Chính Pháp chi hành (10): Trừ bỏ chấp trước về tình



Tác giả: Văn Thiện

[ChanhKien.org]

(11) Trên đường bị áp giải, chạy thoát về Bắc Kinh

Các đồng tu trong địa khu của tôi đều bị bắt tới sở cảnh sát. Chúng tôi tổng cộng có 4 người, 3 nữ 1 nam, đều trên 30 tuổi. Bốn người chúng tôi bị đưa đến lầu 1 của sở cảnh sát, khi đó ở bên ngoài có một nhân viên cảnh sát đứng canh giữ. Nam đồng tu bị bắt cùng chúng tôi là người ở dưới huyện, còn 3 người chúng tôi đều là người trong thành phố này. Khi đó có một đồng tu nói rằng muốn chạy thoát ra ngoài, nam đồng tu nói rằng anh ấy không muốn bỏ chạy. Vừa lúc đó, có hai người cảnh sát ở khu vực khác tìm đến để tiếp quản nam đồng tu kia, 1 người trên 30 tuổi, người còn lại trên 60 tuổi. Một lúc sau, có một cuộc điện thoại gọi đến nói rằng có người mời nhân viên cảnh sát ăn cơm ở bên ngoài. Vì thế hai nhân viên cảnh sát hơn 40 tuổi rời đi ăn cơm, chỉ còn một viên cảnh sát trẻ trên 20 tuổi ngồi canh giữ chúng tôi. Chúng tôi nằm trên giường để ngả lưng, cảnh sát trẻ tuổi kia nói với chúng tôi rằng: “Sư phụ các vị có những đệ tử như các vị thật là đáng khâm phục”. Người cảnh sát trẻ tuổi này chặn một chiếc ghế trước cửa phòng của chúng tôi và nghĩ rằng như vậy thì chúng tôi sẽ không thể thoát ra ngoài được. Chúng tôi ở đó và hồng Pháp cho anh ta. Lúc đó đột nhiên có người gọi anh ấy đi nghe điện thoại. Vừa thấy vậy, nữ đồng tu cạnh tôi liền nhân cơ hội đó mở cửa sổ và nhảy thoát ra ngoài.

Viên cảnh sát trẻ tuổi nghe điện thoại xong quay trở lại thì thấy trong phòng đã thiếu đi một người, trong khi cửa sổ còn đang mở, liền lập tức chạy ra bên ngoài tìm. Lúc này, một viên cảnh sát trẻ tuổi khác từ dưới huyện được điều lên liền nói với một viên cảnh sát lớn tuổi đứng sát bên rằng: “Anh ở đây trông chừng bọn họ, tôi cũng chạy ra ngoài tìm xem”. Vừa nói xong, viên cảnh sát này liền theo đường cửa sổ mà nhảy ra ngoài. Sau đó tôi cùng một nữ đồng tu khác đi vào nhà vệ sinh, chúng tôi đều nói với nhau rằng cả hai đều muốn thoát ra ngoài. Tôi nói với bạn đồng tu rằng: “Vậy thì chúng ta cần nhanh lên, nếu không, không còn cơ hội nữa”. Nói xong, chúng tôi từ nhà vệ sinh bước ra phòng bên ngoài. Nữ đồng tu kia cũng nhân cơ hội đó mà theo đường cửa sổ chạy thoát ra ngoài. Còn tôi thì chạy về hướng cửa chính, mở cửa và thoát ra. Viên cảnh sát còn lại trong phòng vì bận canh giữ nam đồng tu còn lại, không dám rời vị trí nên tôi đã nhân cơ hội đó mở cửa chạy ra ngoài hành lang. Nhìn thấy hành lang có cửa sổ nên tôi đã mở cửa sổ rồi nhảy ra phía ngoài, sau đó đóng cửa sổ lại cẩn thận. Chạy ra ngoài chưa được bao xa, tôi nhìn thấy một công trường xây dựng. Bên cạnh công trường có một bức tường cao hơn 2 m, dưới chân tường có rất nhiều vỏ bao xi măng đang chất thành đống dưới mặt đất. Vừa lúc đó, tôi nhìn thấy nữ đồng tu khi nãy đã thoát ra ngoài đầu tiên. Tôi hỏi cô ấy: “Sao bạn vẫn còn ở đây?” Tôi vừa nói vừa nhảy qua bức tường chắn và ngã xuống mặt đất. Khi tôi qua đến phía tường bên kia rồi thì nữ đồng tu ấy vẫn còn chưa qua. Lúc đó có một chiếc xe chở hàng ba bánh chạy tới. Tôi liền nhảy lên xe và rời khỏi nơi đó. Một lúc sau, tôi bắt được một chiếc xe taxi, vì thế lên xe taxi đi về hướng ga xe lửa.

