Tài liệu giảng dạy Văn hóa sơ cấp: Thiên Tự Văn (8)
Ban biên tập Tài liệu giảng dạy Văn hóa Chánh Kiến
[Chanhkien.org]
Nguyên văn:
愛育(1)黎首(2) 臣伏(3)戎羌(4) 遐邇壹體(5) 率賓(6)歸王(7)
Bính âm:
愛 (ài) 育 (yù) 黎 (lí) 首 (shǒu)
臣 (chén) 伏 (fú) 戎 (róng) 羌 (qiāng)
遐 (xiá) 邇 (ěr) 壹 (yì) 體 (tǐ)
率 (shuài) 賓 (bīn) 歸 (guī) 王 (wáng)
Chú âm:
愛 (ㄞˋ) 育 (ㄩˋ) 黎 (ㄌㄧˊ) 首 (ㄕㄡˇ)
臣 (ㄔㄣˊ) 伏 (ㄈㄨˊ) 戎 (ㄖㄨㄥˊ) 羌 (ㄑㄧㄤ)
遐 (ㄒㄧㄚˊ) 邇 (ㄦˇ) 壹 (一ˋ) 體 (ㄊㄧˇ)
率 (ㄕㄨㄞˋ) 賓 (ㄅㄧㄣ) 歸 (ㄍㄨㄟ) 王 (ㄨㄤˊ)
Âm Hán Việt:
Ái dục lê thủ,
Thần phục Nhung Khương.
Hà nhĩ nhất thể,
Suất tân quy vương.
Giải thích:
1. Nghĩa của chữ:
Ái (愛): yêu, ân huệ, nhân đức.
Dục (育): dưỡng dục, chiếu cố chăm sóc.
Lê (黎): hắc, đen.
Thủ (首): đầu.
Thần (臣): xưng thần, cách xưng hô của bề tôi đối với vua.
Phục (伏): phục tùng, tin phục.
Nhung (戎): chỉ dân tộc thiểu số phương tây.
Khương (羌): một dân tộc thiểu số ở phía Tây Nam, xưa gọi là Tây Khương.
Hà (遐): phương xa, nơi xa.
Nhĩ (邇): chỗ gần, ở gần, trước mắt.
Nhất (壹): ý là cùng, chung.
Thể (體): chỉnh thể, toàn thể.
Suất (率): tự, tự mình.
Tân (賓): thông thường viết là 濱. Mép nước, bờ nước.
Quy (歸): thuộc về, phụ thuộc, xu hướng.
Vương (王): cách gọi vị quân chủ thống trị thiên hạ thời cổ đại.
2. Nghĩa của từ:
(1) Ái dục (愛育): yêu thương, bảo vệ, chăm sóc
(2) Lê thủ (黎首): đầu màu đen, bách tính bình dân thời xưa thường lấy miếng vải đen quấn đầu, cho nên cũng gọi ‘bách tính, nhân dân’ là lê thủ (tiếng Việt hay nói là lê dân, dân đen).
(3) Thần phục (臣伏): cũng giống như “thần phục” 臣服 (chữ ‘phục’ 服 này trong từ phục vụ, hay tâm phục khẩu phục). Ý nghĩa là quy thuận và xưng thần (bề tôi) với vua.
(4) Nhung Khương (戎羌): là chỉ các dân tộc bốn phương bên ngoài.
(5) Hà nhĩ nhất thể (遐邇壹體): bất luận xa gần, không phân chủng tộc, đối đãi với tất cả mọi người dân đều bình đẳng.
(6) Suất tân (率賓): cách nói tắt của “suất thổ chi tân” 率土之賓, ý nói bên trong tứ hải (thiên hạ). Chỉ lãnh thổ của quốc gia.
(7) Quy vương (歸王): ý là quy thuận vua.
Lời dịch tham khảo:
Nếu như một vị vua có thể dùng lòng nhân từ mà yêu thương, bảo vệ và chăm sóc dân chúng, như vậy thì cho dù là các dân tộc phương xa bên ngoài cũng sẽ nguyện ý quy thuận vị ấy. Nếu như một vị vua có thể dùng lòng nhân ái mà giáo hóa nhân dân, bất luận xa gần, không phân chủng tộc mà đối đãi với tất cả mọi người đều bình đẳng, kết thành một khối, người trong thiên hạ được vị ấy cảm hóa, thì tự nhiên sẽ đến quy thuận vị ấy.
Câu chuyện văn tự:
“Thủ” 首: Kim văn viết là “”, chữ Tiểu triện viết là “”, chữ “Thủ” 首 này có nghĩa gốc là chỉ cái đầu. Phần trên “” đại diện cho tóc, phía dưới “” nhìn có vẻ giống mặt người, còn có lông mày và mắt nữa!
“Khương” 羌: chữ Khương trong Giáp cốt văn viết là “” nghĩa ban đầu là người chăn cừu, từ hình dạng chữ còn có thể nhìn thấy người chăn cừu này mang theo dây thừng bên thân, ý là dùng dây thừng để dắt dê. Chữ Kim văn thì viết là “”, chữ Tiểu triện viết là “”, hình dạng chữ đều là chữ “Dương” 羊 (con dê, con cừu) ở trên thêm một chữ “Nhân” 人 (người) ở dưới, ý là người chăn cừu, từ đó suy rộng ra chủng tộc người chăn cừu chính là chỉ người Khương.
