Chính Pháp chi hành (15): Cự tuyệt viết giấy cam đoan



Tác giả: Văn Thiện

[ChanhKien.org]

(3) Người nhà vừa đấm vừa xoa yêu cầu viết giấy cam đoan

Lớp học của chúng tôi có điều kiện sinh hoạt rất tốt, trong mỗi phòng đều có giường tầng, được ăn cơm chung với quản giáo của trại tạm giam, còn có phòng thể dục rất lớn, phòng tập bóng chuyền, vì vậy người nhà và bà con họ hàng cùng với những người trong đơn vị, khu phố và đồn công an thấy tôi không viết giấy cam đoan nên họ chế nhạo tôi rằng: Cô ở đây được ăn ngon, chỗ ở cũng thoải mái, lại không cần làm việc, giống như sống trong viện điều dưỡng, tốt làm sao! Chả trách cô không muốn rời đi. Tôi nói các vị cảm thấy nơi này tốt như thế, vậy thì các vị cũng tới đây ở hai tháng thử xem, rồi tìm hai viên cảnh sát canh giữ, không cho các vị đi ra ngoài, các vị hãy xem tâm trạng sẽ như thế nào, bọn họ không nói được lời nào. Họ cũng từng nhiều lần làm công tác tư tưởng với tôi, muốn tôi viết giấy cam đoan.

Ở lớp tẩy não của Phòng 610 này khảo nghiệm về tình thân quyến đã từng khiến tôi như bị đâm thấu tim can. Vì muốn gặp mặt con gái tôi đã từng nghĩ tới việc nhảy lầu để về nhà. Quãng thời gian mới chuyển đến lớp tẩy não của Phòng 610 cũng là những ngày tôi thống khổ và buồn bã nhất. Em trai tôi ngày ngày đều đến rất sớm, rồi tới rất muộn mới về. Ủy ban Chính trị pháp luật vì muốn người thân trong gia đình cùng phối hợp làm việc nên đã tạo điều kiện thuận lợi cho họ, muốn đến và đi lúc nào đều được. Cho nên em trai và chồng tôi ngày nào cũng ở đây suốt cả ngày. Trong hơn 20 ngày đầu chồng tôi mỗi lần đến đều khóc thút thít, luôn nói những lời ngon ngọt khuyên nhủ, chưa bao giờ nổi nóng. Mà em trai tôi thì ngược lại, khuyên tôi viết giấy cam đoan, hễ tôi từ chối liền động thủ đánh tôi. Có một lần cậu ấy dồn lực đấm mạnh vào đầu tôi, vừa đánh vừa nói tôi ích kỷ, làm ảnh hưởng xấu đến tiền đồ của con trai cậu ấy, có người thân như tôi sau này con trai có công việc tốt gì đi nữa thì cũng bị ảnh hưởng. Cậu ta càng nói càng tức giận, càng đánh càng hăng. Em trai liên tục đánh cho đến khi tôi chảy máu. Rất nhiều người đều ở đó nhìn đến khi tôi chảy máu thì mới có người chạy đến kéo cậu ta đi. Hầu như lần nào cậu ấy thấy ai đó khuyên tôi viết giấy cam đoan, nếu tôi không viết thì cậu ấy rất tức giận, luôn tìm cơ hội để động thủ đánh tôi mới có thể hả giận. Chồng và em trai tôi, một người mềm mỏng một người cứng rắn phối hợp rất ăn ý. Chồng tôi đến đây khóc xong rồi về nhà lại tiếp tục khóc. Chị gái và em gái của anh ấy nhìn thấy người anh trai em trai của mình đau khổ như vậy nên cũng khóc theo và đến khuyên tôi, tôi nhìn thấy tà ác đằng sau họ, đang khống chế họ dùng các loại thủ đoạn bức bách tôi từ bỏ tu luyện, mặc dù trong tâm rất thống khổ nhưng vẫn cắn chặt răng quyết không thỏa hiệp.

