Nguồn gốc của trà (Phần 6): Trà dâng Chu Vũ



Tác giả: Thạch Phương Hành

Tiếp theo Phần 5

[ChanhKien.org] Trong những ghi chép về trà có thể tra cứu được trong sử sách hiện nay, những ghi chép vào thời kỳ nhà Chu có thể được coi là chính thống và chân thực:

Theo “Hoa Dương Quốc Chí – Ba Chí” ghi chép, sau khi Chu Vũ Vương Cơ dẫn quân nhà Chu và chư hầu chinh phạt Trụ Vương nhà Ân, liền phong một người họ hàng của ông ở lại làm vua nước Ba. Nước này có phạm vi lãnh thổ khá rộng lớn, phía đông đến Ngư Phù (nay là Thành Bạch Đế, huyện Phụng Tiết, Tứ Xuyên), phía tây đến Phần Đạo (nay là Tây Nam An Biên, Nghi Tân, Tứ Xuyên), phía bắc giáp Hán Trung (nay là phía nam Tần Lĩnh, Thiểm Tây), phía nam đến Kiềm Bồi (nay là Bồi Lăng, Tứ Xuyên). Ba Vương là chư hầu, lẽ đương nhiên phải cống nạp cho Chu Vũ Vương (Thiên tử). Trong “Ba Chí” có ghi lại một tờ “Cống đơn” như sau: Ngũ cốc lục súc, tơ tằm, đay, gai, cá, muối, đồng, sắt, sơn đỏ, trà, mật, linh quy, tê giác, gà rừng, chim trắng.

Đã là cống phẩm thì chắc chắn là thứ quý hiếm. Vậy mà trà mà Ba Vương dâng lên lại là thứ quý giá trong những thứ quý giá. Ở sau tờ “Cống đơn” này, “Ba Chí” còn ghi chú thêm: “Trong những thực vật quý, cây có cây vải, cải có cải cay, trong vườn có trà thơm”. Trà được dâng lên Chu Vũ Vương không phải là loại trà dại mọc trong núi sâu, mà là loại trà thơm trong vườn có người chuyên chăm bón.

“Hoa Dương Quốc Chí” là một trong những cuốn địa phương chí (cuốn sách ghi chép lịch sử, địa lý, con người ở một khu vực) đầu tiên tại Trung Quốc được bảo tồn cho đến ngày nay. Tác giả cuốn sách là Thường Cừ, người thời Đông Tấn, tự Đạo Tương, ở quận Thục, Giang Nguyên (nay thuộc phía đông nam Trùng Khánh, tỉnh Tứ Xuyên). Ông là một học giả uyên bác, ông đã thu thập những tư liệu về Tư Mã Thiên, ông căn cứ vào những tư liệu vô cùng phong phú để viết nên bộ sách với quy mô đồ sộ gồm 12 cuốn vào năm 355 trước công nguyên.

Trà cống phẩm này được Chu Vũ Vương dùng để thưởng thức, làm thuốc, và còn dùng làm gì nữa thì hiện nay chúng ta vẫn chưa biết. Nhưng trong cuốn “Chu Lễ”, chúng ta có thể biết trà còn có những công dụng khác. Trong “Chu Lễ – Địa Quan Tư Đồ” viết: “Chưởng đồ. Hạ sĩ nhị nhân, phủ nhất nhân, sử nhất nhân, đồ nhị thập nhân”. (Tạm dịch: Cai quản việc thu gom trà gồm: hạ sĩ 2 người, quan phủ 1 người, quan sử 1 người, binh lính 20 người) “Đồ” là từ cổ để chỉ “Trà”. Cai quản việc thu gom trà cần hơn 24 người để làm gì vậy? Cuốn sách này còn viết: “Chưởng đồ: Chưởng dùng lúc tụ đồ, dùng cung cấp tang sự; chinh dã sơ tài chi vật, mà đối đãi bang sự tình, phàm súc tụ chi vật” (Tạm dịch: Chưởng đồ cai quản việc thu gom trà đúng thời vụ để dùng cho việc tang lễ”. Hóa ra thời đó trà không chỉ dùng để giải khát, mà còn là đồ cúng tế không thể thiếu khi cử hành tang lễ quốc gia, vậy nên nhất thiết phải có người chuyên môn cai quản việc thu gom trà.

