Chính Pháp chi hành (6): Chú trọng học Pháp



Tác giả: Văn Thiện

[ChanhKien.org]

(3) Xem trọng học Pháp, tặng sách cho đồng tu

Tôi phát hiện ra một vấn đề: ngoài một số người cá biệt mang theo sách, rất nhiều người khác đều không mang theo sách. Có đồng tu nói rằng hiện tại chúng ta ở Bắc Kinh không thích hợp đọc sách, mang theo sách rất nguy hiểm. Tôi cho rằng bất kể lúc nào chúng ta cũng không thể không đọc sách học Pháp! Không đọc sách sẽ không biết phải làm thế nào. Tôi chia sẻ suy nghĩ này với một đồng tu sống cùng. Đồng tu ấy nói rằng: Đúng vậy! Sau ngày 25 tháng 4 tôi mới đắc Pháp, vẫn chưa xem hết một lần “Chuyển Pháp Luân”! Tôi nói: Vậy bạn càng cần phải đọc sách. Ngày hôm sau cả nhà họ đi khu thương mại Tây Đơn, thì có một đệ tử Bắc Kinh tặng cô ấy một cuốn sách. Sư phụ giảng: “Tu tại tự kỷ, công tại sư phụ, chư vị chỉ cần nguyện vọng [tu luyện] là đủ rồi”. Chính là Sư phụ an bài người khác tặng cho cô ấy! Nhưng chẳng được mấy ngày, người phụ trách đi cùng cô ấy đến gọi điện thoại về nhà, vợ của anh ấy trong điện thoại khóc nức nở, điều đó khiến cho nam đồng tu này không buông được cái tình, sau đó quyết định cùng mấy người bọn họ trở lại quê nhà, sách cũng trả lại cho tôi. Tôi chia sẻ cùng những đồng tu mà tôi gặp về tính trọng yếu của việc đọc sách học Pháp, mọi người cũng dần xem trọng việc này hơn. Có một lần tôi cùng ba đồng tu chia sẻ về việc xem sách đọc Pháp, ba đồng tu ấy cũng muốn đọc sách, đang lo không có sách! Lúc này lại có một đồng tu tặng họ mỗi người một cuốn sách, bạn xem Đại Pháp thần kỳ như vậy đấy!

Nhưng kinh sách Đại Pháp thời điểm đó quả thật rất thiếu, nhiều người như vậy, đệ tử Bắc Kinh chỉ có thể tặng chúng tôi vài cuốn, tôi và một đồng tu nữ ở thành phố M tên là Tư Ninh trước nay vẫn sống cùng nhau. Cô ấy rất dễ thương, ngộ tính cũng rất tốt. Hai người chúng tôi sống cùng nhau cũng một thời gian khá lâu nên cảm tình với cô ấy rất sâu sắc. Lúc này một đệ tử Bắc Kinh thông qua người khác giới thiệu đã tìm đến Tư Ninh, bởi vì Tư Ninh có thể dùng máy tính đánh chữ nên đồng tu này muốn Tư Ninh đi cùng họ. Tư Ninh đi rồi chỉ còn một mình tôi ở lại. Lần đầu tiên xa Tư Ninh, cái tình đối với cô ấy trỗi dậy, tôi rất nhớ cô ấy. Thế là tôi nhờ người gửi lời nhắn, nói Tư Ninh trở về một chuyến. Tư Ninh và học viên Bắc Kinh mua một chiếc máy tính và máy in, mỗi ngày đều in kinh văn. Cô ấy đưa tôi đến nơi cô ấy sống, có một học viên ở Bắc Kinh khoảng 30 tuổi họ Đinh, đồng tu ấy có một người em tên là Phong Nhi cũng có thể sử dụng máy tính. Nhà họ mỗi ngày đều có rất nhiều học viên lui tới, tôi ở một khách sạn gần đó. Mỗi ngày họ đều thực hiện việc in ấn kinh văn và mang đến các nơi phát cho đồng tu. Nhưng “Chuyển Pháp Luân” thì không được phép in, còn cuốn sách “Chuyển Pháp Luân” của tôi cũng thường bị các học viên mượn đi. Buổi tối, tôi và Tư Ninh, còn có Tiểu Đinh, ba người chúng tôi ngồi trên lề đường bên ngoài tòa nhà bộ ngoại giao, cùng nghe băng ghi âm Sư phụ giảng Pháp, và cùng nhau học Pháp đến khuya. Hôm sau Tiểu Đinh hẹn tôi đến công viên Nhật Đàn, anh ấy mang theo vài cuốn “Chuyển Pháp Luân Pháp Giải”, còn có một cuốn “Chuyển Pháp Luân” cho tôi nữa. Chúng tôi ngồi trên tảng đá lớn trong công viên đọc sách, mới được một lúc anh ấy nghe điện thoại rồi rời đi. Trước khi đi, anh ấy nói với tôi vẫn còn một số sách, nhờ tôi ngày mai mang cho các học viên khác, nhưng đến ngày mai mới nói cho tôi biết số sách đó cụ thể cần mang cho những ai.

