Tài liệu giảng dạy Văn hóa sơ cấp: Thiên Tự Văn (51)
Ban biên tập Tài liệu giảng dạy Văn hóa Chánh Kiến
[ChanhKien.org]
Nguyên văn:
具膳餐飯,適口充腸。
飽飫烹宰,飢厭糟糠。
Bính âm:
具(jù) 膳(shàn) 餐(cān) 飯(fàn) ,
適(shì) 口(kǒu) 充(chōng) 腸(cháng) 。
飽(bǎo) 飫(yù) 烹(pēng) 宰(zǎi) ,
飢(jī) 厭(yàn) 糟(zāo) 糠(kāng) 。
Chú âm:
具﹙ㄐㄩˋ﹚膳﹙ㄕㄢˋ﹚餐﹙ㄘㄢ﹚飯﹙ㄈㄢˋ﹚,
適﹙ㄕˋ﹚口﹙ㄎㄡˇ﹚充﹙ㄔㄨㄥ﹚腸﹙ㄔㄤˊ﹚。
飽﹙ㄅㄠˇ﹚飫﹙ㄩˋ﹚烹﹙ㄆㄥ﹚宰﹙ㄗㄞˇ﹚,
飢﹙ㄐㄧ﹚厭﹙ㄧㄢˋ﹚糟﹙ㄗㄠ﹚糠﹙ㄎㄤ﹚。
Âm Hán Việt:
Cụ thiện xan phạn,
Thích khẩu sung trường.
Bão ứ phanh tể,
Cơ yêm tao khang.
Giải thích:
1. Nghĩa của chữ:
Cụ (具): chuẩn bị.
Thiện (膳): thức ăn.
Bão (飽): ăn no.
Ứ (飫): no nê.
Phanh (烹): dùng lửa nấu chín thức ăn.
Tể (宰): giết thịt súc vật.
Cơ (飢): đói.
Yêm (厭): no đủ.
Tao (糟): bã rượu.
Khang (糠): vỏ trấu bao ngoài hạt gạo, lớp vỏ trấu bong ra khi giã thóc.
Nghĩa của từ:
Cụ thiện (具膳): chuẩn bị thức ăn.
Thích khẩu (適口): hợp khẩu vị.
Sung trường (充腸): lót dạ, ý nói lấp đầy bao tử.
Bão ứ (飽飫): ăn quá no nên cảm thấy chán ngán.
Phanh tể (烹宰): nấu chín gia súc đã bị giết thịt.
Cơ yêm tao khang (飢厭糟糠): lúc đói thì những thức ăn thô kém như bã rượu, vỏ trấu đều có thể lót dạ cho no.
Lời dịch tham khảo:
Ở nhà khi chuẩn bị thức ăn hàng ngày, chỉ cần hợp khẩu vị của mọi người, có thể lấp đầy bao tử là được. Lúc đã ăn no rồi, có đưa cho bạn sơn hào hải vị ngon hơn nữa, bạn cũng sẽ cảm thấy chán ngán. Tuy nhiên khi đói thì đến cả những thứ thô kém như bã rượu, vỏ trấu cũng đều có thể lót dạ cho no, vậy nên trong cuộc sống hàng ngày chúng ta nên giản dị không xa hoa, chớ có xa xỉ lãng phí, ham ăn ham uống.
Câu chuyện văn tự:
Bão (飽): trong Giáp cốt văn chưa tìm thấy chữ này, tuy nhiên hình dạng chữ này trong Tiểu triện thì khá thú vị, bạn hãy xem hình dáng của nó “”, một bên có bộ Thực (食), một bên giống hình dáng một người được bọc trong bào thai, người mà có thai chẳng phải là rất đầy đủ, mãn ý sao? Do vậy khi trong bụng có đồ ăn thì chẳng phải cũng rất thỏa mãn sao? Vậy nên khi bạn được ăn thỏa thích, thì cũng là khi bạn ăn được no vậy.
Tể (宰): là một chữ hình thanh hội ý, trong Giáp cốt văn viết là “”, Kim văn viết là “”, Tiểu triện viết là “”, ngoại hình xem ra không khác nhau mấy. Chữ Tể (宰) trong Tiểu triện là bộ Miên (宀) biểu âm và chữ Tân (辛) biểu nghĩa, Miên (宀) trong Tiểu triện là viết thế này “”, như căn phòng có vách tường bao quanh, trên có mái che, ở đây biểu thị là nơi làm việc công, còn chữ Tân (辛) là giản lược của chữ Tội (辠), tức chỉ tội nhân, trong quan phủ việc xử trị tội nhân tức là Tể (宰), vì Tể có quyền xử trị vậy nên vào thời cổ đại gọi quan lại có quyền xử trị là Tể, như quan trung ương gọi là Tể tướng, quan địa phương gọi là châu tể, ấp tể, lý tể v.v… vì họ đều có quyền cai quản, xử trị người dân. Thời xưa đầu bếp phụ trách món thịt cũng được gọi là Tể, người làm việc này ngoài việc phải sát sinh để lấy thịt ra còn phải chia thịt thật công bằng mới có thể được mọi người tin tưởng, do vậy Tể cũng không phải là một công việc dễ dàng gì.
