Tài liệu giảng dạy Văn hóa sơ cấp: Thiên Tự Văn (44)



Ban biên tập Tài liệu giảng dạy Văn hóa Chánh Kiến

[ChanhKien.org]

Nguyên văn:

聆音察理,鑒貌辨色。

貽厥嘉猷,勉其祗植。

Bính âm:

聆(líng) 音(yīn) 察(chá) 理(lǐ),

鑒(jiàn) 貌(mào) 辨(biàn) 色(sè)。

貽(yí) 厥(jué) 嘉(jiā) 猷(yóu),

勉(miǎn) 其(qí) 祗(zhī) 植(zhí)。

Chú âm:

聆(ㄌㄧㄥˊ)音(ㄧㄣ)察(ㄔㄚˊ)理(ㄌㄧˇ),

鑒(ㄐㄧㄢˋ)貌(ㄇㄠˋ)辨(ㄅㄧㄢˋ)色(ㄙㄜˋ)。

貽(ㄧˊ)厥(ㄐㄩㄝˊ)嘉(ㄐㄧㄚ)猷(ㄧㄡˊ),

勉(ㄇㄧㄢˇ)其(ㄑㄧˊ)祗(ㄓ)植(ㄓˊ)。

Âm Hán Việt:

Linh âm sát lí,

Giám mạo biện sắc.

Di quyết gia du,

Miễn kỳ chi thực.

Giải thích:

1. Nghĩa của chữ:

Linh (聆): nghe.

Âm (音): âm hưởng, thanh âm.

Sát (察): làm rõ, hiểu rõ.

Lí (理): quy luật, ý chỉ của sự vật.

Giám (鑒): thẩm sát.

Mạo (貌): tướng mạo, bề ngoài.

Biện (辨): phân biệt, phân rõ.

Sắc (色): nét mặt, thần sắc.

Di (貽): lưu lại.

Quyết (厥): cái ấy, ở đây chỉ (lời dạy tốt đẹp).

Gia (嘉): tốt đẹp.

Du (猷): đạo lý, pháp tắc.

Miễn (勉): khuyến khích.

Kỳ (其): chúng.

Chi (祗): cung kính.

Thực (植): nghĩa gốc là trồng trọt, ở đây mang nghĩa là nhớ kỹ.

2. Nghĩa của từ:

(1) Linh âm (聆音): lắng nghe đối phương nói chuyện.

(2) Sát lí (察理): hiểu lí lẽ.

(3) Giám mạo biện sắc (鑒貌辨色): quan sát sắc mặt người khác mà tuỳ cơ hành sự.

(4) Di quyết (貽厥): lưu truyền, lưu lại.

(5) Gia du (嘉猷): lời dạy tốt đẹp.

Lời dịch tham khảo:

Khi chung sống với người khác, cần phải biết thăm dò ý tứ qua ngôn từ và sắc mặt, trước hết phải nghe xem đối phương nói những gì, nghĩ xem người ấy nói có đạo lý không, rồi nhìn xem biểu cảm trên khuôn mặt của người đó có thành khẩn, chân thành không, như thế mới có thể phán đoán một người là tốt hay xấu và động cơ trong lời nói của người ta là gì.

Chúng ta nên gắng sức làm gương để lưu lại những hình mẫu tốt đẹp cho con cháu đời sau, khuyến khích chúng thành tâm thành ý nhớ kỹ trong lòng, đồng thời tiếp tục lưu truyền về sau.

Câu chuyện văn tự:

Linh (聆): chữ này được tạo thành bởi một chữ Nhĩ (耳) và một chữ Lệnh (令), Tiểu triện viết là “ ” , nghĩa gốc là nghe. Nghe âm thanh phải nhờ đến tai, mà Lệnh (令) lại mang ý nghĩa tốt lành, vậy nên Linh (聆) thường là ý chỉ nghe những lời hay ý đẹp.

