Tài liệu giảng dạy Văn hóa sơ cấp: Thiên Tự Văn (11)



Ban biên tập Tài liệu giảng dạy Văn hóa Chánh Kiến

[ChanhKien.org]

Nguyên văn:

女慕貞潔(1) 男效才良(2) 知過必改(3) 得能莫忘(4)

Bính âm:

女 (nǚ) 慕 (mù ) 貞 (zhēn) 潔 (jié)

男 (nán) 效 (xiào) 才 (cái) 良 (liáng)

知 (zhī) 過 (guò) 必 (bì) 改 (gǎi)

得 (dé) 能 (néng) 莫 (mò) 忘 (wàng)

Chú âm:

女 (ㄋㄩˇ) 慕 (ㄇㄨˋ) 貞 (ㄓㄣ) 潔 (ㄐ一ㄝˊ)

男 (ㄋㄢˊ) 效 (ㄒ一ㄠˋ) 才 (ㄘㄞˊ) 良 (ㄌ一ㄤˊ)

知 (ㄓ) 過 (ㄍㄨㄛˋ) 必 (ㄅ一ˋ) 改 (ㄍㄞˇ)

得 (ㄉㄜˊ) 能 (ㄋㄥˊ) 莫 (ㄇㄛˋ) 忘 (ㄨㄤˋ)

Âm Hán Việt:

Nữ mộ trinh khiết,

Nam hiệu tài lương.

Tri quá tất cải,

Đắc năng mạc vong.

Giải thích:

1. Nghĩa của chữ:

Nữ (女): nói về phái nữ; người chưa xuất giá (chưa lấy chồng) gọi là “nữ”, đã xuất giá gọi là “phụ” 婦; đối lập giới tính với “nam” 男.

Mộ (慕): ngưỡng mộ, yêu thích ao ước; vì yêu thích mà học tập.

Trinh (貞): chỉ người con gái chưa lấy chồng chưa thất thân; phụ nữ đã có chồng, chồng chết không tái giá, một mực giữ đức hạnh.

Khiết (潔): cao thượng trong trắng.

Nam (男): nói về phái nam; giới tính đối lập với “nữ”.

Hiệu (效): mô phỏng, noi theo, làm theo.

Tài (才): người có tài năng, có trí tuệ, có kiến thức.

Lương (良): người có tài năng và lương thiện.

Tri (知): cảm thấy, hiểu được, minh bạch.

Quá (過): ngôn hành sai lầm.

Tất (必): nhất định.

Cải (改): cải chính; thay đổi từ bỏ những việc không tốt để trở thành tốt hơn.

Đắc (得): được, có được do cầu.

Năng (能): ở đây chỉ tri thức, kỹ năng.

Mạc (莫): không thể, không được, không cần, không nên, chớ, đừng.

Vong (忘): vứt bỏ; mất.

2. Nghĩa của từ:

(1) Nữ mộ trinh khiết (女慕貞潔): người nữ cần phải học tập phẩm đức kiên trinh và thanh khiết.

(2) Nam hiệu tài lương (男效才良): người nam cần phải noi theo hiền nhân có tài có đức.

(3) Tri quá tất cải (知過必改): phát hiện ra bản thân có lời nói và việc làm sai trái thì nhất định phải cải chính.

(4) Đắc năng mạc vong (得能莫忘): khi học được một loại tri thức hoặc kỹ năng thì cần phải thường xuyên luyện tập sử dụng, để tránh quên nhãng, bỏ phí công sức trước đó.

Lời dịch tham khảo:

Nữ giới tôn sùng phẩm đức cao thượng kiên trinh và thanh khiết vốn có của phụ nữ, còn nam giới nên noi theo bậc hiền thiện có tài năng và kiến thức. Phát hiện bản thân có sai lầm nhất định phải cải chính. Sau khi học được một loại tri thức hoặc kỹ năng phải thường xuyên luyện tập sử dụng, tránh quên nhãng, bỏ phí công sức trước đó.

Câu chuyện văn tự:

Nữ 女: chữ Giáp cốt văn viết là “ ”, giống như là một người khoanh chéo hai tay để trước ngực, tư thế gập gối ngồi quỳ chân. Nữ tử thời xưa coi trinh tiết là sinh mạng thứ hai của họ, cho nên khi ngồi quỳ sẽ để hai tay đặt ở trên đùi, cũng đại biểu cho bản tính ôn nhu dịu dàng của nữ giới.