Trong lúc ở trên taxi, tôi nghĩ cảnh sát có thể sẽ đến trạm xe lửa tìm chúng tôi. Trên người tôi lúc đó chỉ có 200 tệ, tiền taxi đến đó cũng đã hết 150 tệ rồi, 50 tệ còn lại dù sao cũng không đủ để mua vé tàu. Nghĩ vậy, tôi liền nói với tài xế cho tôi dừng xe ở giữa đường và đưa cho tài xế 130 tệ. Lúc này, tôi bị say xe và rất muốn nôn, rất khó chịu nên tôi không muốn tiếp tục ngồi xe nữa. Tôi liền nói tài xế rời đi, còn bản thân mình thì bước xuống ruộng ngô gần đó để đi bộ. Nhưng ở dưới ruộng ngô thì vừa nóng vừa ngột ngạt, tôi lại đang say xe nữa, nên được một lúc, tôi liền bước lên đường lớn đi tiếp.

Lúc đó trên đường lớn có một chiếc xe cảnh sát hú còi, lướt ngang qua tôi, đi thẳng về phía trước. Tôi đi đến một cửa hàng tạp hoá nhỏ gần đó mua một chai nước suối và một chiếc bánh mì, rồi ngồi xuống bậc thềm bên ngoài cửa hàng mà ăn. Lúc này, tôi nghĩ trong bụng rằng giá như có một chiếc xe đạp thì tốt biết mấy. Vì vậy tôi tìm đến một tiệm sửa xe đạp ở gần đó, nói với người chủ tiệm rằng có chiếc xe đạp cũ nào bán không? Chủ tiệm là một ông lão, ông ấy nói với tôi rằng: “Cô cần mua xe bao nhiêu tiền?” Tôi trả lời rằng: “nếu chiếc xe không quá 50 tệ là tốt nhất”. Chủ tiệm nói nhà ông ấy có 3 chiếc xe đạp cũ, để ông ấy đi lựa cho tôi một chiếc. Như vậy là tôi đã dùng 50 tệ để mua một chiếc xe đạp. Tôi mua thêm 1 tệ tiền cơm và một bình nước, kẹp vào sau gác baga xe đạp và bắt đầu đạp xe hướng về phía Bắc Kinh.

Tôi nhìn theo bảng chỉ đường trên cao tốc mà đạp xe hướng về phía trước, lúc này đã là 4 giờ chiều. Tôi cứ đạp xe như vậy cho tới tận nửa đêm, lúc này trên cao tốc đã rất ít xe qua lại. Tôi cứ đạp mãi như vậy, cũng không biết rằng mình đã đạp xe như vậy được bao lâu. Trời càng lúc càng tối, trên cao tốc lúc này đã không còn một bóng xe qua lại. Một cảm giác cô đơn dâng trào trong lòng, lúc này giá như có một đồng tu cùng tôi đồng hành thì tốt biết mấy. Tôi không biết được mình đã đạp xe bao xa, và không biết lúc này đã là mấy giờ đêm rồi, trong khi đó tôi phải liên tục quan sát biển chỉ dẫn trên đường, chỉ sợ rằng mình sẽ đi lạc hướng. Lúc này, tôi nhìn thấy trên đường có một đống chất đầy những tấm mút bông thuỷ tinh sợi. Tôi nghĩ bụng nếu như nằm trên đó mà ngủ thì tốt biết mấy, nhưng tôi quyết tâm không xuống xe mà tiếp tục đi tiếp thêm một đoạn nữa. Khi cảm thấy buồn ngủ, lại vừa đói và đã rất mệt rồi tôi mới dừng lại bên đường để nghỉ ngơi. Lúc này, quay lại nhìn thì hộp cơm 1 tệ và chai nước lọc mua hồi chiều đã rơi khỏi xe từ lúc nào không hay, chẳng còn gì để lót bụng nữa nên tôi cũng chỉ biết để bụng trống đi ngủ. Khi đó thời tiết vùng Đông Bắc bắt đầu vào đầu mùa thu, mặt đất rất lạnh khiến toàn thân tôi phát run. Nhớ lại những tấm mút bông sợi thuỷ tinh nhìn thấy khi nãy, tôi liền quay xe lại đoạn đường cũ, tìm được mấy tấm, phủi sơ qua lớp bụi bám trên đó, trải xuống mặt đất và nằm ngủ thiếp đi. Chưa được bao lâu thì cái lạnh của màn đêm khiến tôi giật mình tỉnh dậy, không ngủ được nữa, thôi thì tiếp tục đi tiếp vậy. Khi đẩy xe lên đường lớn, nhìn thấy trời đêm tối đen như mực, cả con đường chỉ có một mình tôi, một cảm giác cô độc xuất hiện khiến tôi rùng mình ớn lạnh. Tôi cảm thấy có chút sợ hãi, vì thế tôi liền đẩy xe trở lại phía rãnh thoát nước cạnh đường cao tốc, nằm tại đó và nhắm mắt ngủ thêm được một chút. Chẳng bao lâu sau, tiếng gà gáy đã gọi tôi thức giấc. Trời đã sáng và tôi lại tiếp tục đạp xe hướng về phía Bắc Kinh.

