Tài liệu giảng dạy Văn hóa sơ cấp: Thiên Tự Văn (4)



Ban biên tập Tài liệu giảng dạy Văn hóa Chánh Kiến

[Chanhkien.org]

Nguyên văn

劍號巨闕(1)

珠稱夜光(2)

果珍李奈(3)

菜重芥姜(4)

Bính âm

劍 (jiàn) 號 (hào) 巨 (jù) 闕 (què)

珠 (zhū) 稱 (chēng) 夜 (yè) 光 (guāng)

果 (guǒ) 珍 (zhēn) 李 (lǐ) 奈 (nài)

菜 (cài) 重 (zhòng) 芥 (jiè) 姜 (jiāng)

Chú âm

劍 (ㄐㄧㄢˋ) 號 (ㄏㄠˋ) 巨 (ㄐㄩˋ) 闕 (ㄑㄩㄝˋ)

珠 (ㄓㄨ) 稱 (ㄔㄥ) 夜 (一ㄝˋ) 光 (ㄍㄨㄤ)

果 (ㄍㄨㄛˇ) 珍 (ㄓㄣ) 李 (ㄌㄧˇ) 奈 (ㄋㄞˋ)

菜 (ㄘㄞˋ) 重 (ㄓㄨㄥˋ) 芥 (ㄐㄧㄝˋ) 姜 (ㄐㄧㄤ)

Âm Hán Việt

Kiếm hiệu Cự Khuyết

Châu xưng Dạ Quang

Quả trân lý nại

Thái trọng giới khương

Giải thích

1. Nghĩa của chữ:

Kiếm (劍): một loại binh khí, mảnh, dài, hai cạnh sắc bén.

Hiệu (號): tên gọi, biệt danh.

Cự (巨): to lớn.

Khuyết (闕): cách gọi một cây kiếm tốt vào thời cổ.

Châu (珠): viên hình tròn, sinh ra bên trong vỏ sò, vỏ trai.

Xưng (稱): gọi là, hoặc tán tụng, tán dương.

Dạ (夜): đêm, khoảng thời gian từ lúc trời tối cho đến hừng đông.

Quang (光): sáng tỏ.

Quả (果): trái, quả của thực vật.

Trân (珍): trân quý hiếm lạ.

Lý (李): quả mận, cây mận.

Nại (奈): táo tây, quả của cây táo tây. Một loại trái cây. Hình thù giống như quả mận nhưng thịt đỏ, vị chua ngọt.

Thái (菜): tên gọi chung các loại rau.

Trọng (重): quý trọng, quý giá.

Giới (芥): rau cải.

Khương (姜): gừng. Loại thực vật có thân ngầm phình to, hình dáng không cố định, màu vàng, vị cay, dùng làm gia vị và làm thuốc.

2. Nghĩa của từ:

(1) Kiếm hiệu Cự Khuyết (劍號巨闕): Một thanh bảo kiếm quý, nổi tiếng thời cổ đại, có tên gọi là “Cự Khuyết”. Thanh kiếm này do Việt Vương Câu Tiễn lệnh cho Âu Dã Tử chế tạo ra, vô cùng sắc bén, có thể xuyên phá đồng, sắt, vàng mà không hề để lại vết xây xước nào.

(2) Châu xưng Dạ Quang (珠稱夜光): Trong các loại trân châu thì Dạ Minh Châu là quý giá nhất vì nó có thể tự phát sáng, trong đêm còn có thể phát ra ánh sáng rực rỡ.

(3) Quả trân lý nại (果珍李奈): Loại trái cây quý hiếm nhất chính là trái mận và trái táo tây.

(4) Thái trọng giới khương (菜重芥姜): Trong các loại rau thì rau cải và gừng là hai loại rau quý giá nhất.

