Tài liệu giảng dạy Văn hóa sơ cấp: Thiên Tự Văn (5)
Ban biên tập Tài liệu giảng dạy Văn hóa Chánh Kiến
[ChanhKien.org]
Nguyên văn:
海咸河淡(1) 鱗潛(2)羽翔(3) 龍師(4)火帝(5) 鳥官(6)人皇(7)
Bính âm:
海 (hǎi) 咸 (xián) 河 (hé) 淡 (dàn)
鱗 (lín) 潛 (qián) 羽 (yǔ) 翔 (xiáng)
龍 (lóng) 師 (shī) 火 (huǒ) 帝 (dì)
鳥 (niǎo) 官 (guān) 人 (rén) 皇 (huáng)
Chú âm:
海 (ㄏㄞˇ) 咸 (ㄒㄧㄢˊ) 河 (ㄏㄜˊ) 淡 (ㄉㄢ`)
鱗 (ㄌㄧㄣˊ) 潛 (ㄑㄧㄢˊ) 羽 (ㄩˇ) 翔 (ㄒㄧㄤˊ)
龍 (ㄌㄨㄥˊ) 師 (ㄕ) 火 (ㄏㄨㄛˇ) 帝 (ㄉㄧ`)
鳥 (ㄋㄧㄠˇ) 官 (ㄍㄨㄢ) 人 (ㄖㄣˊ) 皇 (ㄏㄨㄤˊ)
Âm Hán Việt:
Hải hàm hà đạm,
Lân tiềm vũ tường.
Long sư Hỏa đế,
Điểu quan Nhân hoàng.
Giải thích:
1. Nghĩa của chữ:
● Hải (海): là khu vực tích tụ nước và nằm gần đất liền, diện tích nhỏ hơn nhiều so với đại dương (洋).
● Hàm (咸): mặn, một loại vị giác, là vị của muối.
● Hà (河): cách gọi dòng chảy, dòng sông nói chung.
● Đạm (淡): màu sắc nhạt, hương vị không nồng, không đậm đặc.
● Lân (鱗): phần vảy bên ngoài thân của loài cá hoặc động vật bò sát, xếp tựa vào nhau như ngói trên mái nhà, dùng để bảo vệ thân thể.
● Tiềm (潛): lặn, là loại hoạt động dưới mặt nước.
● Vũ (羽): là cách gọi khác của loài chim.
● Tường (翔): lượn, liệng, bay vòng quanh trên không trung.
● Long (龍): là loài thần thú trong truyền thuyết cổ đại Trung Quốc, có thân rắn, đầu cá sấu, chân thằn lằn, móng chim ưng, đuôi rắn, sừng hươu, vảy cá, khóe miệng có râu, dưới trán có châu ngọc. Nó lúc ẩn lúc hiện, mùa xuân thì bay lên trời, mùa thu thì lặn xuống nước sâu, còn có thể hô mưa gọi gió.
● Sư (師): quan viên.
● Hỏa (火): lửa, hình dạng giống như ngọn lửa tóe ra.
● Đế (帝): cách gọi người đứng đầu quốc gia thời Trung Quốc cổ đại.
● Điểu (鳥): loài chim biết bay. Thân thể có lông vũ, có hai cánh, hai chân, là loài động vật đẻ trứng, máu nóng.
● Quan (官): người xử lý công việc của quốc gia, phục vụ dân chúng.
● Hoàng (皇): quân chủ, vua.
2. Nghĩa của từ:
(1) Hải hàm hà đạm (海咸河淡): nước biển thì mặn, nước sông thì nhạt (nước ngọt).
(2) Lân tiềm (鱗潛): loài cá nhờ có mang mà sống được dưới nước.
(3) Vũ tường (羽翔): loài chim do có cánh lông vũ nên có thể bay lượn trên trời.
(4) Long sư (龍師): tương truyền Phục Hy dùng từ “Long” làm tên gọi chức quan, nên được gọi là “Long sư”.