Lúc này là đầu mùa thu, người qua lại trên đường đã bắt đầu mặc những bộ quần áo dày để tránh rét, khi nhìn thấy tôi chỉ mặc một bộ quần áo đơn sơ, mọi người đều nhìn tôi cảm thấy dường như có chút kỳ quái. Rồi tôi lại tiếp tục đạp xe, cũng chẳng biết đã đi được bao xa nữa, lại gặp một đám người đang sửa đường. Họ nói con đường phía trước đang sửa chữa, không cho phép xe lưu thông, nếu đi qua đó sẽ phải bị phạt tiền. Lúc này, tôi nhìn xung quanh thấy một người trẻ tuổi đang tưới nước trong một khu vườn hoa quả. Tôi tiến lại và hỏi người thanh niên đó rằng đi về Bắc Kinh thì đi theo hướng nào? Người thanh niên tưới nước nói rằng hãy đi theo đại lộ số 202. Đến lúc tôi muốn hỏi đại lộ 202 đi hướng nào thì do có người khác gọi nên người thanh niên đó vội phải rời đi, tôi cũng chưa kịp hỏi được gì thêm. Lúc này, tôi nhìn xuống phía dưới thì thấy hai bên chân của mình do tối qua ngủ trên bao sợi thuỷ tinh nên có một lớp bụi khá dày còn bám trên đó. Tôi liền dùng vòi nước bên đường rửa sạch bụi bám trên quần áo. Sau đó, rót đầy nước vào một chai nhựa lượm được bên đường, rồi tiếp tục đi tiếp. Vừa lúc tôi đang không biết đi về hướng nào thì có một đoàn bộ đội đi ngang qua, tôi liền lớn tiến hỏi: “Làm ơn cho tôi hỏi đại lộ 202 đi hướng nào?” Một người trong số họ trả lời tôi rằng: “Đi theo tôi, tôi sẽ chỉ cho cô, tôi cũng đang cần qua bên đó mua một ít đồ”. Thì ra, đi xuyên qua khu vườn hoa quả ban nãy chính là đại lộ số 202. Từ đó, tôi tiếp tục đạp xe về phía tây, cho đến khi lạnh không chịu được nữa, tôi chỉ còn cách rẽ vào một tiệm bán đồ, mua một chiếc quần giá 8 tệ và một chiếc áo khoác giá 12 tệ. Mua xong thì trong người chỉ còn sót lại hơn 10 tệ trong khi tôi còn cách Bắc Kinh một đoạn đường chừng 1000 km nữa.