Nam 男: do chữ “Điền” 田 và chữ “Lực” 力 tổ hợp thành, đại biểu cho việc cày ruộng, trồng trọt cây nông nghiệp, bởi vậy cần người có sức lực đảm nhiệm. Chữ Nam 男 trong Giáp cốt văn viết là “”, mà “ ” chính là “Lực” 力 trong Giáp cốt văn, là hình dạng của “Cân” 筋 (gân) xuất hiện trên cánh tay khi một người dùng lực.

Tri 知: do chữ “Thỉ” 矢 (mũi tên) và chữ “Khẩu” 口 (miệng) tổ hợp thành, tượng trưng cho khả năng hiểu sự việc một cách thấu tình đạt lý, nhanh như mũi tên từ (những gì) miệng người khác (nói ra). Chữ “Thỉ” trong Giáp cốt văn viết là “ ”, chính là chúng ta hiện tại gọi là “Tiễn” 箭.

Sơ đồ mũi tên: bên trên là mũi tên sắc bén, ở giữa là cán tên, dưới cùng là lông đuôi tên.

Suy ngẫm và thảo luận:

Những danh nhân cổ đại như Mạnh Tử, Âu Dương Tu, cha của họ đều mất sớm, toàn bộ nhờ vào mẹ góa nuôi nấng họ trưởng thành, bởi vì phụ nữ cổ đại đều tuân theo đức hạnh “tam tòng tứ đức”.

“Tam tòng” chỉ ở nhà theo cha, xuất giá (lấy chồng) theo chồng, chồng chết theo con. Nói rõ con gái khi chưa gả cần phục tùng cha, sau khi xuất giá phục tùng chồng, nếu chồng qua đời thì phục tùng con.

“Tứ đức” chỉ phụ đức, phụ ngôn, phụ dung, phụ công (người Việt quen gọi là Công Dung Ngôn Hạnh). Cũng chính là người phụ nữ có chồng cần phải học tập mấy loại lễ nghi và chức sự (trách nhiệm). “Đức” 德 chính là trinh thuận (trung thành theo nguyên tắc, kiên trì không thay đổi), “Ngôn” 言 chính là ngôn từ dịu dàng, “Dung” 容 chính là dáng vẻ hiền thục, “Công” 功 là chỉ lo liệu các việc dệt sợi, may vá, v.v…

Mặt khác, cổ nhân cũng chú trọng tu dưỡng đạo đức, “tự tỉnh” (tự xét lại, tự suy ngẫm) và “tu thân”. Cổ nhân cho rằng, cho dù là thánh hiền, cũng khó tránh khỏi sai lầm. Thế nhưng, nếu có sai lầm mà lại không cải chính, vậy sẽ phạm sai lầm nặng gấp đôi. Một người có dũng cảm sửa đổi, mới có thể không ngừng tu chính ngôn hành của bản thân, trở thành một người có đạo đức cao thượng.

1. Nghe xong câu chuyện “Họa địch dạy con”, mời bạn trải nghiệm cảm giác viết chữ trên cát; đồng thời bạn hãy thử nói về những khó khăn mà mình gặp phải trong quá trình học tập, xem xem liệu bạn có bỏ cuộc trước những khó khăn đó không? Hoặc là bạn sẽ dùng thái độ như thế nào để đột phá những khó khăn ấy?

2. Mời bạn chia sẻ những suy nghĩ của mình sau khi nghe câu chuyện “Biết lỗi có thể sửa đổi”. (Bạn có thể nói về ví dụ của bản thân hay tham khảo câu chuyện “Liêm Pha vác gai tạ tội”).

3. Bạn hãy nói một chút về quy phạm hành vi cá nhân của bạn là lấy tiêu chuẩn gì để yêu cầu bản thân.

4. Nếu như bạn muốn biết thêm những câu chuyện về phụ nữ thời cổ đại Trung Quốc, có thể tham khảo sách “Liệt Nữ Truyện”. Như câu chuyện “Mạnh mẫu ba lần chuyển nhà” là trích từ sách này, trong sách ghi chép lại câu chuyện của 105 người phụ nữ nổi tiếng.

Phụ lục:

Họa địch dạy con (Dùng cọng lau viết chữ dạy con)

Âu Dương Tu là một nhà văn, nhà sử học lỗi lạc thời Bắc Tống, cũng là nhân vật có sức ảnh hưởng lớn nhất trong giới văn đàn thời Tống, được tôn là “Nhất đại Nho tông”.

