Chính Pháp chi hành (22): Tuyệt thực lần thứ hai



Tác giả: Văn Thiện

[ChanhKien.org]

(4) Tuyệt thực lần thứ hai

Tuy nhiên, khi chúng tôi vừa ăn cơm được hai ngày, thì một nhân viên cảnh sát ở Thẩm Dương đến trú tại trại giáo dưỡng Long Sơn. Vào khoảng ngày 11 tháng 8, cảnh sát ở Thẩm Dương thông báo rằng Dương Á Kiệt bị kết án cải tạo, chuẩn bị thu dọn đồ đạc để đến trại giáo dưỡng Mã Tam Gia. Dương Á Kiệt từ chối ký tên nhưng vẫn bị đưa đi. Hai ngày sau, tôi nghe cảnh sát nói lại có hơn mười học viên bị kết án cải tạo. Tất cả chúng tôi đều nói rằng việc chúng tôi đến Bắc Kinh thỉnh nguyện là quyền của mỗi công dân, Văn phòng Kháng cáo không phải là một cái bảng hiệu, mà là cầu nối để người dân phản ánh tình hình với chính phủ, cũng không phải là vật trang trí; nhưng kể từ ngày 22 tháng 7 năm 1999, có nhiều học viên Pháp Luân Công đến Văn phòng Kháng cáo để thỉnh nguyện liền bị bắt, bọn họ chưa hề nghe chúng tôi nói một lời, lại càng chưa nói đến việc giải quyết vấn đề. Vào thời điểm đó, tôi ở lại Bắc Kinh khoảng một tháng rưỡi, thường nghe tin các học viên nói rằng, nhân viên của Văn phòng Kháng cáo chỉ cần nghe nói là học viên Pháp Luân Công thì bị bắt ngay. Chúng tôi chỉ đi phản ảnh tình hình, nhưng lại nói chúng tôi phạm pháp rồi bắt giam phi pháp, điều này đã khiến chúng tôi phải chịu thống khổ về tinh thần, hôm nay còn muốn kết án chúng tôi đi trại cải tạo. Vì thế, chúng tôi bắt đầu tuyệt thực lần thứ hai. Chúng tôi phản ánh với trưởng trại rằng chúng tôi sẽ không đi trại cải tạo.

Khi đó, chúng tôi rất lo lắng về việc có quá nhiều học viên bị kết án đưa vào trại cải tạo, vì vậy khi ăn cơm, tôi cùng bốn người đại diện đã thảo luận nên làm thế nào, cuối cùng quyết định cần phải gặp cục trưởng. Thế nhưng, sau khi mọi người nói chuyện một hồi với cục trưởng thì không có kết quả.

Ban ngày tôi nằm trên giường suy nghĩ bước tiếp theo nên làm thế nào. Sau lần tuyệt thực đầu tiên mọi người ăn uống được ba ngày thì lại tuyệt thực lần thứ hai. Tôi e rằng không đúng, hơn nữa, mấy chục người tuyệt thực, không phải là chuyện nhỏ. Bản thân tôi làm sai thì hậu quả không lớn lắm, nhưng có nhiều người như vậy, nếu tôi dẫn mọi người đi sai đường thì sẽ ra sao? Tôi cảm thấy trách nhiệm rất nặng nề, không dám tùy tiện đưa ra quyết định.

Buổi tối, khi tôi đang luyện tĩnh công thì bỗng nhiên có sấm chớp, một tiếng sét kinh thiên động động địa, nghe mọi người nói: mất điện rồi. Nến được thắp bên ngoài hành lang dọc các căn phòng. Chẳng mấy chốc, đội trưởng trại giáo dưỡng thông báo nhà vệ sinh bị tắc. Ngày hôm sau, thợ sửa chữa nói là do linh kiện nhập khẩu bị hỏng. Tôi nghĩ: Những chuyện xảy ra xung quanh đều không phải là ngẫu nhiên. Tại sao linh kiện nhập khẩu bị hỏng nhỉ? Tôi hỏi một đồng tu bên cạnh rằng cô ấy ngộ như thế nào về chuyện này? Cô ấy nói linh kiện nhập khẩu hỏng rồi, phải chăng không nên tiếp tục ăn cơm? Tôi nói: Đúng vậy! Tôi cũng nghĩ thế, nhưng tôi vẫn còn phân vân: nhiều người như vậy, tôi không dám ra quyết định. Tôi suy nghĩ rất lâu, tôi nghĩ: Chuyện này cần nhanh chóng đưa ra quyết định, nếu chậm trễ, một khi họ xuất hóa đơn (tiền) thanh toán rồi thì không còn cơ hội nữa, không kịp nữa rồi. Thế là ngày hôm sau chúng tôi quyết định bắt đầu tuyệt thực lần thứ hai.