Khi đạp xe đến Tần Hoàng Đảo (một thị trấn của tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc) thì đã là buổi chiều rồi. Trên đường tôi lượm được một tấm vải bạt lớn, lúc đó tôi đã quá mệt rồi liền tìm đến bên rãnh thoát nước bên đường, vừa ngả lưng xuống liền ngủ thiếp đi. Khi tỉnh dậy, đang định ngồi lên xe đi tiếp thì tôi mới phát hiện ra cổ tay của tôi đau không chịu được, đau đến nỗi tôi không dám nắm vào hai bên ghi đông xe đạp để đi tiếp. Khi ngồi lên xe thì phần phía mông cũng đau đến nỗi không dám ngồi nữa. Tôi vẫn cắn răng chịu đau ngồi lên xe để đi tiếp. Vì để đến Bắc Kinh chứng thực Pháp, tôi quyết không sợ hãi, khổ nạn có lớn hơn nữa, tôi cũng chịu đựng được. Trên đường đi, không có một bóng người đạp xe nào cả, chỉ toàn là xe hơi, thỉnh thoảng lại có một chiếc xe cảnh sát lướt qua tôi. Tôi nghĩ mình phải đạp xe đến khi nào thì mới tới được Bắc Kinh đây, trước sau gì cũng phải tìm một chiếc xe hơi nào đi nhờ mới được. Khi đạp xe đến gần Bắc Đới Hà (một quận thuộc tỉnh Hà Bắc), tôi tính ra được rằng mình đã đạp xe được một quãng đường hơn 300 km. Đi được một lúc, tôi nhìn thấy bên đường có một chiếc xe đang dừng lại để sửa chữa. Tôi tiến về phía người lái xe và nói rằng tôi cần đi đến Bắc Kinh trong khi tôi đã thấm mệt. Tôi nghĩ ra một lý do và nói với họ rằng: “Tôi cần đến Bắc Kinh để tìm con, hiện giờ đạp xe không nổi nữa rồi”. Thế nhưng, hai người họ cứ từ chối mãi, không muốn chở tôi đi cùng. Tôi nói với họ rằng: “Xin hãy cho tôi đi nhờ một đoạn đường, khi nào bảo tôi xuống cũng được”. Nghe vậy họ cũng đành đồng ý một cách miễn cưỡng. Sau khi lên xe, tôi cảm thấy rằng ban nãy mình đã nói dối họ, nên trong lòng rất khó chịu. Vì tôi sợ rằng, nếu tôi nói thật thì họ sẽ không cho tôi lên xe. Nghĩ vậy, tôi bèn nói thật với họ rằng bản thân mình là người tu luyện Pháp Luân Công và đang bị công an truy bắt. Không ngờ rằng, hai người trên xe liền nói với tôi: “Sao bạn không nói sớm, nếu sớm biết bạn là người tu luyện Pháp Luân Công thì có mấy người nữa tôi cũng sẵn sàng chở đi. Thật vui khi gặp được những người lương thiện như các bạn”. Trong suốt chặng đường còn lại, tôi hồng Pháp cho họ để họ hiểu nhiều hơn về Đại Pháp. Đến sáng sớm ngày hôm sau thì tôi cùng họ đã đến Bắc Kinh.

(12) Trừ bỏ chấp trước về tình

Sau khi đến Bắc Kinh, tôi tìm đến nhà của Tiểu Đinh để hỏi tin tức của Tư Ninh. Tiểu Đinh nói: “Từ ngày 20 vừa rồi, đã không liên lạc được với Tư Ninh nữa”. Vừa nghe đến vậy, tôi liền bật khóc. Tôi nghĩ Tư Ninh còn ít tuổi, từ nhỏ đến lớn chưa phải chịu qua khổ cực bao giờ, sợ rằng cô ấy sẽ không nhẫn chịu được. Tiểu Đinh thấy trạng thái của tôi như vậy liền sắp xếp cho tôi đi tới vùng Lương Hương (một địa khu ở Bắc Kinh) ở vài ngày. Vì vậy, tôi đã cùng hai sinh viên đại học đến vùng Lương Hương. Ở đó, chúng tôi trú trong một khu nhà, nơi đó có rất nhiều các đồng tu khác, tổng cộng hơn 40 người. Các đồng tu này đến từ các địa khu khác nhau trên toàn quốc. Chúng tôi ở đó cùng nhau nghe Sư phụ giảng Pháp trong băng ghi âm, ngộ ra rằng, cần đến các nơi nói với đồng tu cùng bước ra chứng thực Pháp. Trong đó, có một đồng tu từ thành phố Trường Xuân tới, sau khi từ chỗ chúng tôi trở về nhà, liền động viên được rất nhiều các đồng tu ở Trường Xuân cùng bước ra chứng thực Pháp.

