Chính Pháp chi hành (42): Lên Bắc Kinh tìm kiếm con đường kháng nghị



Tác giả: Văn Thiện

[ChanhKien.org]

(6) Lên Bắc Kinh tìm kiếm con đường kháng nghị

1. Tìm kiếm con đường kháng nghị

Tôi đã viết rất nhiều đơn kháng nghị, cục trưởng cục tư pháp thành phố cũng đến trại giáo dưỡng thăm chúng tôi nhiều lần, bọn họ không chỉ làm ngơ trước việc tôi bị bức hại, mà còn nói với tôi rằng chính phủ không dựa theo pháp luật khi xử lý vấn đề Pháp Luân Công, vì vậy tòa án cũng không thụ lý hồ sơ. Lần này tôi thật sự tuyệt vọng, oan khuất của chúng tôi không có cửa khiếu nại trong nước, tòa án “vì nhân dân biểu dương chính nghĩa”, rõ ràng biết nhưng không can dự, thậm chí cục trưởng cục tư pháp thành phố cũng đứng về phía tà ác. Tôi và Trâu Quế Vinh, Doãn Lệ Bình mỗi người cầm một vạn nhân dân tệ đi xe lửa lên Bắc Kinh, chuẩn bị tìm con đường kháng nghị ra nước ngoài. Nghe nói nước Mỹ là một quốc gia nhân quyền, vậy nên chúng tôi ký thác hy vọng vào nước Mỹ, muốn đến đại sứ quán Mỹ cầu cứu. Người trên xe lửa rất đông không có chỗ ngồi, tôi đứng liên tục cho đến khi tới gần Bắc Kinh mới có chỗ ngồi.

Đến Bắc Kinh, bởi vì không có thẻ căn cước nên tôi không thể ngủ ở khách sạn, do đó buổi tối phải tá túc ở nhà tắm công cộng, ở đó như một nhà nghỉ lớn, toàn là nam giới, có vài người mặc đồ tắm, chỉ có ba người chúng tôi là nữ. Sau khi chúng tôi nằm xuống, không biết có một người nam nằm bên cạnh mình từ khi nào. Từ trước đến nay, chúng tôi chưa từng ngủ lại ở nơi kỳ quái như vậy. Vào ban ngày, chúng tôi đi tìm đại sứ quán. Hỏi qua rất nhiều người đều không biết đại sứ quán nằm ở đâu. Đến tối, chúng tôi ngồi trên bậc thềm ở một tiệm trà nghỉ ngơi, ở đây thường có người nước ngoài ra vào. Trâu Quế Vinh tốt nghiệp đại học chuyên ngành, biết chút tiếng Anh, liền đi tìm người nước ngoài hỏi thăm, đến rất khuya mới trở về.

Hai ngày đó, chúng tôi đến khu đại sứ quán để tìm đại sứ quán Mỹ. Đại sứ quán các nước đều tập trung tại một khu rộng lớn, chúng tôi không biết nơi nào mới đúng. Nơi đó canh phòng nghiêm ngặt, công an qua lại tuần tra gần đại sứ quán, đi một đoạn không xa thì có một trạm gác, bọn họ quan sát từng người qua lại. Chúng tôi qua lại ở khu vực đại sứ quán hai ngày ròng mới tìm thấy. Nhưng vừa mới dừng lại một lát ngay cổng chính của đại sứ quán Mỹ thì công an liền tỏ vẻ nghi ngờ, chúng tôi đành phải đứng xa cổng chính hơn một chút. Công an trên con đường đó rất nhiều, cứ cách hai ba bước lại có một trạm gác, còn có rất nhiều công an đi lại tuần tra, Trâu Quế Vinh muốn nhờ người Mỹ từ đại sứ quán Mỹ đi ra, nhưng đợi mãi mà cũng không thấy người Mỹ nào.

Lúc này có công an đến kiểm tra, khi đó Trâu Quế Vinh và Doãn Lệ Bình trả lời câu hỏi của công an, tôi ở một bên phát chính niệm. Chỉ sau chốc lát công an rời đi, trong tâm tôi nghĩ không thể nán lại đây nên rời đi, chúng tôi tới bậc tam cấp làm bằng xi măng bên lề đường ngồi nghỉ ngơi, cùng suy nghĩ biện pháp. Lúc này có một người ngoại quốc đi qua. Lệ Bình bảo Trâu Quế Vinh đi nói chuyện với người ngoại quốc, Trâu Quế Vinh vội vã chạy đến trước người ngoại quốc nói chuyện, lúc này hai đàn ông đang đi trên đường bỗng dừng bước. Nhìn ánh mắt họ liền biết là công an, họ chia nhau vặn hỏi chúng tôi. Lúc này một chiếc xe buýt chạy đến, thế là tôi chạy theo theo chiếc xe kia, đi được hai trạm thì đứng đó đợi Trâu Quế Vinh. Một lát sau, Trâu Quế Vinh hớn hở trở về, cô ấy đã dùng trí huệ trả lời câu hỏi của cảnh sát chìm kia. Chúng tôi cùng nhau ngồi trên chiếc xe buýt kia. Bắc Kinh khắp nơi đều là cảnh sát chìm, có thể đụng phải bất cứ lúc nào, bọn họ giám sát từng người một.