Cuối cùng, chồng tôi và chị em gái anh ấy lại khóc để khuyên con gái tôi, khuyên cháu đến tận sau nửa đêm. Con gái tôi không có cách nào khác đành phải đi cùng họ đến. Tôi và con gái biệt ly đã vài tháng rồi. Ở đây thời gian lâu như vậy, đây là lần đầu tiên họ đưa con gái tôi đến đây. Điều này tôi đã dự đoán trước bởi vì khi ai đó khuyên không được tôi thì sẽ đến lượt con gái tôi. Đây là sự an bài công phu của tà ác, sử dụng đến chiêu cuối cùng rồi. Khi con gái đến, nhìn thấy cháu tim tôi như bị dao cắt. Nếu như không phải vì Pháp Luân Công bị cấm, làm sao tôi có thể rời xa con gái mình đây? Cháu làm sao có thể không cần tình thương của mẹ chứ? Nhưng vì để duy hộ Đại Pháp, vì để đến Bắc Kinh chứng thực Đại Pháp, tôi đành nhẫn chịu đoạn dứt tình cảm dành cho con gái. Vì để duy hộ Đại Pháp của vũ trụ, kiên tu đến cùng, không thể vì tư tình với con gái mà giữa đường viết giấy cam đoan để về nhà. Tôi ngộ rằng: Nếu như cần tôi trở về thì sẽ không có bất cứ điều kiện nào ngăn trở tôi, tôi sẽ đường đường chính chính bước ra khỏi nơi đây; nếu tôi không nên trở về, vậy thì vì Đại Pháp tôi sẽ ở đây vậy. Tôi không thể vì tình mà động tâm, tôi cần buông bỏ cái tình này. Mẫu tử liền tâm, con gái rất hiểu tôi, cũng khuyên tôi nên buông tâm xuống, không cần nhớ đến cháu. Thủ đoạn của tà ác cũng dùng hết rồi, người nhà cũng không đến thường xuyên nữa, thỉnh thoảng tới một lần, nán lại không lâu liền rời đi.

(4) Đơn vị khuyên tôi viết giấy cam đoan

Mộng tưởng lợi dụng tình thân khiến tôi viết giấy cam đoan của tà ác đã tiêu tan, họ chỉ còn cách sai khiến tất cả các phòng ban, dùng các loại thủ đoạn để làm việc với tôi, muốn nói chuyện với tôi, đồng thời đặt một máy chụp hình chuẩn bị sẵn khi tôi vừa ngồi lên trên cái giường đối diện kia, hễ ngồi xuống thì chụp hình tôi. Họ không nghĩ được rằng tôi vừa bước vào phòng là liền nhìn thấy, tôi nhìn về phía họ nói lớn tiếng: “Đem cái thứ đó đi, không qua sự đồng ý của tôi mà chụp hình tôi chính là xúc phạm nhân cách của tôi. Nếu các anh không đem nó đi thì tôi đi về, không nói chuyện nữa”. Nói xong tôi xoay người rời đi. Bọn họ thấy tôi muốn đi liền bảo đảm không đồng ý thì không chụp hình. Tôi nói: “Hy vọng các anh nói lời giữ lời”.

Tôi đã hồng Pháp cho những người từ thành phố đó, nói một số lời duy hộ Đại Pháp, những người đến từ thành phố đó muốn dùng tôi dựng nên một nhân vật điển hình nào đó, họ giảng rõ những đạo lý từ các góc độ khác nhau để tôi không tiếp tục kiên trì được, để tôi viết giấy cam đoan rồi về nhà. Tôi nói các anh không cần phải quan tâm đến tôi nữa, tôi sẽ không hợp tác với các anh đâu. Tôi chỉ nghe lời Sư phụ tôi thôi, chiểu theo lời Sư phụ nói để làm các việc, làm sao tôi có thể nghe những lời nói xằng bậy của các anh được chứ? Nếu các anh muốn tạo nhân vật điển hình thì đã tìm sai người rồi. Nói xong tôi liền đứng dậy bỏ đi. Bọn họ lại chạy theo tôi nói: Xin chị hợp tác một chút, chụp một tấm ảnh rồi hẵng đi. Bọn họ vừa nói vừa giơ máy ảnh lên, tôi quay người rời đi, vừa đi vừa nói: “Tôi từ chối chụp hình”.

Vở kịch được sắp đặt công phu của họ đã bị thất bại. Một vài ngày sau lãnh đạo đơn vị và người phụ trách tài vụ và kế toán tìm tôi nói chuyện, họ cầu xin tôi hãy viết giấy cam đoan. Họ nói Ủy ban Chính trị pháp luật của huyện tìm đến họ đòi tiền mà đơn vị lại đang gặp khó khăn trong khoản chi, lại còn phải gửi tiền cho tôi, vì đơn vị, đừng làm khó họ nữa, nói tôi hãy viết giấy cam đoan đi để còn về nhà. Tôi nói: “Không phải tôi không muốn về nhà, là bọn họ không để tôi đi, vẫn cứ giam tôi ở đây, các vị cầu xin tôi để làm gì? Các vị hãy đi cầu Ủy ban Chính trị pháp luật đi, lập tức để tôi về nhà, tôi còn muốn về để đi làm kiếm tiền đấy! Giam tôi ở đây tôi không có tự do, không thể chăm sóc con cái, trong lòng tôi còn khó chịu hơn! Tôi còn phải đòi tiền bồi thường về kinh tế, tinh thần từ bọn họ! Tôi còn rất nhiều nỗi khổ tâm không có chỗ để xả hết ra đây!” Họ không nói được câu nào, một lát sau thì rời đi. Tôi đã nói với chồng của mình ngay từ đầu: “Đừng gửi cho em một xu nào! Dù anh có gửi bao nhiêu tiền đều vô ích! Giống như đem tiền thả trôi sông, không ai thanh toán cho anh đâu. Không phải em muốn đến nơi này, mà là họ cưỡng ép em đến, em không thể về nhà chăm sóc anh và con, họ để em ở đây chịu đựng thống khổ mà còn lấy tiền của em, họ toàn muốn được lợi. Anh không thể nghe bọn họ, em có thể để cho anh chịu thiệt không? Anh hãy nhớ, tuyệt đối không được gửi cho em một đồng nào, em ở lớp tẩy não của Phòng 610 nay đã bốn tháng rồi, từng ở Long Sơn một tháng rưỡi và còn ở trường học Tự Cường hơn một tháng, một xu em cũng không nộp, mỗi tháng tiêu tốn 600 tệ đều do đơn vị và khu phố bỏ tiền ra”. Tôi nghe chồng tôi nói người của đơn vị và khu phố còn vì chuyện bỏ tiền cho tôi mà xảy ra mâu thuẫn.