Để tiết kiệm tiền, chúng tôi đã tự nấu cơm ăn. Ở đó, tôi gặp một nữ đồng tu đến từ thành phố Trường Xuân. Nữ đồng tu này dáng người hơi gầy. Cô ấy kể với tôi rằng, có một lần cô ấy bị công an bắt đi, công an nhốt cô ấy trong một căn phòng nhỏ. Trên trần nhà khi ấy bị thủng một cái lỗ và cô ấy đã chui qua cái lỗ ấy thoát ra ngoài. Sau đó, còn có hai đồng tu nam nữa cao lớn hơn cô ấy khá nhiều nhưng cũng lần lượt chui xuyên qua lỗ thủng trần nhà ấy mà thoát ra, điều đó thể hiện sự thần kỳ của Đại Pháp. Lúc ở tại khu nhà tập thể với các đồng tu, trong lòng tôi rất nhớ Tư Ninh đến độ học Pháp cũng không nhập tâm được. Vì vậy, tôi đã đi đến khu Tiền Môn. Tại Tiền Môn, tôi gặp lại một nữ đồng tu khác, trước đây cũng bị cảnh sát bắt đi cùng tôi. Hai vợ chồng nữ đồng tu này trú tại khu thương mại Tây Đơn. Trước đây, chúng tôi thường xuyên gặp nhau. Nhớ lại đêm trước khi bị bắt đi, dưới cầu Phục Hưng Môn, chúng tôi đã cùng nhau chia sẻ đến tận khuya. Chúng tôi đã bị lạc nhau trên đường bị công an áp tải từ Bắc Kinh trở về quê nhà. Nữ đồng tu đó là người vùng Đơn Đông, khoảng chừng 30 tuổi. Lần này khi gặp lại đồng tu, vừa nhìn thấy tôi, cô ấy đã bật khóc, tôi cũng bật khóc theo. Cô ấy nói rằng cô ấy hiện đang rất nhớ chồng của mình và cả Tư Ninh nữa. Tôi hỏi cô ấy rằng: “Làm thế nào mà em chạy thoát về lại được Bắc Kinh?” Cô ấy kể với tôi rằng, vào ngày hôm đó, sau khi chia tay với chúng tôi, sáu người vùng Đơn Đông của cô ấy đều bị đưa tới nhà tù trong thành phố, tay bị đeo còng. Tối hôm đó, họ lại bị cảnh sát đưa lên xe để trả về Đơn Đông. Cô ấy và chồng bị cảnh sát còng tay lại với nhau, đi đến giữa đường thì chồng cô ấy rút được tay ra khỏi còng, theo đó mà nhảy thoát ra khỏi xe. Vì để tránh liên lụy đến chồng nên cô ấy tiếp tục ngồi trên xe, để cho chiếc xe di chuyển qua một thôn khác. Lúc này, 4 vị đồng tu còn lại cùng nhau đứng dậy, đứng sát lại với nhau để che cửa sổ của xe lại, nhờ đó mà cảnh sát không phát hiện, nhân cơ hội ấy mà cô ấy nhảy thoát ra ngoài. Lúc đó là vào khoảng 3 giờ đêm. Lúc này, tôi mới nhìn xuống phía đầu gối và trên cánh tay của cô ấy có một vết thương lớn rất sâu. Chiếc quần bò của cô ấy cũng bị rách hai miếng lớn ở chỗ đầu gối.

Sau đó, chúng tôi đi đến khu vực Kinh Tùng (một địa điểm ở Triều Dương – Bắc Kinh) để tìm một số đồng tu khác. Mấy người họ đã bước ra chứng thực Pháp từ ngày 22 tháng 7, họ đã ở đây từ khi đó và vẫn chưa trở về địa khu của mình. Khi chúng tôi cùng nhau chia sẻ thể ngộ, có một đồng tu kể một câu chuyện rằng: trong trận địa chấn xảy ra ở Đường Sơn, có một bà lão sau khi hôn mê bất tỉnh, nguyên thần của bà ấy đã đến một không gian khác, tại đây bà nhìn thấy mối quan hệ nhân duyên của mình và người con trai của bà. Sau khi nguyên thần trở lại, bà lão tỉnh dậy mới biết rằng người con trai của mình đã chết. Trong tang lễ của con trai, có người hỏi bà rằng: “Tại sao con trai chết mà bà không khóc?” Bà ấy bình thản trả lời rằng: “Kiếp trước, tôi có nợ con trai tôi hai tấm đậu phụ, kiếp này, tôi đã nuôi nấng cậu ta trong suốt hai mươi năm, giờ nghĩ lại tôi còn đang thấy mình bị thiệt thòi đây này!” Tôi không biết được bản thân mình và Tư Ninh có mối nhân duyên gì mà tôi cứ mãi không dứt được cái tình với cô ấy. Khi không gặp được hay không có tin tức gì của cô ấy thì trong lòng lo lắng bất an. Hôm nay đồng tu chia sẻ điều này ra cũng không phải là điều ngẫu nhiên, là Sư phụ muốn tôi tu buông bỏ chấp trước vào tình.

