Chính Pháp chi hành (7): Những chuyện cảm động khi đi Bắc Kinh thỉnh nguyện



Tác giả: Văn Thiện

[ChanhKien.org]

(5) Những chuyện cảm động khi đi Bắc Kinh thỉnh nguyện

Trong lúc giao lưu với các đồng tu, tôi đã nghe được một câu chuyện vô cùng cảm động, có một bà cụ 60 tuổi nhà ở nông thôn, bà muốn lên Bắc Kinh chứng thực Pháp, nhưng đồn cảnh sát và các phòng ban khác ở địa phương trông chừng rất chặt, khó mà thoát ra, tất cả các tuyến đường đều có người canh gác để ngăn không cho học viên Pháp Luân Công đi Bắc Kinh, bà không còn cách nào khác, bèn chui qua các ruộng mía đi bộ lên Bắc Kinh dưới cái nóng 40 độ, bà đi xuyên ruộng mía một mạch bảy ngày bảy đêm, đến được Bắc Kinh thì da cũng tróc hết. Sau này tôi có dịp được gặp bà cụ, thấy trên cổ bà còn lưu lại vết trầy xước, bà nói vẫn còn những học viên xuất sắc hơn! Ở nông thôn người ta canh chừng học viên Pháp Luân Công khá chặt, có một gia đình cả nhà tu luyện, họ muốn lên Bắc Kinh chứng thực Pháp, nhưng các phòng ban cử người canh gác gần nhà, họ không có cách nào khác đành mở toang cửa, mấy người canh gác thấy cửa mở cho rằng trong nhà nhất định có người, rồi họ bỏ nhà cửa như vậy mà lên Bắc Kinh.

Ở Bắc Kinh tôi rất hay trao đổi thảo luận cùng các đồng tu, có đồng tu kể, có mấy vị đồng tu trên đường lên Bắc Kinh chứng thực Pháp, bởi vì cả mấy người họ đều đi bộ từ nhà lên Bắc Kinh, có lúc lao lực quá ngồi bệt xuống đất, hai chân thực sự không nhấc nổi nữa, lúc này họ hét lên gọi Sư phụ, họ chợt nghe trên không trung có âm thanh vọng đáp “Các con à!” Họ vừa nghe bèn bảo nhau đây chẳng phải là giọng nói của Sư phụ sao? Họ đột nhiên cảm thấy sức lực tăng bội phần, vươn người đứng dậy đi thẳng một mạch đến Bắc Kinh; còn có đồng tu kể chuyện một cậu bé 10 tuổi lên Bắc Kinh chứng thực Pháp, cậu bé không tìm được đường, lúc này trên không trung có một Pháp Luân hiện ra dẫn đường cho cậu bé, cả chặng đường cậu đi theo Pháp Luân và lên đến Bắc Kinh; còn có đồng tu kể, có bà lão nhìn thấy Pháp Luân ở quảng trường Thiên An Môn, lúc này có một công an giật lấy cuốn sách trên tay bà, rồi anh ta nói: “Bà ngần này tuổi rồi còn xem tiểu thuyết võ hiệp sao!” và công an đã không gây phiền phức cho bà.

Tiểu Đinh nhờ người chuyển lời cho tôi, nói cậu ấy đã được thả về nhà, nhắn tôi đến địa chỉ nhà hàng dưới tầng hầm Trung tâm thương mại Hoa Phổ đợi cậu ấy. Tôi và Tư Ninh đến Hoa Phổ, lúc này tôi đột nhiên nhớ ra hai vợ chồng em trai vẫn còn ở nhà, sao họ vẫn chưa bước ra? Tôi rất sốt ruột, liền gọi cho vợ chồng em ấy. Không ngờ hai vợ chồng em trai nói chồng tôi đã dắt theo mấy người đến nhà cậu ấy đòi người, đòi vợ chồng cậu ấy nhất định phải tìm được tôi về. Em trai khăng khăng muốn tôi về nói rõ với chồng tôi. Tư Ninh nói hai vợ chồng cậu ấy vẫn chưa ngộ ra, chẳng phải là dùng hình thức này để đẩy họ bước ra hay sao?