“Tân” 賓: Trong Giáp cốt văn, chữ Tân 賓 được viết là“ “, nghĩa gốc là có khách từ phương xa tới, chủ nhà từ trong nhà ra nghênh tiếp, nhìn kỹ thì thấy chủ nhà trong nhà này “” là dùng tư thế quỳ để đón tiếp khách! Còn phần dưới “” là chữ “Chỉ” 止 trong Giáp cốt văn, ý là ngón/bàn chân người, được dùng để ví với người ngoài tới. Chữ Tân 賓 trong Kim văn viết là “”, chữ Tiểu triện viết là “”. Bộ “Miên” 宀 ở trên cùng là chỉ mái nhà, chữ “Nhất” 一 là biểu thị cho bức bình phong, chữ “Nhân” 人 là chỉ chủ nhân của ngôi nhà, chữ “Bối” 貝 là chỉ người mang quà tặng tới. Nghĩa gốc của chữ này là nói, chủ nhà nghênh đón vị khách mang theo quà đi vào trong nhà. Nhưng chữ “Bối” 貝 này không nhất định là chỉ người khách mang quà lễ đến, cũng có thể biểu đạt ý vị khách tôn quý.
Suy ngẫm và thảo luận:
Trong lịch sử, vua Đường Thái Tông Lý Thế Dân là vị quân vương rất nổi tiếng vì có tài đức sáng suốt, ông không chỉ giỏi bổ nhiệm người theo đúng khả năng của họ, giúp cho các quan đại thần phát huy hết năng lực, mà lòng dạ lại vô cùng rộng lượng, ông đều có thể tiếp nhận những phê bình và kiến nghị của bề tôi. Do đó mới có thể khai sáng ra Đại Đường thịnh thế.
Đường Thái Tông cho rằng, Tùy Dạng Đế nghi kỵ quần thần, ấy là nguyên nhân trọng yếu làm cho triều Tùy diệt vong. Bản thân quân vương phải lấy sự thành tín mà đối đãi với bề tôi, có vậy thì bề tôi mới có thể dốc sức trung thành. Năm đầu Trinh Quán, có người dâng thư cho Đường Thái Tông, thỉnh cầu thanh trừ “gian thần” trong triều. Đường Thái Tông triệu kiến người dâng thư, trước mặt người ấy hỏi: “Đại thần mà ta bổ nhiệm đều là người hiền lương, ngươi biết ai là gian thần?”. Người dâng thư nói: “Thần có một diệu kế, thỉnh bệ hạ thử xem sao, nhất định có thể khiến gian thần lộ nguyên hình”. Thái Tông hỏi là diệu kế gì, người kia đáp: “Lúc bệ hạ cùng quần thần thảo luận việc quốc gia đại sự, hãy cố ý giữ một ý kiến sai lầm, cũng thừa cơ nổi trận lôi đình. Lúc này những vị không sợ hoàng đế nổi giận, dám nói thẳng can gián, không sợ bị chém đầu, ấy chính là trực thần (bề tôi ngay thẳng); trái lại, người sợ sệt sự uy nghiêm của bệ hạ, chỉ lo cho tính mệnh của bản thân và gia đình, thuận theo ý bệ hạ, hùa theo ý chỉ, ấy chính là gian thần (bề tôi gian trá)”.
Thái Tông nghe xong không cho là đúng, nói với người này: “Nước chảy phải chăng cũng có trong có đục, mấu chốt nằm ở đầu nguồn. Quân vương là ngọn nguồn của lệnh trị quốc, thần dân tựa như nước chảy, nguồn nước vẩn đục mà muốn nước chảy trong veo, đó là chuyện không thể. Bản thân đế vương đùa bỡn, thi hành kế sách gian trá, có thể nào khiến thần dân chính trực, thành tín đây?”. Đường Thái Tông lại dùng lời nghiêm, nghĩa chính mà nói với người hiến kế: “Ta muốn khiến lòng tin phủ khắp thiên hạ, trị quốc bằng sự trung thành, quyết không làm việc oai môn tà đạo. Kế của ngươi mặc dù là diệu kế, nhưng với ta thì không dùng được, ta quyết không áp dụng”. Người kia nghe xong thì vô cùng hổ thẹn, vội vã lui xuống, hoảng hốt rời cung.
Cổ ngữ nói: “Đắc nhân tâm giả, đắc thiên hạ” (người mà có được lòng người thì có được thiên hạ), bởi vì Đường Thái Tông tài đức sáng suốt khiến cho bách tính thiên hạ đều tôn kính, sức mạnh quốc gia cũng càng ngày càng cường thịnh, người đời sau liền gọi thời thịnh thế này là “Trinh Quán chi trị”.
Sau khi nghe xong câu chuyện này, bạn có cảm tưởng gì không?
Vào thời cổ đại Trung Quốc, có thể được người đời sau xưng tụng là bậc quân vương tài đức sáng suốt, thì đều là người có thể trị quốc và giáo hóa nhân dân bằng lòng “nhân đức”. Các bạn nhỏ hãy thử nghĩ xem, nếu bạn là vua một nước, bạn sẽ làm như thế nào?
Ngoài Đường Thái Tông ra, trong lịch sử Trung Quốc còn xuất hiện rất nhiều vị vua tài đức sáng suốt, lưu truyền lại không ít câu chuyện được người đời sau ca tụng, hãy chia sẻ câu chuyện mà bạn biết cho mọi người cùng nghe nhé!
Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/42328
Ngày đăng: 15-08-2023
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.