Chúng tôi cùng nhau giao lưu một lúc rồi mọi người chia tay nhau. Trên đường, tôi còn gặp một nam đồng tu chừng hơn 20 tuổi đến từ thành phố Trường Xuân. Đồng tu này mới đắc Pháp được vài tháng, tuy Chuyển Pháp Luân cũng chưa đọc hết lượt đầu nhưng cũng bước ra để chứng thực Pháp. Mấy người nhà của cậu ấy cũng cùng theo đến Bắc Kinh. Chúng tôi ở cùng nhau trong mấy ngày, thấy rằng nam đồng tu trẻ tuổi này có rất ít đồ để mặc nên tôi đã cho cậu ấy chiếc áo khoác mỏng mà tôi đã mua trên đường đi đến Bắc Kinh cách đây mấy ngày. Có một hôm, chúng tôi cùng nhau đến khu vực Tiền Môn. Sau đó, tôi gặp thêm một nữ đồng tu trước đây ở cùng điểm luyện công với em trai của tôi. Nhận ra đồng tu cũ, tôi liền đi cùng họ. Nữ đồng tu ấy cùng một số đồng tu khác tự thuê phòng ở bên ngoài. Khi tôi đến khu vực mà đồng tu đang thuê, nữ đồng tu liền kể cho tôi nghe tin tức về chị gái của cô ấy bị bắt, hơn nữa còn nói rằng bị bắt đi cùng chị gái của cô ấy còn có 4 đồng tu khác nữa, trong số đó có một cô gái. Khi bị cảnh sát áp tải trên xe đến giữa đường thì chị gái của nữ đồng tu ấy cùng một người khác đã nhảy thoát khỏi xe, đồng tu trẻ tuổi còn lại trên xe không chạy thoát được, cô gái ấy ở lại và còn bị cảnh sát đánh nữa. Tôi vừa nghe nói đến đây liền nhận ra rằng cô gái trẻ ấy chính là Tư Ninh, trong lòng tôi liền cảm thấy lo lắng bất an vô cùng. Tư Ninh vốn dĩ bị say xe, một quãng đường dài như vậy lại ngồi trên xe cảnh sát thì làm sao Tư Ninh có thể chịu nổi đây? Khi đó có đồng tu tên Hoàng Bối Tâm ngồi cạnh tôi, thấy cái tình của tôi với Tư Ninh nghiêm trọng đến vậy thì rất lo lắng cho tôi.

Tâm của tôi không tĩnh xuống được. Ở đó với các đồng tu được hai đêm thì ngày thứ ba tôi liền chuyển ra ngoài tìm chỗ ở khác. Vì vậy tôi lại tìm đến khu vực Tiền Môn. Ở Tiền Môn, có một chiếc ghế dài, người ngồi trên đó đa phần là học viên chúng ta. Cảnh sát thường đi khắp nơi để tìm bắt đệ tử Đại Pháp. Thông thường, có một nhóm học viên của chúng ta bị bắt đi thì lại có một nhóm học viên khác tới Tiền Môn, không biết được điều đó vẫn cứ ngồi ở trên khu vực ghế dài đó và lại bị cảnh sát bắt đi tiếp. Hoàng Bối Tâm tự trách chính mình, hối hận rằng khi thoát khỏi sở cảnh sát đã không đưa Tư Ninh cùng đi. Chiều hôm đó, tôi cùng Hoàng Bối Tâm đến khu vực đường Chính Nghĩa. Ở đó, có một chiếc ghế dài, anh ấy ngồi trên ghế đọc sách, còn tôi thì đi mua một chút đồ ăn. Khi tôi mua xong thức ăn quay lại chỗ Bối Tâm thì thấy có hai viên cảnh sát đang ngồi ở phía đối diện và quan sát cậu ấy. Thấy vậy, tôi vội vàng bước tới bên cạnh Bối Tâm nói nhỏ: “Có người đang quan sát cậu kìa”. Bối Tâm nói rằng không sao. Một lúc sau, thì hai viên cảnh sát rời đi. Tôi đem đồ ăn ra, Bối Tâm ăn rất nhiều, dường như là đã rất lâu rồi cậu ấy chưa được ăn cơm. Tôi còn mua cho cậu ấy một chai nước lạnh để uống. Sau khi ăn xong, chúng tôi chia nhau ngồi trên hai chiếc ghế để cùng nhau đọc sách. Bản tôi đọc là một bản Chuyển Pháp Luân chép tay. Tôi cứ mải mê đọc đến khi ngẩng đầu lên nhìn thì nhận ra hai viên cảnh sát lúc trước đang lục soát người của Bối Tâm. Tôi chỉ biết ngơ ngác đứng nhìn, một lúc sau tôi mới định thần lại và nghĩ rằng mình phải rời đi thôi. Vì vậy, tôi liền đứng lên rời đi. Nhưng đi được một lúc, tôi lại ngồi xuống. Nhìn lại phía Bối Tâm bên kia, thì thấy hai viên cảnh sát vẫn đang lục soát Bối Tâm. Khi đó, tôi có đem theo bên người một chiếc túi xách nhỏ, trong đó có một ít kinh văn. Khi nãy, lúc ở cùng Bối Tâm, tôi không có lấy ra. Tôi nghĩ nếu như mình không rời khỏi nơi này, cảnh sát mà nhìn thấy thì gay go.