(5) Tà ác lợi dụng mọi thủ đoạn để yêu cầu viết giấy cam đoan

Người của công an phường và đồn công an thường đến thẩm vấn để tôi viết vào đơn, đe dọa rằng nếu tôi không viết giấy cam đoan thì sẽ đưa tôi đi những nơi nào đó. Tôi nghĩ dù họ chuyển tôi đi đâu thì tôi cũng không viết. Tà ma sử dụng các loại can nhiễu đều không đạt được mục đích, nên lại tiếp tục để cho đồng tu đến khuyên chúng tôi viết giấy cam đoan. Sự can nhiễu của đồng tu có tác dụng rất lớn, bởi vì họ đều dùng những thể ngộ, đạo lý của bản thân để nói, rất mê hoặc người ta, rất dễ khiến cho những đồng tu không ổn định chịu nhận can nhiễu, cho rằng họ giảng rất có đạo lý.

Chỗ chúng tôi thường có những người chuyển đến từ trại tạm giam và trường học Tự Cường (nơi giam giữ các cô gái), nhưng mà cứ một nhóm người rồi sau vài ngày lại viết giấy cam đoan và rời đi. Phòng chúng tôi có chị Vương đến từ trường học Tự Cường, ngày vừa mới đến nhìn thấy điều kiện ăn ở nơi đây ưu việt, liền nghĩ nơi này quá tốt. Tôi nói: “Bây giờ chị nói tốt, qua vài hôm chị sẽ biết nơi này tốt hay không tốt”. Được một vài ngày thì chồng và con gái, cả thân nhân của chị đều đến, họ đến bên cạnh ôm chị mà khóc, cầu xin chị viết giấy cam đoan để về nhà, người chồng lúc đầu thì mềm mỏng, nói chuyện tử tế, dỗ dành chị về nhà, thấy chị ấy không viết cam đoan liền trở nên cứng rắn. Vì chồng chị là lao động gương mẫu tiên tiến của tỉnh và có quan hệ tốt, thế là anh ấy nói tìm người để xét xử, tống chị vào tù. Mấy ngày đó, người nhà chị hầu như ngày nào cũng đến, lần này chị ấy cảm thấy ở đây không được tốt. Khi còn ở trường học Tự Cường, đồ ăn đều là bắp, bột gạo, bị muỗi đốt côn trùng cắn, mỗi ngày đều làm việc đến rất khuya, có lúc phải làm việc tới nửa đêm mới được đi ngủ. Họ bảo chị viết giấy cam đoan chị đều không viết, mặc dù nơi đó rất khổ thì chị đều vững tâm kiên trì, nhưng bây giờ điều kiện tốt hơn, thoải mái hơn, lại được phép gặp người nhà, nhưng chị ấy lại cảm thấy không tốt, chị nói: “Khi ngủ, bên tai chị ấy nghe thấy một âm thanh nói hãy đường đường chính chính mà bước ra ngoài. Chị biết rằng Sư phụ đã điểm hóa cho chị và không để cho chị viết giấy cam đoan. Chị ấy còn nói, trước khi sắp chuyển đến chỗ chúng tôi, chị nằm mơ thấy có mấy bình nước đắng dành cho chị uống, chị ngộ ra rằng cần phải đến đây chịu khổ về tâm chí.[1]

Nhưng chỉ vài ngày gia đình chị lại đến và ngay sau đó chị đến gặp tôi, nói rằng chị phải đi rồi. Chị ấy nói chị biết em kiên định ở đây là đúng, nhưng sức chịu đựng của chị có hạn, không chịu được nữa, cũng không nghĩ được gì thêm nữa. Nói xong, chị và người nhà cùng bước đi. Tôi nhìn theo bóng dáng chị, chợt nhớ tới một câu Pháp của Sư phụ:

