Trang chủ Right arrow Tu luyện Đại Pháp Right arrow Chia sẻ tu luyện

Lại ngộ về tâm an dật

14-07-2025

Tác giả: Thuần Thanh

[ChanhKien.org]

Buổi sáng khi đánh răng rửa mặt tôi chợt nhớ đến câu thơ: “Liễu khước nhân tâm ác tự bại” (Hồng Ngâm II – Biệt Ai) của Sư phụ. Đúng vậy, tôi cứ mãi đi tìm cái chấp trước này, cái can nhiễu kia, xem là điều gì đang ngăn trở tôi thức dậy bước ra khỏi giường. Kỳ thực chẳng phải chính nhân tâm ấy đang tác quái đó sao: tâm tham luyến sự thoải mái của con người, thích hưởng thụ cảm giác dễ chịu của thân thể.

Lúc rửa mặt xong treo khăn lên lòng tôi còn đang mải nghĩ về phản hồi của một vị khách sau khi mua hàng: “Rất thích, rất thoải mái”. Kết quả là chiếc khăn trượt xuống rơi vào lavabo, làm tôi phải xả nước giặt lại lần nữa. Tôi chợt nhận ra: Sư phụ đang nhắc nhở tôi phải chú ý đến niệm đầu kia, đó chính là vấn đề hiện tại của tôi.

Tối qua khi đi ngủ, vì đã đổi sang loại chăn dày mùa đông, tôi cuộn cả người trong chiếc chăn ấm, bất giác cảm thấy rất thoải mái, rất hạnh phúc, dễ chịu. Nhưng ngay sau đó tôi lại nghĩ, nếu tôi cứ mê đắm cảm giác dễ chịu như thế, đến lúc phải dậy chẳng phải sẽ rất khó dứt ra sao? Thực tế đã chứng minh đúng là như vậy.

Cái tâm “thích thoải mái”, “hưởng thụ sự dễ chịu” càng mạnh thì lực cản khi tôi không được thoải mái lại càng lớn, tất cả đều là do tâm của chính mình tạo thành.

Từ nhỏ tôi đã sợ lạnh, sợ nóng, rất nhạy cảm với các cảm giác của cơ thể. Mùa hè chỉ cần hơi nóng một chút là tâm trạng bực bội khó chịu; mùa đông thì tay sợ lạnh, chân sợ rét, hễ trời đổ lạnh là cả người co rúm lại, chẳng còn chút tinh thần nào.

Tối qua khi tắm, vì phòng tắm rất lạnh nên tôi để nước chảy liên tục trong lúc xoa xà phòng, chỉ muốn tắm thật nhanh cho xong. Nhưng nghe tiếng nước ào ào chảy, tôi chợt nghĩ: mình là người tu luyện mà, rốt cuộc vẫn cảm thấy có gì đó không đúng. Đến một chút khổ thế này tôi cũng không muốn chịu đựng, chỉ một chút tâm cầu an dật thôi cũng buông không được thì làm sao có thể siêu thoát khỏi con người đây?

Muốn làm được chính niệm chính hành, mọi lúc mọi việc đều có thể thản đãng, ung dung, bình hòa như Thần thì nhất định phải buông bỏ những sở thích và truy cầu của con người.

Trong Pháp Sư phụ giảng:

“Người tại không gian khác có thể phiêu [đãng bay] lên, không có [trọng lượng] nặng nhẹ, mỹ diệu phi thường. Người thường chính là vì có cái thân thể này, nên xuất hiện một vấn đề: lạnh không chịu được, nóng không chịu được, khát không chịu được, đói không chịu được, mệt không chịu được, lại còn có sinh lão bệnh tử; thế nào thì chư vị cũng không thể thoải mái”. (Bài giảng thứ chín – Chuyển Pháp Luân)

Tôi ngộ ra rằng: sợ lạnh, sợ nóng, sợ đói, sợ khát, sợ mệt, đó chính là con người. Nếu không thể nhảy thoát khỏi những nỗi “sợ” này thì tôi sẽ không thể bước ra khỏi “con người”. Khi vượt quan, tiêu nghiệp, về cách đối đãi với trùng trùng những trạng thái “không chịu được” như vậy, thật ra Sư phụ trong Pháp đã chỉ rõ hết cho đệ tử:

“Khi gặp khó khăn kiếp nạn, hoặc khi vượt quan, chư vị hãy thử xem: khó Nhẫn, chư vị hãy cứ Nhẫn xem sao; thấy thật khó làm, nói là khó làm, chư vị cứ làm xem cuối cùng có làm được chăng. Nếu chư vị có thể thật sự thực hiện được như vậy, thì chư vị sẽ phát hiện rằng ‘liễu ám hoa minh hựu nhất thôn’!” (Bài giảng thứ chín – Chuyển Pháp Luân)

Một người tu luyện thì không nên thực sự xem những cảm giác như lạnh, nóng, khát, đói, mệt, khó chịu… là điều gì quá to tát, đến mức “không chịu nổi”. Nếu thật sự có thể nghiêm khắc yêu cầu bản thân, bước qua bằng chính niệm, thì nhất định có thể nhẫn chịu được, làm được.

Một chút thể ngộ cá nhân ở tầng thứ hiện tại, nếu có điều chi không đúng xin các đồng tu từ bi chỉ chính.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/69361

Ban Biên Tập Chánh Kiến

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.

Loạt bài