Tài liệu giảng dạy Văn hóa sơ cấp: Thiên Tự Văn (31)



Ban biên tập Tài liệu giảng dạy Văn hóa Chánh Kiến

[ChanhKien.org]

Nguyên văn:

杜藁鍾隸,漆書壁經。

府羅將相,路俠槐卿。

Bính âm:

杜(dù) 藁(gǎo) 鍾(zhōng) 隸(lì),

漆(qī) 書(shū) 壁(bì) 經(jīng)。

府(fǔ) 羅(luó) 將(jiàng) 相(xiàng),

路(lù) 俠(jiá) 槐(huái) 卿(qīng)。

Chú âm:

杜﹙ㄉㄨˋ﹚藁﹙ㄍㄠˇ﹚鍾﹙ㄓㄨㄥ﹚隸﹙ㄌㄧˋ﹚,

漆﹙ㄑㄧ﹚書﹙ㄕㄨ﹚壁﹙ㄅㄧˋ﹚經﹙ㄐㄧㄥ ﹚。

府﹙ㄈㄨˇ﹚羅﹙ㄌㄨㄛˊ﹚將﹙ㄐㄧㄤˋ﹚相﹙ㄒㄧㄤˋ﹚,

路﹙ㄌㄨˋ﹚俠﹙ㄐㄧㄚˊ﹚槐﹙ㄏㄨㄞˊ﹚卿﹙ㄑㄧㄥ﹚。

Âm Hán Việt:

Đỗ cảo Chung Lệ,

Tất thư bích kinh.

Phủ la tướng tướng,

Lộ hiệp hoè khanh.

Giải thích:

1. Nghĩa của chữ:

Đỗ (杜): chỉ Đỗ Độ, nhà thư pháp Thảo thư nổi tiếng thời nhà Hán

Cảo (藁): cùng nghĩa với “稿” chỉ thảo cảo (bản thảo bằng rơm cỏ)

Chung (鍾): trong Chung Dao (鍾繇) tên nhà thư pháp Lệ thư nổi tiếng nước Ngụy thời Tam Quốc

Lệ (隸): Lệ thư, thể chữ Lệ

Tất (漆): sơn, nước sơn

Thư (書): bài viết được đóng thành quyển, tập (sách)

Bích (壁): bức tường

Kinh (經): điển chương

Phủ (府): công thự cung đình

La (羅): chiêu mộ, thu nạp

Tướng (將): quan võ địa vị cao

Tướng (相): quan văn địa vị cao

Lộ (路): con đường

Hiệp (俠): cùng nghĩa với “夾” : chen lẫn, kẹp, cặp

Hoè (槐): cây hoè. Trong thời cổ đại cây hoè là tượng trưng địa vị của Tam Công tể phụ. Trong «Chu Lễ – Thu Quan» ghi rằng: “Triều sĩ chưởng quản việc kiến lập pháp luật các triều ngoại bang, chín cây táo gai bên trái là vị trí các cô khanh đại phu, quần sĩ đứng phía sau, chín cây táo gai bên phải là vị trí các công, hầu, bác, tử, nam. Quần lại đứng đằng sau. Trước ba cây hoè là vị trí của Tam Công. Châu trưởng chúng thứ đứng sau”. Đây là nói rằng bên ngoài cung đình nhà Chu trồng ba cây hoè, khi Tam Công chầu Thiên tử, thì đứng hướng mặt về ba cây hoè này. Người sau vì thế mà lấy ba cây hoè ví với Tam Công. Tam Công ở đây là chỉ Thái sư, Thái phó, Thái bảo là cách gọi chung cho ba chức quan cao nhất thời nhà Chu.

Khanh (卿): chức quan văn địa vị cao

2. Nghĩa của từ:

(1) Đỗ cảo (杜藁): bản viết tay Thảo thư của Đỗ Độ.

(2) Chung Lệ (鍾隸): tác phẩm Lệ thư của Chung Dao.

(3) Tất thư (漆書): sách viết bằng sơn.

(4) Bích kinh (壁經): các tác phẩm kinh điển được phát hiện bên trong bức tường nhà Khổng Tử.

(5) Phủ la tướng tướng (府羅將相): trong cung đình đã chiêu nạp được đại thần văn võ.

