Tài liệu giảng dạy Văn hóa sơ cấp: Thiên Tự Văn (29)



Ban biên tập Tài liệu giảng dạy Văn hóa Chánh Kiến

[ChanhKien.org]

Nguyên văn:

肆筵設席 (1),鼓瑟 (2)吹笙 (3)。升階 (4)納陛 (5),弁轉 (6)疑星 (7)。

Bính âm:

肆 (sì) 筵 (yán) 設 (shè) 席 (xí),

鼓 (gǔ) 瑟 (sè) 吹 (chuī) 笙 (shēng)。

升 (shēng) 階 (jiē) 納 (nà) 陛 (bì),

弁 (biàn) 轉 (zhuǎn) 疑 (yí) 星 (xīng)。

Chú âm:

肆 (ㄙˊ) 筵 (ㄧㄢˊ) 設 (ㄕㄜˊ) 席 (ㄒㄧˊ),

鼓 (ㄍㄨˇ) 瑟 (ㄙㄜˊ) 吹 (ㄔㄨㄟ) 笙 (ㄕㄥ)。

升 (ㄕㄥ) 階 (ㄐㄧㄝ) 納 (ㄋㄚˊ) 陛 (ㄅㄧˊ),

弁 (ㄅㄧㄢˊ) 轉 (ㄓㄨㄢˇ) 疑 (ㄧˊ) 星 (ㄒㄧㄥ)。

Âm Hán Việt:

Tứ diên thiết tịch,

Cổ sắt xuy sênh.

Thăng giai nạp bệ,

Biện chuyển nghi tinh.

Giải thích:

1. Nghĩa của chữ:

Tứ (肆): bày trí.

Thiết (設): thiết lập, bố trí.

Diên (筵): lễ tiệc.

Tịch (席): bữa tiệc, bàn tiệc, mâm cỗ, tiệc rượu.

Cổ (鼓): gảy, đánh, chơi nhạc cụ.

Sắt (瑟): đàn sắt, là một loại nhạc cụ dây, hình dạng như cổ cầm, dài hơn 8 xích (1 xích = 1/3 mét).

Xuy (吹): thổi hơi ra từ miệng.

Sênh (笙): cái sênh, tên một nhạc cụ hơi của Trung Quốc có các ống thẳng đứng.

Thăng (升): từ dưới lên trên.

Giai (階): bậc thềm, bậc thang; dùng gạch, đá mà xây thành và dùng để bước lên chỗ cao.

Nạp (納): đưa vào, dẫn vào.

Bệ (陛): bậc thềm cao nhất của chính điện, là nơi Hoàng đế ngồi khi nghe các đại thần báo cáo việc nước; vậy nên gọi bậc thềm cung điện của đế vương là “Bệ” 陛.

Biện (弁): một loại mũ được giới quý tộc đội vào thời cổ đại.

Chuyển (轉): chuyển động.

Nghi (疑): tương tự, giống như là.

Tinh (星): sao, ngôi sao trên trời.

2. Nghĩa của từ:

(1) Tứ diên thiết tịch (肆筵設席): bày trí, thiết đãi yến tiệc.

(2) Cổ sắt (鼓瑟): đánh đàn sắt.

(3) Xuy sênh (吹笙): thổi sênh.

(4) Thăng giai (升階): bước lên từng bậc từng bậc.

(5) Nạp bệ (納陛): từng bước một, bước tới bậc cao nhất của chính điện.

(6) Biện chuyển (弁轉): nón mũ chuyển động.

(7) Nghi tinh (疑星): thật giống như những ngôi sao trên trời.

Lời dịch tham khảo:

Hoàng đế thiết đãi yến tiệc trong cung, các nhạc công thổi và chơi các loại nhạc cụ để tạo không khí vui tươi, hiện ra cảnh tượng ca múa thái bình. Các văn võ bá quan bước lên bậc thang tiến vào cung điện, ngọc thạch trên mũ quan chuyển động theo bước đi của họ, khi ánh sáng chiếu xuống trông chúng tựa như những vì sao lấp lánh.

Câu chuyện văn tự:

Xuy 吹: Giáp cốt văn viết là “ ”; bên phải là “” giống như vật thể, bên trái là “” giống như người đang quỳ, mở miệng và hướng vào vật thể để thổi khí ra ngoài, cho nên “Xuy” chính là chỉ hành động dùng sức để thổi hơi ra ngoài qua đường miệng.

Thăng 升: chữ Tiểu triện viết là “”, mà chữ “Đấu” 鬥 trong Tiểu triện viết là “ ”, cả hai chữ này chỉ khác nhau một nét, cho nên “Thăng” là chỉ một dụng cụ đo lường có hình dạng giống cái “Đấu” nhưng có thêm tay cầm. Đơn vị nhỏ hơn “thăng” là “cáp” 合, lớn hơn “thăng” là “đấu”, “thập cáp” 十合 (10 cáp) bằng 1 thăng, còn “thập thăng” 十升 (10 thăng) thì bằng 1 đấu.

Suy ngẫm và thảo luận:

Bậc đế vương thời cổ đại sống tiết kiệm, giản dị mà quang vinh

Khi Đường Túc Tông vẫn còn là Thái tử, có một lần ông cùng phụ hoàng là Đường Huyền Tông ăn cơm. Trong bữa ăn hàng ngày thường có đùi dê, Huyền Tông bảo Thái tử cắt đùi dê. Sau khi Thái tử cắt xong thì lấy miếng bánh để chùi tay, Huyền Tông nhìn thấy thì có chút không vui. Đến lúc Thái tử chùi tay xong thì cũng ăn luôn cái bánh đó, Đường Huyền Tông lúc này mới hài lòng nói với Thái tử: “Người có phúc phận, cần phải biết trân quý như vậy”.