Lúc chúng tôi đang học Pháp thì đột nhiên nghe thấy tiếng có người nói chuyện, khi ngẩng đầu lên quan sát thì thấy một người phụ nữ chừng hơn 30 tuổi, cô ấy dẫn theo một đứa con trai khoảng mười mấy tuổi, hai người họ đang đứng trước mặt tôi. Cô ấy nhìn cuốn sách trong tay tôi và mỉm cười. Tôi mời cô ấy ngồi xuống, từ trong ánh mắt cô, tôi biết được đây cũng là một người tu luyện. Tôi đưa cuốn sách của mình cho cô ấy. Cô ấy chia sẻ câu chuyện của bản thân cho tôi nghe, thì ra cô ấy là trạm trưởng trạm phụ đạo Pháp Luân Công ở một huyện nọ. Khi bị cảnh sát truy bắt, cô ấy đã chạy thoát và lưu lạc đến Bắc Kinh. Sau đó, chồng cô mang con đến Bắc Kinh, lúc tìm được cô, chồng cô đã để con lại cho cô rồi đi mất. Cô ấy nói lúc ở nhà, tư liệu sách Đại Pháp toàn huyện đều do cô ấy quản. Lúc chuẩn bị đi, cô đã để vài trăm cuốn sách ở nhà em gái. Để em gái bảo quản sách, cô ấy đã chuyển toàn bộ cửa hàng kinh doanh của mình cho em gái. Nhưng trước đây vài ngày cô ấy mới biết được rằng, em gái cô ấy bởi vì sợ liên lụy đến bản thân đã dùng xe ô tô mang số sách này đổ vào một hố nước lớn. Nói đến đây cô ấy bật khóc, tôi cũng đau lòng mà rơi lệ. Trước khi chia tay, tôi mang một cuốn “Chuyển Pháp Luân” tặng cho cô ấy, cô rất vui mừng rồi dẫn đứa con rời đi.