(5) Hỏa Đế (火帝): là Viêm Đế (Thần Nông) – một trong Ngũ Đế thời viễn cổ. Cũng có truyền thuyết nói rằng Hỏa Đế là Toại Nhân – một trong Ngũ Thị, dạy con người khoan gỗ lấy lửa (đánh lửa).
(6) Điểu quan (鳥官): dùng từ “Điểu” (chim) làm tên gọi chức quan.
(7) Nhân Hoàng (人皇): tên một vị thủ lĩnh bộ lạc thời viễn cổ; cùng với Thiên Hoàng và Địa Hoàng hợp lại gọi là Tam Hoàng.
Lời dịch tham khảo:
Nước biển thì mặn, nước sông thì nhạt (nước ngọt). Loài cá có mang nên có thể hô hấp trong nước, có thể lặn, sinh sống dưới nước. Loài chim có cánh lông vũ, nên có thể tự do tự tại bay lượn trên không trung.
Tương truyền các vị vua thời viễn cổ Trung Quốc phần lớn đều là các vị Thần có phẩm đức và trí huệ rất cao được Thiên thượng phái xuống, họ đến để chỉ dạy con người những vấn đề về ăn, mặc, ở. Cho nên con người vô cùng sùng kính các bậc quân vương có Thánh đức (chỉ người có đạo đức chí cao vô thượng), có cống hiến. Ví dụ như: Phục Hy thị dạy dân chúng đánh cá, săn bắt và chăn nuôi; vì gặp được Long Mã (Thần thú đầu rồng thân ngựa) hiến tặng Hà Đồ, nên Ông đã dùng từ ‘Long’ làm tên gọi chức quan và gọi là ‘Long sư’. Thần Nông dùng Hỏa đặt tên cho các chức quan, nên được gọi là Hỏa Đế. Khi Thiếu Hạo, con trai của Hoàng Đế lên ngôi, có Phượng Hoàng đến chúc mừng, cho nên liền lấy ‘Điểu’ (chim) để đặt tên chức vụ cho quan lại, bởi vậy mới có cách gọi ‘Điểu quan’. Còn có một vị thủ lĩnh bộ lạc thời viễn cổ, vì được dân chúng kính yêu nên được gọi là “Nhân Hoàng”; đây là một trong Tam Hoàng, hai vị còn lại là Thiên Hoàng và Địa Hoàng.
Câu chuyện văn tự:
Bài viết lần này sẽ giới thiệu một chữ vô cùng quan trọng, các bạn đoán xem là chữ gì? Chẳng phải chữ nào xa lạ, chính là chữ “Nhân” 人 (người), chữ “Nhân” rất đơn giản chỉ có hai nét mà thôi! Chữ “Nhân” này thuộc về loại tượng hình, Giáp cốt văn viết là , Kim văn viết là . Trong cách viết Giáp cốt văn và Kim văn, chữ “Nhân” 人 tựa như vẽ một người đứng nghiêng (nhìn từ bên hông), có đầu, có lưng, có chân. Chữ Tiểu triện viết là , mặc dù vẫn là đứng nghiêng người nhưng đã chuyển thành hình dạng thân người cúi xuống. Tại sao cổ nhân muốn cải biến như vậy? Bởi vì cổ nhân cảm thấy con người cần phải khiêm tốn, cần phải bình hòa, phải kính Trời, thuận theo Đất thì mới có thể tồn tại hài hòa cùng với thiên nhiên, cho nên đã đem chữ “Nhân” viết thành hình dạng thân mình cúi hạ xuống.
Suy ngẫm và thảo luận:
Trước tiên xin mời các bạn đọc câu chuyện ở phần phụ lục sau đó trả lời cho các câu hỏi dưới đây:
1. Chúng ta hãy thử nghĩ xem, con người làm thế nào mới có thể tồn tại hòa hợp cùng thiên nhiên? Hãy chia sẻ cùng mọi người nhé!
2. Mời bạn nói xem Thần Nông có những ảnh hưởng trọng đại thế nào đối với nhân loại? Tại sao lại được người đời sau kính ngưỡng?
3. Bạn đã từng tới nông trường hoặc nông thôn bao giờ chưa? Nơi đó sản xuất những gì nhỉ? Bạn có thích cuộc sống ở nơi đó không? Hãy chia sẻ cùng mọi người nhé!
