Trang chủ Right arrow Tu luyện Đại Pháp Right arrow Chia sẻ tu luyện

Tâm cầu may và tâm tham

12-07-2025

Tác giả: Đệ tử Đại Pháp Đại Lục

[ChanhKien.org]

Tôi tu luyện tính đến nay đã hơn mười năm rồi. Lúc mới bước vào tu luyện, có rất nhiều điều tôi không hiểu rõ, trong đó bao gồm cả về hình thức tu luyện, tu tâm tính như thế nào, ngộ ra sao. Vì vậy, chỉ cần ngộ ra được một chút gì đó, tôi sẽ cố gắng nỗ lực thực tu để có thể làm được. Khi ấy bản thân tôi có rất nhiều chỗ làm chưa tốt, đó là vì lý giải về Pháp của tôi còn nông cạn, hoặc chưa ngộ được cần phải thực hiện như thế nào.

Nhưng tình huống hiện nay của tôi không như vậy nữa, hoàn cảnh đã nới lỏng, bản thân tôi trở nên an dật, rất nhiều chỗ tôi thực hiện không tốt hoặc không làm được đều do lười biếng, phóng túng bản thân; chứ không phải do bản thân không nhận thức được, hoặc chưa hiểu rõ yêu cầu của Pháp lý. Có lúc biết rất rõ ràng mình đang làm sai nhưng tôi vẫn mắc lỗi, nói nhẹ là do bản thân không tinh tấn, ngộ tính kém, nói nghiêm trọng thì chính là bản thân tâm bất chính.

Dù tôi đã hiểu rất rõ ràng Pháp mà Sư Phụ giảng, nhưng lại không theo kịp tiến trình Chính Pháp. Đây đều do nhân tâm của tôi còn rất nặng, không trân quý cơ duyên tu luyện Chính Pháp, coi tu luyện như trò đùa con trẻ, cũng tương đương với việc coi sự an nguy của chúng sinh như một trò đùa. Đây là xét ở góc độ tổng thể. Vậy nên tôi muốn phân tích chi tiết rốt cuộc điều gì đang ngăn cản tôi tinh tấn.

Mấy ngày gần đây tôi dọn dẹp khu vườn nhỏ ở nhà, bề mặt khu vườn trông có vẻ như đã được san phẳng sạch sẽ, sau đó tôi trồng một ít rau cải lên đó. Tôi vốn nghĩ rằng rau cải sẽ sớm nảy mầm, nhưng không ngờ thứ đầu tiên mọc lên lại toàn là cỏ dại, mà loại cỏ dại này có rễ rất sâu. Khi xới đất tôi đã không loại bỏ hết rễ, phần rễ lộ lên bị cắt làm mấy đoạn, tôi cho rằng như vậy là chúng đã chết, nhưng bất ngờ là sau khi tưới nước nó lại ra rễ nảy mầm với tốc độ rất nhanh. Vậy là tôi ngay lập tức liên tưởng đến bản thân mình, liệu có phải tôi cũng có những thứ căn bản chưa loại bỏ đi không? Do đó, xem ra dường như trên bề mặt không còn gì, rất sạch sẽ, nhưng chỉ cần thời cơ tới là tro tàn lại cháy.

Tôi lại tiếp tục đào sâu hơn, vậy rốt cuộc bản thân còn những vấn đề gốc rễ căn bản nào vẫn chưa trừ bỏ đây?

Tôi suy đi nghĩ lại và thấy rằng đó chính là tâm lý cầu may. Đó là trong tu luyện muốn những thứ của Thần, mà không muốn vứt bỏ những thứ của con người, không muốn phó xuất nhiều, chỉ muốn đắc được nhiều. Tâm lý cầu may là chủng tâm vô cùng giảo hoạt, một loại trạng thái tâm lý mơ hồ, phức tạp. Biểu hiện của nó là trạng thái không muốn tuân thủ quy tắc, rất tùy tiện cẩu thả, dựa theo sở thích của bản thân mà tìm lý do từ trong Pháp để biện minh cho chấp trước của mình, đối đãi với việc tu luyện thần thánh nghiêm túc như những sự việc thông thường của người thường.