Khi chúng tôi đến nhà hàng dưới tầng hầm thì Tiểu Đinh cũng đã tới, mặt mày rạng rỡ như thể vừa từ chiến trường thắng trận trở về. Một lát sau, em trai tên Phong Nhi của cậu ấy cũng đến. Cậu ấy kể cho chúng tôi nghe về trải nghiệm sau khi cậu ấy bị bắt, cậu ấy bị áp giải đến trại tạm giam hình sự Bắc Kinh, tại đó, dưới hoàn cảnh áp lực như thế, cậu vẫn ngày ngày luyện công, đêm ngủ phải nằm nghiêng người, hàng ngày ăn bánh ngô. Có lần bánh ngô rơi xuống đất, cậu lại nhặt lên ăn, hơn nữa cũng chẳng có cảm giác sợ bẩn, chấp trước vào ăn uống đã phóng hạ đến kiền tịnh. Cậu ấy ngồi đả tọa tại đó, cảnh sát đánh những người xung quanh, nhưng cậu ấy chẳng mảy may có chút cảm giác sợ hãi, căn bản là bất động tâm. Cậu ấy kể một cách rất vui vẻ, vui vì bản thân có thể làm tốt trong hoàn cảnh ấy. Cậu ấy kể khi sắp rời đi thì có một giấc mơ, mơ thấy đi đến một nơi để cứu ba người. Sau khi vào trại tạm giam, cậu ấy ở trong đó hồng Pháp và thực sự cứu được ba người đã bị kết án tử hình. Họ nói sau này cũng sẽ học Pháp Luân Công. Kể hết chuyện, cậu ấy hỏi tại sao tôi không vui, tôi kể cho cậu ấy nghe chuyện tôi gọi điện thoại về nhà. Cậu nói: “Chị lo gì! ‘Bản tính đã giác ngộ sẽ tự biết làm thế nào’ (Tinh Tấn Yếu Chỉ)

Tôi biết rằng đây chính là cậu ấy thông qua trải nghiệm lần này mà ngộ ra được nội hàm trong câu Pháp ấy.

Trong nhà Tiểu Đinh có một đồng tu kể về thể ngộ của anh ấy khi phát kinh văn, anh nói có lần phát kinh văn, trong tâm nghĩ liệu đồng tu có cần không nhỉ? Sau đó, anh ấy hỏi rất nhiều đồng tu, họ đều nói không cần, gửi đến lại nhận về. Anh ấy bèn hướng nội xem mình sai ở chỗ nào, vì sao không gửi được kinh văn cho đồng tu? Lúc này anh ấy mới đột nhiên ngộ ra rằng một niệm đầu kia của bản thân đã sai rồi. Sau này anh ấy đi phát kinh văn đều đã phát được, đồng tu ai cũng cần. Còn có một bé gái 13 tuổi có cha mẹ đều là học viên Pháp Luân Công, vì cha mẹ đều bị công an bắt đi hết nên nhà chỉ còn lại mình cô bé, cô bé bèn cùng đồng tu lên Bắc Kinh chứng thực Pháp, cô bé đứng bên chiếc máy tính nhà Tiểu Đinh xem Phong Nhi gõ chữ và nói trước đây đã mơ thấy cảnh tượng này rồi. Có lần cô bé cùng mấy đồng tu bị công an bao vây để kiếm tra giấy tờ tùy thân, nhưng cô bé không có giấy tờ, trong tâm nghĩ làm thế nào đây? Lúc ấy cô bé nghĩ: vì để chứng thực Pháp thì không màng gì nữa. Một niệm này vừa xuất ra, liền nghe công an chỉ vào một vị đồng tu lớn tiếng: “Còn không mau cùng chị gái đi đi.” Cô bé đã thấy được một niệm này quan trọng biết bao! Tôi còn nghe nói có một vị đồng tu mang theo rất nhiều kinh văn, nằm ngủ trước đồn cảnh sát, ngày hôm sau trời vừa sáng, công an đến làm việc nhìn thấy có người nằm ngủ trước cửa, lại nhìn thấy trên đất có một tập kinh văn lớn, anh ta cầm lên xem, xem cả nửa ngày vẫn không hiểu, nên đã gọi đồng tu dậy, nói: “Dậy mau, dậy mau! Mau đem cái này phát ra hết!”