Phụ lục 1: Nữ Oa tạo ra con người
Tại Trung Quốc, tương truyền con người là do Thần Nữ Oa tạo ra. Sau khi Bàn Cổ dùng sinh mệnh và thân thể của mình để tạo ra trời đất, lúc đó trên trái đất mặc dù có núi có nước, có hoa có cây, có côn trùng, cá và chim thú, nhưng Thần Nữ Oa luôn cảm thấy như còn thiếu thứ gì đó. Thế là Bà lấy bùn đất, hòa thêm chút nước, chiểu theo hình tượng của mình mà nặn.
Một lúc sau, Bà nặn ra một thứ nho nhỏ có hình dáng khá giống bản thân mình, có đủ tứ chi ngũ quan, Thần Nữ Oa thổi cho nó một luồng khí, rồi đặt nó dưới đất, nó bắt đầu chuyển động, Nữ Oa xem thấy rất hài lòng, Bà lại tiếp tục nặn ra nhiều hơn, Bà gọi chúng là “Người”. Bà hy vọng tạo ra thêm nhiều “Người” hơn nữa để làm phồn vinh trái đất. Thế nhưng dùng tay nặn thì quá chậm, thế là Bà tiện tay lấy một đoạn dây leo, nhúng vào bùn nhão rồi vẩy lên mặt đất, bùn nhão vừa rơi xuống đất liền biến thành những hình người nhỏ, cách này nhanh hơn nhiều so với nặn bằng tay. Bà càng vẩy càng vui mừng, “Người” được tạo ra càng nhiều, Bà đưa những vật nhỏ này đến bốn phương tám hướng, thế là trên khắp trái đất đều có “Người”.
Con người được phỏng theo hình dáng của Thần mà tạo nên, cho nên có sự khác biệt so với các sinh vật khác, lại càng không phải là do tiến hóa từ loài khác mà thành. Nhưng do nhân loại tự đại (kiêu căng, ngạo mạn), cho rằng mình là anh linh của vạn vật, đã bắt đầu không tôn trọng sinh mệnh khác, chiếm đoạt, sát sinh tràn lan; cho rằng có thể “Nhân định thắng Thiên”, liền bất kính với Trời không thuận theo Đất, không kính trọng thế giới mà Thần đã tạo nên, bắt đầu khai khẩn chặt phá tràn lan, phá hoại môi trường sinh thái, trở thành sát thủ của trái đất. Vì để cướp đoạt tư lợi, không tiếc sát hại đồng loại của mình, đây là kết quả của sự tự tư tự lợi mà con người gây ra.
Con người hiện đại sinh sống trong quan niệm tư tưởng “tự cho là đúng” của mình, chấp trước vào những hiểu biết nông cạn của bản thân, nên thường nhìn không thấu chân tướng của sự thật, làm những việc không nên làm, tạo thành những tổn thương không cách nào bù đắp. Nếu muốn thay đổi, cần phải học tập thái độ khiêm tốn, tự nhiên, bình hòa, kính Trời, thuận theo Đất của cổ nhân, thì mới có thể tồn tại hài hòa cùng với thiên nhiên và hết thảy các sinh mệnh khác, có vậy mới không phụ bổn ý của Thần khi tạo ra con người.
Phụ lục 2: Thần Nông
Sau khi Thần Nữ Oa tạo ra con người, nhân loại trên trái đất ngày càng nhiều, họ sinh sống chủ yếu bằng cách săn bắt dã thú, nhưng đi săn là việc rất nguy hiểm, lại chưa chắc có thể săn được, bởi vậy thức ăn thường không đủ. Lúc này, xuất hiện một vị Thần to lớn tới nhân gian trợ giúp con người giải quyết vấn đề thường xuyên thiếu thức ăn. Trong truyền thuyết, Ông có đầu bò thân người, giỏi về làm nông, bởi vậy được gọi là Thần Nông (hay Thần Nông thị). Ông còn có một cái bụng trong suốt như thủy tinh, có thể nhìn thấy tình hình thức ăn biến hóa trong bụng cho nên Ông thường nếm thử các loại rễ, thân, lá, hoa, quả của thực vật.