(6) Lộ hiệp (路俠): đứng dọc bên đường.

Lời dịch tham khảo:

Trong những sách cổ quý giá có bản viết tay Thảo thư của Đỗ Độ nhà Hán, có tác phẩm của Chung Dao – nhà thư pháp Lệ thư nổi tiếng nước Ngụy thời Tam Quốc. Còn có các thư sách viết bằng sơn thời thượng cổ cùng các tác phẩm kinh điển được phát hiện bên trong bức tường trong nhà của Khổng Tử, đây đều là những văn vật lịch sử vô cùng quý giá.

Thiên tử ở trong cung đình, văn võ đại thần sắp xếp theo thứ bậc, khi xuất hành ngoài cung đình Tam Công Cửu Khanh đứng dọc hai bên, họ đều là những trọng thần, phụ tá quân vương trị lý thiên hạ.

Câu chuyện văn tự:

Hiệp “俠” cũng là chữ hình thanh hội ý, trong Giáp cốt, Kim văn đều không thấy chữ này. Trong Tiểu triện chữ hiệp“” tòng nhân giáp thanh (bộ Nhân 人 biểu nghĩa và chữ Giáp 夾 biểu âm), chữ Giáp “夾” trong chữ Giáp cốt là hình dáng như thế này “ ”, giống một người to lớn kẹp thứ gì đó dưới nách. Mà chữ Giáp “夾” trong chữ Tiểu triện được viết là “ ”, lại là tòng đại tòng nhị nhân (bộ đại 大 và hai bộ Nhân 人 biểu nghĩa), giống hai người hợp sức kẹp chặt một người vậy, ý là dìu đỡ hai bên, cho nên Hiệp “俠” chính là người chủ động trợ giúp người khác. Trong quá trình trợ giúp có thể cần vận dụng cả trí tuệ, dốc hết gia tài, không màng nguy hiểm, sau khi thành công không cầu hồi báo. Điều đáng tiếc là, những sự tích về các nhân sĩ hiệp nghĩa chân chính ấy đã bị chôn vùi theo lịch sử rồi. Điều được lưu lại là những truyền thuyết chợ búa phô trương sức mạnh, vì chủ quan cá nhân mà rút kiếm, khiến máu chảy thành dòng. Những truyền thuyết này qua sự tô vẽ của các tiểu thuyết gia thì mỗi người đều trở thành những chàng trai anh tuấn ai gặp cũng tấm tắc ngợi khen, thân mang võ công tuyệt thế, phong lưu phóng khoáng, oanh yến vờn quanh, không phải bang chủ thì là minh chủ, hiệu lệnh ban xuống muôn người nghe theo, vì để báo ân oán tình thù không ngại gây chiến, trong lòng đâu còn vương pháp, như thể bản thân chính là quốc vương vậy. Những tình tiết thế này đã làm cho những người đọc tiểu thuyết không ai không khỏi mơ mộng mình chính là nhân vật chính ấy.

Kỳ thực muốn thân mang võ công tuyệt thế, công năng đặc dị, không chỉ là luyện mấy bộ quyền pháp, kiếm pháp, võ công bí tịch là nên chuyện. Cũng không phải ăn tuyết liên nghìn năm, hà thủ ô vạn năm hoặc là kỳ hoa dị thảo, kỳ trân dị thú thì công lực tăng vọt chỉ trong một đêm. Công lực của bạn cần phải trường kỳ tu luyện, sau khi không ngừng đề cao tâm tính của mình mới có thể gia tăng được. Tuy nhiên, sau khi bạn tu luyện thành công, tâm tính đề cao lên rồi thì đối với những ân oán tình thù trong thế tục, đối với danh lợi trói buộc bạn còn không buông xuống được sao? Bạn còn vì chủ quan cá nhân của bản thân mà lạm sát vô tội sao? Vậy nên hiệp sĩ chân chính không phải là lấy sức trị người, mà là những nhân sĩ chính nghĩa lấy lý thu phục nhân tâm, dùng trí hành sự, hành thiện không mong ai biết, làm ơn không cầu báo đáp. Có lẽ đây chính là nguyên nhân mà những sự tích về họ không được lưu truyền lại cũng nên!