Chúng tôi đến một quán cơm vừa ăn vừa suy nghĩ tiếp theo sẽ làm gì, nghĩ biện pháp khác để tiếp xúc người ngoại quốc, thỉnh cầu họ giúp đỡ, bởi vì chúng tôi chỉ có thể đi theo con đường này thôi. Hôm nay chúng tôi mua được một ít thức ăn, chuẩn bị cùng Lệ Bình đến công viên mà cô ấy đã đến trước đây, thế nhưng chúng tôi ngồi xe điện ngầm một lúc lâu lại quay về chỗ cũ, lúc ấy không minh bạch ý nghĩa là gì, sau này mới biết là điểm hóa chúng tôi nên trở về nhà. Sau khi đến công viên Ngọc Uyên Đàm, liền có người vặn hỏi theo dõi. Chúng tôi nằm trên ghế dài để nghỉ ngơi. Vừa tỉnh dậy, chân của tôi bắt đầu khó chịu, tôi ngộ rằng cần phải đi ngay. Tôi vừa nói với Lệ Bình cô ấy cũng ngộ rằng nên nhanh chóng rời khỏi đây, bởi vì trước đây tôi thường đến nên bọn họ rất quen mặt, tôi dẫn hai người họ đến một khu rừng để nghỉ ngơi.

Chỉ chốc lát có hai người đàn ông độ hơn 40 tuổi đi tới hỏi chúng tôi vì sao ở đây lâu như vậy? Người khác thì nói rằng bọn họ đã ở đây theo dõi chúng tôi rất lâu, kỳ thực chúng tôi đến đây chưa tới nửa tiếng đồng hồ. Tôi nói các anh lúc bán vé không quy định ở lại thời gian bao lâu, cũng không nói không cho phép chúng tôi ở đây nghỉ ngơi, anh gọi lãnh đạo tới đây. Bọn họ vừa nghe tôi nói những lời này, hơn nữa lại rất cứng rắn nên liền đi. Bởi vì trước đây học viên Pháp Luân Công nói chuyện với bọn họ rất tường hòa, hôm nay nhìn thấy thái độ của tôi như vậy bọn họ không đoán được là học viên Pháp Luân Công, nhưng vẫn có chút hoài nghi theo dõi chúng tôi một chút rồi mới chịu đi, chúng tôi cũng nhân cơ hội đó liền dời đi từ cổng sau.

Giữa Trâu Quế Vinh và Doãn Lệ Bình thường xảy ra mâu thuẫn, chỉ vì chút chuyện nhỏ liền tranh luận không dứt. Khi đi đến một trạm xe, tên trạm là Mông Cổ Bao (1), Lệ Bình nói đừng tranh luận nữa, hãy xem tên của trạm này đều là nhắm vào chúng ta đó. Hai người họ đã làm hòa, và trạm dừng tiếp theo tên là Đoàn Kết Lộ, chúng tôi cảm thấy thật thú vị, đây không phải là điểm hóa chúng tôi cần đoàn kết đó sao? Hôm nay chúng tôi không có nơi nào trú lại, không thể mãi trở về nhà tắm kia nữa. Bởi vì ngay cả ở lại vài ngày, cũng sẽ dấy lên sự chú ý của những người nơi đó, nhưng đi đâu bây giờ? Không có thẻ căn cước nên không ở lại được nơi nào, chỉ đành ngồi ở bậc tam cấp bên ngoài một quảng trường rất náo nhiệt, nhưng không thể học Pháp chỉ có thể giao lưu chia sẻ, ngồi liên tục cho đến khi không còn mấy người. Đến hơn 12 giờ chúng tôi vẫn không có chỗ để đi.

Nhớ lại việc bị bắt giữ khi đi Bắc Kinh lần này, tôi cảm thấy rất không lý trí, trong kinh văn Tồn tại vì ai (Tinh tấn yếu chỉ) Sư Phụ giảng rằng: “Con người ta khi xung động, thì cái chi phối tư tưởng tình tự của người ta không phải là lý tính, mà là tình cảm.” Do đó bị tà ác dùi vào sơ hở, không tìm được đường ra nước ngoài, mà tất cả đều bị bắt. Mặc dù ba người chúng tôi đều được thả ra một cách đường đường chính chính, nhưng rốt cuộc đã lãng phí mất thời gian nửa tháng, mất đi hoàn cảnh học Pháp luyện công, không làm tốt ba việc mà Sư phụ yêu cầu, đúng là một bài học sâu sắc.

Chú thích của người dịch: (1) Từ “蒙古包” (měng gǔ bāo – Chiếc bao Mông Cổ) dùng ở bên trên và từ “鼓包” (gǔ bāo – nổi mụn nhọt) ở bên dưới là đồng âm khác nghĩa. Ở đây muốn nói rằng: chúng ta không nên mãi tranh luận, nổi tâm giận dữ lên với nhau nữa.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/22859



Ngày đăng: 09-07-2022

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.