Sau khi trở về khách sạn, Tiểu Đinh vội vàng tới tìm tôi, anh ấy mang theo một túi sách lớn, còn có cả băng ghi âm, ghi hình, cùng những tài liệu mà anh có, tất cả đều giao cho tôi, anh bảo tôi đem đi phát cho các học viên khác. Anh ấy nói chả là có một học viên đứng trước cửa nhà anh ấy cầm cuốn “Chuyển Pháp Luân” đọc mà cuốn đó không có bọc sách, liền bị người khác nhìn thấy và báo cảnh sát, cảnh sát đã đến và bắt học viên đó đi. Anh ấy trở về nghe được chuyện này, vội đến đồn công an tìm học viên đó thì liền bị cảnh sát bắt lại đồn. Nhân lúc cảnh sát không để ý, anh đã thoát ra ngoài, về tới nhà anh ấy liền thu gom hết đồ đạc rồi đem chúng tới chỗ tôi. Nói xong, anh ấy liền đặt đồ đạc xuống rồi vội vã rời đi. Lúc này tôi nhớ lại Tiểu Đinh nói cần đưa sách cho người nào đó, nhưng tôi quên là cần đưa ai, phải làm sao đây? Buổi tối hôm đó, mặc dù trời mưa rất to, nhưng tôi và Tư Ninh vẫn đến đường hầm dưới Tiền Môn phát sách tới tối muộn mới trở về nhà. Sáng sớm ngày hôm sau, tôi và Tư Ninh mang theo sách chuẩn bị đến khu thương mại Tây Đơn tìm các đồng tu khác. Khi chúng tôi đi tàu điện ngầm đến ga Phục Hưng, bởi vì tôi say đến phát nôn nên phải xuống tàu. Ở ga Phục Hưng chưa đi được mấy bước thì gặp một học viên mà tôi quen ở nhà Tiểu Đinh. Tôi nói với cô ấy Tiểu Đinh bị bắt rồi. Cô ấy đột nhiên nói với tôi rằng Tiểu Đinh muốn tặng sách cho cô ấy, nhưng giờ Tiểu Đinh đã bị bắt rồi thì làm sao cô ấy nhận sách được đây. Lúc này tôi mới hiểu, vì sao ở trạm này tôi có cảm giác nôn mửa muốn xuống tàu, thì ra tôi cần dừng ở đây để gặp họ! Thế là tôi đưa sách cho họ. Trước đó tôi luôn cảm thấy Sư phụ ở Mỹ quốc. Thông qua việc này, tôi mới ngộ được rằng thì ra mỗi ngày Sư phụ đều ở bên cạnh chúng ta, biết được từng ý từng niệm của đệ tử, mọi lúc đều che chở cho chúng ta.

(4) Bắt đầu sống ở bên ngoài

Có một ngày tôi và Tư Ninh ở khách sạn đọc sách, đọc đến đoạn “chân phong”, Sư phụ giảng:

“Nhưng vị ấy đối với bản thân lại rất tàn khốc. Bởi vì vị này không biết lạnh, do đó mùa đông vị ấy chân không chạy trên tuyết, mặc phong phanh, rồi bị cóng đến mức chân nứt nẻ rỉ máu; bởi vì vị này không biết bẩn, vị ấy dám ăn cả phân, vị ấy dám uống cả nước tiểu. Quá khứ tôi có biết một người như thế, ngay cả cục phân ngựa đông cứng ngắc cả lại, ông ấy cũng gặm như thể là thơm [ngon] lắm; vị ấy có thể chịu những thứ khổ mà người thường ở trạng thái tỉnh táo không thể chịu được.” (Chuyển Pháp Luân – Bài giảng thứ sáu)

Tôi ngộ rằng, tôi không nên ở khách sạn nữa, tôi nên sống ở ngoài. Tôi nói với Tư Ninh suy nghĩ của mình, nhưng cô ấy không tiếp nhận được, nói với tôi cứ ở thêm hai ngày nữa. Tôi nghĩ vậy thì tiếp tục ở đây đọc sách thêm hai ngày nữa vậy! Thế là tôi lại đợi thêm hai ngày nữa, trong khách sạn khi tôi vừa cầm cuốn “Chuyển Pháp Luân Pháp Giải” lên đọc, thì ngay lập tức bốn chữ “hành động quá chậm” đập vào mắt tôi, tôi biết rằng đây là điểm hóa của Sư phụ, còn tâm cầu an dật, không muốn chịu khổ thì làm sao có thể đề cao? Thế là ngay tối hôm đó cùng Tư Ninh ra ngoài tìm chỗ ở.