Số người tuyệt thực lần thứ hai ít hơn lần thứ nhất 30 người, chỉ có hơn 40 người tuyệt thực. Đến giờ ăn, hơn 40 người chúng tôi không xuống lầu ăn cơm. Trưởng trại lo lắng không biết làm thế nào cho thỏa đáng, nên tập trung những người tuyệt thực tại nhà ăn mở cuộc họp, cô ấy nói một cách thảm thương: Tôi vừa mới nhậm chức trưởng trại được vài hôm thì các chị liền tuyệt thực, các chị nói xem cái chức trưởng trại này tôi đảm đương thế nào đây? Cô ấy còn nói nhiều lời ngụy thiện, nghe vậy đã có người bị động tâm và bắt đầu ăn cơm.

Tôi ngồi nghe và không nói một lời, tôi nghĩ: Mình quyết không thể bị tâm con người làm dao động, lần tuyệt thực này nhất định phải kiên trì đến cùng. Mỗi khi dọn cơm, trưởng trại đều đích thân dặn dò nhà ăn chuẩn bị thức ăn ngon và đặt ở cửa. Chúng tôi không động tâm, nhân viên trại giam luôn khuyên chúng tôi ăn cơm, chúng tôi không bị họ can nhiễu. Một cảnh sát của thành phố trú ở trại Long Sơn nhìn thấy lại có người tuyệt thực liền vội vàng rời khỏi trại.

Tuyệt thực đến ngày thứ 4 hoặc thứ 5, cơ thể chúng tôi nóng không chịu được, rất muốn ngâm mình trong nước lạnh. Đó là thời gian nóng nhất trong tháng Tám. Hầu hết những người tham gia tuyệt thực đều rất thống khổ, người khỏe hơn một chút thì có thể đi lại được. Tôi nghĩ mọi người không nên đi lại, cần phải phù hợp với trạng thái xã hội người thường, không nên có biểu hiện khác thường. Đến ngày thứ 6, đội trưởng đưa mười mấy người chúng tôi gồm người dẫn đầu và người tuyệt thực có thái độ kiên quyết chuyển đến phòng nam ở, còn các nam đồng tu bị chuyển đến căn nhà dưới chân núi âm u, ẩm ướt, không có nhà vệ sinh và nước uống.

Vào ngày thứ hai sau khi chúng tôi chuyển phòng, trưởng trại đưa vài người tà ngộ từ Mã Tam Gia đến nói chuyện với chúng tôi, bởi vì tôi ở ngoài hành lang nên bọn họ không dám bước vào phòng, thế là họ đứng cạnh tôi. Tôi đứng dậy đi vào nhà vệ sinh, không nghe họ nói. Vì vậy, đầu tiên họ đến trước mặt tôi, trong đó có một người trước đây từng ở lớp tẩy não Phòng 610 cùng tôi. Tôi vào phòng nói với các đồng tu: Đừng nghe bọn họ nói xằng bậy, mọi người hãy học thuộc kinh văn. Thế là mọi người đều học thuộc kinh văn.

Cơ thể chúng tôi vẫn chưa hồi phục sau lần tuyệt thực thứ nhất, ngay sau đó lại tuyệt thực lần thứ hai. Vì vậy, mỗi người chúng tôi đều đang rất thống khổ chịu đựng sự dày vò của nhục thân. Đặc biệt là nỗi thống khổ khi bị bức thực, rất khó để chịu đựng. Buổi tối ngày thứ 8, trưởng trại đến nói chuyện với tôi. Tôi nói: Nếu các chị tiếp tục bức thực chúng tôi thì sắp xảy ra án mạng đấy. Nhiều người trong chúng tôi đều nói rằng thà chết chứ không chịu bức thực. Trưởng trại vừa nghe liền sợ hãi, nhờ tôi trông chừng mọi người. Tôi nói: Nếu các chị bức thực, tôi không dám đảm bảo chuyện gì sẽ xảy ra! Trưởng trại nói: Các chị muốn về nhà vô điều kiện à? Tôi không quyết định được, tôi nên làm thế nào đây? Tôi nói: Hãy phản ánh đúng sự thật về tình hình của chúng tôi lên cấp trên.

Ngày thứ 9, người nhà đến gặp mặt. Tôi nói với tất cả những đồng tu muốn gặp mặt: Nói rõ với người nhà tình huống của chúng ta, nói họ hãy phản ánh lên huyện ủy và tỉnh ủy chuyện này. Chúng ta cần để cho những người bên ngoài biết được tình huống của chúng ta. Lúc gặp mặt, có một vị đồng tu đến nhìn tôi và nói: Các chị ở Long Sơn tuyệt thực (lần trước), chúng tôi đều nghe nói trong buổi gặp lần trước cả rồi. Một số học viên chưa dám bước ra, sau khi nghe tin các chị ở trong đây tuyệt thực, họ đã vô cùng chấn động và có vị đã dám bước ra. Tôi nói với cô ấy rằng mọi người nên đến tỉnh ủy phản ánh tình hình thực tế. Chị ấy nói: Em yên tâm, khi về nhà chị sẽ làm điều đó.

