Tài liệu giảng dạy Văn hóa sơ cấp: Thiên Tự Văn (42)



Ban biên tập Tài liệu giảng dạy Văn hóa Chánh Kiến

[ChanhKien.org]

Nguyên văn:

俶載南畝,我藝黍稷。

稅熟貢新,勸賞黜陟。

Bính âm:

俶(chù) 載(zài) 南(nán) 畝(mǔ),

我(wǒ) 藝(yì) 黍(shǔ) 稷(jì)。

稅(shuì) 熟(shú) 貢(gòng) 新(xīn),

勸(quàn) 賞(shǎng) 黜(chù) 陟(zhì)

Chú âm:

俶(ㄔㄨˋ)載(ㄗㄞˋ)南(ㄋㄢˊ)畝(ㄇㄨˇ),

我(ㄨㄛˇ)藝(ㄧˋ)黍(ㄕㄨˇ)稷(ㄐㄧˋ)。

稅(ㄕㄨㄟˋ)熟(ㄕㄨˊ)貢(ㄍㄨㄥˋ)新(ㄒㄧㄣ),

勸(ㄑㄩㄢˋ)賞(ㄕㄤˇ)黜(ㄔㄨˋ)陟(ㄓˋ)。

Âm Hán Việt:

Thục tải nam mẫu,

Ngã nghệ thử tắc.

Thuế thục cống tân,

Khuyến thưởng truất trắc.

Giải thích:

1. Nghĩa của chữ:

Thục (俶): bắt đầu.

Tải (載): công việc đồng áng.

Nam (南): phía Nam.

Mẫu (畝): bờ ruộng, chỗ đất cao lên trong ruộng.

Ngã (我): tự xưng.

Nghệ (藝): trồng trọt.

Thuế (稅): chỉ thuế ruộng, là thuế má đất ruộng thời cổ đại. Ở đây dùng làm động từ chỉ việc giao nộp thuế má.

Thục (熟): lúa chín.

Cống (貢): dâng cho vua.

Tân (新): chỉ thóc lúa mới.

Khuyến (勸): khích lệ, khen thưởng.

Thưởng (賞): ban tài vật cho người có công.

Truất (黜): cách chức.

Trắc (陟): thăng quan.

2. Nghĩa của từ:

Thục tải nam mẫu (俶載南畝): đến bờ ruộng phía Nam bắt đầu làm việc. Trích từ «Kinh Thi – Chu Tụng», “Tắc tắc lương cử, thục tải nam mẫu. Bá quyết bách cốc, thực hàm tư hoạt.” Tạm dịch: Tra lưỡi cày sắc bén, từ bờ nam ta bắt đầu làm việc. Đem hạt giống gieo trồng, hạt nảy mầm mang đầy sức sống. Thử tắc (黍稷): lương thực, trích từ «Kinh Thi – Tiểu Nhã – Sở Tì», “Sở sở giả từ, ngôn trừu kỳ cức. Tự tích hà vi, ngã nghệ thử tắc”. Tạm dịch: Cỏ gai mọc tươi tốt, phải trừ loài gai góc. Từ xưa sao làm vậy, vì phải trồng lương thực.

Cống tân (貢新): dâng lên thóc lúa mới chín.

Khuyến thưởng (勸賞): khen thưởng.

Truất trắc (黜陟): thăng, giáng chức quan.

Lời dịch tham khảo

Mùa xuân đã đến, người nông dân đều bắt đầu xuống ruộng, bận rộn trồng trọt lương thực.

Nông dân đem thóc lúa chín giao cho quan phủ nộp thuế, quan viên lại đem lúa mới dâng lên triều đình. Triều đình vì để khích lệ phát triển nông nghiệp, nên tiến hành khảo hạch quan viên khuyến nông các nơi, quan nào chăm chỉ thì ban thưởng thăng quan, quan nào không chăm lo việc đồng áng thì xử phạt cách chức.

