Tài liệu giảng dạy Văn hóa sơ cấp: Thiên Tự Văn (28)



Ban biên tập Tài liệu giảng dạy Văn hóa Chánh Kiến

[ChanhKien.org]

Nguyên văn:

圖寫 (1)禽獸 (2),畫彩 (3)仙靈 (4)。丙舍 (5)傍啟 (6),甲帳 (7)對楹 (8)。

Bính âm:

圖(tú) 寫(xiě) 禽(qín) 獸(shòu),

畫(huà) 彩(cǎi) 仙(xiān) 靈(líng)。

丙(bǐng) 舍(shè) 傍(páng) 啟(qǐ),

甲(jiǎ) 帳(zhàng) 對(duì) 楹(yíng)。

Chú âm:

圖 (ㄊㄨˋ) 寫 (ㄒㄧㄝˇ) 禽 (ㄑㄧㄣˋ) 獸 (ㄕㄡˋ),

畫 (ㄏㄨㄚˋ) 彩 (ㄘㄞˇ) 仙 (ㄒㄧㄢ) 靈 (ㄌㄧㄥˋ)。

丙 (ㄅㄧㄥˇ) 舍 (ㄕㄜˋ) 傍 (ㄆㄤˋ) 啟 (ㄑㄧˇ),

甲 (ㄐㄧㄚˇ) 帳 (ㄓㄤˋ) 對 (ㄉㄨㄟˋ) 楹 (ㄧㄥˋ)。

Âm Hán Việt:

Đồ tả cầm thú,

Họa thái tiên linh.

Bính xá bàng khải,

Giáp trướng đối doanh.

Giải thích:

1. Nghĩa của chữ:

Đồ (圖): vẽ, hội họa.
Tả (寫): viết, vẽ, tả; mô phỏng vẽ theo.
Cầm (禽): cách gọi chung các loài chim.
Thú (獸): chỉ các loài động vật có xương sống, bốn chân, toàn thân mọc lông.
Họa (畫): vẽ, miêu tả.
Thái (彩): ngũ thái thập sắc, ý chỉ các màu sắc.
Tiên (仙): người trường sinh bất lão.
Linh (靈): Thần.
Bính (丙): tên của một trong 10 Thiên can, xếp ở vị trí thứ ba.
Xá (舍): nhà ở, chỗ ở, phòng ốc.
Bàng (傍): giống như Bàng 旁, nghĩa là bên cạnh.
Khải (啟): bắt đầu.
Giáp (甲): tên của một trong 10 Thiên can, xếp ở vị trí thứ nhất.
Trướng (帳): màn trướng.
Đối (對): hướng, hướng về, nhìn về.
Doanh (楹): cột nhà lớn ở sảnh chính, nhà chính, chính điện.

2. Nghĩa của từ:

(1) Đồ tả (圖寫): miêu tả, mô tả.
(2) Cầm thú (禽獸): chim bay thú chạy, đủ loại động vật.
(3) Họa thái (畫彩): hoa văn màu, hình vẽ màu, tô màu, vẽ màu.
(4) Tiên linh (仙靈): Thần Tiên.
(5) Bính xá (丙舍): phòng ốc xếp ở thứ bậc thứ ba trong cung, là phòng ở hai bên chính thất (phòng chính, chính điện), người đời sau gọi là thiên điện, hay phối điện (điện phụ).
(6) Bàng khải (傍啟): từ hai bên của chính điện bắt đầu xếp theo thứ tự.
(7) Giáp trướng (甲帳): màn trướng đẹp đẽ dùng để cúng Thần. Cuốn “Hán Vũ cố sự” có ghi chép: “Dĩ lưu ly châu ngọc, minh nguyệt dạ quang, thác tạp thiên hạ trân bảo vi giáp trướng, kỳ thứ vi ất trướng. Giáp dĩ cư thần, ất dĩ tự cư”. Ý là màn trướng của thời Hán Vũ Đế là “Dùng các loại bảo thạch, san hô, phỉ thúy, trân châu… để khảm nạm, là màn trướng loại một, người xưa gọi là giáp trướng, loại hai thì gọi là ất trướng. Giáp trướng dùng để cúng Thần, loại mà bản thân dùng thì gọi là ất trướng”.
(8) Đối doanh (對楹): đối diện, hướng về phía cột trụ của chính điện.

Lời dịch tham khảo:

Trong cung điện vẽ đủ các loài chim bay thú chạy, vẽ Thần Tiên với màu sắc rực rỡ; ở trong cung, các điện phụ sẽ nằm theo thứ tự ở hai bên chính điện, bức màn trướng hoa lệ được treo trong cung điện sẽ ở vị trí đối diện với cột trụ của chính điện.

Câu chuyện văn tự:

Tiên 仙: chữ Tiểu triện viết là “ ” ; người thời xưa thường đi vào núi thanh vắng để tu Đạo, hy vọng có thể trường sinh bất tử rồi thăng Thiên (bay lên Trời).

Khải 啟: Giáp cốt văn viết là “ ”, chính là dùng tay mở “Hộ” 戶 (“hộ” là một nửa của cánh cửa).

Suy ngẫm và thảo luận:

Thời “Trinh Quán chi trị” của vua Đường Thái Tông trong lịch sử Trung Quốc là thời thái bình thịnh thế, quân thần (vua – tôi) đều dốc lòng xây dựng đất nước. Thời ấy, bách tính an cư lạc nghiệp, thậm chí ban đêm cũng không cần phải đóng cửa đề phòng kẻ trộm.