Lời dịch tham khảo:

Thời Xuân Thu, có một thanh kiếm tên là Cự Khuyết vô cùng sắc bén, có thể xuyên phá đồng, sắt, vàng mà thân kiếm không hề bị xây xước gì, cho nên chỉ cần nhắc tới kiếm quý liền sẽ nhớ tới kiếm Cự Khuyết. Còn trong các loại trân châu thì Dạ Minh Châu là quý giá nhất vì nó có thể tự phát sáng, trong đêm còn có thể phát ra ánh sáng rực rỡ.

Vào thời cổ trong các loại trái cây thì trái mận và táo khá là quý hiếm. Cũng vậy, rau cải và gừng là thứ rau quý giá nhất trong các loại rau.

Câu chuyện văn tự:

Kiếm 劍: Vào thời cổ đại, bất cứ ai dù là Vương hầu, tướng quân hiền thần, kẻ sĩ hay dân thường đều có thể đeo kiếm, cho nên chữ “Kiếm” 劍 bên phải có lưỡi đao 刃, bên trái là chữ “Thiêm” 僉 có ý nghĩa là toàn bộ, biểu thị rằng vào thời đó kiếm là binh khí thông dụng ai cũng có thể dùng được.

Chữ Kiếm Chữ Quả trong Giáp cốt văn Chữ Quả trong Kim văn

Quả 果: Thực vật ra hoa kết trái (quả). Chữ “Quả” trong Giáp cốt văn viết là “”, chữ này được vẽ giống hình một cây mọc ra rất nhiều trái (quả). Phát triển đến chữ Kim văn thì viết thành “”. Trong chữ Giáp cốt văn thì biểu tượng “” biểu thị cho trái, quả, qua tới Kim văn thì được thay thế bởi “”, ở giữa có thêm “+” là bởi vì sau khi trái chín sẽ tự nhiên nứt ra tứ phía. Phía dưới là chữ mộc “” ý chỉ cây cối, bởi vì chữ “Quả” 果 trước kia có nghĩa gốc là chỉ trái của cây.

Suy ngẫm và thảo luận:

Ở thời Xuân Thu kiếm đã trở thành tượng trưng cho bậc “quân tử” văn võ hợp nhất. Bởi kiếm thường thẳng tắp không cong, mang hàm nghĩa “Trung” 中 (trung dung), “bất khúc” 不曲 (không cong, không khom), giống như bậc chính nhân quân tử vừa ôn hòa lại chính trực. Kỳ thực thời cổ rất nhiều người đeo kiếm trên thân, chính là để thời thời khắc khắc nhắc nhở bản thân làm gì cũng phải giữ trung dung, không khom mình, không khuất phục.

So với các loại binh khí khác, thông thường khi chế tạo một thanh kiếm sẽ tiêu tốn nhiều thời gian hơn, đúc luyện xong còn phải căn cứ vào mục đích sử dụng để lựa chọn độ bén, giống như một bậc quân tử nhất định phải trải qua tầng tầng lớp lớp tôi luyện mới có thể viên dung hòa hợp với thế gian.

Hàm nghĩa thẳng tắp không cong của kiếm được ví như bậc chính nhân quân tử. Trong cuộc sống hằng ngày, các bạn nhỏ hãy thử nghĩ xem những hành vi nào được coi như là một bậc “quân tử chân chính, vừa ôn hòa lại chính trực?”

Muốn chế tạo một thanh kiếm tốt nhất định phải trải qua quá trình trăm luyện nghìn chùy – tôi rèn nung đập tỉ mỉ mới có thể đúc thành. Nó tựa như cách dưỡng thành nhân cách của chúng ta, nhất định phải trải qua muôn trùng khảo nghiệm, tôi luyện hun đúc thì mới có thể bồi dưỡng nên phẩm đức cao thượng. Các bạn nhỏ thân mến, khi gặp trở ngại trong cuộc sống, các bạn nhỏ sẽ giải quyết như thế nào nhỉ?

Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/41936



Ngày đăng: 29-06-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.