“Lao thân bất toán khổ
Tu tâm tối nan quá”

Tạm dịch:

“Nhọc thân không tính khổ
Tu tâm khó qua nhất”

(Trích Khổ kỳ tâm chí, Hồng Ngâm)

Mấy ngày trước, tôi có một giấc mơ, mơ thấy chị Vương đang ở trên giường thu dọn đồ đạc của mình. Tôi hỏi chị ấy tại sao lại thu dọn đồ đạc, chị ấy nói chị cần trở về. Chị ấy hỏi tôi có đi hay không, tôi nói Pháp chưa được chính lại, tôi quyết không trở về, vài ngày sau thì chị đã đi thật rồi.

Còn có một vị đại tỷ ngoài 60 tuổi, con dâu bà ấy vì để bà viết giấy cam đoan nên đã từ Thâm Quyến đến đây nhiều lần quỳ xuống cầu xin bà hãy viết, còn kêu to “mẹ, mẹ”. Đồng thời cô con dâu cũng không cho bất kỳ ai trong chúng tôi tiếp xúc hay nói chuyện với mẹ chồng cô ấy. Một hôm trong phòng họp cô con dâu dùng hai tay nắm tay mẹ chồng để bà viết vào giấy cam đoan và bà đã thuận theo đó đồng ý viết.

Phòng chúng tôi có một người họ Trương, cô ấy hơn 20 tuổi và vừa mới kết hôn. Chồng cô ấy vừa cứng rắn vừa mềm mỏng với cô, lúc thì khóc, nói nhớ cô ấy như thế nào, nói cô tốt như thế như thế; lúc thì mạnh bạo với cô, túm đầu tóc cô đập mạnh vào tường như muốn liều mạng, hung hãn dùng tay bóp cổ khiến cô nghẹt thở mặt mày tím tái, suýt chút nữa mất mạng. Anh ấy vì muốn cô viết giấy cam đoan, yêu cầu ở lại đây ngày đêm trông chừng cô, không để cô ấy tiếp xúc, nói chuyện với bất kỳ ai, thậm chí khi cô ấy nhìn tôi một cái thì đều dùng tay che mắt cô ấy lại. Anh ấy gọi tôi ra nói chuyện riêng, muốn tôi tránh xa vợ anh ta một chút, đừng nói chuyện với cô. Anh ấy còn nói, tôi biết cô rất kiên định, tôi vẫn sợ cô ảnh hưởng tới cô ấy. Tôi nói tôi không thể đồng ý với anh, bởi vì ở đây không có quy định không được nói chuyện với người khác, anh có tư cách gì không cho phép tôi nói chuyện với người khác, vả lại tôi cũng không có khả năng ảnh hưởng người khác, nếu tôi thật sự có khả năng giống như anh nói ảnh hưởng ai đó không viết giấy cam đoan vậy thì tôi cũng sẽ không để bất kỳ ai viết giấy cam đoan để về nhà. Anh ấy không nói được gì nên càng hành hạ vợ mình ngày một thậm tệ hơn.

Tôi và đồng tu Trương là cùng một điểm luyện công. Chúng tôi gặp nhau hai lần vào tháng tám ở Bắc Kinh. Sau khi bị bắt, vì cô ấy không nói tên họ của mình nên đã bị đánh đập rất nhiều ở Bắc Kinh và phải chịu đựng đủ thứ khổ sở. Sau đó họ chụp hình cô, người nhà đã nhận ra cô và đem cô quay trở lại trại. Cô Trương bị nhốt 15 ngày trong trại tạm giam trước khi bị đưa đến đây. Sau khi đến đây, tôi nhìn thấy rất rõ rằng cô ấy rất nặng tình với chồng, vì vậy tà ác đã lợi dụng chồng cô. Mẹ cô và người thân cũng thường xuyên đến khuyên, cô ấy gặp phải ma nạn rất lớn về phương diện này, chịu đựng không nổi nữa. Chồng cô ấy viết giấy cam đoan thay cô. Nhìn thấy trong giấy cam đoan viết một câu “bị lừa dối”, cô liền nói với chồng gạch bỏ câu này đi, em không bị lừa dối. Cô ấy nhìn phía trên chỉ viết “Không đi Bắc Kinh”, không còn câu nào khác liền ký vào. Nhưng sau đó cô bị đăng lên báo, báo chí nói rằng cô đã đoạn tuyệt với Pháp Luân Công, cô ấy hoàn toàn không viết đoạn tuyệt, trên báo chỉ toàn là những lời nói dối.

Dịch từ http://www.zhengjian.org/node/22274

[1] “Khổ” trong tiếng Trung còn có nghĩa là đắng



Ngày đăng: 11-09-2021

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.