Vua Đường Thái Tông thấy được bài học giáo huấn của triều Tùy – vì xa xỉ mà vong quốc, cho nên sau khi lên ngôi, mặc dù cung điện trải qua khói lửa chiến tranh rồi bị thiêu hủy, sớm đã cũ nát, song ông vẫn một mực không cho phép khởi công xây dựng cung điện mới.

Vua Thái Tông có bệnh về khí (liên quan đến hệ hô hấp, hệ tuần hoàn), mà cung điện mùa hạ thì nóng mùa thu thì lạnh lại ẩm ướt, cho nên dễ khiến bệnh cũ tái phát. Vào năm Trinh Quán thứ hai (năm 628), có vị đại thần vì lo cho sức khỏe của vua mà dâng tấu xin xây dựng một lầu các cho vua ở. Vua Đường Thái Tông nói: “Ta có bệnh về khí, đúng là không nên ở trong cung ẩm ướt, nhưng nếu xây dựng rầm rộ, tất nhiên sẽ lãng phí nhân công và tiền của. Xưa kia Hán Văn Đế xây lộ đài, bởi vì thấy tiếc số tài sản của 10 hộ mà cho ngừng xây. Công đức của ta kém xa Văn Đế, xây cung mới phí tổn còn hơn cả lộ đài, đây không phải là việc mà người ở vị trí quân vương của thiên hạ nên làm”. Các đại thần nhiều lần tấu xin, nhưng vua Thái Tông đều kiên trì không cho phép, nên việc này mới thôi.

Trong năm Trinh Quán thứ nhất (năm 627), trên cơ bản không khởi công xây dựng công trình lớn nào. Không chỉ có vậy, lúc Lạc Dương gặp lũ lụt, nhà cửa của bách tính bị phá hủy, vua Thái Tông đã hạ lệnh dỡ bỏ một số cung điện ở Lạc Dương, đem vật liệu gỗ phân cho bách tính gặp nạn, dùng để sửa chữa nhà cửa. Còn về cung điện Lạc Dương, sau khi bị lũ lụt làm hư hỏng, vua cũng chỉ cho tu sửa lại một chút mà thôi.

(1) Đường Thái Tông, Hán Văn Đế thân là “Thiên hạ chi quân” (vua của thiên hạ), nhưng trong cuộc sống các ngài ấy đặt yêu cầu cho bản thân như thế nào? Hãy chia sẻ tâm đắc của bạn sau khi nghe xong câu chuyện trên nhé.

(2) Sau khi nghe xong câu chuyện này, bạn hãy thử chia sẻ xem làm thế nào để không tiêu xài phung phí trong sinh hoạt hàng ngày nhé.

(3) Bạn có biết câu chuyện nào về các vị vua nhân từ hay bạo ngược không? Hãy chia sẻ với mọi người nhé!

Phụ lục:

Câu chuyện về vị vua thời cổ đại: Quý tiếc phí tổn xây lộ đài

Sách sử thời Tây Hán chép rằng: Hán Văn Đế từng dự định xây dựng một đài cao không mái (lộ đài), nên đã lệnh cho thợ thủ công tính toán xem cần bao nhiêu kinh phí. Sau khi người thợ tính toán xong thì bẩm báo cho Văn Đế rằng cần dùng một trăm lạng vàng. Văn Đế nói: “Số tài sản một trăm lạng vàng này, nếu tính theo những nhà ở tầng lớp trung lưu thì có thể bằng số tài sản của 10 hộ, nay chỉ vì xây một cái đài mà tiêu phí sản nghiệp của 10 hộ, chẳng phải đáng tiếc sao! Vả lại ta thừa kế cung điện của Tiên Đế, không phải là người dựng lên, cũng không phải là người mở rộng, thường sợ bản thân vô đức, làm vậy chẳng khác gì bôi nhọ Tiên Đế, lại còn lãng phí tài sản của dân mà làm việc vô ích này ư?” Thế là nhà vua cho đình chỉ việc xây đài, không còn nhắc lại việc này nữa.

Vua Văn Đế nắm giữ tứ hải, lại còn là thời thái bình vô sự, tiền của có thừa, một trăm lạng vàng chỉ là khoản nhỏ, nhưng vua vẫn quý tiếc, không muốn phung phí như vậy. Đó là vì vua nặng lòng yêu dân, nên mới chi tiêu rất ít cho bản thân. Nếu vua xây một cái đài thì mới tiêu đi tài sản của 10 hộ, còn như cung A Phòng, lăng Ly Sơn của Tần Thủy Hoàng đã hao phí số tài sản của không biết bao nhiêu ngàn vạn nhà. Lấy tiền của vạn dân để dùng cho ham muốn của bản thân, một khi dân nghèo, trộm cắp nổi dậy, xã tắc hoang tàn đổ vỡ, thì dù có đình đài lầu các, ao hồ chim muông, há có thể một mình vui vẻ sao? Người làm vua, thật nên học theo Hán Văn Đế, chớ cho rằng xây dựng những thứ nhỏ thì chi phí cũng nhỏ mà tùy ý làm vậy.

(Trích từ cuốn “Đế Giám Đồ Thuyết” do Trương Cư Chính triều Minh biên soạn)

Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/44080



Ngày đăng: 04-02-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.