Tài liệu giảng dạy Văn hóa sơ cấp: Thiên Tự Văn (43)



Ban biên tập Tài liệu giảng dạy Văn hóa Chánh Kiến

[ChanhKien.org]

Nguyên văn:

孟軻敦素,史魚秉直。

庶幾中庸,勞謙謹敕。

Bính âm:

孟(mèng) 軻(kē) 敦(dūn) 素(sù) ,

史(shǐ) 魚(yú) 秉(bǐng) 直(zhí) 。

庶(shù) 幾(jī) 中(zhōng) 庸(yōng) ,

勞(láo) 謙(qiān) 謹(jǐn) 敕(chì)。

Chú âm:

孟﹙ㄇㄥˋ﹚軻﹙ㄎㄜ﹚敦﹙ㄉㄨㄣ﹚ 素﹙ㄙㄨˋ﹚,

史﹙ㄕˇ﹚魚﹙ㄩˊ﹚秉﹙ㄅㄧㄥˇ﹚直﹙ㄓˊ﹚。

庶﹙ㄕㄨˋ﹚幾﹙ㄐㄧ﹚ 中﹙ㄓㄨㄥ﹚ 庸﹙ㄩㄥ﹚,

勞﹙ㄌㄠˊ﹚謙﹙ㄑㄧㄢ﹚謹﹙ㄐㄧㄣˇ﹚敕﹙ㄔˋ﹚。

Âm Hán Việt:

Mạnh Kha đôn tố,

Sử Ngư bỉnh trực.

Thứ cơ trung dung,

Lao khiêm cẩn sắc.

Giải thích:

1. Nghĩa của chữ:

Đôn (敦): chú trọng; tôn sùng.

Tố (素): mộc mạc; bản sắc.

Bỉnh (秉): giữ vững.

Trực (直): chính trực.

Trung (中): không thiên vị, trung lập.

Dung (庸): thường hằng không đổi.

Lao (勞): chăm chỉ.

Khiêm (謙): khiêm nhường.

Cẩn (謹): cẩn thận.

Sắc (敕): thận trọng.

2. Nghĩa của từ:

(1) Mạnh Kha (孟軻): tức là Mạnh Tử, tên Kha tự là Tử Dư. Nhà tư tưởng thời Chiến quốc, có chủ trương là con người tính bản thiện.

(2) Sử Ngư (史魚): Đại phu của nước Vệ thời Xuân Thu, nổi danh bởi chính trực.

(3) Thứ Cơ (庶幾): hầu như, gần như.

Lời dịch tham khảo:

Mạnh Tử chất phác mộc mạc, Sử Ngư ngay thẳng chính trực, đều là những tấm gương đối nhân xử thế cho chúng ta noi theo, nếu học theo được, thì cũng gần như đã phù hợp với đạo lý trung dung rồi đó. Đương nhiên, chúng ta còn phải giữ gìn những đức tính tốt đẹp như chăm chỉ, khiêm nhường, cẩn thận và thận trọng nữa thì mới có thể trở thành một bậc quân tử được.

Câu chuyện văn tự:

Lao (勞): là một chữ hình thanh hội ý, Kim văn viết là “”. Tiểu triện viết là “ ”. Trong Tiểu triện thì bộ Lực (力) biểu âm và chữ Huỳnh (熒) giản lược bộ Hoả (火) bên dưới biểu nghĩa. Chữ Huỳnh (熒) này có chữ Diệm (焱) (âm 燕: yān) và bộ Mịch (冖) (âm 密: mì), Mịch (冖) có hình dáng tương tự như mái nhà, Diệm (焱) có nghĩa là tia lửa, nên Huỳnh (熒) cũng có nghĩa là trong nhà có ánh lửa, cuộc sống ngày xưa rất mộc mạc giản dị. Mặt trời lên thì làm việc, mặt trời lặn thì nghỉ ngơi, nên thông thường người ta ít dùng lửa để chiếu sáng, khi phát hiện thấy trong nhà có tia lửa bất thường, đa phần là đã xảy ra hoả hoạn rồi. Nhà ngày xưa đều là bằng gỗ và tre, một khi đã cháy thì không thể xử lý, hiện trường đám cháy thường hết sức hỗn loạn, vừa phải cứu người lại phải dập lửa, còn phải tránh cho bản thân khỏi bị thương. Do vậy việc cứu hoả là vô cùng nguy hiểm lại còn vất vả nữa, nhất định phải cố gắng hết sức tạt nước mới có thể dập tắt được. Và hành động tích cực được phát huy hết mức này chính là Lao (勞). Người xưa đã dùng tâm trạng, sự nguy hiểm, cái cực nhọc và sự nỗ lực khi cứu hoả để giải thích cho chữ Lao (勞) này, thật là tài tình quá.