Mạo (貌): xuất hiện sớm nhất trong Đào văn (chữ viết trên gốm), viết là “” , được tạo bởi hai cổ tự Diệp (頁) và Mã (馬). Cách viết trong Tiểu triện là “ ”, đã rất giống với cách viết chữ Mạo (貌) của ngày nay rồi, nghĩa gốc là chỉ dung mạo. Ngoài bộ Trĩ (豸), thì phía còn lại của chữ Mạo (貌) trông như đầu người thêm phần thân và chân, cho nên chữ Mạo (貌) được dùng với ý là dung mạo của người.

Sắc (色): Tiểu triện viết là “ ”, được tạo thành bởi một chữ Nhân (人) và một chữ Tiết (節) cổ văn. Những hỉ nộ ai lạc ái ố của người ta sau khi được tiết chế thì thứ biểu hiện trên khuôn mặt chính là Sắc, vậy nên nghĩa gốc của Sắc (色) là các loại nét mặt sinh ra từ tâm và biểu hiện ra giữa hai lông mày.

Suy ngẫm và thảo luận:

Từ xưa người Trung Quốc đã coi trọng việc giáo dục con cái trong gia đình, đặc biệt là sự giáo dục của người cha, trong lịch sử nổi tiếng có Nhan Chi Thôi thời Bắc Tề, Chu Hy thời nhà Tống, Vương Phu Chi thời nhà Minh, cùng Trịnh Bản Kiều, Tăng Quốc Phiên thời nhà Thanh v.v.. đều lưu lại những gia huấn được nhiều người biết đến.

Nhan Chi Thôi thời Bắc Tề vì để khuyên răn con cháu không được ỷ lại dòng dõi, mà sinh ra kiêu ngạo lười biếng, đồng thời cũng hi vọng con cháu có thể giữ được gia phong dòng dõi sĩ tộc không bị suy tàn, do đó ông đã viết cuốn “Nhan Thị gia huấn” gồm 20 phần, ước chừng hơn bốn vạn từ. Cuốn Gia huấn này được truyền tụng suốt 1300 đến 1400 năm sau đó, và được hậu thế tôn thành tổ sư của Gia huấn.

Và “Trọng đức tu thân” luôn là nội dung cốt lõi của mọi Gia huấn. Chu Hy nhà triết học về Nho giáo thời Tống đã chỉ ra trong cuốn “Gia Huấn” như sau: “Người đức độ dù tuổi nhỏ hơn ta, ta tất kính trọng; kẻ kém đức dù tuổi lớn hơn ta, ta tất tránh xa”. Ý nói là người có đức dù tuổi tác nhỏ hơn ta, ta cũng sẽ kính trọng; còn người kém đức dù tuổi tác có lớn hơn ta đi nữa, thì ta chắc chắn cũng sẽ tránh xa. Từ đó có thể thấy được Chu Hy coi trọng đức đến mức độ nào. Chu Hy còn chỉ ra rằng: “Chớ thấy điều thiện nhỏ mà không làm, chớ thấy điều ác nhỏ mà làm”. Ý là việc thiện dù nhỏ đến mấy cũng cần tích cực làm, việc ác dù nhỏ đến mấy cũng không thể làm.

Trong những Giáo huấn nổi tiếng này đều chứa đựng những phẩm chất đạo đức tốt đẹp về sự tiết nghĩa trung hiếu, nhân nghĩa lễ trí tín, và tu thân tề gia trị quốc bình thiên hạ, vậy nên thường được hậu nhân dùng để căn dặn con cháu cần phải ghi nhớ trong lòng.

(1) Các bạn hãy thử nói xem, tại sao “Trọng đức tu thân” lại là nội dung chủ yếu của mọi Gia huấn nào?

(2) Để giáo dục con cháu đời sau, ngoài việc “ngôn truyền” (lấy lời nói) lưu lại Gia huấn, thì việc “thân giáo” (lấy mình làm gương) càng quan trọng hơn nữa, hãy nêu ra suy nghĩ của bạn về việc này hoặc nêu ra những ví dụ từng xuất hiện trong lịch sử liên quan đến điều này nhé.

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/44604



Ngày đăng: 13-06-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.