văn tự:
Khánh 慶: Kim văn viết là “”, chữ Tiểu triện viết là “ ” . Từ hình dạng của chữ thấy rằng chữ Khánh do ba phần – gồm chữ “Lộc” 鹿, chữ “Tâm” 心 và bộ “Phộc” ㄆ tổ hợp thành. Bộ “Phộc” ㄆ có ý là đi lại, mà nghĩa gốc của chữ “Khánh” này là, vào thời cổ nếu như có buổi lễ long trọng, khi mọi người đi đến nhà người khác để chúc mừng, đều sẽ đi với tâm thái vui mừng và mang da hươu đến làm quà biếu.
Bảo 寶: Giáp cốt văn viết là “ ” ; Kim văn viết là “ ” ; đến chữ Tiểu triện thì viết là “ ” và giống với cách viết của hiện tại. Chữ Bảo 寶 này là do các bộ “Miên” 宀, “Ngọc” 玉, “Phũ” 缶, “Bối” 貝 tổ hợp mà thành, mỗi một bộ này đều có nghĩa riêng, “Miên” 宀 là phòng ốc, “Ngọc” 玉 và “Bối” 貝 đều là chỉ tiền dùng vào thời cổ đại, “Phũ” 缶 là một loại bình gốm dùng để chứa rượu, bụng bình to, miệng bình nhỏ, khi dùng thì nhất định phải để đặt cẩn thận nhẹ nhàng. Bốn bộ này hợp thành chữ “Bảo” 寶, ý nói là người xưa đem bảo vật của mình đặt vào trong đồ gốm và để trong nhà, cất giữ cẩn thận.
Suy ngẫm và thảo luận:
Biện Hòa và ngọc “Hòa Thị Bích”
Trong sách “Hàn Phi Tử” có ghi chép một câu chuyện cảm động như sau: Vào thời Xuân Thu, ở nước Sở có một người tên là Biện Hòa. Người này có được một khối đá ngọc từ trong một sơn động ở chân núi phía Đông Kinh Sơn, đó cũng chính là khối đá có chứa ngọc ở bên trong. Biện Hòa liền đem khối đá ngọc này dâng lên cho Sở Lệ Vương, Lệ Vương trong lòng nghi ngờ, liền cho gọi thợ ngọc tới giám định. Đâu biết rằng người này chỉ là một người thợ xoàng xĩnh, sau khi nhìn thì nói rằng đây chỉ là một khối đá bình thường. Lệ Vương cho rằng Biện Hòa lừa dối vua, nên đã sai người chặt đứt chân trái của Biện Hòa.
Sau khi Lệ Vương băng hà, Sở Võ Vương kế vị, Biện Hòa lại dâng khối đá ngọc này lên cho Võ Vương. Võ Vương lại gọi thợ ngọc tới để giám định, thợ ngọc nhìn xong vẫn nói rằng thứ mà Biện Hòa dâng tặng chẳng qua chỉ là một khối đá thông thường mà thôi. Võ Vương cũng giống như Lệ Vương, đều cho rằng Biện Hòa lừa vua, nên đã sai người chặt chân phải của Biện Hòa.
Sau khi Võ Vương mất, Văn Vương kế vị, Biện Hòa lại muốn đi dâng ngọc, thế nhưng hai chân đều đã bị phế, không còn cách nào đi lại, đành phải ôm khối đá ngọc vào ngực, bò đến chân núi Kinh Sơn rồi khóc ròng rã ba ngày ba đêm. Khi nước mắt đã cạn, từ trong khóe mắt lại chảy ra từng giọt máu đào. Về sau khi Văn Vương nghe tin Biện Hòa khóc vì đá ngọc, đã phái người đến hỏi nguyên nhân: “Trong thiên hạ có rất nhiều người bị chặt chân vì phạm tội, ngươi vì sao lại khóc lóc bi thương như thế?” Biện Hòa đáp: “Hạ thần không phải vì bị chặt đứt hai chân mà bi thương, hạ thần đau lòng là vì ngọc thạch trân quý lại bị xem là khối đá bình thường, người trung trinh lại bị xem là kẻ lừa đảo!”
Khi Văn Vương biết được, vua đã mời Biện Hòa mang theo khối đá ngọc vào cung, rồi lệnh cho thợ ngọc đục khối đá đó ra, quả nhiên bên trong là một viên ngọc thạch tinh mỹ. Sau khi được thợ ngọc chế tác tỉ mỉ, viên ngọc thạch này đã biến thành một viên ngọc bích hình tròn. Biện Hòa đã được rửa sạch án oan sai, Văn Vương đặt tên cho viên ngọc này là “Hòa Thị Bích” để ghi nhận lòng trung trinh của Biện Hòa.
Viên ngọc “Hòa Thị Bích” này sau đó đã lưu lạc đến nước Triệu, dẫn tới câu chuyện “Hoàn bích quy Triệu”; sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất cả nước, đã đem “Hòa Thị Bích” chế thành ngọc tỷ, cũng chính là con dấu của Hoàng đế, tượng trưng cho quyền lực cao nhất. Chiếc ngọc tỷ này chính là “Ngọc tỷ truyền quốc” mà người đời sau hay nhắc tới.
Trước kia khi vừa đọc hết câu chuyện này tôi nghĩ rằng: Tại sao Biện Hòa không chiếm khối đá ngọc này làm của riêng? Tại sao bị Sở Vương chặt một chân rồi mà ông ấy vẫn còn muốn dâng lên vua nữa? Hai chân bị chặt rồi cũng vẫn muốn dâng lên vua? Tại sao Biện Hòa không khóc cho bản thân mà lại khóc vì khối đá ngọc? Sau đó cuối cùng tôi đã hiểu được tại sao câu chuyện của Biện Hòa lại có thể lưu truyền thiên cổ, không chỉ bởi vì ông đã hiến dâng một khối bảo ngọc, điều quan trọng nhất chính là tấm lòng trung trinh chân thành vì dân vì nước của Biện Hòa, đây mới là điều đáng quý nhất.
1. Các bạn hãy thử phân tích nhé, tại sao hai lần trước Biện Hòa đi dâng khối đá ngọc đều bị chặt chân, nguyên nhân thực sự là gì, vấn đề rốt cuộc nằm ở đâu?
2. Tại sao sau đó Biện Hòa lại được minh oan? Tại sao ông ấy có thể khiến mọi người nhận ra lòng trung trinh của mình?
3. Sau khi đọc xong câu chuyện này, chúng ta thử suy ngẫm thêm xem: Một người bình thường có dễ dàng nhận ra bảo vật thật sự và sự thành tâm của người khác không? Tại sao khi không hiểu được chân tướng của sự việc, con người lại dễ gây tổn hại cho người khác như vậy?
Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/43385
Ngày đăng: 16-11-2023
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.