Thần Nông làm việc đức cho thiên hạ, Thiên thượng liền ban cho cơn mưa hạt “Kê” (Túc 粟). Thần Nông hiểu rõ đây là Thiên thượng ban cho con người lương thực để sinh sống, nếu như gieo trồng rộng rãi, con người sẽ có lúa gạo để ăn. Sau đó Thần Nông lại phát hiện ra ngũ cốc. Thần Nông bắt đầu chế tạo ra dụng cụ cày ruộng, rồi tự mình xuống ruộng dạy cho mọi người cách trồng trọt: Trước tiên xới đất ruộng lên cho tơi xốp, rồi gieo hạt giống ngũ cốc cho nảy mầm, sau đó theo thời tiết mà phân ra bốn mùa, căn cứ vào vùng đất cao thấp, dựa theo đặc tính của trăm loại cốc, xem xét sao cho thích hợp mà trồng; khi cấy mạ cần phải có đường có lối, theo quy tắc, sao cho cây giống có thể hấp thụ được nước và ánh sáng đồng đều; khi cây giống đang trưởng thành phải không ngừng tưới tiêu và bảo vệ, để tránh khô hạn và chim thú phá hoại; đến khi thu hoạch lúa chín, phải đem hạt ngũ cốc đi phơi nắng và chà vỏ, liền có thể nấu ăn hoặc dự trữ.
Mọi người đều rất tin theo lời Thần Nông, liền theo Ông làm ruộng vất vả cần cù trồng thử chín loại ngũ cốc: hạt dẻ (Lật 栗), cao lương (Thuật 秫), bắp ngô (Ngọc mễ 玉米), lúa (Đạo 稻), mè/vừng (Ma 麻), đậu nành (Đại đậu 大豆), đậu đỏ (Tiểu đậu 小豆), lúa mạch (Đại mạch 大麦) và lúa mì (Tiểu mạch 小麦). Đợi đến mùa thu, chín loại ngũ cốc đều chín, hạt trĩu nặng phủ kín ruộng đồng, người lớn con nít vì thế mà hồ hởi reo hò bắt tay vào thu hoạch, phơi nắng, tuốt lúa, phơi thóc, chà vỏ, tồn trữ, khi đem hạt gạo trắng bóng nấu thành cơm thì tỏa ra hương thơm ngào ngạt, khi này mọi người mới biết được vẻ đẹp của việc trồng lúa thu hoạch hơn hẳn các thứ khác. Từ đó mọi người vui thích lao động cày cấy, gieo trồng vào mùa xuân thu hoạch vào mùa thu, làm nông thay thế cho săn bắt. Thần Nông khi ấy còn xây một tòa thành để sàng lọc và dự trữ hạt giống, gọi là “Cốc thành”.
Mọi người tuy không còn phải chịu nỗi khổ do bị đói, nhưng vẫn còn nỗi khổ do bị thương bị bệnh, thế là Thần Nông đã thu thập các loại cây cỏ có thể trị bệnh để giải trừ thống khổ bệnh tật cho mọi người. Vì để phân biệt dược tính và công dụng của các loại thảo dược, Thần Nông tự mình nếm thử trăm loại cây cỏ, xem sự phản ứng của nó bên trong cơ thể như thế nào mà ghi chép lại, đây là một việc vô cùng nguy hiểm, Thần Nông từng bị trúng độc hơn 70 lần trong một ngày. Cuối cùng Ông tìm được 365 vị thuốc, sau đó căn cứ vào triệu chứng bệnh mà bốc thuốc. Nếu một loại cỏ trị một loại bệnh thì được gọi là “Bản thảo”, còn vài loại cỏ trị một loại bệnh thì gọi là “Y phương”, từ đây đặt định ra cơ sở của Trung y (Đông y).