Suy ngẫm và thảo luận:

Hôm nay chúng ta hãy nói một chút về câu chuyện “bích kinh” nhé.

Sau khi thống nhất sáu nước, Tần Thuỷ Hoàng vừa lòng thỏa chí, bỏ phép phong kiến, lập quận huyện, dùng hình phạt nghiêm khắc để cai trị thiên hạ. Bác sĩ (tên chức quan) Thuần Vu Việt đã kiến nghị với Tần Thuỷ Hoàng phải học hỏi ưu điểm của chế độ cũ của nhà Thương, Chu để đảm bảo đất nước ổn định lâu dài. Những lời ấy khiến Tần Thuỷ Hoàng nghe rồi rất không vui, nên đã giao cho Thừa tướng Lý Tư nghiên cứu, Lý Tư vì để lấy lòng Tần Thuỷ Hoàng, nên đã thưa rằng: “Mọi người vì sao có nhiều ý kiến và bình luận đến thế, đó là vì thứ mà những kẻ đọc sách kia học đều là những thứ trước kia, hơn nữa đem tiêu chuẩn trước đây để đo lường chế độ mà Hoàng đế đã kiến lập, những thư sinh cổ hủ ấy làm sao hiểu được sự vĩ đại của Hoàng đế chứ? Thần kiến nghị; ngoại trừ những văn thư của nước Tần ra, thì đem đốt hết. Trừ những thứ mà quan Bác sĩ cần dùng cho chức vụ ra thì những Thi, Thư, Bách gia chư tử do tư nhân cất giữ, toàn bộ sẽ do các quan địa phương thu gom rồi thiêu huỷ hết, nếu kẻ nào dám đàm luận Thi, Thư thì đều giết không tha. Kẻ nào lấy xưa phỉ báng nay thì tru di cửu tộc. Quan lại biết mà không trình báo thì xử cùng tội. Mệnh lệnh ban ra trong 30 ngày không chấp hành thì xử sung quân đi xây dựng thành. Như thế thì sẽ không còn ai dám phê bình nữa”. Tần Thuỷ Hoàng nghe theo ý kiến của Lý Tư, do đó văn hoá Trung Hoa đã hứng chịu sự phá hoại mang tính huỷ diệt, nhưng cũng vì thế mà nhà Tần đã gieo mầm bị diệt vong nhanh chóng.

Đến thời Hán Vũ Đế, em trai của ông là Lỗ Cung Vương vì để mở rộng cung điện của mình, nên đã đem căn nhà cũ của Khổng Tử ở bên cạnh sửa thành hoa viên, lúc phá dỡ tường nhà thì công nhân đột nhiên phát hiện trong cái lỗ hẹp của bức tường có một thếp thẻ tre, đồng thời từ trong không trung truyền đến âm thanh như một hồi chuông trang nghiêm, làm cho Lỗ Cung Vương khiếp sợ vội vàng quỳ mọp xuống đất bái lạy và hạ lệnh ngừng ngay việc tháo dỡ.

Những thẻ tre được phát hiện trong bức tường gồm có những cuốn như «Thượng Thư», «Hiếu Kinh», «Lễ Ký», «Luận Ngữ», theo khảo chứng cho thấy khả năng là Khổng Phụ cháu đời thứ tám của Khổng Tử đã cất giấu khi Tần Thuỷ Hoàng hạ lệnh đốt sách. Việc phát hiện những kinh điển này đã có đóng góp rất lớn cho việc phân biệt thật giả đối với những kinh sách cổ, và cũng lưu lại cho nền văn hoá Trung Hoa những điển chương quý giá.

(1) Tại sao Tần Thuỷ Hoàng lại ra lệnh đốt sách?

(2) Hãy cho biết vì sao “bích kinh” lại quý giá?

(3) Theo bạn nhà Tần vì sao lại diệt vong nhanh chóng như vậy?

(4) Bạn đã đọc tiểu thuyết võ hiệp bao giờ chưa? Hãy thử phát biểu cảm nghĩ của bạn về nhân vật chính trong các tiểu thuyết đó xem sao nhé.

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/44311



Ngày đăng: 14-03-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.