Sau khi rời khỏi đại lộ Chính Nghĩa, tôi gọi điện cho một đồng tu họ Đặng, hẹn gặp với đồng tu đó nhưng rốt cuộc chờ rất lâu cũng không gặp được. Hơn nữa trời càng lúc càng tối, tôi chỉ còn cách ngủ đêm ở bên ngoài trời. Tôi đi rất xa mà vẫn không tìm thấy nơi nào có thể nằm nghỉ được. Cuối cùng, tôi tìm đến trạm xe Bắc Kinh, dừng tại đó, trải một miếng báo giấy lên mặt đất rồi ngủ. Đây là lần đầu tiên tôi ngủ một mình ở bên ngoài, tôi có chút cảm thấy sợ hãi và cô độc. Ngày thứ hai, tôi đến công viên Ngọc Uyên Đàm. Từ ngày 22 tháng 7, một số địa điểm như công viên này, trạm xe Tây Khách, Phục Hưng Môn, cùng với quảng trường Thiên An Môn trở thành địa điểm cho các đồng tu chúng ta thường xuyên lui tới. Ở đó, chỗ nào cũng có học viên chúng ta, ban ngày hay ban đêm đều bắt gặp. Lúc đó, khu vực Tây Đơn và Đông Đơn đã khá ít đồng tu, mọi người phần lớn đã đi về Thiên An Môn và Tiền Môn.

Mấy ngày hôm đó, tôi ngộ rằng mình cần đi kháng cáo. Hôm đó, trên băng ghế dài ở khu vực Phục Hưng Môn, tôi gặp một nữ đồng tu khoảng chừng 60 tuổi. Nữ đồng tu lớn tuổi ấy nói với tôi rằng, đồng tu cùng với 5 người khác cùng đi kháng cáo đều bị bắt lên xe cảnh sát, cuối cùng chỉ có mình đồng tu ấy là thoát được ra ngoài. Tôi nghĩ, mặc dù đi rồi liền bị bắt như vậy, chúng ta cũng không thể tiếp tục ở lại Bắc Kinh theo kiểu như thế này nữa, chúng ta nên đi kháng cáo. Chúng ta đến Bắc Kinh làm gì? Chẳng phải là đều phản ánh tình hình sao? Nghĩ vậy, trong tôi một lần nữa lại xuất hiện suy nghĩ đi kháng cáo. Nhưng có hai đồng tu thường ở cùng tôi, chúng tôi nói chuyện với nhau cũng rất hợp. Hai người họ ngồi cả buổi chiều để khuyên nhủ tôi, đồng tu đưa ra rất nhiều lý do không nên đi kháng cáo. Vậy nên, một lần nữa tôi bị can nhiễu, không đi kháng cáo nữa. Sau này, khi bị cảnh sát bắt đi, tôi mới biết rằng suy nghĩ không đi kháng cáo của mình là sai. Từ lần đó, tôi ngộ ra rằng, khi bản thân mình ngộ ra mình cần phải làm như thế nào thì không nên bị người khác can nhiễu, phải “dĩ Pháp vi Sư”, không nên bị người khác dẫn động.

(còn tiếp)

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/22269



Ngày đăng: 01-04-2021

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.