(5) Đưa đến nhà tù Đại Bắc để bức thực

Ở trại, họ tìm một người không biết bức thực đến bức thực chúng tôi. Từ trong phòng bức thực không ngừng vang lên những tiếng kêu thảm thiết của những người bị bức thực, bọn họ lấy ống thông dạ dày chọc loạn xạ vào thực quản khiến chúng tôi như chết đi sống lại, có người bị chọc chảy máu dạ dày, có người bị chọc chảy máu mũi. Khi họ bức thực tôi suýt chút nữa là tắt thở. Ngày thứ bảy trưởng trại Mạnh tìm chúng tôi nói chuyện, chúng tôi nói hy vọng ông có thể phản ánh tình hình của chúng tôi lên lãnh đạo cấp trên, hơn 40 người chúng tôi tuyệt thực chỉ vì muốn được trả tự do vô điều kiện, chúng tôi muốn về nhà. Đến ngày thứ 7, bọn họ sợ bức thực trong trại xảy ra án mạng, vì thế muốn đưa chúng tôi đến nhà tù Đại Bắc để bức thực, chúng tôi không đi. Sau đó, họ gọi bốn người đại diện đến nói chuyện, vậy nên chúng tôi đến phòng làm việc của đại đội trưởng.

Tôi nhìn thấy có bốn phạm nhân nam đang đứng ở trong căn phòng bên cạnh phòng làm việc của đại đội trưởng, tôi cảm giác có điều gì đó sắp xảy ra. Tôi bước vào liền cảm thấy có gì đó không ổn, trưởng trại Mạnh nói sẽ bức thực chúng tôi, chúng tôi phản đối. Lúc này khoảng mười phạm nhân nam xông vào phòng, bốn người họ khiêng một người chúng tôi. Trưởng trại Mạnh hỏi tôi có đi không, tôi nói không đi, hai cảnh sát nam kéo hai tay tôi ra phía sau, túm cổ áo tôi áp giải lên xe, sau đó mười mấy học viên cũng bị đưa lên xe khách, bốn người đại biểu chúng tôi đều còng tay, chúng tôi bị cưỡng ép bức thực.

Bởi vì mười ngày qua tôi không đi lại, cảnh sát yêu cầu tôi đến bệnh viện nhưng tôi không đi, thế là cô ấy gọi hai cảnh sát nam, mỗi người kéo một tay tôi khiến hai đầu gối tôi bị kéo lê trên đất, họ kéo đến bệnh viện. Bác sĩ hỏi tôi tên gì, tôi trả lời là đệ tử Đại Pháp; bác sĩ hỏi cảnh sát tên của tôi, cảnh sát trả lời; làm sao tôi lại không nhớ ra chứ? Tên của cô ấy rất quen thuộc mà! Lúc tôi trở về, trưởng trại thương lượng với tôi rằng chỉ cần tôi ăn cơm, cô ấy sẽ cho tôi ở một phòng để luyện công, tôi nói tôi muốn về nhà luyện chứ không luyện ở đây. Sau đó cục trưởng cục tư pháp thành phố Thẩm Dương đến, ông ấy thương lượng muốn đưa tôi vào bệnh viện 610, tôi nói không đi; ông ấy bảo tôi đến văn phòng để nói chuyện; tôi nói, tôi không đi cùng ông nếu nói chuyện thì nói ở đây, ông ấy đành bỏ đi. Tôi thấy rất rõ ràng, tà ác sợ nhất là tôi ở đây, bởi vì tôi ở đây có thể khởi tác dụng ổn định, tôi muốn cùng với mọi người vượt qua những quan ải khó khăn.

Ngày hôm sau, lãnh đạo thành phố đến Long Sơn để nắm bắt tình hình. Tôi nghe nói vì chuyện chúng tôi tuyệt thực mà tỉnh đã mở cuộc họp khẩn cấp, người của Mã Tam Gia cũng tham dự. Vào ngày thứ 9 tuyệt thực, cán bộ thành phố tổ chức cuộc họp khẩn cấp ở Long Sơn. Buổi tối, trong trại giáo dưỡng có nhiều cảnh sát lạ mặt, chúng tôi cảm thấy tình hình không bình thường, liền gọi học viên ở hai phòng tập trung lại một phòng. Đến hơn 10h tối, mấy chục cảnh sát bất ngờ xông vào vây quanh chúng tôi, mỗi học viên đều có vài cảnh sát đứng vây quanh. Sau khi cảnh sát đứng vào vị trí thì nhất loạt động thủ dùng vũ lực cưỡng chế, lôi chúng tôi xuống dưới lầu với đôi chân trần. Dưới lầu có một chiếc xe khách đang đậu, họ kéo chúng tôi lên xe, có một cảnh sát vừa đi vừa đá tôi. Khi mọi người đã lên xe, họ còng tay của tôi và đưa đến nhà tù Đại Bắc để bức thực.

Bức thực xong, xe đã chở một số học viên trở lại Long Sơn và 12 học viên chúng tôi bị đưa đến “Trường học Tự Cường nữ” bằng xe khách.

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/22456



Ngày đăng: 01-12-2021

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.