Suy ngẫm và thảo luận:
Chuyện Đào Khản
Đào Khản là người Tầm Dương, Lư Giang thời Đông Tấn, cha của ông là Đào Đan từng làm quan ở Đông Ngô, tuy nhiên khi nhà Tấn kết thúc cục diện Tam Quốc, thì gia cảnh nhà ông cũng bắt đầu sa sút. Không lâu sau khi cả nhà ông chuyển từ Phàn Dương đến Tầm Dương Lư Giang thì Đào Đan mắc bệnh qua đời, do vậy Đào Khản sinh ra trong nghèo khó, nhưng ông lại có một người mẹ vĩ đại, vậy nên ông đã có thể gây dựng được một sự nghiệp lớn lao.
Ông làm quan trung thành cần mẫn, quý tiếc thời gian như vàng, chú trọng tiết kiệm, yêu thương dân chúng. Khi đang giữ chức Thứ sử ở Kinh Châu, ông từng hạ lệnh cho quan viên trông coi việc đóng thuyền phải thu gom lại tất cả mạt gỗ có được khi xẻ gỗ, bất kể nhiều ít, mọi người đều không hiểu được ông ra lệnh vậy là có ý gì. Cho đến ngày tụ họp đầu năm ấy mọi người mới biết được dụng ý của Đào Khản. Thì ra ngày hôm ấy vừa hay tuyết lớn mới dừng, tuyết dọn hết đi rồi nhưng mặt đất trước sảnh quan phủ vẫn ướt át lầy lội, do đó Đào Khản ra lệnh đem toàn bộ số mạt gỗ gom được khi trước đổ cả ra đất, sau khi san bằng thì đi lại dễ dàng hơn. Ngoài ra, ông phát hiện thấy khi quan phủ dùng tre thì luôn cưa ra một ít ở hai đầu, và bỏ đi, do đó ông hạ lệnh cất giữ phần đầu dày bị cưa ra, kết quả là chất lại thành một đống như hòn núi nhỏ vậy, mọi người đều không biết rốt cuộc Đào Khản gom những đầu tre này thì có tác dụng gì? Cho đến một ngày có lệnh của triều đình cần Kinh Châu đóng thuyền hỗ trợ Hoàn Ôn, thảo phạt Thành Quốc của Tứ Xuyên, vì thời gian cấp bách, nhất thời không thể tìm được nhiều đinh như thế, do vậy Đào Khản liền đem hết những đầu tre ấy ra làm thành đinh tre, khiến cho việc đóng thuyền thuận lợi hoàn thành, và cũng tiết kiệm được rất nhiều kinh phí.
Đào Khản hết sức coi trọng những người biết cần kiệm, ví dụ có một lần ông cần trưng thu những cây sào tre, kết quả có một quan viên đã nhổ luôn cả gốc cây tre, lấy gốc tre làm thay cho đế sắt trên sào tre, nên tiết kiệm được thời gian và chi phí chế tạo đế sắt, Đào Khản sau khi biết được đã thăng chức hai cấp cho quan viên đó, nhằm khuyến khích việc làm của vị ấy. Còn có một lần, Dữu Lượng từ Nam Kinh đến Tầm Dương nương nhờ Đào Khản, Đào Khản vô cùng coi trọng ông. Mọi người đều biết Đào Khản sống giản dị, hôm ấy trong khi dùng bữa có kiệu (một loại thực vật có củ ăn được, thường gọi là củ kiệu), khi ăn Dữu Lượng giữ lại những củ kiệu này, Đào Khản thấy lạ bèn hỏi: “Ông giữ lại chúng làm gì?” Dữu Lượng trả lời: “Vẫn có thể trồng tiếp được!” Do đó Đào Khản đã khen ngợi, cho rằng Dữu Lượng không chỉ có tài văn chương mà thực sự còn rất có tài.
1) Đào Khản thu gom mạt gỗ và đầu tre bỏ đi, và dùng chúng ở những nơi cần thiết nhất, ông là tấm gương cho việc tận dụng phế phẩm, hãy nói xem bạn đã từng tận dụng được những phế phẩm nào nhé.
2) Việc tận dụng phế phẩm không chỉ là tiết kiệm mà còn là phát huy sự sáng tạo, và tái tạo nguồn năng lượng, trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta có những thứ phế phẩm nào có thể tận dụng được?
3) Tuy bài học này là nói về phương diện ăn uống, khuyên chúng ta có thể lấp đầy bao tử là được rồi, đừng xa xỉ lãng phí; tuy nhiên ngoài việc ăn uống ra, còn có những việc khác cũng cần giản tiện, bạn hãy nói thử xem đó là những việc nào nhé.
4) Bạn đã bao giờ phải ăn đói mặc rét chưa? Nếu có, lúc ấy bạn cảm thấy thế nào?
Ngày đăng: 27-07-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.