Suy ngẫm và thảo luận:

Đây là một câu chuyện trong cuốn thứ bảy của tập “Hàn Thi Ngoại Truyện” do Hàn Anh thời Tây Hán biên soạn.

Vào thời Xuân Thu nước Vệ có một vị Đại phu tên là Sử Ngư, trong lúc ông bệnh tình nguy kịch sắp chết đã nói với con trai của mình rằng: “Cừ Bá Ngọc là một người tài giỏi, ta từng nhiều lần tiến cử ông ấy với vua, tuy nhiên vẫn chưa được chấp thuận. Ta cũng từng nói Di Tử Hà bất tài, thế nhưng cũng chưa thể tước bỏ chức quan của hắn. Là một bề tôi, lúc còn sống không thể tiến cử người hiền lương, cũng không thể trừ bỏ kẻ bất tài, thế thì lúc chết không thể làm tang sự ở chính đường được, hãy khâm liệm ta ở gian nhà nhỏ bên cạnh là được rồi”.

Vua nước Vệ đến viếng điếu, nhìn thấy tình cảnh ấy cảm thấy rất kỳ lạ bèn hỏi con trai của Sử Ngư vì sao không tổ chức tang lễ theo đúng lễ nghi như vậy. Do đó con trai của Sử Ngư đã đem những lời lúc lâm chung của cha nói hết cho vua Vệ. Vua Vệ nghe xong cảm động sâu sắc, lập tức bổ dụng Cừ Bá Ngọc, và bãi chức Di Tử Hà, đồng thời ra lệnh chuyển quan tài vào chính đường, cúng bái xong xuôi mới rời đi. Hành vi lúc sống dùng thân thể để can gián, lúc chết dùng thi thể để can gián này của Sử Ngư chính là chính trực, cho nên đến cả Khổng Tử cũng nói “trực tai Sử Ngư” nghĩa là: Sử Ngư chính trực làm sao.

Sau khi đọc xong câu chuyện này rồi chúng ta hãy cùng thảo luận và trả lời các câu hỏi dưới đây nhé:

(1) Vì sao hành động của Sử Ngư được xem là chính trực?

(2) Người xưa nói rằng: “Ích giả tam hữu, hữu trực, hữu lượng, hữu đa văn”, ý nói rằng, có ba kiểu bạn bè có ích có thể kết giao, đó là bạn chính trực, bạn thành tín, bạn có hiểu biết sâu rộng. Bạn nghĩ sao về điều này?

(3) Chính trực có nghĩa là “có chính kiến”, cũng chính là không thiên vị không che giấu, vậy làm thế nào để nuôi dưỡng được đức tính này?

Phụ lục:

Xưa kia Vệ Đại phu Sử Ngư lâm bệnh mà chết, đã nói với con trai rằng: “Ta nhiều lần nói Cừ Bá Ngọc tài giỏi mà không thể tiến cử, Di Tử Hà bất tài mà không thể phế bỏ. Là bề tôi khi sống không thể tiến cử người tài mà phế bỏ kẻ bất tài, thì chết không được làm tang chay nơi chính đường, linh cữu đặt ở gian bên là được”. Vua Vệ hỏi nguyên do, thì người con trai kể lại lời cha. Vua bèn triệu dùng Bá Ngọc, và phế bỏ Di Tử Hà, rồi cho di chuyển linh cữu vào chính đường, lễ lạt xong xuôi mới rời đi. Khi sống dùng thân mình can gián, khi chết dùng thi thể can gián, có thể nói là chính trực vậy. «Thi» viết rằng: “Tịnh cung nhi vị, hảo thị chính trực”. Dịch nghĩa: Ở cương vị của mình thì nên nghiêm túc kính cẩn, gần gũi thân với người chính trực. (Hàn Thi Ngoại Truyện)

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/44603



Ngày đăng: 09-06-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.