Nhưng ra ngoài thì biết đi tìm chốn ngủ ở đâu đây? Hôm đó, tôi tìm được một bậc thềm nơi một hoa viên nọ và nằm xuống đó, nhưng chưa được bao lâu thì trời đổ mưa, tôi vội rời khỏi nơi đó và bước đi trong vô định. Khi tìm đến bậc thềm một khách sạn nọ, hai người chúng tôi liền ngồi ở đó cả đêm. Đến ba giờ chiều ngày hôm sau chúng tôi mới tìm được một đường hầm ở dưới đất để ngủ. Nhưng chưa ngủ được chút nào đã có cảnh sát đến đuổi chúng tôi đi. Buổi sáng ngày thứ ba, Tư Ninh bật khóc, cô ấy nói rằng chịu không nổi nữa, phải về khách sạn. Tôi bắt đầu lo lắng, không yên tâm để cô ấy ở một mình, phải làm thế nào đây? Được một lúc có một đồng tu ở Trùng Khánh đến nói chuyện cùng chúng tôi, cô ấy chia sẻ với chúng tôi về cuộc sống của cô ấy khi sống ở bên ngoài trong cảnh màn trời chiếu đất. Trong câu chuyện của mình, cô còn nói đến một đồng tu nọ vì để đến Bắc Kinh, không bắt được xe nên tìm một toa chuyến tàu chở than, nằm trên đó và cuối cùng cũng đến được Bắc Kinh.

Vị đồng tu này chia sẻ rất nhiều, sau khi chia tay với cô ấy, Tư Ninh nói với tôi: ý niệm muốn ở khách sạn sáng hôm nay của tôi thật không tốt. Nghe xong, tôi vô cùng vui mừng, tâm tính của Tư Ninh đề cao rồi! Chúng tôi ở khu thương mại Tây Đơn quen biết rất nhiều đồng tu, trong đó có một cặp vợ chồng. Người chồng họ Đặng ngộ tính rất tốt, thường giúp học viên kiên định tâm tu luyện của mình, mọi người đều muốn học với anh ấy, hai người họ không có tâm sợ hãi, có một lần trên quảng trường Thiên An Môn bị công an lục túi. Cuốn “Chuyển Pháp Luân” của anh ấy trong túi xách, công an lục đi lục lại trong túi một lúc cũng không lục ra được. Tôi biết rằng đó là vì anh ấy không có tâm sợ hãi mới có thể tránh được lần đó. Tôi ở trước cổng khu cửa hàng Tây Đơn gặp được một đồng tu ở điểm luyện công của chúng tôi tên Tiểu Vương. Cô ấy đã hơn 30 tuổi đang ôm một đứa bé hơn 1 tuổi. Đứa trẻ đang phát sốt, quần áo trên người lại ít. Tôi và Tư Ninh mua cho đứa trẻ một bộ quần áo. Vị đồng tu này vào ngày 21 tháng 7 từ sân vận động thành phố không trở về nhà, trực tiếp đến Bắc Kinh, ở bên ngoài đã chịu rất nhiều khổ cực. Mặc dù cô đắc Pháp rất muộn, nhưng chính niệm của cô rất mạnh. Có một lần cô chia sẻ với một đồng tu một chuyện rằng: khi người nhà cô tìm được cô, mặc dù cô đứng ngay trước mặt họ nhưng họ đều không nhận ra được cô. Ngày hôm sau cô ôm đứa con nhỏ của mình lên một chuyến xe buýt, vừa lên xe liền nhìn thấy chồng và anh trai của cô ấy đứng ngay trước mặt, kỳ lạ thay lúc này đứa trẻ cũng không khóc, xe vừa dừng cô liền xuống, cả hai bọn họ đều như không nhìn thấy cô vậy. Vì sao người nhà của cô ấy đứng đối diện, lại không thấy cô ấy và đứa bé, điều này là có quan hệ với ý niệm kiên định của cô, điều đó khiến cho cô không chịu phải can nhiễu. Một vị đồng tu họ Đỗ khoảng hơn 40 tuổi trong thành phố của chúng tôi, thường cùng một đồng tu hơn 30 tuổi họ Đường sống ở bên ngoài. Hai người họ đều đến Bắc Kinh vào tháng 7 năm 1999. Họ đều không có tâm sợ hãi, lúc công an đến bắt có thể đạt được thản nhiên bất động. Đối mặt với câu hỏi của công an cũng có thể đạt được bất động tâm, không hề hoang mang, thì sẽ không gặp phải phiền phức.

(Còn tiếp)

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/22169



Ngày đăng: 17-03-2021

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.