Một hôm, ở cổng Trung tâm thương mại Tây Đơn, Tư Ninh muốn lấy sách Chuyển Pháp Luân của tôi (để đưa cho đồng tu khác), tôi rất khó khăn mới có được cuốn sách này nên không muốn đưa cho cô ấy, không phải vì tôi muốn học mà là vì Tư Ninh từ lúc đắc Pháp đến giờ còn chưa đọc hết một lượt “Chuyển Pháp Luân”! Tôi đưa sách cho người khác rồi thì Tư Ninh cũng không có gì để đọc nữa. Cô ấy nói: “Chị ích kỷ quá, đến em còn có thể đưa sách cho người khác, chị còn không xả được sao.” Tôi nghe xong vẫn không xả được, lúc sau Tư Ninh lại hỏi tôi sách, tôi chẳng còn cách nào đành quyến luyến không nỡ mà đưa sách cho Tư Ninh. Cô ấy lấy sách tôi đưa đem gửi cho người khác, trong tâm tôi rất khó chịu, nghĩ đến chuyện ở nhà có nhiều sách như vậy, nếu lấy được thì tốt biết mấy! Tôi nói suy nghĩ của mình cho một đồng tu tên là May-ô Vàng. Vì anh ấy thường mặc áo may-ô màu vàng nên mọi người đều gọi anh ấy là “May-ô Vàng”, anh ấy nói vậy quay về lấy thôi, tôi nói không ổn, tôi có tâm sợ hãi rất lớn. Nếu quay về, sợ rằng vì cái tâm này của tôi mà chiêu mời rắc rối, anh ấy nói vậy để anh ấy đi, tôi rất mừng cho anh ấy, vì tôi biết anh ấy không có tâm sợ hãi. Lúc đó Tư Ninh nói cô ấy cũng đi, tôi nhìn cô ấy nói: “Em đi có ổn không?” Cô ấy không trả lời tôi đã cùng với vị đồng tu kia đi mất. Tôi đột nhiên nhớ ra hai người họ còn chưa lấy địa chỉ mà! Vậy nên tôi gọi lại, viết địa chỉ rồi đưa cho họ. Họ đi rồi, tôi cùng một đồng tu khác đến Phục Hưng Môn, tại đó có rất nhiều đồng tu hoặc ngồi hoặc nằm trên những băng ghế dài. Tôi đến nơi bèn đem quần áo và kinh văn phát cho mọi người, rồi ngồi xuống trao đổi với mọi người một chút.

(6) Cảnh sát mặc thường phục lừa người

Lúc đó tôi nói chuyện cùng một đồng tu đến từ Hắc Long Giang, bên cạnh còn có một nam thanh niên khoảng 20 tuổi, lúc đầu tôi còn tưởng là em của cô ấy nên cứ thế nói chuyện mà không để ý. Nam thanh niên nói cậu ấy làm việc ở Bộ công an, còn lấy thẻ đưa cho chúng tôi xem, tôi vừa nhìn là biết đúng là công an rồi, cậu ấy nói cậu ấy vì Pháp Luân Công nên đã bỏ việc, hiện tại vẫn sống bên ngoài. Còn nói hôm qua đã đến dưới cầu Phục Hưng Môn. Tôi không nghi ngờ gì, lúc đó nữ học viên kia gọi tôi cùng đi vệ sinh, tôi bèn đi cùng cô ấy. Cô ấy nghi ngờ cậu thanh niên kia là cảnh sát chìm, tôi nói chẳng phải là em trai cô sao? Cô ấy nói: “Em trai tôi ngồi ở kia kìa!” Tôi hỏi cô ấy làm sao nhận ra được (thanh niên kia là cảnh sát chìm). Cô ấy nói cô ấy đã bị thanh niên kia lừa lâu rồi, lấy đi của cô ấy 200 NDT, hơn nữa trong lúc nói chuyện còn gọi thẳng tên Sư phụ. Người này căn bản không phải là người tu luyện, bởi vì nói chuyện không giống cách một người tu luyện nói. Tôi nghe xong, cảm thấy rất giật mình, tôi nói vậy chúng ta mau mau quay lại, Tiểu Trương vẫn còn đứng cùng với thanh niên kia. Thế là chúng tôi bèn quay lại chỗ mấy chiếc ghế, nhưng đến nơi nhìn một lượt thì đã chẳng còn ai ở đây nữa.

Tôi bắt đầu lo lắng cho Tiểu Trương, bèn đi khắp nơi tìm cậu ấy, chẳng mấy chốc tôi tìm thấy Tiểu Trương ở chỗ băng ghế trong khóm cây tối mịt nhất, lúc ấy Tiểu Trương vẫn đang nói chuyện với cảnh sát chìm kia. Tôi kéo Tiểu Trương sang một bên nói: “Chúng ta đi thôi, anh ta là cảnh sát chìm.” Tiểu Trương điềm tĩnh nói: “Tôi biết, không sao đâu, tối nay tôi không đi nữa, ở với anh ấy để hồng Pháp cho anh ấy.” Tôi nghe xong bèn cùng với nữ đồng tu rời đi. Chúng tôi đến khắp nơi tìm chỗ trú, đã mấy giờ sáng rồi mà chưa tìm được. Chúng tôi bèn đi về hướng Tuyên Vũ Môn, gặp chỗ có biển quảng cáo lớn bên vệ đường bèn đi vòng ra phía sau tấm biển nằm nghỉ. Chỗ này có rất nhiều nước tiểu nhưng chúng tôi cũng chẳng buồn để ý nữa, chỉ lấy một tấm nhựa lót xuống để nằm. 4 giờ sáng chúng tôi dậy luyện công, đến 6 giờ bắt đầu lên đường, cảm thấy mới đi mấy bước đã tới nơi, cảm giác thật giống như là “Di niệm đáo nhãn tiền” (Hồng – Hồng Ngâm), chúng tôi vừa đi vừa nói chuyện rằng tối nay hai chúng tôi vẫn ở cùng nhau. Thế nhưng đến Tiền Môn, sau khi chúng tôi ăn xong, đang ngồi bên cột đèn tín hiệu giao thông dưới đường hầm, thì cô ấy đột nhiên nhìn thấy cha mình xuất hiện, ông đến Bắc Kinh tìm cô. Cô ấy bèn bước tới gặp cha, một lúc sau thì quay lại chỗ tôi, bảo chồng con cô ấy cũng đến cả rồi, tối nay không thể ở cùng tôi nữa.