Câu chuyện văn tự

Nam (南): chữ này trong Giáp cốt văn viết là “”, nghĩa chữ ban đầu là đồ chứa rượu hoặc đựng lương thực. Mỗi ngày Mặt trời mọc lên từ phía đông và lặn ở phía tây, cả ngày chỉ khi Mặt trời đi qua phía nam là ấm áp nhất. Trong Kim văn viết là “”, và Tiểu triện viết là “”, nghĩa chữ ban đầu là khoẻ khoắn có ích, nhưng từ hình dạng của chữ thì trông giống hình dạng phát triển mạnh mẽ của cây cỏ, tượng trưng cây cỏ hướng đến phía nam có Mặt trời ấm áp mà phát triển mạnh mẽ, khỏe khoắn tươi tốt.

Thử (黍): lúa nếp, trong Giáp cốt văn viết là “ ”, vì Thử không phải lúa gạo, hơn nữa Thử thêm nước vào thì có thể ủ rượu, nhằm để phân biệt với lúa gạo, nên hình dáng chữ trông giống bông lúa rời rạc và chữ Thuỷ (水). Trong Kim văn viết là “ ” ý tứ tương đồng với chữ Giáp cốt văn. Đến Tiểu triện được viết là “”, gồm chữ Hoà (禾) thêm chữ Vũ (雨) bị thiếu một nét ngang, nghĩa gốc là loại lương thực tương tự lúa gạo nhưng có chất dính.

Khuyến (勸): cách viết trong chữ chính thể không khác mấy so với chữ “ ” (khuyến) trong Tiểu triện và chữ “” (khuyến) trong Lệ thư. Khuyến (勸) là chữ Ngạc (齶) thêm chữ Lực (力), hàm nghĩa của chữ Ngạc (齶) là bắt nguồn từ chữ 鸛鳥 (chim cò). Cò là một loài chim giống chim hạc, nhưng trên đầu không có mào đỏ. Thường làm tổ trên cây bên bờ nước, lúc đói sẽ bay đến giữa dòng nước, lội ngược dòng tìm kiếm thức ăn. Tuy rằng vô cùng vất vả nhưng nó vẫn chăm chỉ làm việc, do vậy chữ Ngạc (齶) đại biểu cho việc nỗ lực phấn đấu, mà Ngạc (齶) thêm chữ Lực (力) mang nghĩa là khuyến khích đạt đến sự tốt lành.

Suy ngẫm và thảo luận

Trong bài này, chúng ta đã biết được rằng nhờ có người nông dân trồng trọt chăm chỉ nên mùa màng mới có thể thu hoạch được. Và mỗi hạt lương thực mà chúng ta thường ăn đều là do nông dân trồng trọt vất vả trên đồng ruộng mới có, vậy nên chúng ta phải trân trọng đó nhé. Tiếp theo chúng ta sẽ đến với một bài thơ Đường, bài thơ này ngoài việc miêu tả sự gian khổ của người nông dân trồng trọt trên đồng ruộng, nó còn nhắc nhở chúng ta cần phải trân trọng những thành quả mà người nông dân phải lao động chăm chỉ mới có được.

Mẫn nông thi

Tác giả: Lý Thân

Sừ hòa nhật đương ngọ,
Hãn trích hòa hạ thổ.
Thuỳ tri bàn trung xan,
Lạp lạp giai tân khổ.

Tạm dịch:

Bài thơ thương người nông dân

Làm đồng ngay buổi ban trưa,
Mồ hôi thánh thót rơi trên ruộng đồng.
Ai ơi biết bát cơm đầy,
Hạt nào cũng thấm đắng cay nhọc nhằn.

Dịch nghĩa:

Mặt trời giữa trưa ngay trên đỉnh đầu, thời tiết nóng nực như thế, mà người nông dân vẫn cầm cuốc làm việc. Mồ hôi thánh thót rớt xuống bùn đất trên đồng ruộng. Mấy ai biết rằng cơm trắng trong bát chúng ta ăn, mỗi một hạt đều là nhờ vào sự lao động vất vả cực nhọc của người nông dân mới có được!

1) Người nông dân phải trồng trọt chăm chỉ chúng ta mới có cơm để ăn, hãy nghĩ xem, chúng ta phải làm gì để bày tỏ sự biết ơn của mình đối với họ nào?

2) Người ta trong các ngành nghề của xã hội cũng đều giống như những người nông dân vậy, làm việc chăm chỉ vì bổn phận của bản thân. Là một học sinh, chúng ta nên làm gì mới được tính là làm tròn bổn phận của mình nào?

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/44602



Ngày đăng: 28-05-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.