Âu Dương Tu bốn tuổi mất cha, mẫu thân Trịnh phu nhân thủ tiết nuôi con, làm mẹ kiêm luôn chức phận làm cha. Sau khi ông lớn lên, bởi vì gia cảnh nghèo khó, không cách nào đến trường tư để học, cho nên mẹ ông tự dạy ông viết chữ, nhưng lại vì không đủ tiền mua giấy bút, Trịnh phu nhân liền lấy cọng lau làm bút, dùng cát thay cho giấy, trên mặt đất vẽ từng nét dạy ông nhận biết và viết chữ.

Liêm Pha vác gai tạ tội

Liêm Pha và Lạn Tương Như là hai trọng thần của nước Triệu thời Chiến Quốc.

Liêm Pha xuất thân cao quý là lương tướng của nước Triệu, với 16 năm phò tá Triệu Huệ Văn vương, đánh dẹp Tề, lấy Dương Tấn, được bổ nhiệm làm Thượng khanh, nổi danh dũng khí. Lạn Tương Như lại là gia thần (môn hạ) của hoạn quan đứng đầu nước Triệu là Mục Hiền, ông được Mục Hiền tiến cử, được đi sứ sang nước Tần (hoàn bích quy Triệu – bảo toàn được ngọc bích và uy tín của nước Triệu), lập được công lớn, thế là được phong làm Thượng đại phu; sau đó ở hội Mãnh Trì, lại giúp vua Triệu không bị nhục với nước Tần, cho nên được Triệu Huệ Văn vương tín nhiệm, phong cho ông làm Thượng khanh, địa vị trên cả Đại tướng Liêm Pha.

Khi Lạn Tương Như được phong làm Thượng khanh, Liêm Pha không phục, nói rằng: “Ta thân là tướng quân nước Triệu, có công lao hiển hách công thành dã chiến, Lạn Tương Như chỉ nhờ vào miệng lưỡi lập công, thế mà lại được địa vị cao hơn ta. Hơn nữa, Lạn Tương Như vốn xuất thân thấp hèn, để địa vị của ta thấp hơn, đối với ta mà nói thật sự là sự nhục nhã vô cùng lớn”. Thế là Liêm Pha liền công khai khiêu khích, nếu như nhìn thấy Lạn Tương Như nhất định sẽ sỉ nhục ông.

Lạn Tương Như sau khi biết chuyện này, mỗi buổi triều sớm liền cáo ốm không đi; thậm chí lúc ra cửa, thấy Liêm Pha ở phía xa, cũng lập tức thay đổi hướng xe để tránh mặt ông ấy. Người ngoài cho rằng ông e ngại Liêm Pha, kỳ thật ông chỉ là tránh cùng với Liêm Pha tranh đấu. Nhưng làm vậy cũng khiến cho môn khách dưới trướng (bộ hạ, cấp dưới) của Lạn Tương Như cảm thấy xấu hổ, cho nên ngỏ lời tạm biệt.

Lạn Tương Như không biết làm sao, chỉ còn cách nói rõ với các môn khách rằng: “Uy thế của Tần vương khiến cho người trong thiên hạ đều sợ, mà ta lại dám ở trên triều đình lớn tiếng trách mắng ông ta, làm nhục quần thần của ông ta, ta tuy rằng không có tài cán gì, nhưng lẽ nào lại sợ Liêm tướng quân đây? Nước Tần lớn mạnh một mực không dám đến xâm phạm nước Triệu, cũng là bởi vì có ta và Liêm tướng quân hai người ở đây. Một khi hai người chúng ta bất hòa, để vua Tần biết, vậy liền cho nước Tần cơ hội xâm lược, và nước Triệu sẽ gặp nguy nan. Ta nhường nhịn như vậy, thật sự là đặt sự an nguy của quốc gia lên trước, còn đặt oán hận riêng tư ở phía sau”.

Sau khi Liêm Pha biết chuyện, tức thì cởi áo, lộ ra thân trên, lưng vác bụi gai đến trước cửa nhà Lạn Tương Như tạ tội. Liêm Pha nói rằng: “Tôi thật sự là người thô lỗ hèn mọn, không biết tướng quân là người khoan hậu như vậy, cho nên đến đây tạ tội”. Hai người từ đó hòa hảo, cuối cùng còn trở thành bạn tốt sống chết có nhau.

Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/42587



Ngày đăng: 23-10-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.