Thần Nông cai quản lâu ngày, dân chúng cũng trở nên chất phác đôn hậu, vạn quốc hòa hợp. Thần Nông tạo ra tiêu chuẩn đo lường đơn giản để mọi người giao dịch. Tạo ra Phân – Tiền – Cân – Lạng để mọi người biết trọng lượng nặng nhẹ; chế ra Phân – Thốn – Trượng – Xích để mọi người biết độ dài ngắn; chế ra Thăng – Đấu – Cân – Thạch để mọi người biết đong lượng nhiều ít; chế ra Thập – Bách – Ngàn – Vạn để cho mọi người biết tăng giảm. Sau đó mới lập ra Triền (nhà ở; quán xá của hộ dân thời xưa) với Quốc (quốc gia, nước), chợ búa trong ngày, dân chúng tụ họp mua bán giao dịch, sắp xếp đâu vào đấy. Đây chính là nguồn gốc của các ngành Y học, Nông nghiệp và Thương nghiệp.
Thần Nông thấy ban đêm mọi người không có ánh sáng sẽ khó làm việc, liền quan sát xem những loại cỏ cây nào có chất béo, đem nghiền rồi vắt ra “Dầu” (Du 油), nhúm cỏ làm dây bấc, nhúng vào dầu đốt lên sẽ có ánh sáng như ban ngày, dùng để thờ cúng hay tiếp đón bạn bè thân hữu, nhân dân cảm thấy tốt lành, thế là tôn Thần Nông là “Viêm Đế”. Thần Nông quan sát trong trăm loài thú, thấy trâu bò có lực lớn, bền bỉ mà lại dễ thuần phục, liền chế tạo ra cày sắt đeo phía sau trâu bò, một người đi sau đỡ cày, để nó giúp người cày ruộng. Thần Nông tạo ra Ngũ huyền cầm (đàn 5 dây), gồm Cung, Thương, Giác, Chủy, Vũ, ứng hợp với ý nghĩa của Ngũ Hành; lại nung đất làm ra Khuông, hai mặt bọc da, chế ra để đánh, những âm thanh đánh ra đùng đùng vang dội như “Trống” (Cổ 鼓); đây là khai thủy của âm nhạc.
Vì để cải thiện cuộc sống của mọi người, mặc dù làm đế vương, mỗi ngày Thần Nông vẫn làm việc vất vả, Ông không ở trong ruộng hướng dẫn mọi người trồng trọt thì cũng ở vùng hoang dã nếm thử các loại thực vật mới phát hiện ra. Có một ngày, Ông phát hiện ra một cây cỏ nhỏ nở ra hoa vàng, lá cây lúc mở lúc đóng, đây là loại cây Ông chưa từng thấy bao giờ, mặc dù Ông cảm thấy nghi ngờ, nhưng vì nghĩ tới thiên hạ bách tính, Ông vẫn đem lá cây bỏ vào miệng nuốt xuống, thế nhưng lá cây kia vừa vào tới bụng, ruột liền bị đứt ra từng đoạn từng đoạn, Thần Nông không kịp nuốt giải dược thì đã chết. Người đời sau vì vậy mà gọi loài cỏ này là “Đoạn Trường thảo” (đoạn là đứt, trường là ruột, thảo là cỏ; người Việt quen gọi là lá ngón).
Vì tạo phúc cho bách tính, Thần Nông đã hy sinh sinh mệnh của mình, người đời sau mãi mãi cũng không quên Ông, đã tôn kính gọi Ông là Thần Nông Đại Đế, Viêm Đế, Dược Vương Bồ Tát, đến nay Ông vẫn còn được mọi người thờ cúng.
Chú thích của người dịch:
Cân – Lạng: 1 cân = 18 lạng, 1 cân = 0,5 kg.
Phân – Thốn – Trượng – Xích: 10 phân = 1 thốn (tấc); 10 thốn (tấc) = 1 xích (thước) = 1/3 mét; 10 xích (thước) = 1 trượng.
Thăng – Đấu – Cân – Thạch: 10 thăng = 1 đấu; 1 cân = 0,5kg; 1 thạch tương đương 100 lít.
Thập – Bách – Ngàn – Vạn: 10, 100, 1000, 10000.
Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/42247
Ngày đăng: 28-07-2023
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.