Vậy là tôi tự mình đi tiếp, đến trước một tiệm ăn, tôi chợt nhìn thấy Tiểu Trương đang ăn cơm! Tôi qua hỏi thăm cậu ấy xem tình hình thế nào, cậu ấy nói không sao cả, hai người họ nói chuyện rất tốt, vậy là tôi yên tâm. Sau đó hai chúng tôi cùng đi tiếp, đi qua một cửa hàng đang bày bán, thì một người đàn ông vừa cao vừa to đến kéo tai Tiểu Trương, nhất định đòi cậu ấy mua đồ của ông ta. Tôi vừa nhìn thấy lập tức bước lên xông thẳng về phía người đàn ông và nói “Ông làm gì vậy! Mau buông tay ra!” Tôi kéo Tiểu Trương rời đi. Tôi an ủi cậu ấy rằng kiếp trước có thể cậu ấy nợ người đàn ông kia, nên giờ ông ấy tìm đến đòi nợ. Chúng tôi đi đến Phục Hưng Môn, tìm được một băng ghế ngồi nghỉ. Tôi lấy nước ở đó giặt chiếc áo bẩn, vừa lấy bánh xà bông chà được vài lượt thì có đồng tu chạy đến nói cảnh sát đã bao vây quanh các băng ghế ở Phục Hưng Môn rồi.

Tôi vừa nghe liền bỏ quần áo vào túi ni lông, mặc kệ bọt xà phòng vẫn chưa giũ sạch. Chúng tôi đi về hướng Bắc, tôi nói những người khác đang tiến về thành phố nên chúng ta không nên đi quá xa, tìm chỗ nào đó nghỉ lại một đêm rồi tính tiếp. Cậu ấy đồng ý, chúng tôi bèn đi mua chút đồ ăn. Tôi lấy tiền mua một cái bánh, Tiểu Trương ngồi bên cạnh không nói năng gì, mua về liền ăn. Lúc đó tôi thấy rất lạ, tôi đi cùng với người khác thì toàn là hai người giành nhau mua, giờ sao cậu ấy lại không nói gì nhỉ? Tôi nghĩ khẳng định là cậu ấy đã hết tiền, vậy nên tôi lấy ra 200NDT đưa cậu ấy, cậu ấy nhận rồi kể với tôi là cậu ấy lúc đi khỏi nhà là trốn đi để tránh bị bắt, túi đồ không kịp lấy đi, tiền bạc đều ở bên trong! Vốn là vẫn còn mấy chục tệ, thì hôm đó lại đưa cho viên cảnh sát chìm mất rồi. Chúng tôi đi đến tận 11 giờ đêm vẫn chưa tìm được chỗ trú, sau đó nhìn thấy bên đường có 2 chiếc xe tải đang đỗ, nhìn qua thấy chỗ bậc thềm bên vệ đường có thể nằm đủ hai người, chúng tôi bèn chuẩn bị trải báo ra nằm, thế nhưng mở báo ra mới thấy chỉ có hai tờ, trải cho một người nằm còn không đủ. Chúng tôi nghĩ đã hơn 11 giờ đêm rồi, mấy tiệm bán báo đều đã dọn hàng, đi tìm thứ gì khác vậy. Thế nhưng tìm đâu bây giờ? Chúng tôi nhìn thấy trước cửa một nhà nọ có rất nhiều thùng giấy, bèn thương lượng với họ để mua, thế nhưng họ không bán. Chẳng còn cách nào, chúng tôi đành đi ngược lại, tôi nhìn thấy có hai cái thùng các-tông trước cửa một quán ăn bèn lấy hay thùng các-tông ấy đem về, xong đâu đấy chúng tôi mới được ngủ, lúc đó đã hơn 12 giờ đêm.

(Còn tiếp)



Ngày đăng: 20-03-2021

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.