Ngoài ra, trong “Thượng Thư – Cố Mệnh” viết: “Vương (chỉ Thành Vương) tam túc, tam tế, tam sá (tức trà)”. Điều này cho thấy vào thời Chu Thành Vương thì trà đã được dùng thay rượu để thờ cúng.

Từ đó có thể thấy rằng, vào thời nhà Chu 3000 năm trước, trà đã có vị trí tương đối cao. Còn trong “Kinh Thi”, không có gì lạ khi chữ “Trà” nhiều lần xuất hiện trong những bài thơ như: “Cốc phong”, “Tang nhu”, “Diều hâu”, “Lương tự”, “Xuất kỳ đông môn” v.v.

Viết đến đây, tôi nhớ đến một câu chuyện khác được lưu truyền từ xa xưa về việc Thần Nông phát hiện ra trà: chuyện kể rằng Thần Nông có chiếc bụng bằng pha lê, từ bên ngoài quan sát có thể thấy thức ăn đang vận chuyển trong ruột. Khi nếm thử trà, ông phát hiện trà chảy khắp nơi trong dạ dày, giống như những binh lính lùng sục, kiểm tra khắp nơi, rửa sạch dạ dày, vì vậy Thần Nông gọi loài cây này là “Tra”, sau chuyển thành chữ “Trà”, từ đó mà “Trà” ra đời.

Câu chuyện này chắc hẳn do người đời sau hư cấu nên. Nguyên nhân rất đơn giản: theo nghiên cứu, tìm hiểu của học giả Cố Viêm Vũ đời nhà Thanh, hình dạng, âm đọc, ý nghĩa của chữ Trà xuất hiện sau thời nhà Đường. Còn Lục Vũ khi viết “Trà Kinh”, cuốn sách viết về trà đầu tiên trên thế giới, do phần đông mọi người đều lưu truyền cách gọi “Trà” nên đã thống nhất viết thành chữ Trà, đây có thể coi là một đóng góp quan trọng của Lục Vũ.

Đương nhiên, có thể thấy rằng từ thời Tiên Tần đến đời nhà Đường, âm đọc, hình dạng và ý nghĩa của chữ Trà chưa được định hình, kỳ thực hình dạng chữ “Trà” sớm đã xuất hiện vào thời nhà Hán. Về sau, trong “Quảng Nhã” của Trương Tập thời Tam Quốc, “Tam Quốc Chí – Vi Diệu Truyền” của Trần Thọ thời Tây Tấn, “Bác Vật Chí” của Trương Hoa thời Tấn cũng đã xuất hiện chữ “Trà”.

Từ những tư liệu trên có thể khẳng định, dù thế nào thì âm đọc và ý nghĩa của chữ “Trà” không thể có từ thời đại Thần Nông, vậy thì “Tra” chuyển thành “Trà” như thế nào được? Vậy nên tôi mới nói rằng câu chuyện Thần Nông gọi loại thực vật này là “Tra” là do người đời sau thêu dệt nên chứ không phải sự thực.

Kỳ thực, từ góc độ tôn kính tổ tiên mà nói, việc dựng nên câu chuyện này có ý không tôn kính. Nhưng người đời sau lại không ý thức được sự “không tôn kính” này, lại còn cho rằng đang tô điểm, thần thoại hóa tổ tiên. Trong mấy nghìn năm lịch sử, những sự việc như vậy xuất hiện nhiều vô kể, sự thật của lịch sử đều đã bị che giấu.

Sự thật lịch sử là để lưu lại kinh nghiệm và tấm gương cho người đời sau. Khi lịch sử bị thay đổi có chủ ý hoặc vô ý, qua thời gian sẽ khiến người ta hiểu lầm, những thứ giả ngày càng nhiều khiến lịch sử ngày càng mất đi vai trò là tấm gương để người đời sau tham chiếu, như vậy sẽ gây ra sự hỗn loạn trong quá trình truyền thừa văn hóa, dẫn dắt người đời sau theo con đường sai lầm.

Do đó, loạt bài này cố gắng khôi phục lại lịch sử chân thực qua những tư liệu về trà. Trong quá trình tìm kiếm tư liệu, phân tích kỹ lưỡng đâu là “câu chuyện”, đâu là những ghi chép chân thực, chúng tôi hi vọng mang đến cho độc giả cái nhìn chân thực từ nhiều phương diện về sự phát triển của trà và văn hóa trà.

Xem tiếp Phần 7

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/245111



Ngày đăng: 21-05-2019

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.