Đường Túc Tông đã kế thừa mỹ đức tiết kiệm, giản dị này. Khi ăn uống, ông không ăn những thứ sơn hào hải vị, ngay cả các ca nữ múa hát cho vua cũng không có y phục và trang sức hoa lệ.

Trong cuốn “Vịnh Sử” của nhà thơ Lý Thương Ẩn ghi rằng: “Nhìn lại các bậc tiên hiền và các nước trong lịch sử mới thấy, thành công là do cần kiệm, đổ vỡ là do xa xỉ”. Trước kia, có rất nhiều bậc Đế vương Thiên tử đều coi sự tiết kiệm, giản dị là điều vinh quang, coi đó là mỹ đức, cho rằng đây là biểu hiện của việc trân quý phúc phận. Nhưng bây giờ có rất nhiều người lại tiêu xài vung tay quá trán, coi đó là biểu hiện của khí phách, coi sự xa hoa lãng phí là niềm vinh quang, dùng để thể hiện thân phận và địa vị của bản thân. Mà lại không biết rằng xa hoa lãng phí sẽ bị Trời khiển trách, hết thảy những gì có được trong hiện tại đều là có được nhờ vào phúc phận, mà phúc phận lại không phải là thứ vô cùng vô tận, sao lại không biết trân quý vậy?

(1) Sau khi nghe xong câu chuyện Đường Túc Tông sống tiết kiệm, giản dị, nếu bạn biết có những tấm gương khác cũng tự đặt yêu cầu nghiêm cẩn (chặt chẽ cẩn thận) cho chính mình như vậy trong cuộc sống, hãy chia sẻ cùng mọi người nhé (Có thể tham khảo câu chuyện “Lệnh công cố cùng” dưới đây).

(2) Với người mà được mọi người kính trọng, trong cuộc sống sinh hoạt họ sẽ có những biểu hiện nào đáng để chúng ta học tập theo?

(3) Bạn hãy nêu ví dụ về việc bản thân đã làm như thế nào để không phô trương lãng phí trong cuộc sống nhé?

Phụ lục:

Câu chuyện: Lệnh công cố cùng

Đức Khổng Tử nói: “Quân tử cố cùng”, ý là quân tử đến lúc cùng khốn cũng không đánh mất khí tiết. Cao Doãn, vị Trung thư thị lang thời Bắc Ngụy, chính là một bậc “quân tử” “cố cùng” như thế.

Trước kia, quan viên triều đình Bắc Ngụy đều không có bổng lộc. Các quan viên thông thường đều có gia sản riêng của mình, nhưng Cao Doãn lại không có. Nhà ông nghèo xác xơ, các con ông thường ngày lên núi đốn củi để kiếm sống. Tuy thế, chuyện này cũng không làm thay đổi chí hướng của ông. Ở trong triều đình, ông nổi tiếng với những lời can gián cương trực. Nếu trong triều có điều gì làm không thích hợp, ông sẽ khẩn cầu được yết kiến Hoàng thượng. Bắc Ngụy Văn Thành Đế Thác Bạt Tuấn thường cho các quan lui xuống để một mình nói chuyện với ông. Có lúc lời lẽ của Cao Doãn dữ dội, chỉ trúng chỗ hiểm khiến Thác Bạt Tuấn không nghe nổi nữa, đành phải sai người đưa ông đi. Nhưng Thác Bạt Tuấn lại vô cùng tín nhiệm ông, đặc biệt thăng cấp cho ông làm Trung thư lệnh.

Có một ngày, quan Tư đồ Lục Lệ nhịn không được mà tâu với Thác Bạt Tuấn rằng: “Bệ hạ, Cao Doãn mặc dù được ân huệ, nhưng nhà ông ấy lại nghèo xác xơ!”

Thác Bạt Tuấn sững sờ, nói: “Sao có thể như vậy?”

“Xác thực là vậy, vợ con của ông ấy không có lấy một bộ y phục ra dáng, căn bản không thể đi ra ngoài để gặp người khác”.

Thác Bạt Tuấn lập tức khởi giá, đích thân đến nhà Cao Doãn. Hoàng đế quan sát, thấy nhà của Cao Doãn chỉ là mấy gian nhà tranh, khăn trải giường chỉ là vải thô, y phục mà vợ con ông mặc đều được làm từ sợi bông cũ, trong nhà bếp cũng chỉ có chút dưa muối. Thác Bạt Tuấn cảm thán không thôi, lập tức ban cho Cao Doãn 500 xấp tơ lụa, 1000 hộc lương thực (1 hộc bằng 10 đấu, sau đổi thành 5 đấu), và phong cho con trưởng của Cao Doãn là Cao Duyệt làm quan Thái thú ở Trường Lạc. Cao Doãn kiên quyết chối từ, nhưng Thác Bạt Tuấn không chấp nhận lời từ chối này.

Từ đó, Thác Bạt Tuấn càng thêm coi trọng Cao Doãn, khi gặp mặt thường gọi ông là “Lệnh công” chứ không gọi thẳng tên của ông.

(Trích từ “Tư Trị Thông Giám”)

Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/44081



Ngày đăng: 07-02-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.