Tại sao lại nói rằng trạng thái không đúng đắn của bản thân là do tâm lý cầu may dẫn đến? Vì có rất nhiều sự việc không phải do bản thân không hiểu một cách rõ ràng minh bạch, cũng không phải là do không biết nên làm như thế nào, mà do bản thân tự mang tâm cầu may, cho rằng thỉnh thoảng phạm lỗi cũng không sao, nghĩ rằng có thể tha thứ cho bản thân. Điều này đã dẫn đến tâm thái bất thuần, vô cùng phức tạp, bởi vì trong tâm tôi đã thừa nhận trạng thái “lập lờ nước đôi” này, nên đã lưu lại không gian sinh tồn rất lớn cho tâm an dật, dục vọng, chấp trước. Đây cũng chính là nguyên nhân căn bản khiến tôi trì trệ mãi không thể xả tận chấp trước từ gốc rễ, cũng bởi vì từ trong tư tưởng tôi vốn đã không muốn vứt bỏ những thứ của con người cho thật kiền tịnh, luôn muốn ôm giữ lại một phần. Khi làm sai hoặc làm chưa tốt lại dùng tâm lý giảo hoạt trấn an bản thân bằng cách nói kiểu như: không sao đâu, có lẽ đó cũng không phải vấn đề lớn, mỗi lần may mắn thoát được lại khiến tâm cầu may của bản thân ngày càng lớn hơn.

Như vậy tâm lý cầu may này đến từ đâu? Nguyên nhân chính là xuất phát từ lòng tham của con người. Tôi nhớ ngày xưa thường có câu nói: “Thắt lưng quấn mười vạn quan tiền, cưỡi hạc xuống Dương Châu”. Đây là một biểu hiện điển hình về lòng tham không có giới hạn của con người, vừa muốn hưởng thụ tài phú chốn nhân gian, lại vừa muốn có được sự tự tại của Thần tiên. Kỳ thực điều đó là không thể, nhưng nó lại tồn tại trong tư tưởng của con người, làm cho những người có tâm thuật bất chính mơ tưởng viển vông, tự cho rằng bản thân mình ngôn ngoan hơn người khác, không ngờ rằng khôn quá lại bị chính cái khôn của mình làm hại.

Tu luyện Đại Pháp là nghiêm túc, nếu bản thân cứ mãi bị lợi ích và những cám dỗ trước mắt làm cho dao động không yên, thậm chí trong tư tưởng còn muốn bảo lưu những thứ đó, thì làm sao có thể trừ bỏ chúng cho thật kiền tịnh được? Vậy bản thân tu luyện vì điều gì? Rốt cuộc bản thân muốn đạt được điều gì? Lẽ nào cứ để mỗi ngày trôi qua theo kiểu tu luyện hình thức hời hợt bất thuần như thế này, cứ tiếp tục kéo dài như thế có được không? Câu trả lời tất nhiên là không thể được.

Tôi viết bài chia sẻ này vì tôi đã nhìn thấy tình trạng của bản thân mình vô cùng bất hảo, do vậy tôi tìm cơ hội để quy chính giải quyết chúng, đào sâu vào tận gốc rễ căn nguyên trong tư tưởng bản thân mình, tìm ra những nhân tố cản trở, gây chướng ngại tới sự tinh tấn của bản thân. Tôi cũng hy vọng từ nay trở về sau bản thân có thể vứt bỏ những thói quen xấu, thoát thai hoán cốt, có một bước đột phá thực chất trong tu luyện, thoát ra khỏi bản thân mình trước đây, tinh tấn tu luyện như thuở đầu.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/78475

Ban Biên Tập Chánh Kiến

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.

Loạt bài